Trần Thái Tông – Vị vua đầu tiên nhà Trần và 4 câu chuyện ly kỳ xung quanh ông

Lên ngôi cao trị vì thiên hạ, mệnh đế vương của vua Trần Thái Tông, từng được báo trước nơi quán nghỉ chân ven đường bởi một cụ già. Và trong thời trị vì của ngài, vẫn còn lắm chuyện để kể.

 

Triều đại nhà Trần khởi đầu từ khi Trần Cảnh đăng cơ vào năm 1225. Những năm nắm giữ quyền lực, nhà Trần đóng đô ở Thăng Long – kinh đô triều cũ, tiếp tục mở rộng và phát triển hưng thịnh có từ thời nhà Lý. 

Dưới triều Trần, quân đội được chú trọng phát triển để bảo vệ bờ cõi, chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, kinh tế, giáo dục, thi cử, văn hóa nghệ thuật cũng được chú trọng. 

Nhà Trần, kể ra, trong 175 năm cũng được khen là có tiếng tố, nên Quốc sử ngâm mới có lời rằng: “Vua Trần làm chúa non sông/ Nổi danh thịnh trị anh hùng vẻ vang”. 

Còn nói riêng chuyện các vua Trần thì nhiều lắm. Chuyện của các bậc đế vương toàn thâm cung bí sử, nhuốm màu huyền bí, song cũng có chuyện rất đời thường. Và cuộc đời của Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của nhà Trần ẩn chứa nhiều điều thú vị…

Suýt bỏ mình nơi đất khách quê người

Trần Thái Tông được sử sách khen là minh vương, trị vì đất nước cẩn trọng, mở nền cho các hậu quân cai trị. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca còn để lại lời ca tụng như sau:

Cao minh đã có tư trời,

Lại thêm Thủ Độ vẽ vời khôn ngoan.

Sung văn tô tượng Khổng, Nhan,

Dựng nhà Quốc học, đặt quan Giám thần.

Bảy năm một hội thanh vân,

Anh tài náo nức dần dần mới ra.

Tuy nhiên, cũng có lúc vua “đột xuất” suy nghĩ chưa chín chắn, có lần suýt làm hại đến thân mình. Chuyện đó xảy ra vào tháng 10 năm Tân Sửu (1241).

Dạo ấy, người Thổ, Mán từ bên kia biên giới phía Bắc của nhà Tống sang cướp vùng ven nước ta. Biết được việc ấy, nhà vua lệnh cho viên Đốc tướng là Phạm Kính Ân đem quân đi dẹp chúng, đánh cho tan tác. 

Vua lại thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An (giáp Móng Cá), Vĩnh Bình (giáp Lạng Sơn) của nhà Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong đất người, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang.

Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau mới biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về.

Việc làm này của vua từng bị Ngô Thì Sĩ phê trong Việt sử tiêu án như sau: 

‘Vua Thái Tông đi lần này thật là cuồng bậy, bất quá muốn xem sông núi ở nội địa Tống, cho là người Tống chả làm gì được, chung quy vì sự đi chơi này mà suýt bị người Tống làm khốn, thoát được miệng hùm là may đó, có phải là còn huyết khí thiếu niên, chưa được định tính đó chăng?”.

Các sử quan nhà Nguyễn thì viết trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “Việc này là việc làm nguy hiểm cầu may, không theo đạo điển thường như cổ nhân đã nói “thánh chúa bất thừa nguy”.

Giấc mộng chọn được Hành khiển của vua

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép rằng, sự việc này xảy ra vào tháng 10 năm Giáp Dần (1254). Số là “nhà vua chiêm bao thấy mình đi chơi, gặp thần nhân trỏ vào một người mà bảo vua rằng: “Người này có thể làm hành khiển được”.

Lúc tỉnh mộng, nhà vua ghi lại việc ấy. Một hôm, sau khi tan chầu, vua ra chơi ngoài thành, thấy một người con trai đi từ phía nam lại, trông giống hệt như người mình đã thấy lúc chiêm bao liền gọi lại hỏi. Người ấy đối đáp cũng như những lời trong chiêm bao.

Ý vua muốn cho làm Hành khiến nhưng nghĩ khó khăn không biết làm thế nào cho hợp lệ liền ban cho 400 quan tiền để tự thiến mình, đặt tên cho là Ứng Mộng. Sau thăng dần lên đến chức Hành khiển.

Dưới thời nhà Trần, Hành khiển là chức Tể tướng thứ 2. Theo chế độ cũ, chỉ có trung thần, tức hoạn quan mới được sung vào chức này. Phạm Ứng Mộng là người Thanh Miện, đất Hồng Châu (Hải Dương ngày nay). Ông thuộc dòng danh tướngPhạm Tu – người được xem là thủy tổ của dòng họ Phạm.

Ngày gặp vua, Phạm Ứng Mộng mới là câu học trò từ phái Nam vào thành Thăng Long. Vì trùng với dáng hình trong mộng của vua mà dần thăng quan tiến chức trong triều. Âu cũng là cái duyên con tạo xoay vần sắp đặt.

