Nói đến nhà tù Thái Nguyên chắc hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ đến những cái tên như Lương Ngọc Quyến, như Đội Cấn. Bởi vì nơi đây người anh hùng, nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến đã bị giam giữ. Và cũng chính nơi đây, Lương Ngọc Quyến cùng với Đội Cấn đã làm nên cuộc cách mạng 7 ngày.
Nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy / Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.” Mỗi khi đi đến một con phố, một ngôi trường, một di tích lịch sử là chúng tôi lại tìm tòi, chia sẻ những câu chuyện về những người anh hùng – những người đã đi vào trong dòng lịch sử đó để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm.
Lương Ngọc Quyến sinh năm 1885 là con trai nhà yêu nước Lương Văn Can. 1885 là một dấu mốc mà chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều. Bởi đây là giai đoạn mà nhân dân ta gọi là “một cổ hai tròng”, giai đoạn mà thực dân Pháp đã hoàn thiện được ách xâm lược của mình ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Còn triều đình nhà Nguyễn bị biến thành triều đình bù nhìn ở kinh đô Huế. Trong một giai đoạn như thế, rất nhiều những chí sĩ yêu nước đã đi tìm những con đường khác nhau. Từ những con đường yêu nước theo lối phong kiến truyền thống như của Hoàng Hoa Thám đến những con đường yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản như của Nguyễn Thái Học… Có rất nhiều những con đường yêu nước như vậy…
Như chúng ta đã biết, Lương Ngọc Quyến xuất thân là một con người theo nho giáo. Năm 1900, tức là năm tròn 15 tuổi, ông đã tham gia kỳ thi khoa cử phong kiến. Nhưng ông bị đánh trượt do phạm húy trong một bài phú. Tuy nhiên lần bị đánh trượt đó đã giúp Lương Ngọc Quyến có một sự thức tỉnh rất lớn. Ông nhận ra rằng học hành theo kiểu cổ thư, theo kiểu tầm chương trích cú đã lỗi thời rồi, mình phải học theo con đường tân học để tìm đường cứu nước. Và ông đã tìm đọc những tác phẩm của những nhà cách mạng Trung Quốc thời kỳ đó như là Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu… 15 tuổi, một con người chợt có một nhận thức luận thay đổi cả một cuộc đời mình. Đấy là một cột mốc vô cùng quan trong trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Lương Ngọc Quyến.
Cột mốc thứ hai diễn ra vào năm năm sau đó, khi ông 20 tuổi. Chúng ta ở đây, rất nhiều người đã qua độ tuổi hai mươi, rất nhiều nười đang ở độ tuổi hai mươi. Và có bao giờ ta tự hỏi rằng 20 tuổi, chúng ta đang làm gì? Đã làm gì? Nếu như chưa đến tuổi hai mươi, các bạn hãy nghĩ xem 20 tuổi các bạn sẽ làm gì? Còn đây là điều mà ở tuổi hai mươi, người anh hùng Lương Ngọc Quyến đã làm: ông quyết định viết một tờ giấy gửi cho vợ. Tờ giấy ấy là tờ giấy quyết định cho vợ mình tái giá. Ông quyết định chia tay vợ, để lại đứa con nhỏ ở quê nhà để sang Nhật Bản theo phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu. 20 tuổi, bỏ vợ, bỏ con để đi tìm một con đường cứu nước. Đấy rõ ràng là một quyết định mang tính bước ngoặt đối với một cuộc đời. Và đấy cũng là một quyết định mà tuổi hai mươi của chúng ta hôm nay có lẽ còn phải suy nghĩ nhiều lắm…
Ở tuổi hai mươi khi lặn lội sang Nhật Bản học về quân sự, Lương Ngọc quyến đã phải đối diện với vô vàn những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn. Tuy nhiên, bằng một nỗ lực phi thường, bằng một tấm lòng trung trinh với Tổ quốc mình, thì ông vẫn tốt nghiệp thủ khoa trường Chấn Vũ vào năm 1908. Thời gian này ông tham gia vào Công hiến hội. Sau đó ông bị trục xuất, phải bỏ sang Trung Quốc theo học các trường quân sự rồi nhận chức thiếu tá trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Tháng 3-1912, ông được bầu làm Ủy viên quân sự Bộ chấp hành Việt Nam Quang Phục Hội.
Năm 1914, Lương Ngọc Quyến về nước gây dựng cơ sở cách mạng tại Nam Kỳ, rồi sang Thái Lan, Hồng Kông. Ông bị mật thám Anh bắt trao cho thực dân Pháp.. Một quãng đời tù ngục đã diễn ra với ông. Thực dân Pháp giam Lương Ngọc Quyến tại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội, rồi các nhà tù ở Phú Thọ, Nam Định, và cuối cùng là nhà tù Thái Nguyên. Ở nhà tù Thái Nguyên, vừa giam cầm, tra tấn ông, thực dân Pháp vừa làm những động tác chính trị như cho ông gặp mẹ để hi vọng thay đổi, lung lay ý chí chiến đấu của ông. Nhưng với một tấm lòng kiên trung với Tổ quốc, cái ý chí đó vẫn được Lương Ngọc Quyến giữ và ngày càng bồi đắp lên. Cho nên, chính ở nhà tù này, chúng ta biết rằng Lương Ngọc Quyến đã thực hiện một cuộc cách mạng cùng với một người anh hùng khác là Đội Cấn.
