Tỉnh nào ở Việt Nam có tới 17 trạng nguyên, 674 đại khoa?

Từ khoa thi Hán học đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919) các triều đại lấy đỗ đại khoa chừng 2000 người thì Bắc Ninh đỗ 674 người, chiếm khoảng 1/3 số lượng cả nước. Số thi đỗ Trạng nguyên là 47 người thì Bắc Ninh có 17 người, cũng chiếm khoảng 1/3 cả nước. Người đỗ khoa thi tuyển đầu tiên năm Ất Mão (1075) niên hiệu Thái Ninh nhà Lý là Lê Văn Thịnh, người Đông Cứu (Gia Bình). Lê Văn Thịnh là thầy dạy vua Lý Nhân Tông, có công thương lượng đòi lại châu Quảng Nguyên và được phong đến chức Thái sư. Sau này các học giả phong kiến tôn vinh ông là “Trạng nguyên khai khoa” của cả nước. Ngạn ngữ dân gian có câu ca ngợi truyền thống khoa bảng Bắc Ninh: “Một giỏ sinh đồ, một bồ ông Cống, một đống Trạng nguyên, một thuyền Tiến sĩ, một bị Thám hoa, một nhà Bảng nhãn”.

Tỉnh nào ở Việt Nam có tới 17 trạng nguyên, 674 đại khoa? - Ảnh 1.

Trạng nguyên vinh quy bái tổ. Ảnh: Dongho.

Nhiều làng quê, nhiều dòng họ đỗ đạt trở nên danh gia vọng tộc. Làng Bình Ngô có 2 người đỗ Trạng nguyên và nhiều Tiến sĩ, Cử nhân. Làng Kim Đôi có tới 25 người đỗ Tiến sĩ và có họ Nguyễn 5 anh em ruột cùng đỗ thời Lê Thánh Tông. Làng Tam Sơn có đến 18 người đỗ đại khoa, trong đó có cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Một số danh gia vọng tộc nổi tiếng: họ Nguyễn ở Kim Đôi, họ Ngô ở Vọng Nguyệt, họ Trần ở Phương Triện, họ Mai ở Đào Tai, họ Vũ ở Ngọc Quan, họ Phạm ở Kim Đôi… Có khoa thi người Bắc Ninh chiếm trọn cả ba ngôi vị Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).

Năm 1484 vua Lê Thánh Tông cho dựng và khắc bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám để đề cao thực học và thực tài thì số danh sĩ được cử ra viết văn bia phần lớn đều là người Bắc Ninh: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử… Lời văn bia do danh sĩ Thân Nhân Trung viết luận về nhân tài “Nhân tài là nguyên khí quốc gia” đáng là mẫu mực cho đời sau soi chiếu. Quan điểm này còn được Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo một lần nữa nhắc lại khi soạn văn bia Văn Miếu sau này.

Với niềm tự hào về truyền thống khoa bảng, ở Bắc Ninh sớm có hệ thống văn từ, văn chỉ từ cấp xã đến cấp tỉnh. Cuối thế kỉ 19 đốc học Đỗ Trọng Vĩ cho chuyển Văn Miếu Bắc Ninh về đồi Nác như hiện nay và cho dựng lại hệ thống văn bia “Kim bảng lưu phương” khắc tên đầy đủ số người Bắc Ninh đỗ đại khoa trong lịch sử.

Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” do sử gia Ngô Sĩ Liên soạn thời Lê Thánh Tông đã phục dựng lại đầy đủ các triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử. Người sáng lập nhà nước đầu tiên là Kinh Dương Vương, thủy tổ nước Nam. Di tích đền thờ và phần mộ Kinh Dương Vương ở Á Lữ (Thuận Thành) bên bờ sông Đuống. Thời xưa được liệt vào hàng ngũ lăng tẩm đế vương, hằng năm có quan đại thần thay mặt triều đình về tế lễ. Ngày nay di tích này đang được đầu tư lớn trở thành điểm du lịch văn hóa quan trọng của Bắc Ninh. Cùng với di tích Kinh Dương Vương còn có hệ thống di tích dọc sông Đuống thờ hệ Bách Noãn.

