Đặc nhiệm Mỹ chắc mẩm “vớt cá trong rọ”
Thời kháng chiến chống Mỹ, quân dân ta bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Tính từ viên phi công Everett Alvarer lái chiếc A4 Skyhawk, bị bắn rơi đầu tiên ngày 5 tháng 8 năm 1964 trên bầu trời Hải Phòng đến ngày 31 tháng 10 năm 1968, ngày tổng thống Johnson tuyên bố ngừng cuộc ném bom đánh phá miền Bắc, số lượng tù binh phi công lên đến 356 người.
Cuộc tập kích Sơn Tây 1970. Ảnh minh họa.
Những phi công tù binh ban đầu được giam ở Hỏa Lò nhưng về sau ngày càng đông nên được chuyển bớt đi một số nơi. Một trong số đó là trại giam Mai Châu – Hòa Bình và trại giam Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), cách Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Qua các thông tin tình báo, Cơ quan tình báo quân đội Mỹ DIA đã nắm được các thông tin này.
Ở trong lòng nước Mỹ, cùng với số thanh niên chết trận ngày càng nhiều, càng có nhiều người mất lòng tin vào cuộc chiến và cùng với những tin tức bịa đặt “các tù binh Mỹ bị đối xử thô bạo, có người đánh đập đến chết” mà báo chí Mỹ đưa tin, các tổ chức phản chiến và người nhà của các tù binh càng quyết liệt yêu cầu chính phủ đứng ra can thiệp yêu cầu Bắc Việt thả tù binh, áp lực đối với chính phủ Mỹ cũng ngày càng lớn.
Từ thủ đô Washington men theo bờ sông Potomac về phía Nam 25 km là doanh trại lục quân Belvood của bang Virginia. Tại đây, có trụ sở của cơ quan 1127 – tình báo đặc nhiệm thuộc không lực Hoa Kỳ, chỉ huy trưởng là Colla. Hàng ngày, họ gặp gỡ những kẻ đào ngũ từ Liên Xô, Việt Nam và cả những người Mỹ đã từng bị phía Việt Nam bắt giữ, họ lắng nghe, thu nhặt và tổng hợp, phân tích các tin tức tình báo.
Theo tin tức tình báo mới nhất của Mỹ, tính đến đầu năm 1970 có 482 tù binh bị giam giữ tại Đông Nam Á (trong đó 80% tại miền Bắc Việt Nam). Trong đó quá nửa số đó là phi công, ngoài ra còn có 970 người mất tích. Đầu tháng 5 năm 1970, có tin tức cho thấy tại hai trại giam ở phía Tây Hà Nội có những biểu hiện bất thường. Hai trại giam đó, một trại ở Mai Châu cách Hà Nội 50km về phía Tây, trại kia nằm ở Sơn Tây cách Hà Nội 37km.
Qua tin tức tình báo và không ảnh, tình báo Mỹ xác định tại trại Sơn Tây có thể giam giữ tù binh Mỹ, gần đây trại giam này đang được mở rộng, còn xây dựng thêm các chòi canh và tường bao. Ngoài ra còn phát hiện quần áo của tù binh Mỹ giặt phơi được xếp thành hình chữ K (chữ K là ký hiệu có ý nghĩa hãy đến cứu tôi) có vẻ như là lời cầu cứu.
Những dấu hiệu được xếp trên mặt đất có thể được hiểu là thể hiện ý nghĩa có 55 tù binh. Qua phân tích, còn một ám hiệu khác cho thấy có 6 tù binh đang có kế hoạch trốn trại, kèm theo đó là địa điểm yêu cầu được giải cứu. 6 tù binh đó yêu cầu được giải cứu tại sườn núi Ba Vì về phía Lào cách Sơn Tây 13 km về phía Tây Nam. Các tù binh thường được ra ngoài nhằm kiếm củi và chất đốt về cho trại nên đã manh nha nuôi ý định này.
