Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mắc phải những sai lầm chí tử nào?

Sau khi dẹp yên sự phản kháng của tướng Nguyễn Văn Hinh, bình định cuộc nổi loạn Bình Xuyên, phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đẩy các giáo phái chống đối vào hàng ngũ tạm thời có trật tự… Uy tín lẫn vị thế của Ngô Đình Diệm tăng lên rất cao. Nhiều tờ báo bắt đầu quay sang ủng hộ Diệm, người Mỹ biểu hiện sự tin tưởng vào ông gần như tuyệt đối. Bên ngoài là như vậy, còn bên trong, ông Diệm là người cao ngạo.

Sự thành công quá sớm trên con đường quan lộ, biến ông thành một cá nhân cực kỳ tin vào quyết định của chính mình.

Thêm nữa, ông luôn có những quyết định mà theo giới sử gia thì đúng nghĩa là “gia đình trị”.

Từ ba yếu tố này, ông Diệm bắt đầu bộc lộ những sai lầm nghiêm trọng.

Tổng thống Ngô Đình Diệm đã mắc phải những sai lầm chí tử nào? - Ảnh 1.

Tính cách Ngô Đình Diệm

Ngô Đình Diệm là người rất kỹ tính trong việc ăn uống. Mỗi bữa 3 thức ăn phải có trên bàn ăn của ông gồm: bồ câu dồn yến, trứng gà lộn và xôi với muối mè. Những món khác thì có thể thay đổi, nhưng 3 loại thức ăn này thường buộc phải có trên mâm cơm của ông.

Theo hồi ức của tướng Trần Văn Đôn: “Ông Diệm là người tuy điềm đạm bên ngoài nhưng tính rất nóng. Một hôm tôi vào Dinh, thấy thức ăn, cơm canh văng tung tóe dưới sảnh, người bồi đang lau dọn. Sau khi trò chuyện với ông Diệm xong, tôi quay ra hỏi tùy viên có chuyện gì xảy ra, thì được biết ông Diệm hất đổ mâm cơm vì thiếu một món mà ông thích”.

Mỗi lần đi kinh lý bất cứ nơi nào, ông Diệm đều dùng cơm riêng đã nấu sẵn mang theo. Vì đã nhiều lần thoát hiểm khỏi các âm mưu bắt bớ, ám sát nên ông Diệm rất sợ bị đầu độc. Đầu bếp kề cận ông là một người gốc Huế, do Ngô Đình Cẩn tuyển chọn và gửi vào. Ông Diệm không có thói quen uống rượu, thức uống thường xuyên của ông chỉ là trà.

Quá đề cao bản thân lẫn người cùng huyết thống, ông Diệm có cách cư xử không khéo đối với thuộc cấp. Đa phần tướng tá, sĩ quan ông Diệm đều gọi bằng thằng. Ngoại trừ, Tổng tham mưu Trưởng Lê Văn Tỵ, ông Diệm gọi là ngài. Còn tướng Nguyễn Văn Đôn thì ông gọi khách khí bằng ông.

Ông Diệm tôn trọng ông Tỵ thật sự, riêng ông Đôn, ông Diệm nhớ cái ơn cưu mang của gia đình ông Đôn khi Ngô Đình Diệm lâm vào cơn bĩ cực trước lúc nắm quyền. Thêm sự phi lý trong tính cách của ông Diệm là ông hiểu rõ bản thân ông cần quân đội, nhưng ông luôn tỏ ý coi rẻ trình độ của quân đội. Trong lúc, ông rất thích những bộ trưởng dân sự biết cách nịnh hót.

Ngoài ra, ông Diệm là người phân biệt cá nhân theo vùng miền. Ông chỉ thích nâng đỡ người gốc Huế. Ngô Đình Diệm thường nói: “Chỉ có dân miền Trung mới có khả năng lãnh đạo quốc gia. Dân miền Bắc hợp với buôn bán, còn dân miền Nam chỉ làm tướng võ biền”.

Cách hành xử của ông Diệm cũng rất cao ngạo. Ông xem Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa là quốc gia của riêng ông và của gia đình ông. Ông ban phát ân huệ cho thuộc cấp theo ngẫu hứng, bất chấp năng lực lẫn tình hình thực tế. Không có gì là quá ngạc nhiên khi nhiều sử gia gọi Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa là Ngô triều.

Theo nhiều hồi ký của tướng lĩnh dưới thời ông Diệm kể lại, thì khi vào cửa Tam quan ở các đền thờ vua chúa, ông Diệm thường nói: “Các ông đi cổng hai bên, vì cổng giữa chỉ có vua mới được đi. Chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc này“.

Dứt câu, ông Diệm đi vào bằng cổng giữa. Nội chuyện xây dựng Dinh Độc Lập và ý định dời đô từ Sài Gòn lên cao nguyên đã khiến ông Diệm càng trở nên xa cách với giới tướng lĩnh. Ngay cả người gần gũi với gia đình ông như tướng Trần Văn Đôn còn bất mãn với sự độc đoán này của ông Diệm.

