Nếu như Nguyễn Hiền là Trạng nguyên trẻ tuổi nhất (đỗ năm 13 tuổi), thì Nguyễn Xuân Chính trở thành Trạng nguyên lớn tuổi nhất. Ông đỗ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637), đời Lê Thần Tông, được dân gian gọi là “Trạng cháy”.
Lận đận vẫn nuôi quyết tâm
Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1588 - 1647) người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc (nay là Phù Chẩn, Từ Sơn - Bắc Ninh). Từ nhỏ ông đã có tư chất thông minh, say mê đọc sách lại được sự dạy dỗ của nhiều thầy giỏi đương thời.
Ông không chỉ nổi tiếng hiếu học, bền lòng vững chí mà còn có ước mơ lớn là đỗ Trạng nguyên. Song con đường học tập, thi cử ban đầu của ông rất lận đận. Năm 16 tuổi ông thi Hương và đỗ đầu. Năm 37 tuổi sau khi đỗ khoa Sĩ vọng, ông được bổ làm Huấn đạo phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (Nam Định). Sau hơn 2 năm, ông từ quan về quê dạy học và tiếp tục ôn luyện theo đuổi nghiệp lều chõng. Từ năm 39 đến năm 44 tuổi, khoa thi nào ông cũng đi thi nhưng đều bị đánh trượt ở trường Văn sách.
Tư liệu gia phả của dòng họ cho biết, từ năm Canh Tý (1600) đến năm Tân Mùi (1631), ông đã 9 lần tham dự các kỳ thi Hương nhưng chỉ dừng lại ở mức đỗ Sinh đồ - tức chỉ đỗ 3 kỳ (Tam trường) và đều không vượt qua kỳ thứ 4 là kỳ thi Văn sách.
Trong cuốn “Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính” của tác giả TS Nguyễn Văn Vọng - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thuộc dòng dõi họ Nguyễn Xuân ở thôn Trung Hòa nhận định: “Tính đến năm tuổi 44, ông đã chín lần đi thi, chín lần lều chõng. Một ý chí bền bỉ, không mai một cùng tuổi xuân, làm cho thần thánh cũng phải động tâm - “Miệt mài lều chõng dấn thân/ Lòng son sắt đến thánh thần động tâm!”.
Với sự học tập kiên trì, tháng 10/1637 Nguyễn Xuân Chính tham gia kỳ thi Hội và đỗ đầu (Hội nguyên), sau đó vào thi Đình. Vua Lê Thần Tông trực tiếp ra đề, ông tiếp tục đứng đầu - đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên).
Trong cả hai kỳ thi Hội và thi Đình, bài ứng chế của ông đều đỗ đầu nên Nguyễn Xuân Chính được vinh danh là Hội nguyên, Đình nguyên, Trạng nguyên. Như vậy, trải qua 37 năm kể từ kỳ thi đầu tiên đến khi 50 tuổi, vượt qua bao dâu bể ông mới được toại nguyện ước mơ thời niên thiếu là đỗ Trạng nguyên.
Đỗ ở tuổi 50 – Nguyễn Xuân Chính trở thành Trạng nguyên lớn tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng. Ảnh minh họa: IT |
Quan văn dẹp loạn
Sau lễ vinh quy bái tổ, năm 1638 Nguyễn Xuân Chính được bổ chức Hàn lâm thị giảng, vào hầu vua học và ở lại kinh tham gia việc triều chính. Nhờ tài năng và công lao trong nội trị và bang giao, ông được thăng chức Hữu thị lang bộ Lễ, rồi được giao thêm việc giảng sách cho vua nghe ở nội điện. Nhiều năm giữ trọng trách, chăm lo thi cử - Nguyễn Xuân Chính được đánh giá làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, công bằng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi - Viện Sử học: Trải qua 10 năm làm quan dưới triều Lê - Trịnh, Nguyễn Xuân Chính từng kinh qua nhiều công việc, từ dạy học cho Thái tử, phụ trách thi cử, bang giao.
Đặc biệt, tuy xuất thân là quan văn nhưng ông đã 9 lần tham gia trận mạc, cầm quân lên Bắc xuống Nam dẹp loạn, ổn định triều chính và an dân. Ở cương vị nào ông cũng dốc sức, dốc lòng phục vụ triều đình, phục vụ nhân dân. Ông được vua ban chức Tả thị lang Lại bộ, khi mất được triều đình ghi công, truy tặng Binh bộ Thượng thư.
Ông không chỉ đỗ đầu thi Hội, thi Đình mà còn đỗ đầu thi Ứng chế về thơ và luận do đích thân vua ra đề. Bởi vậy trong danh hiệu ông được vua ban có chữ Tam nguyên (ba lần đỗ đầu). Không chỉ vậy, Nguyễn Xuân Chính còn là vị Trạng nguyên đầu tiên của triều đại Lê Trung hưng, nên trong danh hiệu có chữ Khai quốc.
Ba tấm bia cổ ở di tích đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (ảnh Báo Bắc Ninh). |
Từ trạng nguyên cuối cùng của triều Lê sơ đến Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính là quãng thời gian dài 114 năm. Vì thế vua Lê Thần Tông đặc cách ban thưởng rất hậu, gồm nhiều gấm vóc, tiền bạc và cho hưởng lễ vinh quy bái tổ hết sức long trọng.
Học vị cùng danh vọng của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính là kết quả của quá trình bền chí học tập không ngừng suốt từ tuổi “tam thập nhi lập”, qua tuổi trưởng thành chín chắn “tứ thập nhi bất hoặc” đến tuổi “tri thiên mệnh” mới đạt ước nguyện. Và sau đó bước vào giai đoạn hành đạo của người quân tử, mang tài năng, tri thức giúp dân, giúp nước.
