Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải – nhà ngoại giao xuất sắc, võ tướng tài ba

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải là một đại thần thanh liêm cương trực, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà ngoại giao xuất sắc, một võ tướng hiển hách.

 

Trần Quang Khải (1241-1294) là danh tướng thời nhà Trần. Ông là con thứ ba vua Trần Thái Tông và Hoàng hậu Thuận Thiên, em trai vua Trần Thánh Tông.

Thuở nhỏ Trần Quang Khải rất chăm học, võ giỏi, làm thơ hay nên rất được vua cha yêu mến. 

Khi Trần Quang Khải lên bảy tuổi, triều đình mở khoa thi Đinh Mùi (1247). Đây là một khoa thi rất lạ, kết quả khoa thi hết sức đặc biệt mà một nghìn năm khoa cử Nho giáo Việt Nam không lặp lại, bởi đứng đầu Tam khôi lần này là Trạng nguyên Nguyễn Hiền mới 13 tuổi, thứ đến Bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi.  

Bảng nhãn Lê Văn Hưu được vua Trần giữ lại trong cung để dạy dỗ hoàng tử Khải. Nhờ những kiến thức uyên bác của Lê Văn Hưu cộng với sự say mê học hỏi và tư chất thông minh nên Trần Quang Khải được trang bị đầy đủ kiến thức về văn chương lẫn võ bị binh thư. 

Đặc biệt ông được thầy truyền dạy về lịch sử anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.      

Có lần Trần Quang Khải hỏi thầy có cách gì để nước nhỏ chống được sự thôn tính của nước lớn hơn, Lê Văn Hưu trả lời rằng, khi vua quan đồng lòng, nhân dân đoàn kết một chí giết giặc thì kẻ địch nào cũng bị đánh bại. Lời dạy của thầy đã mãi khắc ghi vào tâm trí của vị hoàng tử trẻ.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (Ảnh minh họa: vov2.vov.vn).

Năm 1258, Trần Quang Khải được phong là Chiêu Minh Đại Vương khi mới 17 tuổi và bấy giờ đất nước ta đang đối mặt với nạn ngoại xâm Mông Cổ. 

Thời điểm này quân Mông Cổ đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Á sang Âu rồi tràn xuống phía nam chiếm đất Đại Lý (nay thuộc Vân Nam, Trung Quốc).

Trần Quang Khải lúc đó chưa được nắm việc quân mà được triều đình cử ra thay mặt nhà vua tiếp và ứng đối với sứ thần Mông Cổ.

Đứng trước một cuộc chiến tranh ác liệt sắp xảy ra không thể tránh khỏi, nhà Trần đã chủ động tăng cường về các mặt quân sự, chính trị, thường xuyên theo dõi và nắm tình hình địch.

Lấy cớ là mượn đường để sang đánh Ung Châu, Quế Châu của Trung Quốc, chủ tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Uriangkhadai) cho sứ sang nước ta đòi triều đình nhà Trần phải để cho quân của y vào Đại Việt. 

Quân Mông Cổ vốn quen ỷ vào sức mạnh áp đảo, thường dùng đe dọa ngoại giao kết hợp với tiến công quân sự để lấy thành, cướp nước của người. 

Vua Trần và quân dân Đại Việt không khuất phục. Vua Trần Thái Tông hạ lệnh tống giam sứ giặc không cho về. 

Cuối năm 1257, nhà vua xuống chiếu điều quân lên bố phòng ở biên giới Tây Bắc, lệnh cho cả nước sắm sửa vũ khí, chuẩn bị kháng chiến.

Với sự chuẩn bị tích cực cùng tinh thần kiên quyết chống quân xâm lược, nhà Trần và quân dân Đại Việt đã chủ động từng bước sẵn sàng kháng chiến chống quân Mông Cổ.

Cuối năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai hùng hổ đưa quân vượt biên giới đánh sang Đại Việt.

Căn cứ vào tình hình thực tế, triều đình nhà Trần quyết định để cho giặc tiến vào nội địa nước ta. 

Trên đường từ biên giới tới Thăng Long, quân ta sẽ đánh tiêu hao, nhân dân thì làm vườn không nhà trống, không cho giặc giết người cướp của trên đường chúng hành quân và kinh thành Thăng Long phải triệt để sơ tán. 

Sau gần một tháng đưa quân vào Đại Việt, hành binh, tác chiến liên miên, binh lực tiêu hao, người ngựa quân Mông Cổ mệt mỏi, lương thảo thiếu thốn, cộng thêm không nắm được tình hình và ý định hành động của ta, quân địch nao núng tinh thần.

Đêm ngày 28 rạng 29/1/1258, quân dân nhà Trần tổ chức trận tập kích chiến lược Đông Bộ Đầu và giành thắng lợi, buộc quân Mông Cổ phải tháo chạy khỏi Thăng Long.