Trong số các anh em, người được ông Diệm trọng nhất là Ngô Đình Nhu. Người được ông cưng yêu nhất là Ngô Đình Cẩn. Còn người hay bị ông rầy rà nhất là Đại sứ lưu động Ngô Đình Luyện. Ông Diệm cưng yêu ông Cẩn, vì ông Cẩn thay mặt anh em ông, chăm sóc mẹ ruột ở Huế. Ông Nhu được xem như là bộ não của ông Diệm.

Còn ông Luyện, mất điểm với ông Diệm khi ông Luyện úp mở: “Nếu điều hành kiểu này, Việt Nam Cộng hòa sẽ sụp đổ”. Ông Diệm giận ông Luyện, vì cho rằng ông tin lời các phần tử trí thức bất mãn với chế độ tại Sài Gòn.

Với ông Nhu, ông Diệm trọng đến độ, khi ông Diệm trả lời phỏng vấn ký giả Pháp, phải gọi điện thoại cho ông Nhu để hỏi ý kiến xem nên trả lời như thế nào. Ông Nhu hướng dẫn ông Diệm từng chút một… Suốt 9 năm ông Diệm cầm quyền tại Việt Nam Cộng hòa, rất nhiều người đã nghĩ chính Ngô Đình Nhu mới là lãnh đạo thật sự.

Với người anh Ngô Đình Thục, ông Diệm đặt hết sự tin tưởng của mình vào vị giám mục này. Ông hay gọi ông Thục bằng danh xưng kính trọng: “Đức cha”. Ông Diệm thường nói: “Cả thế gian này có thể lừa dối tôi, người thân của tôi cũng có thể lừa dối tôi. Nhưng, riêng Đức cha thì không bao giờ lừa dối tôi cả”.

Ông Diệm cũng thực tâm quý mến bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu). Ông Diệm không có vợ, cũng không để ý đến nữ nhân nào khác. Mặc dù không thích những hành động thái quá của Trần Lệ Xuân, nhưng ông Diệm chỉ rầy la theo kiểu trong nhà, anh chồng mắng em dâu. Còn trước mặt mọi người, ông vẫn bảo vệ bà Trần Lệ Xuân hết mực.

Sự thất vọng của người Mỹ

Ngoài việc dung dưỡng cho những cá nhân trong gia đình như Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Trần Lệ Xuân… mặc sức hoành hành, ông Diệm còn có những động thái bảo vệ quyền lợi của cá nhân đó một cách cực đoan, bất chấp tất cả. Ngay cả việc điên cuồng chống lại những người Cộng sản từ miền Bắc cũng cho thấy sự bấn loạn của Ngô Đình Diệm trong giai đoạn ông cầm quyền.

Với Đạo luật 10/59, lê máy chém khắp miền Nam, ông đã không đập tan được ý chí của người dân trong việc chống đối ông, thay vào đó, ông gieo rắc nỗi sợ hãi, hoài nghi vào cái mà ông gọi là “Chính nghĩa Quốc gia”. Chính từ sự quá khích này, ông Diệm càng ngày càng khiến người Mỹ thất vọng, và đây có thể là sai lầm trọng yếu dẫn đến sự kết thúc của Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa.

Với những gì đã diễn ra tại miền Nam trong giai đoạn này, đặc biệt là cuộc đảo chính hụt ngày 11/11/1960, cho thấy rằng tất cả những biến động lớn trên chính trường Việt Nam Cộng hòa, đều phải có được cái gật đầu của người Mỹ. Bất chấp trước đó, người Mỹ nhìn nhận rằng: “Ông Ngô Đình Diệm là một con rối. Nhưng con rối ấy tự giật dây mình và giật dây luôn cả chúng ta”.

Cố vấn Edward G.Lansdale là một người rất có hảo ý với Ngô Đình Diệm. Bản thân Ngô Đình Diệm, cũng có tình cảm sâu sắc với ông Edward G.Lansdale. Họ coi nhau là bạn. Edward G.Lansdale có hảo ý với Ngô Đình Diệm đến độ, ngày 30/1/1961, về Mỹ được 2 tuần sau chuyến công du tại Việt Nam Cộng hòa, Edward G.Lansdale đã viết một lá thư riêng gửi cho Ngô Đình Diệm với hy vọng ông Diệm sẽ chân thành nghe theo lời khuyên của ông. Edward G.Lansdale viết:

…Nguy cơ hiện tại của ngài xuất phát từ những hành động của chính ngài. Họ (những thuộc cấp, phe chống đối ông Ngô Đình Diệm – PV) nói rằng Ngài muốn tự làm quá nhiều việc, rằng ngài không chịu trao trách nhiệm thật sự cho người khác và cứ can thiệp vào việc của họ. Họ nói, Ngài cho rằng ngài không bao giờ mắc sai lầm, và có quá nhiều tổ chức của ngài là ép buộc người khác phải tham gia, người ta tham gia trong lo sợ chứ không phải tự nguyện… Một việc ngài có thể làm là thông báo sắp cải tổ chính phủ. Ngài hãy triệu tập một phiên Hội nghị với sự tham gia của các tư lệnh và quân đội. Ngài có thể tuyên bố điều này trước Hội nghị và cho truyền thanh đến nhân dân trên toàn quốc… Phiên họp sẽ rất có lợi cho Ngài, nếu có sự tham gia của một số người Mỹ đang muốn giúp ngài. Hãy mời những người mà ngài tin rằng là thành thật… Đàn áp đối lập chính trị bằng cách bắt giam người hay đóng cửa báo chí sẽ chỉ làm cho những lời chê trách biến thành những cảm xúc thù hận…“.

