Thành tích nổi bật nhất của Tống Văn Trinh là phát hiện âm mưu địch mở “Chiến dịch Lam Sơn 719” (còn gọi là “Chiến dịch đường 9 Nam Lào” do Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Hoàng Xuân Lãm chỉ huy từ 30/1/1971 – 30/3/1971) và sau đó là “Chiến dịch Kou Kèo” hay còn gọi là “Chiến dịch Cánh đồng Chum” tháng 4/1971) của Mỹ-Việt Nam Cộng hòa đánh vào căn cứ quân Pathét Lào.
Bữa “tiệc rượu” và chiến dịch “Opération Lam Sơn 719”…
Những ngày đầu năm 1971, có nhiều xe của Sứ quán Việt Nam Cộng hòa cắm cờ ba sọc chạy trên đại lộ Lane Xang ở Viêng Chăn. Bằng sự nhạy bén của người tình báo, Tống Văn Trinh đoán biết có lẽ đoàn quân sự và dân sự từ Sài Gòn sang để đàm phán với phía Lào vấn đề quan trọng.
Qua Trung tá Bảo, tùy viên quân sự của Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa, Trinh được biết có hai cuộc hội đàm về quân sự và dân sự để đi đến ký kết một thỏa hiệp quan trọng giữa hai nước.
Trinh gợi ý với Bảo, nhân có nhiều sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng tham mưu sang công cán ở Lào, nên có cuộc gặp thân tình và chiêu đãi đặc biệt. Bảo tán thành ngay vì 7 tên sĩ quan này, theo Bảo biết, rất “chịu chơi”.
Thế là tiệc rượu được tổ chức tại một biệt thự trên đường đi That Luông, vừa là nơi làm việc của Phòng tùy viên quân sự, vừa là chỗ ở của Bảo (Bảo không đem vợ con theo nên rất tự do). Quan khách Việt – Lào trên 25 người, có 5 cô gái Thái gốc Hoa đưa từ Băng-Cốc sang góp vui nên bữa tiệc càng thêm rôm rả.
Có rượu ngon, gái đẹp nên các sĩ quan tham mưu tác chiến tha hồ khoác lác, trong lúc no say để lộ nhiều bí mật quan trọng khiến Trinh mừng thầm vì nếu muốn nắm được những tin tức này anh phải mất nhiều thời gian và công sức.
Tiệc tàn, các cô gái bày ra hai mâm hút thuốc phiện và trổ tài làm thuốc, khiến các sĩ quan nằm hút hết sức hài lòng. Kế bên là sòng bạc chơi “xì phé” ăn thua bằng đô-la Mỹ. Không khí lúc này rất sôi nổi và dung tục.
Để tạo cớ vào phòng làm việc của Bảo, Trinh kêu nhức đầu vì uống rượu hơi nhiều. Bảo đề nghị Trinh vào phòng làm việc của hắn nằm nghỉ. Trinh tỏ ra ngần ngại, đợi Bảo giục đôi ba lần mới vô phòng khép cửa lại. Anh quan sát thấy trên tường treo tấm bản đồ quân sự khổ lớn, có cắm cờ nhỏ và các mũi tên tiến công.
Anh cẩn thận tìm quanh phòng xem có máy móc nghe nhìn gì không, rồi bước lại nhìn qua lỗ khóa thấy bọn chúng đang say sưa chơi bời, anh vững bụng đến bàn làm việc thấy tập hồ sơ đề chữ “tuyệt mật” bên góc trái và dòng chữ đậm ở giữa “Opération Lam Sơn 719”. Trinh mừng còn hơn bắt được vàng, vội mở ra đọc chớp nhoáng, thấy mục tiêu cuộc hành quân là đường 9 Nam Lào, các lực lượng tham gia đủ phiên hiệu, các địa điểm nhảy dù từ Khe Sanh đến Tchépone và ngày giờ bắt đầu hành quân chiến dịch.
