Tóm tắt lịch sử 9 vị vua triều đại nhà Lý (1009-1225)

Nhà Lý được thành lập năm bao nhiêu?

Trước tiên ta cần tìm hiểu bối cảnh nhà Lý ra đời. Vào năm 1005, vua Lê Hoàn mất, các con của Lê Hoàn tranh chấp ngôi vua, đem quân đánh lẫn nhau; các hoàng tử hoặc bị giết, hoặc đầu hàng. Lúc bấy giờ, Lê Long Đĩnh (1005 - 1009) lên ngôi vua nhưng do sớm đi vào con đường ăn chơi sa đọa nên làm mất lòng dân, khiến dân oán giận. Năm 1009 Lê Long Đĩnh mất, triều đại Tiền Lê chính thức kết thúc.

Dưới hoàn cảnh đó, tháng 10 âm lịch năm 1009, triều đình đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra triều Lý (1009 - 1225). Năm 1010, vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long. Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu mới về phát triển nhà nước phong kiến tập quyền và chứng tỏ khả năng, lòng tin, quyết tâm của cả dân tộc trong việc giữ vững nền độc lập. Năm 1054, vua Lý Thánh Tông đổi tên nước là Đại Việt.

Nhà Lý trị vì đất nước trong 216 năm và trải qua 9 đời vua kéo dài từ năm 1009 đến năm 1225. Danh sách 9 vị vua nhà Lý gồm có:

  1. Lý Thái Tổ (1010-1028)
  2. Lý Thái Tông (1028-1954)
  3. Lý Thánh Tông (1054-1072)
  4. Lý Nhân Tông (1072-1127)
  5. Lý Thần Tông (1127-1138)
  6. Lý Anh Tông (1138-1175)
  7. Lý Cao Tông (1175-1210)
  8. Lý Huệ Tông (1210-1224)
  9. Lý Chiêu Hoàng (1224-1225)

Tóm tắt lịch sử 9 vị vua triều đại nhà Lý (1009-1225)

1. Lý Thái Tổ (1010 - 1028)

  • Niên hiệu: Thuận Thiên (順天)
  • Tên đầy đủ: Lý Công Uẩn (李公蘊)
  • Ngày sinh: Ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (năm 974) Từ Sơn, lộ Bắc Giang , Đại Cồ Việt
  • Năm lên ngôi: 21/11/1009
  • Thời gian trị vì: 19 năm (21/11/1009 - 31/3/1028)
  • Ngày mất: Ngày 31 tháng 3 năm 1028, (54 tuổi) Điện Long An, Thăng Long, Đại Cồ Việt

Lý Thái Tổ chính là vị vua sáng lập nên nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028. Khởi đầu từ quyết định dời đô sáng suốt, mang tính chiến lược của vị vua khai mở triều Lý, cùng tầm nhìn chiến lược trong việc lựa đất đóng đô giữ nguyên giá trị trong hầu hết chiều dài 1000 năm đã đưa Lý Thái Tổ thành vị vua chói sáng nhất trong số các vị vua tài giỏi của lịch sử phong kiến Việt Nam.

Thân thế vua Lý Thái Tổ

Vua Lý Thái Tổ có tên thật là Lý Công Uẩn sinh năm 974, là người làng Cổ Pháp (nay thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi vẫn còn lưu giữ ngôi đền Lý Bát Đế nổi tiếng thờ 8 vị vua triều Lý). Theo truyền thuyết, Lý Công Uẩn mồ côi cả cha lẫn mẹ, được thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi. Từ nhỏ Lý Công Uẩn đã rất thông minh, vẻ ngoài tuấn tú khác thường. Khi theo nhà sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ học, ông được nhà sư rất yêu mến và tiên đoán ắt có thể trở thành bậc minh chủ thiên hạ.

Trước khi trở thành Lý Thái Tổ, Lý Công Uẩn có xuất thân là một võ quan cao cấp của Nhà Tiền Lê. Lý Công Uẩn lớn lên dưới thời Lê Hoàn, ông phò tá hoàng tử Lê Long Việt. Vào năm 1005, vua Lê Hoàn mất, triều đình Tiền Lê loạn lạc vì các con tranh giành ngôi báu. Năm 1006, Lê Long Việt giành được ngôi vua, chính là vua Lê Trung Tông. Tuy nhiên chỉ sau 3 ngày, ông bị em trai Lê Long Đĩnh giết hại và giành ngôi. Trong khi tất cả quan lại đều sợ hãi bỏ chạy, chỉ có Lý Công Uẩn ôm xác vua Lê Trung Tông mà khóc. Vào năm 1009, khi Lê Long Đĩnh - vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê qua đời ở tuổi 35, Lý Công Uẩn đã được thiền sư Vạn Hạnh và lực lượng của Đào Cam Mộc tôn làm hoàng đế. Còn được gọi là vua Lý Thái Tổ. Như vậy, Lý Thái Tổ chính là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Lý.