Bộ quốc phòng Mỹ quyết định tổ chức cuộc giải cứu tù binh tại trại giam Sơn Tây, được gọi là chiến dịch Bờ Biển Ngà. Ngày 10/6/1970, nhóm kế hoạch gồm 15 người do Blackbourne lãnh đạo tập trung tại Cục Tình báo Quốc phòng, bắt đầu việc lập kế hoạch thực hiện. Ngày 10 tháng 7, Hội đồng Tham mưu trưởng họp phiên đầu tiên với sự tham dự của tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân – Thượng tuớng More, vấn đề chủ yếu được đề cập tất nhiên là vấn đề giải cứu tù binh.
Theo kết quả phân tích các bức không ảnh tầm cao của máy bay trinh sát SR-71 và ảnh chụp tầm thấp của máy bay không người lái Buffalo Hunter, cho thấy tình hình như sau: Trại giam Sơn Tây nằm ở giữa đồng lúa cách khu vực dân cư 1,6km về phía Đông Nam; máy bay cỡ lớn thì không được nhưng máy bay trực thăng cỡ nhỏ có thể hạ cánh ngay trong sân trại. Theo giải trình của nhóm kế hoạch, trại giam Sơn Tây có 61 tù binh (họ tên của 61 tù binh đã được xác định) vẫn đang hoạt động, nhưng lúc đó trại giam Mai Châu thì đã đóng cửa.
Tình báo Mỹ nhận định, lực lượng canh gác bố trí trong trại khoảng 45 người; lực lượng vũ trang của ta ở xung quanh Sơn Tây có khoảng 12.000 quân gồm trung đoàn bộ binh 12, trường pháo binh Sơn Tây, một kho quân trang ở thị xã với khoảng 1.000 cán bộ chiến sĩ hậu cần cùng với khoảng 500 bộ đội với 50 xe tại một căn cứ phòng không ở Tây Nam thị xã. Đây là lực lượng ngăn chặn đáng kể khi biệt kích đột nhập.
Nhóm kế hoạch thực hiện đề nghị: Lực lượng tác chiến sẽ xuất phát từ căn cứ Udon bên Thái Lan sang Sơn Tây bằng trực thăng, hoạt động tập kích diễn ra vào ban đêm. Mỹ tính toán các đơn vị ta đóng quân tản mát và ở xa trại giam nên thời gian nhanh nhất để có phản ứng phải mất 30 phút. Vì vậy, biệt kích Mỹ được chỉ đạo tiến hành cuộc đột nhập chỉ trong vòng 26 phút. Và để tránh những đợt gió mùa, thời gian thích hợp cho thực hiện tập kích là từ tháng 10 – tháng 11/1970.
Sự chuẩn bị của Quân đội Mỹ phải nói rằng rất chu đáo. Đầu tiên là các phi công lái trực thăng tập luyện bay ở độ cao sát ngọn cây và theo đường bay ngoằn ngoèo để khi tác chiến sẽ luồn thật thấp trong thung lũng nhằm vô hiệu radar đối phương. Từ đầu tháng 8/1970, hàng đêm tại căn cứ Eglin, các phi công Mỹ được lựa chọn tham gia chiến dịch miệt mài bay tập mò mẫm trong bóng đêm theo đường bay vạch sẵn từ Udon sang Sơn Tây.
Song song với các phi công, những lính biệt kích được tuyển chọn cũng bước vào một chương trình tập luyện rất công phu, gian khổ. Nhằm chắc chắn hơn nữa cho sự thành công của kế hoạch, các sĩ quan chỉ huy chiến dịch này còn cho dựng một trại giam giống hệt trại Sơn Tây với tỷ lệ 1:1 ngay trên đất Mỹ để cho biệt kích luyện tập thực tế. Hàng ngày biệt kích Mỹ đeo ba lô cùng vũ khí, trang bị chạy hàng chục mấy km, luyện tập cả khoa mục sinh tồn dã ngoại để chuẩn bị cho tính huống xấu nhất là phải rút chạy bằng đường bộ.