Nhưng kể ra, chọn người mà dựa vào mộng để rồi thăng tiến tột đỉnh trong hàng quan viên thì đúng là cách chọn người “xưa nay hiếm thấy” của vua Trần Thái Tông. Hay vua bắt chước lệ cũ của triều Lý, dùng Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến vậy?

Vào đời vua Trần Dụ Tông cũng có một Phạm Ứng Mộng khác được nhắc tới nhưng không phải là Hành khiển Ứng Mộ như đã nói ở trên vì sống cách nhau cả trăm năm.

“Đại Việt sử ký toàn thư” còn chép lại một việc về Phạm Ứng Mộng, liên quan tới bệnh tình và sự băng hà của Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông năm Đinh Dậu (1357): 

“Khi se mình, triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo, Minh Tông biết chuyện, gọi Hữu tướng quốc Phủ (vua Nghệ Tông sau này – người dẫn chú) vào chỗ nằm để hỏi. Vua sợ lập tức bảo Phủ là Phạm Ứng Mộng xuống nghị xin lấy mình chết thay. 

Phủ đem câu ấy tâu lên, Minh Tông nói: – Ứng Mộng tự nhận làm địa vị Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không được làm.

Bấy giờ Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông khỏe lại. Minh Tông bảo bà: “Thân ta không lấy con lợn, con dê mà đổi được”.

Trần Thái Tông và chuyện hôn sự với con quan Tống

Vua Trần Thái Tông nổi tiếng với cuộc hôn nhân chính trị cùng Lý Chiêu Hoàng. Tuy nhiên, ít ai biết được, ông từng có cuộc hôn nhân với con quan Tống.

Sự là, Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng lấy nhau đã lâu nhưng không có con nên vào năm Đinh Dậu (1237) (lúc đó hai vợ chồng vua cũng mới tuổi xuân xanh, chồng chẵn đôi chục, vợ 19), Trần Cảnh chịu sức ép của Trần Thủ Độ mà cướp chị dâu, vợ của anh mình là Hoài vương Trần Liễu về làm vợ (tức Thuận Thiên Hoàng hậu sau này) khi đang mang thai con của Trần Liễu là Quốc Khang được ba tháng, để dòng giống nhà Trần không bị dứt. Trước đó, Thuận Thiên công chúa (vợ Trần Liễu) đã cùng Trần Liễu con trai là Doãn.

Sau này, Hoài vương Liễu được phong đất ở Yên Phụ (nay Kim Môn, Hải Dương), Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (nay là huyện Đông Triều, Uông Bí, Quảng Ninh), làm Yên Sinh vương; còn Doãn thì được phong là Vũ Thành Vương. 

Tháng 6 năm Mậu Thân (1248), Thuận Thiên Hoàng hậu mất, được truy tôn là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu. Rồi ngày 1 tháng 4 âm lịch Tân Hợi (tức 23/4/1251) Trần Liễu cũng từ biệt dương gian.

Bị thất thế không nơi nương tựa, đỡ đầu nên tháng 7 năm Bính Thìn (1256), Vũ Thành Vương Doãn đem cả gia quyến trốn sang nước Tống những mong tị nạn nơi đất khách. Thế nhưng việc đào thoát không thành.

Khâm định Việt sử cương giám thông mục chép rằng, Vũ Thành Vương Doãn bị “viên quan bản thổ ở Tư Minh là Hoàng Bính bắt được đưa trả lại, nhà vua (Thái Tông – người dẫn chú) ban vàng lụa thưởng cho Hoàng Bính. Từ bấy giờ việc xét hỏi quan ải ngày thêm nghiêm mật”.

Cũng theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Vũ Thành Vương Doãn đã chạy sang đất Tư Minh, thuộc phủ Thái Bình tỉnh Quảng Tây, giáp với tỉnh Lạng Sơn nước ta.

Cũng trong thời gian này, quân Mông Cổ ngày càng mạnh, quan viên nhà Tống nhiều người thấy trước nguy cơ mất nước nên đã tìm cách Nam tiến vào Đại Việt hay Chiêm Thành để tránh họa. Một năm sau sự kiện trên, do có công vào nhà Trần trong vụ Vũ Thành Vương Doãn nên Hoàng Bính đem cả nhà đến cửa khuyết, dâng con gái vào cung. Vua nhận, sách phong làm Huệ Túc phu nhân.

Sau Hoàng Bính lại đem dâng phẩm vật ở địa phương và đem một ngày hai trăm người bộ thuộc đến nước ta xin quy phụ.

Dù vậy, tháng 12 cùng năm, quân Mông Cổ ruổi vó ngựa về Nam xâm lấn Đại Việt, vị bố vợ này của Trần Thái Tông vẫn không tránh thoát khỏi kiếp nạn chết dưới tay quân Mông. Còn Huệ Túc phu nhân con gái ông thì sau không thấy sử nhắc đến nữa…

Trần Thái Tông bói được ngày chết của mình

Xưa kia, những lời sấm ký, chiêm đoán thường được các nhà chiêm tinh, lý số vận vào những sự kiện lớn, những nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử và nhiều câu sấm truyền ứng với việc thật là người đời phải ngỡ ngàng về độ chính xác. 