Lý Thái Tổ là vị vua có nhiều hoàng hậu nhất trong lịch sử phong kiến của Việt Nam. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Lập 6 hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là hoàng hậu Lập Giáo, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác”. Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1016) Lý Thái Tổ lại lập thêm 3 hoàng hậu nữa. Như vậy tổng cộng là 9 hoàng hậu.

Những thành tựu trong thời gian trị vì của Lý Thái Tổ

Trong gần 20 năm làm vua (1010 - 1028), ngoài những công lao to lớn đối với nhà Lý trên phương diện kinh tế, văn hóa, củng cố tư thế độc lập tự chủ dân tộc. Lý Thái Tổ là một vị vua có tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng với những quyết định ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước ngàn năm sau.

  • Dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay)

Sự kiện nổi bật nhất không chỉ trong giai đoạn nhà Lý mà còn đối với cả lịch sử Việt Nam đó là công cuộc thiên đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay) của Lý Thái Tổ. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (Chiếu Dời Đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Đánh giá việc dời đô ra Thăng Long là một bước ngoặt rất lớn. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc Đại Việt. Dân tộc Việt không cần phải sống phòng thủ, phải dựa vào thế hiểm trở như ở Hoa Lư để đối phó với quân thù.

  • Xây dựng Hoàng Thành Thăng Long vĩ đại

Ngay sau khi dời đô, Lý Thái Tổ đã gấp rút cho xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Khi mới xây dựng, Kinh Thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình “Tam trùng thành quách” gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Nhà Trần sau khi lên ngôi đã tiếp quản Kinh thành Thăng Long rồi tiếp tục tu bổ, xây dựng các công trình mới.

  • Vị vua duy nhất mang quân mở rộng bờ cõi

Lý Thái Tổ là vị vua duy nhất trong lịch sử cho quân giao chiến với quân nước Nam Chiếu (một quốc gia cổ nay thuộc vùng Vân Nam, Trung Quốc). Cuối năm Nhâm Tý (1012) ông nghe tin báo người Nam Chiếu xâm nhập châu Vị Long (nay thuộc Cao Bằng) bèn sai quân đi đánh, bắt được rất nhiều người và hơn 1 vạn con ngựa.

Tháng giêng năm Giáp Dần (1014), 20 vạn quân Nam Chiếu tràn vào châu Bình Lâm (nay cũng thuộc Cao Bằng), “vua sai Dực Thánh vương đem quân đi đánh, chém được hơn 1 vạn đầu, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết” (Đại Việt sử ký toàn thư).

  • Mở ra thời kỳ phát triển phật giáo Việt Nam

Lý Thái Tổ khi lên ngôi rất coi trọng việc xây dựng chùa chiền, lấy Phật giáo làm quốc giáo. Vì ông vốn xuất thân Phật Giáo. Năm 1010, sau khi dời đô về Thăng Long, việc đầu tiên Lý Công Uẩn làm chính là xuất 2 vạn quan để xây chùa tại phủ Thiên Đức (Cổ Pháp).

Đất nước ta dưới thời vua Lý Thái Tổ trị vì rất ổn định. Năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà, được đặt thụy hiệu là Thần vũ Hoàng đế. Linh cữu Lý Thái Tổ được táng tại Thọ Lăng.

2. Lý Thái Tông (1028-1954)

  • Niên hiệu:Thiên Thành (1028 - 1033) -Thông Thụy (1034 - 1038) -Càn Phù Hữu Đạo (1039 - 1041) -Minh Đạo (1042 - 1043) -Thiên Cảm Thánh Vũ (1044 - 1048) -Sùng Hưng Đại Bảo (1049 - 1054).
  • Tên đầy đủ: Lý Phật Mã (李佛瑪)
  • Ngày sinh: 29 tháng 7 năm 1000, Hoa Lư, Đại Cồ Việt
  • Năm lên ngôi: 1028
  • Thời gian trị vì: 26 năm (1 tháng 4 năm 1028 – 3 tháng 11 năm 1054)
  • Ngày mất: 3 tháng 11 năm 1054, Điện Trường Xuân, Thăng Long, Đại Cồ Việt

Vua Lý Thái Tông được biết đến như một bậc hào kiệt sinh ra đã được định sẵn là một Hoàng đế bách chiến bách thắng, một định mệnh khó khăn, sắt máu nhưng đầy vinh quang. Được sử sách ghi nhận là bậc quân chủ văn võ song toàn, đánh đâu thắng đấy, lại là người có trái tim bao dung, nhân hậu. Thời đại của Lý Thái Tông được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của Nhà Lý.

Thân thế vua Lý Thái Tông

Lý Thái Tông (29 tháng 7 năm 1000 – 3 tháng 11 năm 1054) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cai trị trong 26 năm (1028–1054). Thái Tông Hoàng đế tên thật là Lý Phật Mã, còn có tên khác là Lý Đức Chính, là con trưởng của Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn).

Những người con của Lý Thái Tông gồm: Khai Hoàng Vương Nhật Tôn, là hoàng thái tử, sau là Lý Thánh Tông, Công chúa Trường Ninh, Công chúa Hồng Phúc, Phùng Càn Vương, Công chúa Bình Dương.