Chiến thắng của dân tộc ta thời Trần (1258) là thắng lợi hiển hách đầu tiên của những nước bị đế quốc Mông Cổ xâm lược. 

Với tinh thần kiên quyết giữ vững chủ quyền và lãnh thổ đất nước, nhưng lại rất linh hoạt (không thể tránh được cuộc chiến tranh) trong sách lược ngoại giao, kéo dài thời gian để quân ta chuẩn bị kháng chiến được tốt hơn, Trần Quang Khải đã hoàn thành được trọng trách của mình trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch và công tác ngoại giao cũng vô cùng phức tạp, gay cấn. 

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – vị Đại tướng ham học và trọng dụng nhân tài

Năm 1261, Trần Quang Khải được phong Thái úy. Việc ông được giữ trọng trách triều chính đã khẳng định tài năng thực sự của ông. 

Năm Bính Dần (1266), ông được triều đình tín cẩn cử vào cai quản vùng đất Hoan - Diễn (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). 

Đây là vùng đất phên dậu, xưa nay được coi là cứ địa trọng yếu của Đại Việt, lại thường bị quân đội ngoại bang quấy rối. 

Ở xa kinh thành, hàng ngày ngoài công việc nơi phủ đệ, Trần Quang Khải còn xuống tận các phiên trấn, tiếp xúc với nhân dân trong đó có rất nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số, tìm hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, sinh hoạt của họ để cai quản, ứng xử được chu tất hơn. 

Sử cũ cho hay vì thế ông đã thông thạo ngôn ngữ của khá nhiều dân tộc anh em, được dân chúng mến mộ.

Sử cũ cũng viết, tháng 4 năm Bính Dần (1266), triều đình mở khoa thi để chọn Tam khôi. Trong kỳ thi này, người đất Nghệ An có Bạch Liên đỗ Trạng nguyên. Bạch Liên là người thông tuệ, uyên bác, đọc hàng trăm trang sách chỉ qua một lần là nhớ hết. 

Tuy vậy, Bạch Liên không chịu ra làm quan mà về quê ở ẩn. Trần Quang Khải trân trọng mời Bạch Liên vào dinh làm môn khách, hai người thường đàm đạo với nhau rất tâm đắc. 

Tháng 3 năm Tân Mùi (1271), Trần Quang Khải được phong là Tướng quốc Thái úy, trở lại kinh thành nắm giữ trọng trách. 

Lúc đó trong nước thiên tai lũ lụt, nạn đói hoành hành. Ở biên giới phía Bắc, quân Mông - Nguyên đang chuẩn bị lăm le xâm lược nước ta lần thứ hai. Nơi biên giới phía Nam vùng châu Bố Chính (Quảng Trị - Thừa Thiên ngày nay), các phiên trấn nổi loạn.

Vua Trần lúc này là Thánh Tông thân chinh dẫn đại quân đi dẹp loạn ở biên giới phía Nam, chọn Tướng quốc Thái úy Trần Quang Khải đi theo để giúp việc ổn định vùng châu Bố Chính, vì ông thông hiểu ngôn ngữ các phiên tộc.

Năm 1278, vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Khâm. Trần Khâm lên ngôi lấy hiệu là Nhân Tông hoàng đế giữa lúc Hốt Tất Liệt (Khubilai) đã diệt xong nhà Nam Tống, hình thành đế quốc Nguyên - Mông rộng lớn. 

Lúc này quan hệ bang giao giữa Đại Việt và nhà Nguyên ngày một xấu dần do quân Nguyên muốn thôn tính Đại Việt.

Mượn cớ vua Trần không sang chầu, tháng 10/1278 vua Nguyên là Hốt Tất Liệt cử một sứ bộ gồm bốn viên đại quan do Sài Thung, Thượng thư bộ Lễ làm Chánh sứ sang Đại Việt để răn đe và nghe ngóng tình hình để chuẩn bị cho việc đánh chiếm. 

Đầu tháng 1/1279, sứ bộ nhà Nguyên đến trại Vĩnh Bình. Triều đình nhà Trần đã cho viên quan Đỗ Quốc Kế lên tận biên giới để đón Sài Thung, cử Tướng quốc Trần Quang Khải ra tận bờ sông Hồng để đón tiếp, đưa sứ bộ về sứ quán. 

Trong buổi đón tiếp, Sài Thung đọc chiếu của vua Nguyên là Hốt Tất Liệt, lời lẽ chiếu thư rất trịch thượng, đòi vua Trần đích thân sang chầu. 

Khi vua Trần đặt tiệc ở hành lang cung điện thì Sài Thung không đến dự. Để giữ hòa khí, vua Trần tổ chức tiệc ở điện Tập Hiền. 