Từ ngày 28/9/1970 trở đi, toán biệt kích và không quân luyện tập chung với nhau tại mô hình trại giam theo kịch bản đã được vạch sẵn. Cứ mỗi ngày họ thực hiện 3 cuộc đổ bộ bằng trực thăng và đêm đến lại tập 3 lần nữa. Các biệt kích Mỹ được tập thành thục đến mức có thể bịt mắt mà vẫn di chuyển đúng địa hình thực địa và xạ kích trúng đích theo lệnh chỉ huy. Tất cả các địa hình xung quanh trại giam Sơn Tây cũng được nhóm đặc nhiệm thuộc nằm lòng.
Ngày 6/10/1970, cuộc tổng diễn tập lần cuối cùng có bắn đạn thật được tổ chức. Các máy bay trực thăng đã bay một quãng đường dài tượng trưng cho quãng đường từ Thái Lan sang Sơn Tây trước khi đổ biệt kích xuống mô hình trại giam. Do luyện tập quá nhiều, các biệt kích đã thuộc đến từng ngóc ngách cho nên buổi diễn tập thành công không chê vào đâu được. Các viên chỉ huy rất hài lòng.
Để thực hiện cuộc tập kích này, biệt kích Mỹ đã trải qua 170 lần diễn tập với sự tham gia của hơn 100 lính đặc nhiệm, 30 máy bay, gần 20 phi công trực thăng giỏi nhất của Mỹ. Cùng với sự hiệp đồng, chặt chẽ của các tàu sân bay tại Vịnh Bắc bộ, dự tính khả năng thành công của chiến dịch là gần 100%. Nhưng trong quá trình thực hiện, từ sai lầm này đã dẫn đến sai lầm kia, kết quả cuối cùng lại nằm ngoài dự tính của người Mỹ.
Thất bại muối mặt của người Mỹ
Theo quyết định của Tổng thống Nixon chiến dịch được tổ chức vào đêm 20 rạng sáng 21/11/1970. Từ sân bay Udon bên Thái Lan, 103 biệt kích Mỹ được 3 chiếc trực thăng cỡ lớn HH-53 chở đến mục tiêu. Cùng đi với 3 trực thăng này còn có chiếc C-130 dẫn đường cùng 2 chiếc C-141 để chở tù binh từ Sơn Tây về. Không quân và Hải quân Mỹ cũng điều hơn 100 máy bay đủ loại để ném bom, bắn phá các nơi nhằm nghi binh hỗ trợ cho chiến dịch này.
Biên đội được máy bay tiếp dầu AC-130P dẫn đường, cất cánh theo hướng đã định lúc 11 giờ 18 phút trên bầu trời Lào, nhằm tập hợp cùng lực lượng chi viện (đội A-1). Chiếc C-130 số 1 lúc đầu dự định sử dụng làm máy bay dẫn đường, nhưng do động cơ bị trục trặc nên cất cánh chậm 23 phút. Lúc 0 giờ 4 phút ngày 21, đội chi viện A-1 do máy bay C-130 dẫn đầu cũng cất cánh từ căn cứ không quân Nakon Phanom (Thái Lan) nhằm tập hợp lực lượng với nhóm hành động.
Toán hành động và lực lượng chi viện tập hợp trên không phận Lào, đội hình bay về hướng Sơn Tây dưới ánh trăng bàng bạc. Để giữ bí mật cho chiến dịch, suốt trong quãn đường hành trình, ngay cả ở những khu vực an toàn họ cũng đều bay rất thấp. Qua 3 giờ bay với tốc độ và độ cao thấp, biên đội đã vượt qua quãng đường 550km tính từ Udon, khi đến vùng trời Sơn Tây thì đã quá 2 giờ sáng ngày 21/11.
Chiếc HH-53 số 3 tách khỏi biên đội, bay vòng sang bên trái, Đội A-1 cũng lượn vòng trên vị trí đợi lệnh. Lúc này, chiếc C-130 thả pháo sáng, trại giam tù bình bỗng chốc được chiếu sáng rực. Chiếc HH-53 số 1 lao xuống, nhằm thẳng vào chòi canh của trại tù vừa xuất hiện trong tầm mắt và dội xuống đó một trận bão lửa, rồi bay sang vị trí đợi lệnh.
Chiếc C-130 dẫn đầu, chiếc HH-53 số 4 và số 5 cũng tách ra khỏi biên đội đổ bộ xuống lập một sở chỉ huy nhẹ rồi sau đó phá sập cầu sông Tích, nhằm chặn đường tiếp viện của các lực lượng vũ trang ta. Trên đường tiến quân, toán lính này đã đạp cửa xông vào một trong 3 ngôi nhà dân hiếm hoi trong vùng đang còn thắp điện sáng. Chúng xả súng giết chết người mẹ và một bé gái, còn một bé trai và một bé gái khác bị thương nặng.
Lúc này, nhóm chi viện đã hạ cánh nhầm xuống trường Đảng cách trại tù 400m về phía Nam. Chiếc HH-53 số 2 phát hiện ra điều này, vội vàng cho máy bay vòng sang hướng Bắc nhằm thẳng hướng trại tù. Chỉ huy của nhóm yểm trợ ngay lập tức phán đoán không thể trông đợi gì vào nhóm chi viện được nữa, nên ra lệnh lập tức chuyển sang kế hoạch “Màu xanh” (kế hoạch dự phòng, chỉ có lực lượng yểm trợ và tập kích gồm 34 người tham chiến).
Nhóm chi viện hạ cánh xuống khu vực trường Đảng, khi xông vào trong sân, thì phát hiện tình hình có vẻ không ổn. Chúng chỉ tìm thấy và xả súng bắn chết 5 cán bộ an dưỡng khi họ đang ngủ, sau đó dùng súng phun lửa cỡ nhỏ tiêu hủy tất cả những gì nhìn thấy. Chiếc HH-53 số 1 lúc này mới phát hiện ra sai lầm, nên quay lại đón tất cả nhóm đưa đến khu vực trại tù. Lúc này, trận chiến đã bắt đầu được 8 phút.
Chiếc HH-3 hạ cánh xuống sân trại tù gặp khó khăn hơn dự đoán, các thân và cành cây bị phạt đổ, cánh quạt máy bay rời ra, máy bay đổ kềnh trên mặt đất, những người trên máy bay bị đập mạnh xuống đất. 2 giờ 17 phút, đặc nhiệm Mỹ gào to: “Chúng tôi là người Mỹ, đừng ngẩng đầu lên” rồi xông vào các phòng giam nhưng không có bất cứ tù binh Mỹ nào. Tại 1 căn phòng nhỏ, đám biệt kích gặp 6 người trông coi trại không có vũ trang đang cởi trần ngủ, chúng liền xả súng giết chết họ.
Sau khi xác định chắc chắn không có bất cứ tù binh nào ở đây, các máy bay trong biên đội nhận được lệnh kết thúc chiến dịch của chỉ huy biên đội, trước khi đi chúng còn cài thuốc nổ vào chiếc HH-3 bị hỏng khi hạ cánh để phá hủy. Biên đội an toàn trở về căn cứ không quân Udon lúc 5 giờ 28 phút sáng. Kế hoạch tập kích thành công về mặt chiến thuật, khi đổ bộ và rút lui thành công mà không có bất cứ thương vong nào, nhưng lại không đạt được mục tiêu giải cứu tù binh.
Về phía ta, hơn 10 người đã bị giết, một số công trình như cầu sông Tích, trường Đảng Hà Tây bị phá hoại. Tuy nhiên kết quả chung cuộc thì chiến dịch Bờ biển Ngà của Mỹ đã thất bại ê chề dù nó được chuẩn bị hoàn hảo đến từng chi tiết. Câu hỏi làm đau đầu những người tham gia chiến dịch của Mỹ là tại sao trong các bức không ảnh vẫn thấy có tù binh Mỹ, mà đến khi tập kích lại không còn ai, vậy các tù binh đã bị đưa đi đâu?
