Khi ông cha ta Nam tiến mở mang bờ cõi, những con sông phương Nam lại lần nữa được vinh danh với những trận thủy chiến khiến cho quân thù kinh hồn bạt vía. Tuy ai ai cũng đều biết đến trận Rạch Gầm Xoài Mút nơi mà Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ giương uy nhưng lại vô tình không biết sau đó vài chục năm lại có trận thủy chiến ác liệt không kém, và nhờ chiến thắng đó mà miền Nam được toàn vẹn đến ngày nay. Đó chính là trận đại chiến Vàm Nao của nhà Nguyễn chống quân Xiêm La với sự chỉ huy tài tình của Bình Khấu tướng quân Lương Tài Hầu Trần Văn Năng.
Đền thờ Lương Tài Hầu Trần Văn Năng (1777-1835).
Đốc binh Vàng hay Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng?
Bên bờ sông Đốc Vàng Thượng thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, có một ngôi đền gọi là Dinh ông Đốc Vàng, hằng năm đến ngày 15, 16 tháng Hai âm lịch, người dân các nơi đến lễ bái tấp nập. Dân địa phương truyền rằng hơn 100 năm trước đây là ngôi miếu cổ đổ nát, trong đó có thờ bài vị “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”.
Người dân cho rằng đây là nơi thờ ông Đốc binh Vàng Trần Ngọc, người có công đánh giặc Xiêm ở sông Cổ Hủ, Vàm Nao dưới triều Minh Mạng. Khi nghe tin thành Châu Đốc thất thủ, ông đã đốt thuyền lương và tự tử tại đây để lương phạn không rơi vào tay giặc. Vua thương tiếc phong tặng tước quận công, dân làng lập miếu thờ. Từ đó, vàm rạch nơi ông qua đời được gọi là Đốc Vàng. Về sau dân trong vùng rủ nhau xây lại miếu.
Nhưng lạ một điều là trong chính sử nhà Nguyễn lại không ghi thông tin nào về vị Thượng tướng quận công Trần Ngọc kia mà chỉ có ghi chép về Lương Tài Hầu Trần Văn Năng (1777-1835), người được vua Minh Mệnh phong làm Bình Khấu tướng quân chống lại quân Xiêm trong cuộc chiến Việt – Xiêm thời đó.
Từ lẽ trên nên chúng tôi đoán rằng người được dân miền Tây tôn thờ kia chính là Trần Văn Năng chứ không phải Trần Ngọc vì những lẽ sau:
1. Công là tước rất lớn trong 5 tước Công Hầu Bá Tử Nam dành phong cho đại thần, chỉ đứng sau Vương tước. Nếu Trần Ngọc quả thực là Quận Công thì chính sử phải có ghi chép về ông, không thể nào chỉ có trong huyền sử dân gian được. Và sự thực là chỉ có Lương Tài Hầu Trần Văn Năng sau khi mất vì có công bình Xiêm La mà được vua Minh Mệnh ban chức Thái Phó tước Tân Thành quận công.
2. Đành rằng hành động tuẫn tiết khi giữ lương của ông là anh hùng nhưng người viết trộm nghĩ vẫn chưa đủ để ông được phong tước Công. Nếu được phong Quận Công thì ông phải là người nổi tiếng ngang với Lê Chất, Nguyễn Văn Thành và Tả Quân Quận Công Lê Văn Duyệt, những người lập nên công lao to lớn với nhà vua và nắm quyền sinh sát cả một phương.
3. Trần Văn Năng mang chức Bình Khấu Tướng Quân – là người chỉ huy cao nhất trong trận thư hùng Vàm Nao lịch sử – cứu dân miền Nam khỏi họa xâm lăng. Vì lẽ đó nên lòng dân rất mến mộ và lập đền thờ.
Vì những lý do trên, nên chúng tôi tin rằng người đang được thờ ở đền Đốc Binh Vàng kia chính là tướng quân Trần Văn Năng – người có thật được ghi chép trong chính sử với vai trò to lớn nhất trong chiến công ở vùng này.