Những thành tựu trong thời gian trị vì của Lý Thái Tông

Vua Lý Thái Tông được đánh giá là một vị hoàng đế kiệt xuất thời đại của ông, con ông là Lý Thánh Tông, cháu ông là Lý Nhân Tông được xem là thời thịnh vượng của nhà Lý, sử gọi thời kỳ này là Bách niên Thịnh thế.

  • Đánh đuổi giặc ngoại bách chiến bách thắng

Hoàng đế Thái Tông được mô tả uy dũng hơn người, bách chiến bách thắng, trải qua loạn ba vương mà lên ngôi, công danh rạng rỡ triều Lý. Ông củng cố quyền lực cho nhà Lý, bên trong dùng chính sách hòa thân, gả công chúa cho các quan Châu mục, bên cạnh đó còn dẹp loạn đảng làm phản như Loạn họ Nùng; bên ngoài khi giặc Chiêm Thành quấy phá hay giặc cỏ nổi loạn đều bị Lý Thái Tông cầm quân dẹp yên. Năm 1044, giặc Chiêm Thành quấy quả vùng biên, Lý Thái Tông cầm quân đánh thẳng vào kinh đô Chiêm Thành, chém chết vua Chiêm. Từ ấy, bờ cõi được yên ổn.

  • Ban hành bộ luật Hình Thư - bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam

Trong các vị vua nhà Lý, Vua Lý Thái Tông được xem là vị vua anh minh có nhiều đóng góp to lớn. Năm 1044, ông cho giảm một nửa tiền thuế cho dân. . Năm 1042 nhà vua ban ra bộ luật Hình Thư, là bộ luật thành văn đầu tiên của đất nước.

  • Xây dựng chùa một cột - biểu tượng của sự phồn thịnh Đại Việt

Năm 1049, vua Lý Thái Tông cho xây chùa Diên Hựu (là chùa một cột ngày nay). Theo truyền thuyết dân gian, trong một giấc mơ vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật Bà Quan Âm tọa trên đài sen, sau đó Phật Bà mời nhà vua lên cùng. Tỉnh giấc vua liền kể với bề tôi và nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên vua nên dựng chùa như trong giấc mơ. Từ đó, nhà vua thường lui tới tụng kinh niệm phật và cầu nguyện.

Vào ngày mùng 1 tháng 10 năm 1954 nhà vua băng hà sau 27 năm trị vì đất nước. Sau khi vua cha mất, thái tử Nhật Tôn lên thay và lấy hiệu là vua Lý Thánh Tông.

3. Lý Thánh Tông (1054-1072)

  • Niên hiệu:Long Thụy Thái Bình (龍瑞太平): 1054-1058,Thiên Thánh Gia Khánh (彰聖嘉慶): 1059-1065,Long Chương Thiên Tự (龍彰天嗣): 1066-1068,Thiên Thống Bảo Tượng (天貺寶象): 1068-1069,Thần Vũ (神武): 1069-1072
  • Tên đầy đủ: Lý Nhật Tôn (李日尊)
  • Ngày sinh: Ngày 30 tháng 3 năm 1023
  • Năm lên ngôi:
  • Thời gian trị vì: 17 năm 90 ngày, từ 3 tháng 11 năm 1054 – 1 tháng 2 năm 1072
  • Ngày mất: 1 tháng 2 năm 1072 (48 tuổi)

Lý Thánh Tông là vị vua thứ ba của triều đại nhà lý. Ông tên thật là Lý Nhật Tôn, là con thứ 3 của Lý Thái Tông, mẹ là Linh Cảm hoàng hậu Mai Thị. Năm 1028, ông được vua cha Lý Thái Tông lập làm Hoàng thái tử. Thái tử Nhật Tôn sớm tinh thông kinh truyện, rành âm luật, lại giỏi võ nghệ. Ông tỏ ra là người thông minh xuất chúng. Tháng 8 năm Quý Dậu (1033), ông được vua cha phong tước hiệu Khai Hoàng Vương, cho ở cung Long Đức để học tập. Cũng giống như vua cha, ông sớm được tiếp xúc với dân chúng nên hiểu được nỗi khổ của dân và thông thạo nhiều việc.

Năm 15 tuổi (1037), ông được Thái Tông phong làm Đại nguyên soái, cùng cha đi dẹp bạo loạn ở Lâm Tây (Lai Châu) và lập được công. Năm 1039, Lý Thái Tông đi đánh Nùng Tồn Phúc, Thái tử Nhật Tôn mới 17 tuổi được cử làm giám quốc, coi sóc kinh thành và việc triều chính. Tháng 4, ngày mồng 1 năm Canh Thìn (1040), ông lại được vua cha giao cho việc xử các vụ kiện tụng trong nước, đặt điện Quảng Vũ cho ông phụ trách.

Những thành tựu trong thời gian trị vì của Lý Thánh Tông

Trong thời gian cầm quyền 17 năm của mình, Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khoan giảm hình phạt, đồng thời bảo trợ Phật giáo và Nho giáo.