Vén bức màn bí ẩn
Thất bại của cuộc đột nhập làm tình báo Mỹ không thể hiểu nổi. Rõ ràng là trước khi tiến hành đột kích, máy bay trinh sát vẫn thường xuyên theo dõi mục tiêu. Các bức ảnh chụp hồng ngoại vẫn cho thấy vẫn có người ở trong các buồng giam. Vậy nhưng khi tiến hành chiến dịch lại gặp một cái trại trống không. Nếu như đối phương đã biết trước thì tại sao biệt kích Mỹ không gặp phải một sự kháng cự nào? Đây là một cuộc chuyển trại tù binh một cách tình cờ?
Trong một cuộc điều trần tối mật tại Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1974, các nhân chứng đã tuyên bố rằng các tài liệu có liên quan tới chiến dịch tối mật mang tên “Kingpin” được bảo mật ở mức độ cao nhất, rất ít người có thể tiếp cận tài liệu này, bí mật đến nỗi các cố vấn thân cận nhất của Tổng thống và ngay cả Ủy ban An ninh quốc gia cũng không hề biết gì về nó.
Một nhân chứng khác nữa là vị phụ tá cho thứ trưởng quốc phòng đặc trách các sự vụ Đông Nam Á và Thái Bình Dương, người mà lực lượng phản ứng nhanh của Lầu Năm Góc tại Việt Nam phải trình báo mọi việc đã thú nhận rằng: “Lần đầu tiên tôi biết đến chiến dịch này là do đọc một bài báo của Jack Anderson”. Đội đặc nhiệm tham gia chiến dịch cũng chỉ biết luyện tập tác chiến chứ cũng không biết mình sẽ tập kích ở đâu, vào thời điểm nào, vì mục đích gì.
Sự thực không có gì là khó hiểu. Ngay từ sớm, an ninh và tình báo Việt Nam đã nắm được sơ bộ về vụ tập kích này. Trong cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam”, ông Gia Huy – một sĩ quan tình báo của Bộ Công an cho biết, từ giữa tháng 10/1970 ông đã nhận được tin tức rằng Mỹ sắp tập kích vào phía Tây Hà Nội để giải cứu tù binh phi công. Tin tức đến từ một cựu sĩ quan DIA Mỹ có cảm tình với cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Cũng theo tài liệu trên, Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự – Trưởng ban nghiên cứu phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris đã biết sớm về mô hình trại giam ở bắc Việt Nam trên đất Mỹ qua tài liệu mật của Quốc hội Mỹ mà ông có được. Bằng suy luận cá nhân, tướng Tự đã nhận định Mỹ có khả năng tấn công giải cứu phi công vào một trại tù binh phi công Mỹ ở miền Bắc. Nghiên cứu sâu về mô hình và phân tích tình huống, ông cho rằng mục tiêu tấn công của Mỹ là trại tù binh phi công ở Sơn Tây.
Nhưng có điều là về sau này, cả ông Gia Huy và tướng Tự về nước mới biết rằng, từ trước khi các ông gửi tin về thì ở nhà đã nghe phong thanh. Khi có tin của ông Gia Huy và tướng Tự thì lãnh đạo Bộ Công an quyết định chuyển tù nhân đến 1 trại dự bị nằm cách đó 15 km. Ông Huy còn kể: Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nói rằng ta đã bố trí một lực lượng mai phục ở trại, nhưng vì không biết chính xác ngày giờ nên chờ mấy tuần không thấy, lực lượng này đã rút đi.
Căn cứ điều đó có thể phán đoán, những bức ảnh hồng ngoại của Mỹ chụp trước khi tấn công vẫn thấy người ở trong trại có thể là những người lính của ta phục kích. Sau khi họ rút đi vì tưởng Mỹ đã bỏ kế hoạch này, công tác cảnh giới, đề phòng đã bắt đầu lơi lỏng thì mới đến thời điểm chúng tập kích. Đây là một sự việc đáng tiếc, nếu không ta đã có thể tóm gọn lực lượng biệt kích này, lập được chiến công lớn, gây tiếng vang trên trường quốc tế.
THEO DANVIET