Đại chiến Vàm Nao – trận Rạch Gầm Xoài Mút thời Nguyễn
Nói đến sông nước miền Nam, ai trong chúng ta có lẽ cũng tự hào về chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã đánh tan quân Xiêm, khiến cho người Xiêm một thời gian dài “sợ quân Tây Sơn như sợ hổ”.
Nhưng một đế quốc to lớn đang lên như Xiêm La, lẽ nào lại bị một trận thua làm nhụt chí trong khi nước ta vẫn còn đang chiến tranh? Vì thế mà họ đã nhanh chóng thực hiện một cuộc chiến lớn khác ngay vào thời vua Minh Mệnh, và lần này quả thật có những lúc vận mệnh của miền Nam như “chỉ mành treo chuông”, đặc biệt trong những trận quyết chiến chiến lược như trận Cổ Hủ – Vàm Nao. Chúng ta hãy cùng nhau điểm sơ qua về trận chiến này.
Bối cảnh cuộc chiến:
Cuối năm Quý Tỵ (1833), theo lời cầu viện của Lê Văn Khôi, vua Xiêm La sai tướng Chiêm Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin) và Chiêu Phi Nhã Phật Lăng (Phra Klang) đem 4 vạn quân cùng với 350 chiến thuyền, chia làm 5 đạo, bằng nhiều hướng đánh vào một số tỉnh ở miền Trung, Châu Đốc và Hà Tiên.
Tuy rằng cả 5 đạo quân cùng tiến, nhưng chủ đích của quân Xiêm La là cốt đánh Chân Lạp và Nam Kỳ, còn các đạo khác chỉ là để phân quân lực của nước Việt mà thôi. Vua Minh Mệnh hay tin phong cho Trần Văn Năng làm Bình khấu Tướng quân cùng Hiệp biện đại học sĩ Lê Đăng Doanh và Vũ lâm dinh Tả dực Thống chế Nguyễn Văn Trọng làm Tham tán đại thần với các tướng tá khác như Trương Minh Giảng, Nguyễn Văn Xuân… đi dẹp giặc.
Tháng 11 (âm lịch) năm đó, hơn 100 thuyền chiến của nước Xiêm La đánh chiếm Hà Tiên, rồi chia thành hai đạo đánh hạ luôn đồn Châu Đốc (An Giang). Cả hai tỉnh ấy đều thất thủ. Trước tình hình nguy cấp này, quan quân nhà Nguyễn tức tốc lập phòng tuyến ở Vàm Nao… Từ Châu Đốc, sau khi chuẩn bị xong, thủy quân Xiêm La theo ngã sông Tiền tiến xuống Vàm Nao. Nơi đây trở thành địa điểm then chốt của trận thư hùng chiến lược, nếu không chiến thắng ở đây thì nhà Nguyễn nhiều khả năng sẽ vỡ trận và mất miền Nam. Nhà văn Sơn Nam cũng viết về cuộc chiến này như sau:
“Trận thủy chiến trên Vàm Nao là trận ác chiến, mang tầm chiến lược quan trọng. Quân Xiêm dùng hỏa công, thả bè lửa, theo nước ròng (thủy triều rút ra biển) chảy xiết để đốt chiến thuyền quân Việt. Trận chiến kéo dài từ khoảng 3 giờ khuya đến 10 giờ trưa mới dứt. Nếu quân Việt không ngăn được, quân Xiêm sẽ xuống Sa Đéc rồi Rạch Gầm, Mỹ Tho…”.
Địa thế hiểm yếu của Vàm Nao:
Sông Vàm Nao là một dòng sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền và sông Hậu. Tuy chỉ dài có 7 km nhưng nó lại là dòng sông nổi tiếng linh thiêng đối với người dân miền Tây từ bao năm nay với đặc tính “nước xoáy tròn” vô cùng hung hiểm, là nơi xảy ra trận thủy chiến khốc liệt giữa quân Việt và quân Xiêm vào cuối năm 1833.