Năm 1915, Lương Ngọc Quyến đã gặp Đội Cấn. Đội Cấn tên thật là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881, người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà nghèo, năm 1910, ông đăng lính khố xanh thay cho anh trai với cái tên là Trịnh Văn Cấn, sau thăng dần lên chức đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp đóng tại Thái Nguyên, vì thế ông được gọi là Đội Cấn.
Khi Đội Cấn theo lính Pháp trấn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, ông đã cảm phục tấm lòng yêu nước của người anh hùng Hoàng Hoa Thám. Ông nhận ra với lòng yêu nước nồng nàn của mình thì người Việt Nam hoàn toàn có thể đứng lên đánh Pháp. Khi viên quan Pháp lên cai trị Thái Nguyên đã thực hiện một chính sách vô cùng tàn bạo, trong lòng Đội Cấn đã nẩy sinh những nhận thức mới. Với hai nhận thức đó cộng với việc từ lâu đã ngưỡng mộ Lương Ngọc Quyến cho nên Đội Cấn đã thực hiện một công việc đó là luân chuyển tin tức cho Lương Ngọc Quyến với bên ngoài. Lúc đó ở nhà tù Thái Nguyên còn giam gữ nhiều chí sĩ yêu nước khác.
Cuối cùng vào một ngày tháng 8, cụ thể là 31/8/1917, Đội Cấn, Lương Ngọc quyến và các chí sĩ yêu nước đã vùng lên, đánh bại đại bản doanh của Pháp ở Thái Nguyên. Sau đó, đánh vào nhà tù Thái Nguyên, giải phóng nhiều tù nhân yêu nước. Có một câu chuyện là khi được giải phóng, những người yêu nước đã hát vang một góc nhà tù. Nghĩa quân đã kêu gọi được tình đoàn kết của nhân dân Thái Nguyên, chính thức giải phóng thành phố Thái Nguyên trong 7 ngày.
“… Ta chiêu tập những anh em có tinh thần tự do độc lập, có nhiệt tâm yêu nước thương nòi… Hôm nay, ta bắt đầu khôi phục lấy tỉnh Thái Nguyên. Lá cờ năm ngôi sao đã kéo lên phấp phới trên kỳ đài. Ta tuyên bố Thái Nguyên độc lập”. Trích tuyên ngôn thứ nhất sau khi giải phóng Thái Nguyên trong 7 ngày. Thời gian đã qua đi, thời gian có thể che mờ nhiều lớp bụi của lịch sử. Nhưng hôm nay, khi đọc lại tuyên ngôn này, tuyên bố này, trong lòng mỗi chúng ta chắc hẳn sẽ trỗi lên nhiều cảm xúc. Chúng ta phải hiểu rằng để có được 7 ngày độc lập của Thái Nguyên thì nghĩa quân đã phải trải qua biết bao gian khổ, thử thách.
Sau đó, thực dân Pháp kéo một toán quân từ Đồ Sơn lên Thái Nguyên. Với sức mạnh vượt trội về hỏa lực, kẻ địch đã đẩy nghĩa quân của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến vào khu vực nguy hiểm. Nhiều năm bị giam cầm trong nhà tù Thái Nguyên, sức khỏe của Lương Ngọc Quyến xuổng rất thấp, ông thậm chí không đi được nữa. Lúc đó, Đội Cấn phải chuẩn bị một chiếc cáng để cáng Lương Ngọc Quyến chạy giặc. Biết rằng mình không thể chạy được và nếu chạy thì cũng sẽ ảnh hưởng đến đoàn quân. Lương Ngọc Quyến đã đưa ra lời đề nghị với Đội Cấn: hãy bắn vào trái tim tôi, hãy để cho tôi chết, tôi không muốn nhìn thấy thực dân Pháp giày xéo lên lá cờ cách mạng. Sau lời đề nghị đó, Đội Cấn đã bắn một nhát đạn vào trái tim của Lương Ngọc Quyến. Trái tim của người anh hùng đã ngừng đập nhưng cái khát vọng của ông để lại chắc chắn là một khát vọng truyền đến ngàn đời mai sau. Một thời gian sau, nghĩa quân của Đội Cấn dần dần bị đẩy vào thế vô cùng hiểm nghèo. Khi mà xung quanh ông chỉ còn 4 người. Đội Cấn cũng đã tự bắn một nhát đạn vào trái tim mình.
Cái chết của những người chiến sĩ cách mạng đầu tiên của thế kỷ XX như Lương Ngọc Quyến, như Đội Cấn là những cái chết thật bi tráng, thật kiêu hùng. Có những viên đạn đã găm vào trái tim những người anh hùng ấy. Nhưng sau viên đạn đấy, sau khoảng khắc trái tim những người anh hùng ngừng đập thì lịch sử đã được viết thêm những trang mới, lịch sử đã được viết thêm nhừng dòng mới, lịch sử đã được viết thêm vào đó những người anh hùng mới mà đến tận hôm nay, lớp thời gian trôi đi, chúng ta nhớ đến họ, chúng ta phải tự vấn lại tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quốc của chính mình.
Nhà báo Phan Đăng