Con kênh đào gần 200 năm tuổi có thể nói là công trình thủy lợi quan trọng nhất của triều Nguyễn ở vùng đất Tây Nam bộ. Trong sử sách của triều Nguyễn biên soạn đều không gọi là kênh (kinh) Vĩnh Tế mà gọi là “Vĩnh Tế hà” (sông Vĩnh Tế).
Từ ý tưởng chiến lược của vua Gia Long
Ngay từ năm 1816 khi thành Châu Đốc được xây dựng xong, vua Gia Long đã có ý tưởng về việc mở một con đường thủy thông xuống Hà Tiên, vừa thông thương buôn bán, vừa phát triển nông nghiệp, tạo ra những cụm dân cư đông đúc, ổn định vùng biên viễn. Tuy nhiên nhà vua cũng biết đây là vùng đất mới, dân còn cơ cực, mà việc đào một con kênh lớn và dài như vậy sẽ rất hao tổn sức quân, sức dân, cho nên vua cũng còn chưa quyết vội.
Cuối năm 1819, nhân có người Chân Lạp sang chầu, cũng nói thêm về việc Chân Lạp muốn con kênh ấy được đào vì những lợi ích nó có thể mang lại. Lúc đó vua Gia Long mới quyết định cho đào kênh.
Sách Gia Định thành thông chí (tập Thượng, mục “Vĩnh Tế hà”) của Trịnh Hoài Đức viết: “Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào phía hữu sau đồn Châu Diên lên phía tây qua náo khẩu Ca-âm đến Kỳ Thọ (tục danh Cây cầu) dài 44.412 tầm, thành 205 dặm rưỡi, đặt tên là sông Vĩnh Tế. Trước khi đào sông, vua sắc dụ cho Vĩnh Thanh Trấn thủ là Thụy Ngọc hầu Nguyễn Văn Thụy, Hữu quân Hữu bảo vệ Vệ úy chưởng cơ Tuyên Quang hầu Phan Văn Tuyên đốc sức dân phu trấn Vĩnh Thanh mỗi phiên 5.000 người, quân lưu trú ở đồn Oai Viễn 500 người, Chiêu thùy Tôn La Ha Toàn Phù người Cao Miên đem quân-dân mỗi phiên 5.000, ngày 15 tháng 12 (âm lịch) khởi công. Trừ đoạn ở náo khẩu 4.075 tầm không đào đến, còn thật sự đào là 26.279 tầm, chước lượng thổ công, khó dễ, nhân lực nặng nhẹ, bắt đầu từ miệng hào đến náo khẩu đất khô ráo có 7.575 tầm là phần công tác của dân Kinh, còn phần đất bùn lầy có 18.740 tầm là phần công tác của dân Cao Miên. Đào bề ngang 15 tầm, sâu 6 thước, quan cấp cho mỗi tháng mỗi người là 6 quan tiền và một vuông gạo. Đến ngày 15 tháng 3 năm đầu Minh Mạng (1820) đào xong…”.
Thực tế công việc đào sông (kênh) Vĩnh Tế không suôn sẻ, có lẽ Gia Định thành thông chí chép nhầm rằng 15/3/1820 đào xong. Thực ra tháng 3 âm lịch năm 1820, vua Minh Mạng đã lệnh hoãn đào sông.
Cầu Vĩnh Ngươn ở Châu Đốc, An Giang - cửa sông (kênh) Vĩnh Tế nối vào sông Hậu. Ảnh: Tư liệu
Những khó khăn và những lần trì hoãn
Công trình vừa khởi công được vài ngày thì vua Gia Long mất (19/12/1819 âm lịch). Vua Minh Mạng lên nối ngôi, đến tháng 3 âm lịch năm Minh Mạng thứ nhất (1820) thì nhà vua lệnh tạm hoãn việc đào sông. Lúc này, con sông mới đào được tổng cộng khoảng 1/4 chiều dài dự kiến.
Sách Đại Nam thực lục Chính biên (tập 2, đệ nhị kỷ, quyển 2 - NXB Giáo Dục, 2007) chép: “Tháng 3 năm Minh Mạng thứ nhất (1820). Hoãn công việc đào sông Vĩnh Tế.… Đến nay công việc chưa xong (đã thành sông được 3.224 trượng, chưa thành sông 9.992 trượng), vua không nỡ để cho nhọc sức dân mãi, nên hoãn lại. Những chỗ chưa kịp đào thì ra lệnh cho tạm mở lạch nhỏ, có thể cho thuyền nhỏ đi lại thông được mà thôi”.
