“Cửu vị thần công” được đúc bằng đồng và nặng trên 17.000 kg, được chia là 2 nhóm là nhóm “tứ thời” gồm 4 khẩu Xuân – Hạ – Thu – Đông, và nhóm “ngũ hành” gồm 5 khẩu Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
“Cửu vị thần công” được các nghệ nhân Huế đúc, được đặt tên theo tứ thời là Xuân, Hạ, Thu, Đông, và theo ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa Thổ. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)
Mỗi khẩu thần công có chiều dài 5,1m với đường kính trong của nòng là 22,5cm, được khắc nhiều hoa văn tinh xảo cùng các bài văn ngắn mô tả lai lịch.
Thần công được đặt trên giá súng làm bằng gỗ lim. Giá súng này được trạm trổ hoa văn hình rồng rất công phu. Có tám dải hoa văn trang trí hình hoa lá chạy quanh thân súng. Giữa thân súng có gắn 2 quai lớn chạm hình con lân. Súng có thếp vàng phía trên. Dưới giá súng có bánh xe để tiện di chuyển, có mâm xoay nòng như các thiết kế hiện đại khác.
“Cửu vị thần công” không chỉ thể hiện được nghệ thuật tinh mỹ mà còn cho thấy kỹ thuật luyện kim đặc sắc thời nhà Nguyễn.
Tranh trong tập san “Bulletin des Amis du Vieux Hué” (Những người bạn Cố đô Huế) số 2 Avril-Juin 1914. Bản dịch của NXB Thuận Hóa. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)
Về nhân lực, để đúc “Cửu vị thần công”, vua Gia Long đã đích thân tìm những người thợ ưu tú nhất, không chỉ giỏi tay nghề mà còn phải có đạo đức để đặt trọn niềm tin.
Việc đúc súng đặt dưới sự giám sát của Đô Thống chế Nguyễn Văn Khiêm, Chánh quản cơ Hoàng Văn Cẩn, Phó quản cơ Ích Văn Hiếu và Tham tri Bộ Công Phan Tấn Cẩn. Ông Phan Tấn Cẩn bấy giờ vừa được thăng làm Tham tri bộ Công, đã cẩn thận với từng bản vẽ, áp dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không bỏ qua yếu tố truyền thống mang tính phong thuỷ, thuật số.
Năm 1816, vua Gia Long sắc phong cho “Cửu vị thần công” là “Thần oai vô địch Thượng tướng quân”. Danh hiệu này cùng niên đại sắc phong đều được chạm nổi thêm trên phần đai cuối thân của cả 9 khẩu thần công.
(Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)
Sau khi hoàn thành, “Cửu vị thần công” được đặt ngay phía trái cổng chính Ngọ môn ở Kinh thành Huế, được cắt cử đội binh lính túc trực bảo vệ. Đến năm 1917 thời vua Khải Định thì các khẩu thần công được di chuyển đặt tại Kỳ Đài như ngày nay.
Đến thời vua Tự Đức cho đúc thêm 9 khẩu thần công nhưng nhỏ hơn đặt ở phía phải cửa Ngọ môn để cân đối hài hòa với “Cửu vị thần công” đặt ở phía trái.
Từ thời vua Gia Long đến thời vua Tự Đức, súng thần công chưa có dịp nhả đạn bảo vệ Kinh thành, “Cửu vị thần công” được dùng để bắn pháo lệnh mỗi khi Kinh thành có ngày lễ hội hay sự kiện trọng đại đáng ghi nhớ.
Giáo sư người Pháp H. Lebris trong tác phẩm nói về Kinh thành Huế có mô tả rằng: “Cho đến thời Tự Đức, súng vẫn chưa một lần xung trận để bảo vệ Hoàng thành, mà chỉ dùng để bắn các phát súng lệnh ở Kinh đô khi diễn ra lễ cung đình như Mừng Khánh thọ vua, dịp lễ Tết hay Tế Nam Giao.”
Xưa kia người dân Kinh thành Huế khi đi ngang qua “Cửu vị thần công” đều có thói quen cúi chào. Ngay cả binh lính và các quan thường đi qua cũng không quên chào. Quan quân nếu sắp ra chiến trường cũng ghé đến “Cửu vị thần công” mong cho thắng trận trở về.
Giáo sư H. Lebris trong buổi họp năm 1914 ở Kinh thành Huế có nói rằng: “Có nhiều kẻ lâm bệnh đã đến và cúng rượu, trầu và giấy vàng bạc khấn lạy nhờ ơn Cửu Vị cứu sống. Bệnh tật chắc sẽ qua nếu không quên buộc ở họng súng chùm hoa vàng và khi đã hoàn toàn khỏi bệnh thì người ta đến tạ thần công bằng cúng cơm thịt gà giò, chuối.”
(Ảnh: Lưu Ly, Wikipedia, Public Domain)
“Cửu vị thần công” có giá trị linh thiêng bảo vệ Kinh thành Huế, được xem là tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Đến nay các khẩu thần công gần như còn nguyên vẹn, hiện diện như một phần quan trọng của di sản Kinh thành Huế, được công nhận là bảo vật quốc gia.
THEO DANVIET