Nhà vua đã tin tưởng giao cho Trần Quang Khải tiếp đoàn sứ bộ nhà Nguyên. Trước một Sài Thung ngạo mạn, mưu mô xảo quyệt và hách dịch, Trần Quang Khải với lời lẽ mềm dẻo, thái độ ứng xử khôn khéo đã từng bước bác bỏ nhiều yêu sách ngang ngược của sứ thần nhà Nguyên, làm cho Sài Thung không thể bắt bẻ, tìm cớ gây hấn với Đại Việt.

Vua Trần muốn kéo dài thời gian hòa hoãn, nên đã cho người chú họ là Trần Di Ái cùng một số quan chức thay mặt vua sang chầu nhà Nguyên. 

Phái đoàn Sài Thung muốn bắt vua Trần sang chầu để giữ làm con tin, hòng khống chế nhà Trần nhưng không được, đành hậm hực bỏ về. 

Trần Quang Khải đã tổ chức tiễn đưa trọng thể để giữ bang giao. Ông đã làm thơ tặng sứ bộ nhà Thanh:

Cảm chúc tứ hiền quân phiếm ái

Hảo vi dực noãn Việt thường sinh

Nghĩa là: Dám mong bốn ông bạn hiền có lòng yêu mến rộng rãi. Hãy vì thương sinh linh nước Việt mà che chở.

Riêng với chánh sứ Sài Thung, Trần Quang Khải đã làm một bài thơ đề tặng:

Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288

Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh

Tống quân quy khứ độc bàng hoàng

Mã thủ xâm xâm chỉ đế hương

Nam, Bắc tâm tình huyền phàn bái

Chủ, tân đạo vị phiếm ly tràng

Nhất đàm tiếu cảnh ta phân duệ

Cộng xướng thù gian tịch đối sàng

Vị thẩm hà thời trùng dịch diện

Ân cần ác thủ tự huyền lương.

Dịch thơ:

Ông về tôi tiễn dạ không yên

Hướng cũ xăm xăm ngựa ruổi liền

Nam, Bắc tin theo cờ sứ cuốn

Khách - nhà ly biệt rượu đầy thêm

Nói cười chốc đã chia đôi ngả

Xướng họa giường kê trống một bên

Chẳng biết bao giờ còn gặp lại

Cầm tay trao đổi chuyện hàn huyên.

Cuối năm Tân Tỵ (1281), vua Nguyên lại cử Sài Thung sang Đại Việt lần thứ hai. Mượn cớ vua Trần không sang chầu, vua Nguyên đã phong cho Trần Di Ái làm "An Nam quốc vương", cử Sài Thung làm "An Nam tuyên úy đô nguyên súy", đặt nước ta làm "An Nam tuyên úy ty", rồi đem một nghìn quân hộ tống Trần Di Ái về nước. 

Trước âm mưu thâm độc của quân thù, vua Trần nhận thấy Trần Quang Khải là người có khả năng ứng phó nên đã giao trọng trách ngoại giao cho ông để toàn quyền đối phó với Sài Thung. Trần Quang Khải đã tìm được kế sách ứng phó. 

Khi biết tin Sài Thung hộ tống Di Ái tới biên giới, ông cho quân phòng vệ cải trang thành đủ các hạng bách tính, bất ngờ đánh úp đội quân hộ tống Di Ái vào lúc chúng vừa hạ trại ở biên giới.

Cuộc đụng độ xảy ra trong đêm tối làm tan rã đội quân vừa chân ướt, chân ráo tới hạ trại ở vùng địa đầu đất Việt mà vẫn không phạm tới "Tuyên úy ty" của Sài Thung.

Không bắt được Trần Di Ái, nhưng trong đám loạn thây của giặc cũng không tìm thấy thi hài Di Ái. 

Bọn giặc tập hợp lại, Sài Thung không dám bỏ về để hứng chịu tai ương hỏng việc, cố tìm cách vớt vát nên vẫn mò tới Thăng Long. 

Trần Quang Khải chuẩn bị đón tiếp, nhưng Sài Thung cứ dong ngựa thẳng tới cửa Dương Minh, dùng roi ngựa đánh lính canh, rồi phóng ngựa thẳng tới sân điện Tập Hiền, nhưng ở đó không có ai, y đành nghênh ngáo ở thềm điện.

Trước những biện pháp vừa mềm dẻo vừa cứng rắn của Trần Quang Khải, sứ giặc Sài Thung đành hậm hực lui về sứ quán. 

Danh tướng Trần Khánh Dư với chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288

Trần Quang Khải lại đến tận sứ quán để tiếp, làm cho sứ Nguyên lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. 

Hai lần thất bại trước vua tôi nhà Trần trong việc thực hiện âm mưu thâm độc thôn tính Đại Việt đã làm cho vua Nguyên rất tức giận. 