  • Đổi tên nước thành Đại Việt

Sau khi lên ngôi vào năm 1054, vua Lý Thánh Tông quyết định đổi tên nước từ Đại Cồ Việt trở thành Đại Việt và mở ra thời kỳ thịnh vượng cho đất nước. Quốc hiệu này đã được sử dụng và kéo dài trong 346 năm cho tới khi Hồ Quý Ly quyết định đổi tên nước thành Đại Ngu vào năm 1400.

  • Phát triển nho giáo và thành lập hệ thống trường đại học Văn Miếu

Vua Lý Thánh Tông chính là vị vua có công lớn trong việc thành lập Trường Đại học Văn Miếu tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Nhà vua cho xây dựng hệ thống trường học Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, mở mang Nho học và khởi xướng việc áp dụng cai trị đất nước của các vị vua của nước Đại Việt ở các vương triều sau.

  • Chính sách cai trị khoa hòa và nhân từ

Về việc cai trị, vua Lý Thánh tông được miêu tả là một vị vua nhân từ và có các chính sách cai trị hết sức khoan hòa. Ông thực hiện chủ trương giảm mức phạt cũng như các hình phạt ở trong nước. Cùng với đó chính là việc đốt hết tất cả các vật dụng tra tấn, hành hình ngay sau khi lên ngôi. Vua Lý Thánh Tông đã ban hành việc giảm tô thuế một nửa cho người dân. Trước những chính sách cai trị khoan hồng như vậy, nhân dân lúc bấy giờ đã rất nể phục và kính trọng vị vua luôn đề cao lòng nhân ái này.

  • Đề cao phát triển nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp là một trong những vấn đề mà vua Lý Thánh Tông rất coi trọng. Năm 1056, vua Lý Thánh Tông đã ban Chiếu khuyến nông và đích thân đi tới các miền quê để khảo sát và xem xét tình hình thực tế việc chăm sóc và gặt lúa người dân trong nước. Những lúc mùa màng khó khăn, vua Thánh Tông cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giúp người dân có thể vượt qua những tháng ngày khó khăn đó, như mở kho lương, lấy tiền,...chia cho dân nghèo.

  • Xây dựng quân đội Đại Việt Hùng mạnh

Vua Lý Thánh Tông còn xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với Đại Tống và mở đất về ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (nay là một phần thuộc Quảng Bình và Quảng Trị, Bắc Trung Bộ Việt Nam) sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt - Chiêm (1069).

Ngày 01/02/1072, vua Lý Thánh Tông băng hà tại điện Hội Tiên. Ông tại ngôi 18 năm, hưởng dương 49 tuổi. Triều đình đã an táng nhà vua tại Thọ Lăng, phủ Thiên Đức.

4. Lý Nhân Tông (1072-1127)

  • Niên hiệu:Thái Ninh (1072-1076) -Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084) -Quảng Hựu (1085-1092) -Hội Phong (1092-1100) -Long Phù (1101-1109) -Hội Tường Đại Khánh (1110-1119) -Thiên Phù Duệ Vũ (1120-1126) -Thiên Phù Khánh Thọ (1127-1127)
  • Tên đầy đủ: Lý Càn Đức
  • Ngày sinh: 22 tháng 2 năm 1066, Cung Động Tiên, Thăng Long
  • Năm lên ngôi: 1 tháng 2 năm 1072
  • Thời gian trị vì: 56 năm (1072 – 1128)
  • Ngày mất: 15 tháng 1 năm 1128 (61 tuổi), Điện Vĩnh Quang, Thăng Long

Trong số 9 vị vua triều đại nhà Lý, vua Lý Nhân Tông được biết đến trong lịch sử như là một vị vua nắm giữ nhiều cái nhất trong số các đế vương nước Việt.

Lý Nhân Tông (chữ Hán: 李仁宗) là vị vua thứ tư của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi, ông trị vì Đại Việt từ năm 1072 đến năm 1128, tổng cộng gần 56 năm, cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Lý Nhân Tông có tên thật là Lý Càn Đức, vua là con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ là Nguyên phi Ỷ Lan (Lê Thị Khiết), theo sử sách mô tả là vị vua có hình dáng, dung mạo rất khác người: “Trán cao, mắt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ” (Đại Việt sử ký toàn thư); “vua có xương trán nổi lên như mặt trời, ấy là dáng mặt của bậc thiên tử” (Đại Việt sử lược).

Những thành tựu trong thời gian trị vì của Lý Nhân Tông

Dưới thời trị vì của Nhân Tông, nước Việt phồn vinh, "dân được giàu đông".

Đối ngoại, năm 1075, đế quốc Tống dòm ngó Đại Việt, Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi đánh, liên tiếp phá tan quân Tống ở 3 châu Ung, Khâm, Liêm (đất Tống) và sông Như Nguyệt (đất Việt). Sau năm 1077, giữa Việt và Tống không còn cuộc chiến lớn nào. Trong khi đó các nước Chiêm Thành, Chân Lạp thần phục Đại Việt, thường gửi sứ sang cống.

