Không rõ Lý Nam Đế có bao nhiêu người con, sử sách không cho biết bất kỳ thông tin nào về những người con của ông nhưng dã sử có nhắc đến một số người con, nổi tiếng nhất là Lý Nương hiệu là Phương Dung công chúa được gả cho danh tướng Lý Phục Man.
Ngoài Phương Dung công chúa, Lý Nam Đế còn có một số người con gái khác. Theo truyền tụng dân gian lưu truyền ven vùng Hồ Tây từ xưa đến nay cho biết về công lao giúp dân của hai nàng công chúa con gái vua Lý Nam Đế. Chuyện kể rằng hoàng hậu của vua tuy làm chủ hậu cung nhưng tâm trạng không vui vì đã ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa có con, một đêm nằm mơ thấy hai tiên nữ bơi thuyền đi vào trong cung, từ đó bà có mang. Sau 15 tháng hoài thai, hoàng hậu hạ sinh hai người con gái, con lớn tên là Vạn Phúc, con thứ là Vạn Lộc. Khi lớn lên cả hai công chúa đều trở thành những thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, họ có sở thích là đi du ngoạn thăm thú sơn thủy, danh lam, tìm hiểu đời sống dân chúng. Thấy vậy, Lý Nam Đế và hoàng hậu khuyên các con nên chí thú học cầm kỳ thi họa, luyện rèn tứ đức chờ ngày xuất giá lấy chồng nhưng hai công chúa nói:
- Người ta sinh ra ở hồng trần, hình như cây cỏ, vinh khổ như chớp mắt, hoàng phụ, hoàng mẫu đừng lo, chúng con chỉ muốn cưỡi sóng lớn, chém cá kình ở bể khơi để cứu dân đen khỏi cơn nước lửa, nếu không thì ẩn thân ở hang núi, cùng cây tùng cây bách chết già chứ không làm chịu cảnh làm vợ người như giam mình trong điện vàng, phủ ngọc.
Nghe con nói vậy, vua và hoàng hậu cũng chiều theo ý, từ đó hai công chúa lại giong chơi sông nước. Một lần thuyền họ dừng ở sông Tô Lịch, nghe dân nói cách đó không xa có ngọn núi nhỏ là nơi ở của con hồ ly chín đuôi, nó thường quấy nhiễu dân gian. Thương dân, hai công chúa muốn trừ yêu nhưng biết con yêu tu luyện ngàn năm, không có người giỏi phép thuật khó mà diệt được nên bàn nhau đi tìm tiên học phép.
Thuyết khác kể rằng, hai công chúa một lần đến núi Long Đỗ ven hồ Tây (thuộc địa phận làng Trích Sài ngày nay) thấy có loài cáo chín đuôi chuyên làm hại dân trong vùng mới lập đàn trừ cáo nhưng không được liền đón một bà lão giỏi pháp thuật đến giúp. Vua nghe nói bèn gọi về cung thử phép thấy là người tài giỏi mới ban tên là Vạn Thọ, xây cho cung điện riêng ở cùng hai công chúa ngày đêm luyện phép. Khi thành tựu pháp thuật, ba người làm đàn trừ yêu, vừa cúng xong thì rừng cây mất nhiều, cáo chín đuôi chạy hết song Vạn Thọ phu nhân theo giông bão mà hóa. Nghe hai con tâu lại, Lý Nam Đế cho lập am thờ bà và phong làm Trấn Tĩnh bà vương, gọi là Kim mẫu hóa thân.
Tranh vẽ cáo 9 đuôi. (Hình minh họa – Nguồn: princest).
Chùa Thiên Niên là di tích thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, chùa được xây dựng vào đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Tương truyền chùa được xây trên vị trí thuộc khu vực chùa Bát Tháp thời Tiền Lý và theo huyền tích thì nơi đây chính chỗ mà vua Lý Nam Đế cho dựng 8 tòa tháp để các công chúa làm lễ trừ yêu.
Tại chùa Thiên Niên hiện nay còn lưu giữ tấm bia "Hoàn Long, Trích Sài, Thiên Niên tự bi ký" (Bài ký trên bia chùa Thiên Niên, thôn Trích Sài, huyện Hoàn Long). Bài ký này do nhà sư Trần Văn Tựu soạn, nội dung được khắc trên tấm bia đá dựng vào ngày 23 tháng Giêng năm Tân Sửu (1901) đời vua Thành Thái năm thứ 13. Phần lớn nội dung bài ký thuật lại huyền tích diệt trừ yêu quái ở Hồ Tây trong đó có công lao góp sức của hai công chúa thời Tiền Lý, cụ thể như sau:
"Khu vực Hồ Tây, trước kia là khu rừng rậm mọc toàn gỗ lim. Trong rừng có hòn núi nhỏ, có con cáo chín đuôi đã thành tinh ẩn náu trong hang núi đó, thường thường hiện hình làm hại người và vật, đã lâu ngày không trừ được.
Vua Lý Nam Đế lấy làm lo, sai hai công chúa đi học pháp thuật để trừ hại cho dân. Hai công chúa tu luyện ba năm, kết quả chưa thành, con cáo yêu quái càng quấy nhiễu dữ. Hai công chúa xin sang phương Bắc học đạo. Thuyền đi đến sông Nguyệt Đức, buổi chiều gặp một vị Đại tiên. Vị này nói:
- Ta nghe hai công chúa có chí trừ yêu quái mà con hồ tinh lọt lưới ẩn nấp chưa trừ được. Vậy ta đến giúp để cứu dân.