Bản đồ vị trí sông Thuận Cảng (Vàm Nao) và đồn Cổ Hỗ (nay là chợ Thủ, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới). (Nguồn: Wikipedia)
Theo lời kể của những ngư dân gắn bó với dòng Vàm Nao – thì : “Sông Vàm Nao có nhiều chỗ sâu đến mấy sợi dây thừng, tức khoảng 30m, nhiều đoạn nước xoáy, đủ sức nhấn chìm một chiếc ghe lớn. Dòng nước chảy xiết, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá “khủng”, nặng hàng trăm ký từ sông Mê Kông tìm về trú ẩn như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối, cá đao, cá sấu”.
Họ kể tiếp: “Gọi sông là Vàm Nao vì khi mùa lũ qua, ngã ba sông này nhìn nước chảy như thác cuộn, ghe tàu nào cũng khiếp, sợ bị lật nên nao lòng, thối chí, bởi thế mới có câu ‘Đố ai ve được con đò Vàm Nao’. Thời nhà Nguyễn, thấy tên gọi nghe buồn quá nên đã đổi tên sông là Thuận Giang, nhưng dù gọi thế nào nó vẫn mãi là sông tử thần. Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu”.
Xoáy nước lừng danh của con sông này vào năm 2017 còn nuốt chửng trong nháy mắt hàng chục căn nhà và cả một con đường giao thông liên xã.
Diễn biến chính của cuộc chiến:
Sau khi hai tỉnh An Giang và Hà Tiên bị thất thủ, đồn Châu Đốc bị giặc uy hiếp. Sau nhiều trận giằng co, Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng cùng các tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê… đã bàn bạc cùng nhau để dàn trận giáng cho giặc một đòn nặng ở trận quyết chiến Cổ Hủ và Vàm Nao nhằm thay đổi cục diện cuộc chiến.
Do đoán được quân Xiêm sẽ dùng hỏa công, quân ta liền thu hết các chiến thuyền về đậu ở hai bên bờ sông. Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc quân đánh bắn, từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều. Thủy quân ta thuyền chiến nối nhau, lửa ở giữa sông không cháy lan lên được hai bên bờ. Khi bè lửa trôi qua rồi, quân ta thủy bộ đánh giáp lá cà. Quân Xiêm thua to. Chết mất một vị đại tướng chỉ huy là Phi Nhã Phật Lăng (còn gọi là PhraKlang Prayurawongse).
Vùng đất Cao Miên do Đại Nam bảo hộ (tô màu hồng). Phần gạch chéo là phần nhà Nguyễn thực sự kiểm soát.(Nguồn: wikiwand)
Sách “Minh Mệnh chính yếu” còn chép như sau:
“Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn trăm chiếc, từ Thuận Cảng xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông để chống lại thuyền của quân ta, lại đánh đồn của ta đóng bên tả ngạn. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ cầm đầu của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc. Giặc dựng trại ngang đồn, ngày đêm dùng đại bác bắn phá. Ta chờ quân chi viện, nhưng giặc ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối, thừa lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ sông, phóng lửa đốt thuyền quân ta, rồi giặc đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Giặc liền lui…”.
Sau nhiều trận giao tranh dữ dội, quan quân Việt thu phục được đồn Châu Đốc, thành Hà Tiên… rồi vượt sang biên giới đánh đuổi quân Xiêm La ra khỏi thành Nam Vang.
Phần vì tuổi già, phần vì chinh chiến gian khổ, Trần Văn Năng lâm trọng bệnh phải giao binh quyền lại cho tướng Trương Minh Giảng để về nước trị bệnh. Thuyền chở Trần Văn Năng đến Bến Siêu (thuộc Cù Lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) thì ông qua đời (năm 1835), thọ 72 tuổi.
Nghe tin ông mất, vua Minh Mệnh ra lệnh phải mang thi hài ông về kinh an táng. Sau đó, truy tặng ông chức Thái phó tước Tân Thành quận công, cho bãi triều ba ngày và được nhà vua ban cho một bài thơ ngự chế.
Tĩnh Thuỷ (Theo Tri Thức)