Ở Thuận Thành còn có di tích Luy Lâu với chùa Dâu, trung tâm hệ thờ Tứ Pháp và đền Lũng Khê, thờ Sĩ Vương, “Nam Giao học tổ” là những dấu ấn văn hóa tiêu biểu của người Việt. Hệ thờ Tứ Pháp là trung tâm Phật giáo lớn thời cổ và đã sáng tạo kết hợp thờ Phật và thờ thần mưa của văn hóa bản địa. Hệ thờ Sĩ Vương là ghi nhớ và đề cao người có công phát triển nền giáo dục chữ viết đầu tiên của nước ta. Hệ thờ Tứ Pháp được coi là mẫu hình cho các lễ hội cả nước sau này.

Ở Tiên Du có di tích chùa Phật Tích, một trung tâm du lịch văn hóa từ xa xưa vì sự kết hợp cảnh quan danh thắng và các yếu tố Nho-Phật-Lão đặc sắc. Chùa từng là hành cung của vua Trần và tổ chức khoa thi hội tại đây. Sự tích về bàn cờ tiên, về quan huyện Từ Thức và tiên Giáng Hương trong hội hoa mẫu đơn chùa Phật Tích càng làm tăng vẻ đẹp huyền hoặc của danh thắng.

Ở Từ Sơn có di tích đền Đô thờ Lý Bát Đế. Vương triều Lý mở ra kỉ nguyên độc lập vững chắc cho nước ta. Cùng với trung tâm đền Đô là hệ thống các di tích liên quan đến sự phát tích vương triều Lý như chùa Tiêu, chùa Dận, chùa Cổ Pháp, đền Rồng…

Ở Yên Phong có hệ thống di tích về “Phòng tuyến sông Cầu” thời Lý tập trung ở vùng Ngã ba Xà. Nơi tương truyền Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần “ Nam quốc sơn hà Namđế cư” động viên quân sĩ. Bài thơ được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Với mật độ di tích dày đặc, Lễ hội Bắc Ninh cũng là một dấu ấn văn hóa tiêu biểu. Từ các lễ hội mà nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể ra đời mang tính độc đáo cho văn hóa Việt: Tranh điệp Đông Hồ, rối nước Đồng Ngư, hát ca trù Thanh Tương, dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát trống quân Bùi Xá…

Dấu ấn của nền văn học bác học ở Bắc Ninh cũng rất tiêu biểu. Thời Lý xuất hiện bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên ở “Phòng tuyến sông Cầu”. Thời Trần có Hàn Thuyên viết bài “Văn tế cá sấu” bằng văn Nôm, người mở ra nền văn học chữ Nôm và thể thơ chữ Nôm theo Đường luật. Thời Lê Trung Hưng có Thượng thư Hoàng Sĩ Khải viết “Tứ thời khúc vịnh” khai sinh ra thể truyện thơ song thất lục bát. Cuối thời Lê có danh sĩ Nguyễn Gia Thiều viết “Cung oán ngâm khúc” là đỉnh cao của thể truyện thơ. Danh sĩ Vũ Trinh là người soạn nhiều vở chèo cổ nổi tiếng, đồng thời là tác giả văn xuôi qua tác phẩm “Lan Trì kiến văn lục” mẫu mực. Danh sĩ Hoàng Đức Lương là nhà phê bình văn học cổ đầu tiên của nước ta. Đầu thế kỉ 20 có nhà giáo Hoàng Ngọc Phách viết “Tố Tâm” được coi là người mở đầu thể tiểu thuyết mới.

Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới, năm 1997 tỉnh Bắc Ninh tái lập với địa giới hiện nay. Bắc Ninh hôm nay phát triển cả về chính trị, kinh tế và văn hóa theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa, dấu ấn văn hóa truyền thống mãi là nền tảng và bản sắc riêng độc đáo của Bắc Ninh.

THEO DANVIET