Giáo dục: Đây là giai đoạn gặp nhiều thử thách của nhà họ Lý, sau khi đánh đuổi được quân nhà Tống, vua Lý Nhân Tông tiếp tục cai trị và mở khoa thi tuyển chọn ra 10 người có năng lực để chiêu mộ vào trong các đại thần.

Thời Nhân Tông còn nổi bật với việc tổ chức khoa thi Nho học đầu tiên của Đại Việt (1075) và xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám (1076). Năm 1076 vua cho mở Quốc Tử Giám tại Thăng Long, khai sinh ra nền giáo dục đại học, các kỳ thi liên tục được mở ra để chiêu sinh các anh tài cho đất nước. Ngoài ra, ông cũng rất quan tâm đến củng cố phát triển nông nghiệp, cấm nạn giết trâu. Thời kỳ hưng thịnh này nhà vua cho mở nhiều cuộc hội họp như đua thuyền, múa rối nước.

Một số sự thật thú vị về vua Lý Nhân Tông - vị vua nắm giữ nhiều kỷ lục nhất lịch sử Việt Nam

  • Lý Nhân Tông được phong làm Thái tử sớm nhất: Đối với Lý Càn Đức (sau là Lý Nhân Tông), đây là người được phong làm thái tử sớm nhất, ông sinh giờ Hợi đêm ngày 25 tháng giêng năm Bính Ngọ (1066), vua cha Lý Thánh Tông rất đỗi vui mừng, ngay sáng hôm sau đã lập làm thái tử, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ.
  • Lý Nhân Tông là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam: Ông lên ngôi tháng giêng năm Nhâm Tý (1072) mới 7 tuổi, làm vua đến tháng 12 năm Đinh Mùi (1127) thì mất, ở ngôi 55 năm.
  • Là vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất: Trong thời gian trị vì của mình, Lý Nhân Tông đã đặt tổng cộng 8 niên hiệu và là vị vua đặt nhiều niên hiệu nhất.
  • Sắc lập Hoàng hậu sớm nhất: Lý Nhân Tông là vị vua sắc lập Hoàng hậu sớm nhất trong lịch sử. Tháng giêng năm Nhâm Tý (1072), sau khi vua cha là Lý Thánh Tông băng hà, ông được quần thần tôn lên ngôi hoàng đế khi đó mới 6 tuổi và điều đặc biệt lý thú là một trong những việc mà Lý Nhân Tông làm ngay sau khi lên ngôi đó là lấy vợ.
  • Cuộc ra quân Bắc phạt lớn nhất: Từ thế kỷ thứ X nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài nhưng luôn bị đe dọa bởi nguy cơ xâm lược từ phương bắc, không chỉ cảnh giác đề phòng mà nhiều lần ông cha chúng ta đã chủ động ra quân Bắc phạt không phải để chiếm đất, giành dân mà để răn đe, làm nhụt tham vọng của giặc và đề cao sức mạnh của mình. Trong các trận ra quân ấy, cuộc Bắc phạt dưới thời Lý Nhân Tông là lớn nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.
  • Lý Nhân Tông là vị vua sớm nhất trong lịch sử cho ban chiếu cầu lời nói thẳng: Tờ chiếu này được vua công bố vào tháng 4 năm Bính Thìn (1076)

5. Lý Thần Tông (1127-1138)

  • Niên hiệu: Thiên Thuận:1128-1132; Thiên Chương Bảo Tự:1133-1137
  • Tên đầy đủ: Lý Dương Hoán 李陽煥
  • Ngày sinh: 1116
  • Năm lên ngôi: 15/01/1128
  • Thời gian trị vì:
  • Ngày mất: 31/10/1138 (22 tuổi)

Lý Thần Tông tên thật là Lý Dương Hoán, lên ngôi tháng 12, năm Đinh Mùi (tức 15/1/1128). Ông là vị vua thứ năm của triều đại nhà Lý nước Đại Việt, trị vì từ năm 1128 đến khi qua đời năm 1138, tổng cộng là 10 năm. Lý Thần Tông là vua duy nhất nhà Lý được kế vị ngai vàng không phải do vua cha truyền lại.

Lý Thần Tông được sinh vào tháng 6 năm Bính Thân (1116) tại hầu phủ ở kinh đô Thăng Long, ông là con trai của Sùng Hiền hầu và bà phu nhân họ Đỗ (không rõ tên). Dân gian truyền tụng ông là "kiếp sau" của nhà sư Từ Đạo Hạnh.

Lý Thần Tông là vị vua mắc căn bệnh kỳ lạ nhất. Theo sử chép thì năm 21 tuổi ông bị căn bệnh không thầy thuốc nào chẩn trị được, còn giai thoại dân gian nói vua hóa hổ, mình mẩy mọc đầy lông lá, tâm thần rối loạn, tiếng kêu đau đớn nghe như tiếng cọp gầm rú, ai lấy đều rất kinh hãi, khiếp sợ. Triều đình đã cho gọi tất cả các danh y trong nước đến chữa cho vua nhưng tất cả đều bó tay, riêng có sư Minh Không tìm đến chữa khỏi bệnh cho vua nên được ban thưởng lớn và được phong làm Không Lộ quốc sư.

Những thành tựu trong thời gian trị vì của Lý Thần Tông

Tuy ông ở ngôi chỉ 10 năm, nhưng ông đã kế thừa những di sản tư tưởng nhân văn quân sự quý báu của các vị vua tiền bối, thực hiện nhiều hoạt động mang tính nhân văn tiến bộ. Trong thời gian làm vua, Lý Thần Tông được nhiều quan lại trong triều giúp đỡ như Lê Bá Ngọc, Lưu Khánh Đàm. Các nước láng giềng đều có quan hệ tốt. Ông cũng rất tin đạo phật, Lý Thần Tông thể hiện sự quan tâm bằng việc mở rộng xây chùa, tô tượng, khánh thành bảo tháp được tiến hành thường xuyên.

Bên cạnh đó, nhiều đóng góp trong nông nghiệp với chính sách “ngự binh ư nông”. Trong các triều đại trước ngụ binh ư nông đã được nghiên cứu như một ý tưởng và thực hiện ở một vài nơi, nhưng chưa thành chính sách cụ thể của quốc gia. Từ thực tiễn của đất nước và mối quan hệ giữa nhà binh với nhà nông, vua Lý Thần Tông đã quyết định thực hiện chính sách ngụ binh ư nông trong phạm vi cả nước, coi đó là chính sách của quốc gia trong việc kết hợp kinh tế với củng cố quốc phòng.

6. Lý Anh Tông (1138-1175)

  • Niên hiệu: Thiệu Minh:1138-1139; Đại Định:1140-1162; Chính Long Bảo Ứng:1163-1173; Thiên Cảm Chí Bảo 1174-1175.
  • Tên đầy đủ: Lý Thiên Tộ (李天祚)
  • Ngày sinh: Tháng 4 Năm 1136, Thăng Long
  • Năm lên ngôi: 31 tháng 10 năm 1138
  • Thời gian trị vì: 36 năm, 287 ngày (31 tháng 10 năm 1138 – 14 tháng 8 năm 1175)
  • Ngày mất: 14 tháng 8 năm 1175, Thăng Long, Đại Việt

Lý Anh Tông (chữ Hán: 李英宗) là vị vua thứ sáu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1138 tới năm 1175, tổng cộng 37 năm. Thời của Lý Anh Tông, ông là vị vua cho huy động một lực lượng đông nhất trong lịch sử để trấn áp tội phạm. Tháng 8 năm Quý Mùi (1163) vua sai Phí Công Tín đem 10 vạn quân đi đánh dẹp các đảng cướp.

Vua Anh Tông tên thật là Lý Thiên Tộ, là con trưởng của vua Lý Thần Tông và mẹ Lê Thái Hậu. Năm 1138, vua Thần Tông mất sớm, nên thái tử Thiên Tộ mới 3 tuổi đã lên ngôi, lấy hiệu là Anh Tông. Mẹ ông là Thái hậu họ Lê được tôn làm nhiếp chính. Nhưng bản thân thái hậu lại dựa vào Thái úy Đỗ Anh Vũ, một đại thần chuyên quyền, khiến nhiều quan lại căm ghét. Năm 1150, một số tôn thất và quan viên làm binh biến, bắt Đỗ Anh Vũ, nhưng thái hậu gây sức ép buộc nhà vua phục chức cho ông ta. Ngay sau đó, Đỗ Anh Vũ mở đường tổ chức các cuộc thanh trừng đẫm máu đối với những người chống đối. Kể cả khi vua Anh Tông đã trưởng thành, Đỗ Anh Vũ vẫn nắm đại quyền trong triều.

Năm 1158, Đỗ Anh Vũ chết, vua Anh Tông phong Tô Hiến Thành làm thái úy. Tô Hiến Thành giúp Anh Tông rất đắc lực; tiến hành đem quân đi tuần nơi biên giới, đánh quân Chiêm Thành, Ngưu Hống, ngăn Ai Lao xâm nhập biên cương phía tây. Vua Anh Tông còn đích thân vi hành khắp các xứ, biết sự đau khổ của dân gian cũng như đường đi xa gần.

Nhà vua đặt ra Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập binh pháp. Cuối đời, vua Anh Tông lập hoàng tử thứ 6 là Lý Long Trát làm thái tử, vì con trưởng là Lý Long Xưởng ve vãn cung nữ của cha. Khi vua Anh Tông chết năm 1175, Long Trát lên ngôi khi mới 2 tuổi, tức vua Lý Cao Tông.