Sau khi ghi lại trong đầu toàn bộ kế hoạch, Trinh mở cửa bước ra. Thấy Trinh, Bảo gọi: “Đỡ nhức đầu rồi hả? Lại đây làm một điếu cho khỏe đi!”, Trinh vờ nhăn mặt kêu: “Phải về nhà uống thuốc thôi. Còn nhức đầu lắm!”, rồi lặng lẽ rút lui.
Đêm hôm ấy, Trinh thức đến gần sáng để viết cho xong báo cáo. Báo cáo được viết bằng mực hóa học theo mật mã và gửi khẩn cấp về trung tâm ở Hà Nội một tháng trước khi chiến dịch nổ ra. Kế hoạch quân sự mà Trinh đã báo cáo gồm ba giai đoạn:
– Giai đoạn I: bắt đầu từ ngày 30/1/1971, trực thăng Mỹ vận chuyển hai tiểu đoàn đến từ căn cứ Khe Sanh, hành quân theo đường 9, chở tiếp hai tiểu đoàn pháo và ba tiểu đoàn dù.
– Giai đoạn II: bắt đầu từ ngày 8/2/1971, 12.000 quân tiến sâu vào đất Lào, tập kết tại Tchépone ngày 6/3/1971.
– Giai đoạn III: mở rộng hành quân càn quét ra hai hành lang ven đường 9 để thiết lập vành đai an toàn cho con đường này.
Khi chiến dịch Lam Sơn 719 nổ ra, Đại tướng Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch đường 9, đã chỉ huy cuộc phản công ở khắp nơi, nện ngay các tiểu đoàn địch.
Các tiểu đoàn pháo được trực thăng đổ quân đến, đều đúng ngay vào tầm pháo của ta, bị đánh tan tác ngay từ những phút đầu tiên trên tất cả các ngọn đồi. Một số sống sót cố bám trận địa chống trả yếu ớt, cầm cự chờ quân tiếp viện.
Qua báo đài nước ngoài thì ngoài số quân bị chết, còn có một số đông sĩ quan bị bắt trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3. Trực thăng Mỹ phải đến chở quân lính sống sót rút lui, bọn này hoảng loạn đạp nhau để leo hoặc bám càng trực thăng, chạy trốn chết. Hình ảnh đó được đăng tải trên báo chí, trên đài truyền hình lúc bấy giờ.
Tờ Paris Macth (Pháp) đăng bài về chiến dịch này, trong đó có đoạn viết: “Mọi việc được kết thúc ngày 24 tháng 3 và tổn thất về phía quân đội Sài Gòn là khoảng 10.000 người, gần phân nửa lực lượng đưa vào đất Lào, còn quân đội Hoa Kỳ chỉ có một nhiệm vụ hỗ trợ đã bị tổn thất 107 trực thăng, và thiệt mạng 176 phi hành đoàn”.
Những năm sau giải phóng, có đoàn quay phim của đài BBC, Luân Đôn sang làm phim về Đường mòn Hồ Chí Minh, họ cũng xin quay phim đường Nam Lào. Họ nhận xét: “Đây là một trận đánh có ý nghĩa quyết định của các ông để đẩy lùi quân Mỹ, và từ đây, bắt đầu quá trình thất bại của Mỹ. Nếu các ông không thắng trận này thì cục diện chiến tranh sẽ khác”.
Tướng K.X. và cuộc hành quân “Opération Kou Kèo”
Bị thất bại nặng nề ở đường 9 Nam Lào, quân Lào hết sức hoang mang, tinh thần chiến đấu của chúng bị ảnh hưởng rất lớn. Mỹ vội vã mở cuộc hành quân vào cánh đồng Chum – nơi căn cứ của quân Pathét Lào – bằng chiến thuật trực thăng vận một cách thần tốc, hòng vớt vát uy tín và củng cố tinh thần quân ngụy Lào. Chúng đặt tên cuộc hành quân này là “Opération Kou Kèo” bắt đầu từ tháng 4/1971.
