Vị vua Việt nào là hậu thân của một... ông lão ăn mày?

Theo truyền thuyết lưu truyền từ thời Lê, vua Lê Thần Tông lại là hậu thân của một… ông lão ăn mày.

Sách Tang thương ngẫu lục, kể lại nhiều sự tích những năm cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, của hai tác giả Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án, kể lại:

Vua Lê Kính Tông ở ngôi lâu năm, mà chưa sinh hoàng nam để lập làm Thái tử, thường cầu khấn trời đất quỷ thần mãi. Rồi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái chúa Trịnh Tùng) có mang, đến ngày lên giường cữ, mãi chưa sinh được, lòng vua lo lắng.

Chợt vua chiêm bao thấy có người bảo: “Hoàng tử còn ở chợ Báo Thiên, hậu cung sinh mau sao được!”.

Tỉnh dậy, vua sai nội giám thử ra chợ ấy dò xem. Chợ này xưa ở Tây Nam hồ Gươm, gần chùa Báo Thiên, khoảng khu vực phố Nhà Chung, gần Nhà thờ Lớn Hà Nội ngày nay.

Bấy giờ vừa tang tảng sáng, chợ vắng tanh chưa có ai. Nội giám chỉ thấy dưới gầm phản hàng thịt, có lão ăn mày tóc bạc phơ, tuổi chừng 81, 82, đương nằm ở mặt đất mà rên hừ hừ, ngắc ngoải chờ chết. Nội giám vội chạy về tâu. Vua lại sai ra thăm hỏi xem.

Sáng ra thì lão ăn mày chết mà giữa lúc ấy, trong cung hoàng hậu đã sinh ra hoàng tử. Việc sinh hoàng tử, đặt tên là Duy Kỳ được sử sách ghi lại vào năm 1607.

Sau này, vua Lê Kính Tông thấy chúa Trịnh Tùng chuyên quyền quá, lại biết con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân tranh ngôi Thế tử với Trịnh Tráng, nên nhà vua bàn mưu với Xuân giết chúa, hứa quyền binh sau này sẽ trao cho Xuân.

Tuy nhiên vụ binh biến của Trịnh Xuân và thuộc hạ là Văn Đốc không thành, Văn Đốc bị bắt, Trịnh Xuân bị tước quyền bính, bị giam vào phủ, vua Kính Tông đành treo cổ tự tử.

Vị vua Việt nào là hậu thân của một... ông lão ăn mày?- Ảnh 1.

Tượng vua Lê Thần Tông

Lúc này, trong tôn tộc nhà Lê còn có cháu đích của vua Lê Anh Tông, con Bản quốc công Lê Bách là Cường quận công Lê Duy Trụ lấy con gái của thế tử Trịnh Tráng, cũng có ý muốn lên ngôi. Hoàng hậu Ngọc Trinh mới khóc với chúa, là cha của mình rằng:

- Tiên quân có tội, chứ đứa con có tội gì? Sao lại bỏ con của con mà đi tìm người khác. Nếu phụ vương lập nó, thì đến muôn đời sau kẻ làm vua vẫn là con cháu của phụ vương vậy.

Chúa mới quyết định, sai đại thần và bách quan rước trưởng hoàng tử Lê Duy Kỳ tới điện Cần Chánh lên ngôi, tức là Lê Thần Tông, lúc đó vua mới 12 tuổi.

Khi ở ngôi, triều thần lấy ngày sinh của vua làm tiết Thọ Dương. Hàng năm đến tiết này, nhớ sự tích sinh vua, các quan trong cung lại dựng hành tại ở chợ Báo Thiên; bộ Lễ sắm xe giá tàn quạt, đến nơi hành tại, rước hai cây thiên tuế, vạn tuế làm bằng trúc về cung; quan ở tòa Kinh Diên rước hai cây ấy đi quanh giường ngự ba vòng, chúc Hoàng đế sống lâu muôn tuổi.

Lễ cử hành xong, vua ngự ở điện Vạn Thọ, chịu lễ chầu mừng, ban yến ở sân điện. Các triều vua sau cũng theo như thế, gọi là lễ Khánh Thọ bảo thần.

Vua Thần Tông sinh được bốn con là Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hy Tông đều lên ngôi thiên tử, nên đời sau cho rằng vua Thần Tông có phúc thọ vào bậc nhất trong các vua Lê đời trung hưng.

Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng, vua Thần Tông được ở ngôi lâu là nhờ vua cam chịu làm “bù nhìn” dưới sự điều khiển của chúa Trịnh. Thậm chí, chúa Trịnh Tráng còn ép vua lấy con gái mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vốn là vợ của người bác họ của vua là Lê Trừ, đã bị chúa xử tội.

Bà Ngọc Trúc hơn vua tới 12 tuổi, đã có con riêng, nhưng vua hiểu không thể cưỡng lại quyền lực của Chúa Trịnh, đành nói: "Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy".

Tuy chép lại truyện này, nhưng hai tác giả Phạm Đình Hồ, Nguyễn Án vẫn bình luận: “Xét cái thuyết tiền thân, hậu thân là xuất tự kinh điển nhà Phật, đạo Nho chẳng hề nói đến. Nếu quả có chuyện ấy thật thì tiền thân vua Lý Thần Tông là thầy tu Từ Đạo Hạnh, hậu thân là lão già ở chợ Báo Thiên, lại hậu thân là vua Thần Tông triều Lê; một ông sư, một lão ăn mày, tái sinh vào nhà đế vương, khiến người không thể hiểu nổi”.

THEO DANVIET