Thế nên, những điềm như nhà Lý truyền được 9 đời thì dứt, Trần Cảnh được xem tướng biết trước sẽ làm vua làm cho thật giả nhiều khi đan xen nhau, truyền thuyết, giai thoại nhiều khi không phân biệt rõ.

Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên của nhà Trần. Dù xuất thân con nhà ngư phủ nhưng cũng có chữ nghĩa, làm vua trăm họ, mở nghiệp nhà Trần. Ông lại là người mộ đạo Phật nên tuổi càng cao thì việc xét đoán càng sâu. 

Bản thân ông cũng từng có sự chiêm đoán rất chính xác về 1 vấn đề liên quan đến bản thân mình. Đó là ngày cuối cùng ở dương thế. Việc này được Đại Việt sử ký tiền biên thuật lại khá chi tiết.

Khi đã làm Thái Thượng hoàng, Trần Cảnh có thời gian nghỉ ngơi, thăm thú nhiều nơi. Một lần ông đến ngự đường chợt thấy 1 con rết bò trên áo ngự, sợ quá liền lấy tay phủi đi. Con rết rơi xuống đất phát ra tiếng kêu, nhìn lại thì hóa ra một chiếc đinh sắt. Lúc này, Trần Thái Tông bói thử thì biết sẽ có điềm gì đó sẽ xảy đến vào năm Đinh. 

Lần khác, Thượng hoàng đùa, nói Minh Tự Nguyễn Mặc Lão chiêm đoán xem điềm lành hay dữ cho mình. 

Khi Mạc Lão dùng phép chiêm đoán thấy có một cái hòm vuông, bốn mặt đều có chữ “nguyệt”, trên hòm vuông có một cái kim, một cái lược, Trần Thái Tông suy ra rằng: “Cái hòm đó là quan tài, bốn mặt chữ “nguyệt” tức là tháng tư, nguyệt cũng là mệnh âm (trái với nhật tức mặt trời là mệnh dương). Cái kim trên hòm có thể xâu vật gì đó tương ứng với đòn xóc khiêng quan tài. 

Chữ “sơ” là cái lược, đồng âm với chữ “sơ” là xa, tức là sẽ xa rời cõi sống”. Đương lúc đó Thượng hoàng xem múa rối, tiết mục đó hay có câu cửa miệng: “Chóng đến ngày mùng Một thay phiên”. Thượng hoàng lại đoán rằng: “Thế là ngày mùng Một ta chết”.

Nghiệm chứng về sau, lời chiêm đoán của Thái Thượng hoàng quả không sai. Đúng mùng Một tháng tư năm Đinh Sửu (1277), ông băng hà ở cung Vạn Thọ. Đó là sự ra đi dường như đã được báo trước.

Trần Thái Tông đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng, bình thản. Tương truyền, vào năm Bính Tý (1276), có lần ông bảo trước với người hầu cận: “Đến tháng tư sang năm ta tất chết”, quả ứng nghiệm. Trong “Việt sử diễn âm” thì ghi:

Trị vì ba mươi bốn thu,

Thái Tông hoàng đế tiên đô chầu trời.

Nói về việc ấy, sử thần Ngô Sĩ Liên từng ghi: Điềm lành hay tai họa, chỉ có người thành tâm mới biết trước được. Vì thế, Đại truyện trong Kinh dịch có nói: “Hình dung sự vật thì biết được vật thực, chiêm đoán sự vật thì mới biết được tương lai”.

Nhưng tất là phải sau khi đã suy xét trong lòng, nghiền ngẫm trong óc, Trần Thái Tông biết được việc tương lai là chiêm đoán sự vật đấy. Nhưng nếu không phải là người lý sáng, lòng thành, mà cứ thấy việc là phỏng đoán mò để rồi khẳng định, thì chưa bao giờ không chuốc lấy tai họa về sau. Đó là chỗ khác nhau giữa cái học sấm ký thuật số với cái học thánh hiền chăng?

Ngày Thượng hoàng Thái Tông băng hà, Thiều Dương công chúa – con gái thứ của ngài – vừa ở cữ chợt nghe tiếng chuông liên thanh ở điện đình. Theo thể lệ nhà Lý, nhà Trần, gặp lúc vua mất, thì chuông ở triều đình khua vang lên để báo hiệu. Công chúa biết cha đã rời cõi trần tục, thương xót lắm nên khóc mãi không thôi, rồi cũng mất theo cha.

Ngày nay Trần Thái Tông được lập đền thờ ở nhiều nơi, tiêu biểu như đền Trần Thái Tông tại thôn Phù Nghĩa (Nam Định), đền Trần Thái Tông ở các xã Trung Phu, Trình Xuyên (huyện Vụ Bản, Nam Định); đền thờ Trần Thái Tông ở Thái Vi (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), đền Hành cung Vũ Lâm ở Quần thể di sản thế giới Tràng An, miếu Trần Thái Tông ở các xã Trường Khê, Yên Mô (Ninh Bình) và đền thờ Trần Thái Tông ở làng Vọc (huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam).