Vì sao vua Gia Long sau khi lên ngôi đã chọn Huế làm kinh đô?

Lý do vua Gia Long chọn Huế làm kinh đô?

Phú Xuân là đô cũ của các chúa Nguyễn Nam Hà và kinh đô của nhà Nguyễn Tây Sơn. Việc vua Gia Long chọn Phú Xuân làm quốc đô của nước Việt Nam bởi có những lý do chính đáng.

Việc vua Gia Long chọn Phú Xuân làm quốc đô không đơn giản vì đây là đất khởi nghiệp của tổ tiên mà là vì nhiều lý do quan hệ đến sự hưng vong của triều đại nhà Nguyễn và sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Sách Đại Nam thực lục ghi: "Ở Phú Xuân, nhân sĩ đông đúc, phong tục thuần lương, các thánh đóng đô ở đây thực là nơi đô hội bậc nhất của nước Nam".

Vì sao vua Gia Long ngay khi lên ngôi đã chọn Huế làm kinh đô? - Ảnh 1.

Di tích Đại Nội Huế được giữ gìn và bảo tồn

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam và miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng... sông lớn giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuộn, hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất sắp đặt, thật là thượng đô của nhà vua" 

Và trong các yếu tố làm cơ sở cho việc quyết định chọn lựa đất đóng đô thì yếu tố chính trị là quan trọng bậc nhất.

Gia Long muốn đóng đô ở miền Trung để tiện liên lạc với cả hai miền Nam, Bắc. Vì lẽ vào thời đó, phương tiện giao thông, cách thức liên lạc còn thô sơ và chậm chạp, ra Bắc vào Nam, dù bằng ghe bầu hay bằng ngựa trạm thì cũng mất mười mấy ngày trời, chứ không phải mất mấy tiếng đồng hồ như ngày nay.

Huế là vùng đất trung tâm của Việt Nam lại gần cảng Đà Nẵng thuận tiện giao thông buôn bán. Nếu đặt kinh đô ở đây thì có thể kiểm soát được cả Bắc Hà lẫn Gia Định dễ dàng hơn trong vận chuyển và liên lạc với kinh đô.

Vốn dĩ các Chúa Nguyễn đã chọn Phú Xuân làm kinh đô cho đàng trong nhiều năm. Bởi vậy vua Gia Long đã chọn lại địa điểm này để xây dựng Kinh thành với quy mô to lớn hơn, nằm trên đất của 8 làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, Thế Lại, An Vân, An Hòa, An Bửu và An Mỹ.

Về mặt phong thuỷ, trước mặt của kinh thành là núi Ngự Bình cao hơn 100 mét, đỉnh bằng phẳng, dáng đẹp, cân phân nằm giữa vùng đồng bằng như một bức bình phong thiên nhiên che chắn. Hai bên là Cồn Hến và Cồn Dã Viên làm tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) làm thế rồng chầu hổ phục tỏ ý tôn trọng vương quyền. Minh đường thủy tụ là khúc sông Hương rộng, nằm dài giữa hai cồn cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho đô thành.

Ý nghĩa lịch sử của Kinh thành Huế

 
 
 

Bản đồ kinh thành Huế

Các công trình nổi bật trong kinh thành Huế gồm có Ngọ Môn, Hoàng Thành, Tử Cấm Thành

Ngọ Môn nằm phía Nam của Kinh thành Huế. Đây là cửa chính của Hoàng thành và là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, phức tạp. Từ xanh nhìn lại, Ngọ Môn như một tòa lâu đài tráng lệ, nguy nga với hệ thống bậc cấp được xây dựng từ phiến đá dài lộ thiên dẫn đến lầu Ngũ Phụng. Đây là địa điểm check in của bất cứ du khách nào khi đến Huế.

Hoàng thành là vòng thành thứ 2 cửa Kinh thành Huế, được thiết kế làm nơi ở của vua, hoàng gia cũng như nơi làm việc của triều đình. Đây cũng là nơi thờ tự các tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn.

Hoàng thành bắt đầu được xây dựng từ năm 1804 dưới thời vua Gia Long. Hoàn thiện vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Hoàng thành được bố trí 4 cửa, trong đó có cửa chính là Ngọ Môn. Ngoài ra, bên trong Hoàng thành còn có Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Hiển Lâm Các…

Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng của Hoàng thành, trước gọi là Kinh thành. Nơi đây được xây dựng vào năm 1803 và có tên là Tử Cấm Thành từ năm 1821 – năm Minh Mạng thứ 2. Tử Cấm Thành được thiết kế hình chữ nhật, mặt trước là Đại Cung Môn. Bên trong thành có các di tích như Duyệt Thị Đường, Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành, Vạc đồng…

Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài trong suốt 30 năm dưới hai triều vua

Kiến trúc kinh thành Huế là sự kết hợp chặt chẽ đầy trí tuệ giữa kiến trúc và thiên nhiên. Đây là tri thức và tài nghệ của dân tộc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.