7. Lý Cao Tông (1175-1210)

  • Niên hiệu: Trinh Phù:1176-1185; Thiên Tư Gia Thụy:1186—1201; Thiên Gia Bảo Hựu:1202-1204; Trị Bình Long Ứng:1205-1210.
  • Tên đầy đủ: Lý Long Trát hay Lý Long Cán (李龍?)
  • Ngày sinh: 6 tháng 7 năm 1173
  • Năm lên ngôi:
  • Thời gian trị vì: 35 năm, 93 ngày (14 tháng 8 năm 1175 – 15 tháng 11 năm 1210)
  • Ngày mất: 15 tháng 11 năm 1210 (37 tuổi)

Lý Cao Tông (chữ Hán: 李高宗) là vị vua thứ bảy của nhà Lý, cai trị từ năm 1175 đến năm 1210. Thời kỳ của ông đánh dấu sự suy tàn không thể vực dậy của triều đại nhà Lý hay còn gọi là Cao Tông Trung Suy (高宗中衰).

Vua Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát (hay Lý Long Cán), là con trai thứ 6 của vua Lý Anh Tông, mẹ ông là Đỗ Thuỵ Châu. Ông sinh ngày 06 tháng 07 năm 1173 nhằm ngày 25-05 Quý Tỵ (1173) tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam. Năm tuổi cầm tinh Con Rắn, cung Cự Giải theo hoàng đạo phương Tây.Ông chính là anh thứ của Lý Long Tường - người sau này đã trở thành Hoa Sơn Tướng Quân của Cao Ly (Hàn Quốc thời xưa).

Ông lên ngôi khi mới được 3 tuổi, sau khi vua Lý Anh Tông truất ngôi người con cả là Lý Long Xưởng. Vua cha Anh Tông truất ngôi con cả là Long Xưởng và phong ông là hoàng thái tử, ủy thác cho Tô Hiến Thành giúp đỡ.

Không may, Tô Hiến Thành chưa phò tá ông được bao lâu thì mất vì tuổi già sức yếu. Sau khi Anh Tông mất, Chiêu Linh Thái hậu muốn lập con cả của mình là Long Xưởng lên ngôi vua. Bà đem vàng bạc đút lót cho vợ Tô Hiến Thành, nhưng Tô Hiến Thành nhất định không nghe cứ theo di chiếu lập Long Cán lên làm vua, hiệu là Lý Cao Tông. Khi đó vua Lý Cao Tông mới chỉ 7 tuổi, và kể từ lúc ấy, ông như một con thuyền không lái, trôi tuột theo chuỗi chính biến nội cung loạn lạc. Lớn lên Cao Tông chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liên miên, cơ nghiệp nhà Lý từ đó suy đồi.

Lý Cao Tông là vị vua ưa thích phô trương nhất, ông sai xây dựng và sửa chữa nhiều cung điện, lầu gác sao cho thật to đẹp, lộng lẫy như điện Vĩnh Ninh, gác Kính Thiên… Ông còn cho xây dựng nhiều hành cung nhất; tháng 3 năm Đinh Tị (1197) vua cho “xây cung Nghênh Thiềm và hành cung hơn 100 nơi” (Đại Việt sử lược).

Năm Bính Thìn (1208) có loạn Quách Bốc, vua Cao Tông đem gia quyến chạy lên vùng Tam Nông (Vĩnh Phú). Thái tử Sảm theo Tô Trung Tự chạy về Hải ấp (làng Lưu Xá, Hưng Hà, Thái Bình) vào ở nhà ông Trần Lý làm nghề đánh cá. Thấy con gái Trần Lý là Trần Thị Dung xinh đẹp thì lấy làm vợ rồi phong cho Trần Lý tước Minh Tự, phong cho Tô Trung Tự, cậu ruột của Trần Thị Dung chức Điện tiền chỉ huy sứ.

Ngày 28 Nhâm Ngọ, năm Canh Ngọ (tức 15 tháng 11 năm 1210), Cao Tông mất ở cung Thánh Thọ, ủy thác cho Đỗ Kính Tu việc triều đình. Cao Tông thọ 38 tuổi.

8. Lý Huệ Tông (1210-1224)

  • Niên hiệu: Kiến Gia (1210 – 10/1224)
  • Tên đầy đủ: Lý (Hạo) Sảm
  • Ngày sinh: Tháng 7 năm 1194, Thăng Long
  • Năm lên ngôi: Năm 1224
  • Thời gian trị vì: 15 tháng 11 năm 1210 – tháng 10 năm 1224
  • Ngày mất: 3 tháng 9, 1226 (31–32 tuổi), Chùa Chân Giáo, Thăng Long, Đại Việt

Trong số 9 vị vua triều đại nhà Lý, Lý Huệ Tông được đánh giá là vị vua thăng trầm nhất: bệnh hiểm, điên loạn, không có con trai nối dõi và cuối cùng bị bức tử. Ông cũng được xem là vị vua có cuộc đời bất hạnh nhất trong các đời vua Việt Nam khi bị cướp mất các vật dụng biểu tượng cho vương quyền nhiều lần nhất. Tháng 2 năm Nhâm Thân (1212) vua tự dẫn quân đánh phản loạn ở ngoại thành Thăng Long bị đại bại, mất cả thanh bảo kiếm, xuýt bị chúng bắt được.