Quan hệ bang giao giữa Đại Việt và nhà Nguyên đã đến lúc không thể hòa hoãn được nữa.

Biết không thể tránh được cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên, để tránh sự nhòm ngó của sứ bộ nhà Nguyên, vua tôi nhà Trần cùng các tướng lĩnh đã ra Bình Than (Hải Dương) họp hội nghị quân sự vào tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1282) để bàn quyết sách chống xâm lược.

Do tài năng và những công lao của Trần Quang Khải trong việc kéo dài thời gian hòa hoãn, tạo thêm điều kiện chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, vua Trần đã phong cho Trần Quang Khải chức Thượng tướng Thái sư là người đứng đầu triều nắm giữ binh quyền văn võ Đại Việt.

Trong hoàng tộc nhà Trần, giữa hai nhân tài Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn, từ trước có mối bất hòa, nhưng nay trước nguy cơ mất nước, hai ông đã chủ động xóa bỏ hiềm khích, cùng đoàn kết phụng sự đất nước.

Tháng 10/1283, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã chủ động tâu trình nhà vua trao quyền chỉ huy quân đội cho Trần Quốc Tuấn.

Vua Trần đã phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chức Quốc công Tiết chế để thống lĩnh quân dân Đại Việt.

Đầu năm 1285, năm mươi vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tiến vào nước ta bằng hai hướng: Hướng thứ nhất từ phía Bắc đánh xuống do chính Thoát Hoan chỉ huy; hướng thứ hai từ đất Chiêm Thành đánh ra do Toa Đô chỉ huy.

Đất nước lâm vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng dưới sự lãnh đạo của vua Trần, Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải cùng các tướng lĩnh khác, quân dân Đại Việt đã anh dũng, kiên cường chiến đấu chống quân xâm lược. 

Ngày 7/5/1285, khi Toa Đô tiến ra Thanh Hóa thì Trần Quang Khải được Phạm Ngũ Lão giúp sức đã chặn được bước tiến của giặc. 

Quân Trần do ông chỉ huy đã đánh lui quân của Toa Đô và Ô Mã Nhi khiến cho chúng muốn rút ra biển cũng không được mà tiến ra Bắc cũng không xong, đành đóng quân ở Trường Yên.

Sau khi chặn được quân địch ở các hướng, nhận thấy thời cơ đã đến, Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn đã tổ chức tấn công.

Quân ta từ Thanh Hóa vượt biển qua các điểm đóng chốt của Toa Đô tiến ra phòng tuyến phía bắc của Thoát Hoan ở sông Hồng.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân đánh chiếm A Lỗ làm cho quân Nguyên mất hết nhuệ khí.

Tiếp đó, chiến thắng Hàm Tử do danh tướng Trần Nhật Duật chỉ huy và người giữ vai trò hiệp đồng tác chiến  một cách rất tích cực, linh hoạt là Thái sư Trần Quang Khải. 

Sau đó, dưới sự chỉ huy đầy thao lược của Thái sư Trần Quang Khải, quân ta đã đánh tan giặc ở Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội). 

Chiến thắng Chương Dương có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vì nó đã tiêu diệt một cứ điểm trọng yếu cuối cùng của giặc ở cửa ngõ phía nam Kinh thành, tạo thuận lợi cho việc giải phóng Thăng Long. 

Quân ta từ các nơi tiến về Thăng Long, tướng giặc Toa Đô bị tử trận, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn lên biên giới, quân giặc bị quét sạch ra khỏi bờ cõi. 

Trong chuyến phò giá vua về kinh, cảm kích trước chiến thắng hào hùng của dân tộc, Trần Quang Khải đã xúc cảm làm bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" bất hủ:

Trận Đông Bộ Đầu - Chiến công hiển hách của quân dân ta thời nhà Trần

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san.

Dịch thơ:

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), Thái sư Trần Quang Khải được theo hầu cận Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. 

Ông vừa lo công việc bảo vệ Thượng hoàng và vua, vừa tham mưu cho bộ chỉ huy vạch kế hoạch chống giặc. 

Ông cũng nhiều lần cầm quân giáp trận, góp nhiều công sức trong trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Sau chiến tranh, ông xin về tĩnh dưỡng ở Phúc Hưng viên (Nam Định) sống đến cuối đời. 

Ông có viết tập thơ Lạc đạo, ghi lại niềm hoài cảm về một giai đoạn chống ngoại xâm đầy hào hùng của dân tộc, mà trong thời trai trẻ của mình, ông đã có phần đóng góp xứng đáng.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải là một đại thần thanh liêm cương trực, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà ngoại giao xuất sắc, một võ tướng anh dũng hiển hách. 

Tài liệu tham khảo:

Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, Tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

Đông A nhân kiệt, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY