Trên đất Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) có một ngôi miếu nhỏ và cũng là duy nhất mang tên Miếu Bà, còn gọi là An Sơn Miếu, hay miếu thờ bà Phi Yến. Nguồn gốc ngôi miếu này gắn với giai thoại lưu truyền trong dân gian (theo giới thiệu trong các ấn phẩm quảng bá về Côn Đảo) nói về việc Nguyễn Ánh tuyệt tình, tống giam vợ, ném con xuống biển, trong thời gian ông trốn chạy quân Tây Sơn, lưu trú tại đây.
Trong cuốn Theo dòng triều Nguyễn (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018), tác giả Tôn Thất Thọ cho rằng những thông tin giải thích theo lối "giả tưởng" gắn với tính cách mà người đời suy xét ở Nguyễn Ánh như trên là không đáng tin. Ông đã dẫn nhiều tư liệu có độ xác tín cao và những thông tin được giải nghĩa trong cổ thư Việt Nam phong sử để bác lại những thông tin chưa đúng đắn này.
Có phải Nguyễn Ánh giam vợ, ném con xuống biển?
Theo giai thoại, năm 1783, sau khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh mang vợ, con cùng đoàn tùy tùng chạy ra đảo Côn Sơn (Côn Đảo). Tại đây, ông đã lập nên 3 làng là: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Để đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là hoàng tử Cảnh đi theo cố đạo Bá Ða Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng, đừng làm việc "cõng rắn cắn gà nhà" để người đời chê trách. Nguyễn Ánh không những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận, nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn, nên định giết bà.
Chân dung Nguyễn Ánh trong thời gian lưu lạc ở Xiêm La. Nguồn: VTC
Nhờ quần thần can xin, Nguyễn Ánh đã tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ, về sau núi đó được đặt tên là hòn Bà. Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển. Hoàng tử Cải (còn gọi là hoàng tử Hội An), con bà Phi Yến lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận và nghĩ rằng bụng dạ Cải rồi cũng như mẹ nó nên Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải đã trôi vào bãi biển Cỏ Ống, được dân làng chôn cất tử tế. Bà Phi Yến sau đó được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về sống với dân làng. Một lần, sau khi bị một kẻ xấu xúc phạm bà đã tự tử để thủ tiết với chồng. Nhân dân trên đảo vô cùng thương tiếc bà và đã lập nên ngôi miếu để thờ bà. Từ truyện tích trên mà người Nam Bộ có câu ca: "Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay".
Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả Nguyễn Ánh có tất thảy 21 bà vợ, 13 hoàng tử, 18 hoàng nữ, thế nhưng không có bà nào tên là Răm và người con nào tên Cải (Hội An). Mặt khác Nguyễn Ánh sinh năm Nhâm Ngọ (1762), năm Ất Mùi (1775) ông theo chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) chạy vào Nam trước sự truy đuổi của quân Trịnh, lúc ấy ông mới chỉ là một câu bé 13 tuổi. Không có tư liệu nào nói Nguyễn Ánh có đem theo một bà vợ khi chạy trốn cả. Trong thời gian bôn đào, ông chưa ban thụy cho ai, lý do là ông chưa phải là vua, vì thế sẽ không có chuyện ông đã ban tên thụy bà Phi Yến cho bà Răm được.
Miếu Bà, còn gọi là An Sơn Miếu, hay Miếu thờ bà Phi Yến ở Côn Đảo. Ảnh: Minh Châu
Bài "Miếu Bà thờ ai" tác giả Đinh Văn Hạnh đăng trên Tạp chí Xưa và Nay cho biết, các nhà viết sử nhà Nguyễn chép lại sự kiện Nguyễn Ánh đến tá túc tại Côn Đảo, nhưng lại ghi thêm là "chỉ nghe kể chép lại". Do vậy, tác giả cho rằng Nguyễn Ánh chưa từng đặt chân lên Côn Đảo và giai thoại lưu truyền trong dân gian trên là một sự kiện không có thật.