Vào 11 giờ trưa, Tống Văn Trinh vừa về đến nhà thì đồng chí Th. liên lạc đến trao cho anh bức điện khẩn của trung tâm, nội dung: “Địch đã đổ quân nhảy dù xuống cánh đồng Chum, hãy báo cáo hỏa tốc: âm mưu, ý đồ quân sự địch, các lực lượng tham gia, địch sẽ chiếm đóng hay hành quân rồi rút. Ngày giờ rút, nếu rút thì rút bằng đường bộ hay bằng gì, rút theo con đường nào… Điện trả lời trước 24 giờ đêm nay”.
Trước tình hình khẩn cấp như vậy, Trinh lập tức rà soát lại các mối quan hệ có thể đáp ứng yêu cầu trên thì thấy có K.X. ở Bộ Tổng tham mưu là có khả năng nhất, và cũng có mối quan hệ tốt với Trinh nhiều năm qua. Anh lập tức điện cho K.X. hẹn khi tan sở 5 giờ chiều, sẽ gặp nhau ở nhà hàng Au bon goưt chuyên bán cơm Tây rất ngon.
Sau món rượu khai vị, câu chuyện giữa Trinh và K.X. thêm rôm rả, và kết quả là Trinh nắm được tin tức như: lực lượng hành quân gồm 1 trung đoàn của 5è_RM Chinaimo, 1 binh đoàn của quân khu Hạ Lào Savanakhet, trong đó có tiểu đoàn dù, 1 tiểu đoàn pháo của Paksme (cùng 5è_RM), 2 tiểu đoàn lính Mèo ở Sầm Thông, Long Chẹng của tướng Vàng Pao, trực thăng Mỹ từ các căn cứ Thái Lan qua đổ quân, chở quân nhảy dù và máy bay F4 (con ma) yểm hộ bắn phá, ném bom các mục tiêu trên đất Lào nhằm tiêu diệt căn cứ hậu cần Pathét Lào chứ không có kế hoạch chiếm đóng…
… Sau ba ngày càn quét (Opération de nettoyage) thì rút quân về theo Phone Hồng và Ban Ban Paksame (tức là có hai đường rút quân). Như vậy là còn 2 ngày nữa sẽ rút quân. Tin của K.X., sĩ quan cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu độ chính xác là 100%.
Về nhà, Trinh vội vàng thảo báo cáo với đầy đủ chi tiết rồi đem đến đồng chí Th. để mã hóa và điện về trung tâm kịp trong đêm.
Sau này, khi về nước, làm việc với trung tâm, Trinh được đồng chí Ch. trợ lý Phòng tình báo Lào – Thái kể lại: “Khi địch mở chiến dịch Cánh đồng Chum, sau khi Cục điện cho anh thì tối đêm ấy đồng chí Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thức đến 12 giờ khuya chờ bức điện báo cáo, đồng chí rất phấn khởi và chỉ thị ngay kế hoạch tác chiến cho Tư lệnh chiến dịch Cánh đồng Chum, cũng là Đại tướng Lê Trọng Tấn, đặc phái viên của ta bên cạnh quân giải phóng Lào”.
Thế là quân giải phóng Lào anh em có sự tăng viện của ta, đã chặn đánh quyết liệt các con đường rút quân gây tổn thất nặng nề cho quân địch. Và trong chiến thắng vẻ vang ấy, có phần đóng góp không nhỏ của Tống Văn Trinh, người tình báo Việt Nam trên đất nước “Triệu Voi” anh em năm xưa.
Tống Văn Trinh sinh ở Châu Đốc (An Giang), tham gia cách mạng từ năm 1945, vào Đảng năm 1948. Nhiều năm ông hoạt động chủ yếu trong ngành Quân báo Khu 9, từng là Trưởng chi quân báo tỉnh Cần Thơ.
Sau hiệp định Genève 1954, ông tập kết ra Bắc, được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ rồi được cử sang hoạt động ở Viêng Chăn (thủ đô nước Lào) từ năm 1959 cho đến khi nước Lào hoàn toàn giải phóng (2/12/1975). Sau khi về nước, ông chuyển ngành làm Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang cho đến khi nghỉ hưu năm 1988.
Với thành tích công tác trong nước và ngoài nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có huân chương của nước bạn Lào. Hiện nay, ông nghỉ hưu ở thành phố Cần Thơ…
THEO DANVIET