Ảnh minh họa.
Nhà Trần xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng
Nhà Trần thay nhà Lý cai quản đất nước: một mặt, nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, xã hội, xây dựng chính quyền mới; mặt khác, tổ chức lại quân đội, củng cố quốc phòng.
Quân đội nhà Trần gồm có cấm quân và quân ở các lộ. Cấm quân là đạo quân bảo vệ kinh thành, triều đình, nhà vua.
Cấm quân được tuyến chọn từ những trai tráng khoẻ mạnh ở quê hương nhà Trần (Tức Mặc, Nam Định). Quân các lộ ở đồng bằng gọi là chính binh, ở miền núi gọi là phiên binh.
Ở các làng xã, có hương binh. Khi có chiến tranh, còn có quân đội của các vương hầu.
Quân đội nhà Trần được tuyển dụng theo chính sách "ngụ binh ư nông" và theo chủ trương: "Quân lính cốt tính nhuệ, không cốt đông", xây dựng tinh thần đoàn kết trong quân đội.
"Khi trong nước không có việc thì cho quân lính về làm ruộng; khi có việc chinh chiến, thì hết thảy mọi người dân đều là quân lính. Thế quân cường thịnh... ", theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Quân đội nhà Trần được học tập binh pháp và luyện tập võ nghệ thường xuyên.
Nhà Trần còn cử nhiều tướng giỏi cầm quân đóng giữ các vị trí hiểm yếu, nhất là vùng biên giới phía bắc. Vua Trần thường đi tuần tra việc phòng bị ở các nơi này.
Phục hồi và phát triển kinh tế
Để ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, nhà Trần đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.
Về nông nghiệp, nhà Trần đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang, mở rộng diện tích sản xuất, đắp đê phòng lụt, đào sông, nạo vét kênh.
Nhà vua hạ lệnh cho các lộ đắp đê từ đầu nguồn đến cửa biển để đề phòng nước sông lên to, gọi là đê Đỉnh nhĩ; đặt chức Hà đê sứ để trông coi, đốc thúc việc đắp đê; chỗ nào đắp vào ruộng đất của dân sẽ tính trả tiền lại.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi:
"Năm 1266, nhà Trần cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập những người phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì đề khai khẩn ruộng hoang, lập điền trang. Vương hầu có điền trang từ đây".
Nông đân được nhà nước quan tâm, cố gắng tích cực cày cấy, nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi và phát triển.
Về thủ công nghiệp, các xưởng thủ công nhà nước chuyên sản xuất đồ gốm, dệt và chế tạo vũ khí. Thủ công nghiệp trong nhân dân có nhiều ngành, nghề như đúc đồng, làm giấy, khắc ván in...
Ở các làng xã, chợ mọc lên ngày càng nhiều. Ở kinh thành Thăng Long, bên cạnh Hoàng thành, đã có 61 phường.
Các cửa biển Hội Thống (Hà Tĩnh), Hội Triều (Thanh Hoá), Vân Đồn (Quảng Ninh)... là nơi buôn bán tấp nập với thương nhân nước ngoài.
An Nam tức sự có đoạn: "Thuyền bè nước ngoài đến tụ hội ở đây (Hội Thống, Vân Đồn), mở chợ ngay trên thuyền. Cảnh buôn bán thật là thịnh vượng".
PV (Tri Thức Trẻ)