Hai công chúa mừng lắm, đón vị Đại tiên về và vào tâu với vua. Vua cho mời vị Đại tiên, hỏi tường tận về pháp thuật. Đại Tiên bảo hãy chuẩn bị lập đàn ở nơi cao ráo, sạch sẽ, dựng 8 cửa, 8 tháp như hình bát quái trận đồ và dạy hai công chúa tất cả những bí quyết phù chú.
Trong khoảng 100 ngày, việc học tập đã thành thạo. Bèn chọn ngày tốt, xem địa thế và lập đàn trừ yêu. Dùng cờ và lọng ngũ sắc mỗi thứ 100 cái. Rồi rước vị Huyền Chân Đại đế ở phương Bắc chủ trì đàn trấn yêu. Lại dựng miếu thờ vĩnh viễn, để con cáo yêu quái sau khi bắt được, không thể lại hiện hình, tác quái được nữa.
Vua theo lời lập 3 đàn, đàn giữa thờ Thiên, địa, thần kỳ do vị Đại tiên chủ trì, đàn tả thờ Dương thần, đàn hữu thờ Âm thần do hai công chúa phụng lễ.
Đến ngày lễ đàn, Đại tiên một tay cầm bùa, một tay cầm kiếm, chỉ vào trước núi đá. Bỗng thấy con cáo từ trong hang núi nhảy vọt ra, đá núi đổ xuống. sóng nước sôi lên, bắn tung tóe ra bốn phía, rừng lim sụt xuống, tất cả biến thành hồ nước, đất sụt tới tận bên cạnh đàn. Trong đàn lửa bốc lên, cờ lọng bị cháy hết. Phía trên đám lửa kết thành một đám mây đen bay lên lưng chừng trời, Đại tiên bắt trói con yêu quái bay lên không trung. Sau cùng không thấy nữa, chỉ còn hai công chúa bắt quyết ngồi ở đàn, lửa chẳng hề bén đến thân thể.
Quan quân báo tin về với vua Lý, vua theo như lời Đại tiên nói trước, sai dựng đền ở nơi lập đàn, để hai công chúa sớm chiều thờ phụng. Đền ở giáp bên hồ. Sát bờ bên kia hồ cũng lập miếu để thờ Huyền Chân Đại đế và chỗ dựng 8 tháp nơi đàn cũ, xây ngôi chùa để hai công chúa trụ trì. Sau một thời gian, hai công chúa cũng hóa theo Tiên, Phật.
Triều Lý, hai mùa xuân, thu, chùa và miếu đều có lệ quốc tế, giao cho dân trông coi, thờ phụng…".
Sau này, nhớ đến công lao diệt cáo 9 đuôi nên dân chúng một số nơi đã lập đền thờ phụng, trong đó ngôi đền chính là đền Thọ Phúc Lộc nằm bên Hồ Tây ở làng Trích Sài (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội); di tích này có nhiều tên gọi khác nhau: Am Gia Hội, đền ba bà Chúa, đền Trích Sài, là nơi thờ tự 3 nhân vật là bà tiên Vạn Thọ và hai công chúa: Vạn Phúc, Vạn Lộc. Ngoài ra tại đây cũng có ban thờ Phật, thờ Mẫu và chịu ảnh hưởng của việc thờ tự theo tín ngưỡng Tứ phủ.
Am Phúc- Lộc – Thọ bên hồ Tây. (Hình minh họa – Nguồn: hanoi.gov.vn)
Sách Tây Hồ chí khi nói đến am Gia Hội đã viết như sau:
"Đền ba vị chúa Phúc Lộc Thọ tại phường Trích Sài. Ba vị chúa là: Vạn Thọ phu nhân tức hoá thân của Kim Mẫu, Vạn Phúc công chúa và Vạn Lộc công chúa. Hai công chúa đều là con vua Tiền Lý Nam Đế do bà phi họ Đoàn sinh ra. Đến tuổi cài trâm, cả hai cô đều thông tuệ, yêu mến sông núi, thường cùng thả con thuyền dưới núi Mài, là khu vực gồm 5 ngọn núi đất, khi đó là rừng rậm. Nghe nói trong rừng có con cáo 9 đuôi làm hại người, hai cô quay chèo mong sao tìm cách học đạo trừ yêu. Đến cầu Khôi Lâm, gặp một bà tự xưng là họ Ma, vốn là Giác Hải Đại vương, có biết phép thuật, liền hỏi:
- Có thể trừ yêu quái không?.
Đáp rằng:
- Được!
Hai công chúa mừng đón bà họ Ma lên thuyền đưa về tâu vua. Vua xuống chiếu chọn ngày lập đàn dưới núi, đảo cáo Thượng Đế rồi mời họ Ma đến làm phép. Giông gió sấm sét liền nổi lên dữ dội, cây rừng bị nhổ hết, đồi núi sạch không mà yêu ma tuyệt tích. Giữa đàn có đám mây đỏ rực bây lên, trông lại thì họ Ma đã biến đi đâu mất. Xa giá trở về, vua đem chuyện hỏi đình thần. Hoặc có kẻ nói Kim Mẫu hoá thân, vua liền phong là Vạn Thọ phu nhân Trấn Tĩnh Bà Vương, cho lập miếu thờ".
PV (Theo Kiến Thức)