Sau đó đã có mấy lần triều Nguyễn định tiếp tục công việc đào sông (kênh) Vĩnh Tế, nhưng vì nhiều lý do (trong đó việc dịch bệnh hoành hành trên cả nước cuối năm 1820, vua mới kế vị lo ổn định triều chính), nên mãi đến tháng 2 âm lịch năm 1823 công việc đào sông mới được tiếp tục, và cũng phải tạm hoãn thêm vài lần nữa, tới tháng 5.1824 việc đào sông mới được hoàn thành.
Quốc triều chính biên toát yếu chép: “Năm Quý Vị thứ 4 (1823), tháng 2. Lại đào sông Vĩnh Tế, khiến Lê Văn Duyệt đổng lý việc ấy. Khi trước Duyệt nghe Hưng Hóa có giặc, mật tâu xin hoãn việc đào sông; đến nay thì giặc bình rồi, lại bắt binh dân đào nữa; chưa được bao lâu, Duyệt đau, Ngài khiến quan Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu thay việc cho Duyệt…
Tháng 4, hoãn việc đào sông Vĩnh Tế. Vì nhơn đến tiết mùa hạ, mà việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng, Ngài bèn truyền cho thôi đào, và thưởng hàng lụa cho Lê Văn Duyệt, Trương Tấn Bửu …
… Năm Giáp Thân thứ 5 (1824), tháng 2. Lại đào sông Vĩnh Tế (năm ngoái còn lại 1.700 trượng, nay lại đào, đến tháng 5 mới xong, dựng bia làm ghi)”.
Người trực tiếp chỉ huy công việc đào sông (kênh) Vĩnh Tế xuyên suốt các giai đoạn là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại (Gia Định thành thông chí chép là Thụy Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thụy); trong từng giai đoạn có những người khác chia sẻ công việc với ông như: Tuyên Quang Hầu Nguyễn Văn Tuyên, Thống chế Nguyễn Văn Tồn… Toàn bộ quá trình đào sông, tổng số dân binh huy động lên tới hơn 80.000 người, kéo dài trong 5 năm (theo Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nguyễn Văn Hầu, NXB Hương Sen 1972, chương 11: Đào Vĩnh Tế hà).
Bản đồ vẽ sông (kênh) Vĩnh Tế thời Nam kỳ Lục tỉnh. Ảnh: Tư liệu
Vua Minh Mạng tôn vinh công đức vua cha
Tổng chiều dài sông (kênh) Vĩnh Tế từ Châu Đốc tới khi nhập vào sông Giang Thành là 65-67 km. Việc phải đào sông (kênh) giữa vùng đồng không mông quạnh với thời tiết khắc nghiệt của miền Tây Nam bộ, nhiều thú dữ, rắn rít… gặp rất nhiều khó khăn. Ngay đợt đào đầu tiên, Thống chế Nguyễn Văn Tồn cũng vì lao lực và bệnh mà mất (mùng 4 tháng giêng năm 1820). Số dân binh cả Việt và Miên bị chết vì thú dữ, vì lao lực và tai nạn trong quá trình đào sông cũng rất nhiều.
Ý nghĩa và lợi ích to lớn của con sông (kênh) đào dài nhất Nam bộ này vẫn còn phát huy cho tới tận ngày nay. Ngoài việc cần ghi nhận công sức hy sinh của dân binh Miên - Việt đã tham gia công trình này, cũng cần phải ghi nhận tầm nhìn của vua Gia Long khi đã ấp ủ ý tưởng đào sông (kênh) Vĩnh Tế và kiên quyết thực hiện.
Công trình khởi công ngày rằm tháng chạp năm 1819, 4 ngày sau thì vua Gia Long băng hà, do đó toàn bộ quá trình đào sông (kênh) Vĩnh Tế gần như hoàn toàn nằm trong giai đoạn trị vì của vua Minh Mạng. Tuy nhiên khi vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh (1835 - 1837) thì nhà vua lại cho khắc "Vĩnh Tế hà" lên Cao đỉnh - chiếc đỉnh tượng trưng vị thế của vua Gia Long, vì muốn tôn vinh công đức của vua cha.
THEO DANVIET