Kể chuyện bút nghiên cử nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính để thấy một hình mẫu về người có chí kiên trì theo đuổi ước mơ nơi cửa Khổng sân Trình. Bài học về sức mạnh lòng kiên trì và ý chí quyết tâm bền bỉ phấn đấu để biến ước mơ hoài bão thành hiện thực vẫn nguyên giá trị.
Theo các nguồn sử liệu, Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính mất năm 1647, để lại nhiều di sản văn thơ mà hiện vẫn còn lưu lại bài “Văn tế” ở đình làng và một số văn bia các chùa: Trấn Quốc, Vĩnh Thái, Cha Lư, văn bia cầu Bái Giang... Ông luôn giữ nếp sống giản dị, thanh bạch, cho đến khi ông mất - gia đình vẫn sống trong ngôi nhà tre mái rạ ở quê nhà.
Hiện tượng độc đáo của khoa bảng
Trong gần 1.000 năm khoa bảng phong kiến (1075 -1 919), nước ta đã tổ chức 187 khoa thi đại khoa, lấy đỗ gần 3.000 tiến sĩ, song chỉ có 47 người chiếm ngôi vị Trạng nguyên. Trong 47 vị Trạng nguyên sử sách ghi lại, có 6 người đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình, 1 trong 6 người đó là Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính.
Theo Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, hiện nay tại đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính còn bảo lưu được nhiều di vật cổ giá trị. Trong đó, đặc biệt hơn cả là 3 tấm bia đá dựng khắc dưới thời Lê - Nguyễn.
Tấm bia “Nguyễn Xuân tộc gia phả ký” kích thước cao 120cm, các cạnh diềm bia soi gờ chỉ rộng 41.5cm, đế bia hình vuông, giật 3 cấp thu nhỏ dần, rộng 59cm, dầy 16cm. Bia kiểu tứ diện được tạc bằng chất liệu đá xanh nguyên khối, phần phía trên tạo dáng mái long đình đỉnh đặt búp sen, thân bia chia làm 2 phần: Trán bia bên trên chạm nổi 1 con rồng uốn khúc hình sin với đầy đủ bộ phận, xung quanh trang trí vân mây đao mác, bên dưới chạm nổi dòng chữ Hán tên bia kiểu chân phương còn khá rõ nét, lòng bia chữ khắc ở hai mặt, hai mặt còn lại để trơn.
Hai tấm bia “Xuân tộc thạch bi ký” kích thước như nhau đều cao 81,5cm, rộng 48cm, dầy 8,5cm. Bia được tạc bằng đá gan gà nguyên khối, trán bia hình chóp nón trang trí khắc chìm đôi rồng lá chầu mặt trời, diềm bia để trơn không trang trí.
Bia đá ở đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính chứa đựng nhiều giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa và nghiên cứu khoa học. Nội dung văn bia liệt kê cụ thể chính xác thế thứ, tên thụy hiệu, học vị, quan tước… các đời của dòng họ kể từ cụ thủy tổ đến đời thứ 13. Trải 13 đời dòng họ Nguyễn Xuân có 12 vị đỗ đạt, gồm: 1 Trạng nguyên, 1 tiến sĩ, 3 hương cống, 1 Giải nguyên, 2 nho sinh trúng thức, 3 sinh đồ, 1 vị đỗ tam trường.
Ngoài 3 bia đá ấy, tại đền Lừ ở Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn còn tấm bia đá “Dịch Lư kiều bi ký” do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn khắc. Tấm bia này cũng ghi rõ lai lịch, thân thế, sự nghiệp, quan tước… của người cháu Trạng nguyên là tiến sĩ Nguyễn Xuân Đỉnh.
Tháng 8/2022, Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội thảo khoa học “Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính - Danh nhân khoa bảng thời Lê Trung Hưng”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học.
Hội thảo khoa học về Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính diễn ra tại Bắc Ninh vào tháng 8/2022. |
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung lý giải, chứng minh, làm rõ các nội dung: Con người Nguyễn Xuân Chính và những đóng góp của ông cho gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. Một số bài tham luận cũng đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị, ý nghĩa di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính.
Theo PGS Phạm Quốc Sử - Khoa Việt Nam học (Đại học Sư phạm Hà Nội), Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính là một hiện tượng độc đáo của lịch sử văn hóa Việt Nam. Ông đỗ tới Trạng Nguyên, học vị cao nhất của khoa cử phong kiến Việt Nam khi đã 50 tuổi. Điều này chứng tỏ ông càng già càng mẫn tiệp, trí tuệ vượt trội.
Ngoài ra, thành tích khoa bảng mà ông gặt hái được vào thời kỳ mà nền khoa cử nhà Lê vừa mới chấn hưng được mấy chục năm - khi nền chính trị, xã hội, văn hóa đất nước đang chuyển biến mạnh mẽ. Điều đó cho thấy ông là con người thực học và tiên tiến, rất cần cho sự nghiệp phục hưng toàn diện của nhà Lê.
PGS Phạm Quốc Sử cũng khẳng định, Trạng Nguyên Nguyễn Xuân Chính sinh ra ở thời kỳ phát triển của lịch sử Việt Nam trung đại cả về kinh tế, văn hóa và xã hội nên ông được thừa hưởng và hội tụ tất cả những tinh hoa của thời đại. Nền giáo dục lúc đó có nhiều tiêu cực, nhưng ở giai đoạn học hành và khoa cử của Nguyễn Xuân Chính, nền giáo dục ấy cũng có nhiều tiến bộ, có nhiều ưu việt so với nền giáo dục thời Mạc