Lý Huệ Tông là vị vua thứ tám của nhà Lý, cai trị từ năm 1211 đến năm 1224. Ông tên thật là Lý Sảm hay Lý Hạo Sảm, sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam. Lý Sảm là con trưởng của Lý Cao Tông, mẹ là hoàng hậu họ Đàm, sinh tháng 7 năm Giáp Dần (1194). Năm Mậu Thìn (1208), ông được vua cha lập làm Thái tử, lúc đó ông 15 tuổi.

Sinh ra vào thời loạn lạc, ngay từ khi còn là hoàng thái tử, Lý Huệ Tông đã phải bao phen chạy loạn khốn đốn bởi cảnh chém giết trong triều giữa quan lại và phe phái cát cứ bên ngoài. Không những thế ông còn phải chứng kiến cuộc xung đột trong nội bộ hoàng tộc giữa một bên là mẹ (Đàm thái hậu) và vợ (Trần Thị Dung). Đặc biệt, vua lại mắc bệnh nặng. Ban đầu vua mắc bệnh trúng phong vào cuối năm Bính Tý (1216), thầy thuốc giỏi trong cả nước được gọi đến nhưng không thể chữa khỏi cho ông.

Năm 1224, bệnh vua càng nặng hơn, dưới sức ép của Trần Thủ Độ, ông chính thức nhường ngôi lại cho con gái là công chúa Chiêu Thánh mới lên 8 tuổi, tức là Lý Chiêu Hoàng. Huệ Tông lên làm Thái thượng hoàng và đi tu ở chùa Bát Tháp, lấy pháp danh là Huệ Quang Đại sư.

Lý Huệ Tông mất năm Bính Tuất (1226), thọ 33 tuổi, làm vua được 14 năm. Theo Đại Việt sử kí toàn thư, đời sau có người làm phép chiết tự cho rằng, tên ông là Sảm, theo Hán tự có nghĩa là mặt trời gác núi. Theo nghĩa đó mà suy thì đến đời Lý Hạo Sảm, mặt trời nhà Lý sẽ tắt.

9. Lý Chiêu Hoàng (1224-1225)

  • Niên hiệu: Thiên Chương Hữu Đạo (天彰有道): 1224 - 1225
  • Tên đầy đủ: Lý Phật Kim (李佛金), sau đổi là Lý Thiên Hinh (李天馨)
  • Ngày sinh: Tháng 9 năm Mậu Dần (1218), Thăng Long
  • Năm lên ngôi:
  • Thời gian trị vì: tháng 10 năm 1224 - 10 tháng 1 năm 1226
  • Ngày mất: Tháng 3 năm Mậu Dần (1278)(61 tuổi), Cổ Pháp

Lý Chiêu Hoàng (chữ Hán: 李昭皇) hay Chiêu Thánh Hoàng hậu (昭聖皇后) là nữ hoàng của đế quốc Đại Việt, cũng là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lý, trị vì từ năm 1224 đến năm 1225. Bà là nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử 10 triều đại phong kiến Việt Nam. Song, Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh) ở ngôi báu chỉ hơn một năm nên sách sử khi viết về bà chỉ đề cập đến với những dòng sơ lược khiến hậu thế ít biết về cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của bà.

Xem thêm:Các Nữ Tướng Việt Nam Kiệt Xuất Làm Dạng Ranh Lịch Sử

Số phận bi kịch của nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam: Nhường

Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ Trần Thị Dung) - người nắm quyền lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ - đã buộc vua xuống chiếu lập Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử, nhường ngôi cho cô công chúa mới 6 tuổi, niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Từ đây sóng gió đã phủ lên cuộc đời vị nữ hoàng nhỏ tuổi này.

Do Nữ hoàng lên ngôi khi còn quá nhỏ nên việc triều chính do Thái hậu Trần Thị Dung điều hành. Khi đó, những người thân thuộc họ Trần cũng được đưa vào cung nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng. Trong đó, Trần Thủ Độ sắp xếp cho một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi, đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.

Tháng 11 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Một tháng sau, triều đình mở hội lớn ở điện Thiên An, Chiêu Hoàng ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế và trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần.

Tuy là vua chính thức của vương triều nhà Lý, đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại sau này - nhưng Lý Chiêu Hoàng không được sử sách công nhận một cách công bằng. Nhà Lý có 9 vị vua nhưng chỉ có 8 vị trước bà (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, riêng bà lại thờ tại khu vực khác, gọi là Đền Rồng.Một số nhà nghiên cứu cho rằng vì Lý Chiêu Hoàng đã để mất ngôi nhà Lý nên bị coi là mang tội với dòng họ, không được thừa nhận và phải thờ riêng.

Trên đây là tóm tắt lịch sử 9 vị vua triều đại nhà Lý: từ những vị vua đầu triều, phản ánh thời kỳ hưng thịnh của vương triều, rạng rỡ văn trị võ công đến những vị vua cuối, gắn liền với sự suy kiệt và sụp đổ của vương triều Lý, giúp người đọc hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử Việt Nam trường thịnh, từ đó biết ơn các bậc tiền nhân đã góp công xây dựng, giữ gìn non sông Việt Nam.

THEO TWINKL