Ý nghĩa thật của câu ca được cho là từ truyện tích trên
Về ý nghĩa câu ca được cho là xuất phát từ giai thoại/truyện tích trên, cuốn cổ thư Việt Nam phong sử, công trình sưu tầm và biên soạn đầu tiên về phong dao trong dân gian có một giải thích hoàn toàn khác. Tác giả cuốn cổ thư này là cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại (1852 - ?), tự Tiểu Cao, người Quảng Điền, Thừa Thiên. Theo chia sẻ trong lời bạt cuốn cổ thư, cụ Mại cho biết mình có ý định làm cuốn sách này từ hồi còn dạy ở Quốc học và trước khi được bổ vào chức Thị Lang Bộ Học (năm 1912). Tuy nhiên, phải đến khi cụ được bổ vào chức Bố Chánh sứ tỉnh Thanh Hóa thì việc biên soạn mới được thực hiện. Cuốn cổ thư hoàn thành vào năm 1914, gồm 100 thiên (câu) ca dao cổ có từ triều Nguyễn trở về trước, được xếp theo các thể phú, tỷ, hứng. Nội dung nói về việc hưng suy của các đời, việc giỏi dở của nhân vật lịch sử qua chính phong tục của nhân dân.
Theo cụ Mại, lịch sử ngụ trong phong dao và ta có thể tìm những điều còn khuyết thiếu trong quốc sử từ phong tục của nhân dân. Tuy nhiên, những câu ca dao cổ sưu tầm trong cuốn cổ thư có nhiều câu rất quen thuộc, nhưng không phải ai cũng nắm được nguồn tích (tính tình, lịch sử) ngụ trong đó. Ví dụ như câu: "Đường vô xứ Nghệ rành rành/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ". Câu phong dao này chỉ quyết định đưa quân vào Nghệ An của Lê Lợi năm 1424. Quyết định này đã tạo ra một bước ngoặt về chiến thuật trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ở trong thì Lê Lợi vỗ yên đất Thuận Quảng, ở ngoài thì chống quân Minh và không đầy 20 năm sau ông trở thành hoàng đế của nước Nam độc lập. Hay như câu "Rủ nhau đi gánh nước thuyền, Quang đứt chỉnh vỡ gánh liền xuống sông". Quang là dóng làm băng dây (mây) để gánh. Chỉnh là cái vò bằng đất. Gánh là cây đòn gánh bằng tre. Câu phong dao này cũng là nói về nhà Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn đắc chí, bậc hiền sĩ không vui được dùng, thấy người ta xu phụ theo quyền thế cho nên lấy việc gánh nước mà ví sánh… Quang ám chỉ vua Quang Trung. Chỉnh ám chỉ Nguyễn Hữu Chỉnh. Gánh ám chỉ vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn. Câu phong dao này cũng ám chỉ rằng nhà Tây Sơn sắp mất…
Sách Việt Nam phong sử, NXB Lao động, 2004.
Trở lại câu ca Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay" cổ thư Việt Nam phong sử giải thích như sau: Cải, rau cải có thể làm dưa, tháng mùa Đông bắt đầu gieo hột mà trồng. Trời, Thiên triều, triều Thanh bên Tàu. Răm, rau có vị cay, mọc ở chỗ đất thấp. Theo sử ký, Nguyễn Thị Kim, người làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài là cung phi của vua Lê Chiêu Thống. Lúc ấy quân Tây Sơn chiếm thành Thăng Long, vua cùng hoàng thái hậu và các cung phi chạy lên Cao Bằng nếm bao nỗi đắng cay. Đến khi Chiêu Thống sai người cầu cứu nhà Thanh thì trước hết bí mật khiến người hộ tống thái hậu và con trai trưởng sang Tàu. Còn cung phi Nguyễn Thị Kim đi theo không kịp, phải buồn hận trở về âm thầm ẩn tránh trong dân gian, lo việc làm ruộng, nuôi tằm, dệt vải bằng sức lực của mình. Ngày xưa sống với phấn sáp cung trang, ngày nay trở thành đàn bà quê với áo vải thoa gai, vua thì chạy, nước thì mất, nỗi đắng cay không xiết được, cho nên làm thơ phong dao để tự ví mình.
Cải là thứ rau có vị đắng ví với thái hậu. Rau răm cũng có vị đắng ví với cung phi. Nói thái hậu đi xa sang thiên triều chưa biết cam khổ ra sao. Một mình cung phi ở lại trong đất giặc đóng phải chịu nhiều những nỗi cay đắng ấy. Về sau vua Chiêu Thống ở Yên Kinh bị bệnh mà chết. Triều Nguyễn đã xin nhà Thanh đưa linh cữu vua về nước. Cung phi Nguyễn Thị Kim đến trước linh cữu lạy khóc rồi uống thuốc độc chết.
Như vậy, ý nghĩa câu phong dao trên là chỉ nỗi đắng cay của một cung phi của vua Lê Chiêu Thống chứ không phải là câu chuyện bi thương của mẹ con bà Răm như lưu truyền trên.
THEO DANVIET