Trong chiến thắng của quân ta thời Lý trước quân Tống xâm lược thì phải kể đến cả 3 yếu tố ta có mà Tống thiếu. Thứ nhất là thiên thời khi vận khí nước ta đang lên, nhà Tống đang xuống. Về địa lợi là ta có phòng tuyến Như Nguyệt vững chắc trong khi quân Tống lại từ xa đến, thiếu thốn trăm bề. Còn nhân hòa là ta có tài dùng binh của Lý Thường Kiệt và quân dân cả nước đồng lòng còn ngược lại thì quân Tống không có sự thống nhất.
Hay "Tiết hựu dục sử nhân tê sắc bảng nhập tặc trung chiêu nạp, hựu bất thính. Toại lệnh yến đạt tiên bị quảng nguyên, phục hoàn vĩnh bình. Tiết dĩ vi quảng nguyên gian đạo cự giao châu thập nhị dịch, thú lợi yểm kích, xuất kỳ bất ý, xuyên đồ tịnh tiến, tam lộ trí thảo, thế tất phân hối, cố tranh bất năng đắc". tạm hiểu là: "Tiết lại muốn sai người treo sắc bảng chiêu nạp ở Giao châu (tức chỉ Đại Việt), Quỳ lại không nghe. Trước đó Quỳ lệnh cho Yến Đạt phòng bị châu Quảng Nguyên, rồi lại điều ông ta về Vĩnh Bình; Tiết cho rằng Quảng Nguyên chỉ cách đai bản doanh Giao châu khoảng chừng 12 trạm dịch, có thể tập kích, nên chia quân 3 lộ, thủy bộ cùng tiến, ắt đánh cho quân Nam tan vỡ; vì thế Tiết cố gắng tranh luận, nhưng vẫn không được".
Vì những bất đồng đó, mà chẳng ai chịu ai. Trong lúc hành quân hạ trại thì chánh tướng và phó tướng tự chỉ huy khối quân của mình. Sức mạnh tổng hợp của đạo quân viễn chinh này tự bị xé nửa. Tuy rằng trong binh thư của Trung Quốc có nói đến việc chia quân tạo thế "ỷ giốc" để đầu đuôi ứng cứu được với nhau nhưng trên thực tế thì sự phối hợp liên lạc giữa hai khối quân này rất hạn chế. Ngay khi đóng trại tại phía Bắc phòng tuyến sông Như Nguyệt thì hai bên cũng hạ trại cách nhau đến 60 dặm, khoảng 30 cây số.
Sau khi thất bại và phải kéo tàn binh về nước, cả Quách Quỳ và Triệu Tiết đều bị giáng tội nhưng mức độ khác nhau. Tống sử chép: "Quỳ ký tọa biếm, Tiết diệc dĩ bất tức bình tặc, giáng vi Trực long đồ các, tri Quế châu", tạm hiểu là Quỳ bị biếm chức vì tự ý giảng hòa còn Tiết chỉ bị trách tội không chịu đánh trận kịp thời nhưng vẫn được làm Trực Long Đồ các, Tri Quế Châu.
Tại sao Tiết lại bị luận tội "bất tức bình tặc"? Phải chăng vì không xuất quân theo lệnh của chánh tướng? Nhưng vì chính kế hoạch của chánh tướng cũng chẳng mang lại hiệu quả nên thành ra việc không nghe lệnh đó lại không bị kết án nặng nề. Sau đó, Tống sử cũng không còn chép thêm về hoạt động chung nào nữa của Quỳ và Tiết.