Trong sự kiện Vịnh Con Heo tháng Tư 1961, Tổng thống Kennedy thông qua kế hoạch hỗ trợ cho người Cuba lưu vong đổ bộ vào Cuba nhằm lật đổ chính quyền của Chủ tịch Fidel Castro. Cuộc đổ bộ đã sớm bị phát hiện, ngăn chặn và vai trò của Hoa Kỳ cũng bị lộ cho dù ông Kennedy cố tình che giấu.
Năm 1963, ông Kennedy và các quan chức dưới quyền đã phát đi những tín hiệu mà giới tướng lĩnh ở Sài Gòn xem như đèn xanh để họ đảo chính và khiến Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng cố vấn-em trai Ngô Đình Nhu bị giết chết vào tháng 11.
Cách đây ít năm, Mục sư Byron Williams, tác giả cuốn sách ‘1963 – Năm của Hy vọng và Thù nghịch’, viết cho Huffington Post rằng, sai lầm ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam hồi năm 1963 còn tai hại hơn vụ Vịnh Con Heo hồi năm 1961.
Ông Williams viết: “Vụ đảo chính ông Diệm, theo tôi, là sai lầm chính sách ngoại giao lớn nhất của John Kennedy, thậm chí lớn hơn cả vụ Vịnh Con Heo.”
“Cái chết của ông Diệm đã mở cánh cửa vào một loạt các vũng lầy cho Hoa Kỳ".
Tác giả nhắc lại rằng hồi cuối năm 1962, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Hoa Kỳ Mike Mansfield đã gợi ý với ông Kennedy sau khi tới thực địa ở Việt Nam theo yêu cầu của vị tổng thống:
“Đó là đất nước của họ, tương lai của họ chứ không phải của chúng ta”.
“Bỏ qua thực tế này sẽ không chỉ gây thiệt hại to lớn về người và của đối với Hoa Kỳ mà nó còn có thể kéo chúng ta vào một tình thế không hay ho gì như người Pháp từng vướng phải”.
Mặc dù ông Kennedy cũng bị bắn chết hôm 22/11, tiên đoán của ông Mansfield đã hoàn toàn đúng với sự thiệt mạng của 58.000 lính Mỹ trong số gần nửa triệu quân Hoa Kỳ tới tham chiến ở Việt Nam chưa kể tới thiệt hại về tiền của.
Tác giả Williams cũng dẫn lời ông Kennedy bình về đánh giá của ông Mansfield: “Tôi rất bực Mike vì ông bất đồng hoàn toàn với chính sách của chúng ta và tôi cũng giận chính bản thân vì tôi thấy mình đồng ý với ông ấy”.
Điện tín 243
Cây viết cho Huffington Post cũng nhắc tới Điện tín số 243 mà Roger Hilsman, Vụ trưởng Viễn Đông của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi cho Đại sứ Henry Cabot Lodge, Đại sứ ở Nam Việt Nam hôm 24/8/1963:
“Hiện chưa rõ quân đội đề nghị thiết quân luật hay ông Nhu lừa họ làm vậy, ông Nhu đã lợi dụng việc này để đập phá chùa chiền với Cảnh sát và Lực lượng Đặc nhiệm của [Lê Quang] Tung vốn trung thành với ông ta và qua đó đổ tội cho quân đội trong con mắt của thế giới và người dân Việt Nam”.
“Chính quyền [Hoa Kỳ] không thể chấp nhận để quyền lực trong tay Nhu. Cần cho ông Diệm cơ hội để rũ bỏ Nhu và vây cánh để thay thế bằng những nhân vật chính trị và quân sự tốt nhất có thể. Nếu, bất chấp mọi nỗ lực của ông, Diệm vẫn ngoan cố và từ chối, chúng ta phải tính tới khả năng không giữ chính ông Diệm nữa”.
Điện tín đánh dấu sự thay đổi chính sách này được đưa ra vào một ngày thứ Bảy khi Tổng thống Kennedy, Phó tổng thống Lyndon Johnson, Ngoại trưởng Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy và Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy đều đi vắng.
Mặc dù không hài lòng với lời lẽ của điện tín, chính ông Kennedy và các nhân vật trọng yếu khác của Hoa Kỳ đã có thái độ ‘tùy cơ ứng biến’ với tình hình ở Sài Gòn trong các cuộc họp liên tục sau khi Điện tín 243 được gửi đi.
Sau khi ông Diệm và Cố vấn Nhu bị sát hại, theo trích dẫn của ông Williams, Tổng thống Kennedy nói:
“Tôi cảm thấy tôi phải chịu phần trách nhiệm lớn đối với vụ việc, bắt đầu với điện tín hồi đầu tháng Tám trong đó chúng tôi gợi ý đảo chính. Theo tôi, điện tín đó (Điện tín 243) đã được viết ẩu và lẽ ra không nên gửi nó đi vào thứ Bảy.
“Đáng ra tôi không nên đồng ý mà không có hội nghị bàn tròn để nghe ý kiến của ông McNamara và ông [Tướng Maxwell] Taylor.”
Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống John F. Kennedy đồng ý phải lật đổ người tương nhiệm tại Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963.
Mặc dù phản đối đảo chính ngay lập tức khi các tướng lĩnh ở Sài Gòn tiếp cận Hoa Kỳ hồi cuối tháng Tám năm 1963, ông Kennedy dần dần cảm thấy rằng không còn lựa chọn nào khác trong cố gắng mang lại thành công cho cuộc chiến ở Nam Việt Nam, theo dẫn chứng từ các băng ghi âm những cuộc họp của Tổng thống Kennedy với các quan chức Hoa Kỳ.
Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm diễn ra ngày 1/11/1963. Một ngày sau đó, ông Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị phe đảo chính hạ sát.
Đến ngày 22/11 cùng năm, Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas, tiểu bang Texas.
THEO DANVIET