Đọc toàn bộ lá thư, mới thấy hết thiện ý mà Edward G.Lansdale dành cho ông Diệm. Có những đoạn, Edward G.Lansdale miêu tả chi tiết kế hoạch lấy lại lòng dân đến độ, ông Diệm chỉ cần làm theo là ngay lập tức có thể thu phục nhân tâm, cải thiện tình hình. Tuy nhiên, với một cá nhân như ông Diệm thì quá khó để nghe lời chỉ dạy từ một người không phải là người trong thân tộc họ Ngô.

Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, người ủng hộ hết lòng giúp Ngô Đình Diệm khi ông cùng Ngô Đình Nhu sang Hoa Kỳ kiếm tìm sự ủng hộ trước đây, đã bắt đầu cảm thấy chán ngán với tính cách cũng như việc điều hành quốc gia của ông Diệm.

Nghiêm trọng hơn, sau chuyến đi thị sát tại Việt Nam Cộng hòa vào tháng 12/1962, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield đã viết một bản phúc trình đệ trình Tổng thống Mỹ thời điểm này là J.Kennedy, trong đó cho rằng: “Chúng ta nên rút hết quân tại miền Nam Việt Nam để khỏi rơi vào một cuộc chiến tranh tuyệt vọng“.

Không chỉ dừng lại ở bản phúc trình đầy bất lợi cho ông Diệm, Mike Mansfield còn liên tục trực tiếp gặp Tổng thống J.Kennedy để trình bày ý kiến của mình. Ở lần gặp thứ hai, Tổng thống J.Kennedy đã đồng ý với Thượng nghị sĩ Mike Mansfield rằng, Mỹ sẽ rút hết cố vấn quân sự ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng về sau, Tổng thống J.Kennedy đã không thể thực hiện ngay lời đồng ý của mình. Cho đến mãi sau năm 1965, Mỹ mới có dấu hiệu rút dần cố vấn quân sự Mỹ về nước.

Một cố vấn khác từng có mối quan hệ mật thiết với ông Diệm là Wolf Ladejinsky, người trước đây rất có thiện cảm đối với ông Diệm cũng đã bắt đầu xa lánh ông. Thay vì nói những lời tốt đẹp về Diệm, Wolf Ladejinsky quan tâm nhiều hơn đến những chính sách thái quá, sự yếu kém trong chính quyền của Ngô Đình Diệm.

Để cứu vớt người bạn mà mình yêu quý, cố vấn Edward G.Lansdale tha thiết thỉnh cầu Chính phủ Mỹ cho phép ông được trở lại Việt Nam để làm việc thêm lần nữa với Ngô Đình Diệm. Nhưng, thỉnh cầu này đã không được chấp thuận.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua Đại sứ Elbridge Durbrow liên tục kêu gọi Ngô Đình Diệm phải kiềm chế, cải thiện các điều kiện chính trị và bộ máy hành chính, nhưng đều không có kết quả.

Ngày 11/11/1960, Sài Gòn xảy ra đảo chính. Diệm – Nhu may mắn thoát nạn. Sau vụ đảo chính hụt này, Ngô Đình Diệm càng rốt ráo thực hiện những chính sách độc tài, mạnh tay hơn với những thành phần đối lập, kiểm soát sự trung thành của quân đội…

Ngày 27/2/1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc điều khiển máy bay oanh tạc Dinh Độc Lập. Vụ oanh tạc này khiến một nữ hầu cận của bà Trần Lệ Xuân thiệt mạng, bà Xuân bị thương nhẹ, còn anh em ông Diệm vẫn an toàn. Vài tháng sau, Phủ Tổng thống phát đi công văn của Ngô Đình Diệm, yêu cầu các nơi phải yểm trợ trong việc xây dựng lại Dinh Độc Lập.

Ngày 5/7/1963, 19 quân nhân trong vụ đảo chính ngày 11/11/1960 ra Tòa án Quân sự đặc biệt Sài Gòn. Ngày 8/7/1963, cũng Tòa án Quân sự này tiếp tục xét xử 35 đảng viên trong các đoàn thể, tôn giáo đã ủng hộ cuộc đảo chính ngày 11/11/1960.

Sau mỗi lần bị đảo chính, chống đối, Ngô Đình Diệm lại càng thẳng tay đàn áp phe đối lập lẫn bất kỳ ai có ý định phản kháng ông. Người Mỹ, đã hoàn toàn bất lực trước các quyết sách của Ngô Đình Diệm. Đại sứ Elbridge Durbrow, ngửa mặt than: “Cần phải có người thay thế ông Diệm trong tương lai gần”.

THEO DANVIET