Trước năm 1975, ở Sài Gòn, khu Đại Thế Giới là một trung tâm cờ bạc nổi tiếng. Tại đây có các sòng bạc lớn hoạt động công khai, các vũ trường, quán ăn sang trọng vào bậc nhất nằm ngay trong khuôn viên. Một thời, nó được ví như Las Vegas (trung tâm đánh bạc nổi tiếng thế giới) của Việt Nam.
Vua Bảo Đại.
Đại Thế Giới phát triển cực thịnh dưới thời ông trùm Lâm Giong – người Ma Cao, điều khiển. Về nhân vật này, trong cuốn Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương, Tường Hữu cho biết: “Lâm Giong – tay trùm cờ bạc đến từ Ma Cao nổi tiếng với những sòng bạc có đẳng cấp quốc tế, ngang hàng với sòng bạc Monaco bên Pháp. Ông ta sống một mình trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi bên trong khuôn viên Đại thế giới, với những tên cận vệ thân tín và những két sắt to tướng. Với những kinh nghiệm thu thập được qua nhiều năm kinh doanh tại Ma Cao, Lâm Giong đã đưa hai sòng bạc Đại thế giới và Kim Chung đến sự phát đạt vượt bậc. Dưới tay ông ta còn có cả một nhóm bộ hạ đắc lực cũng được đào tạo từ Ma Cao”.
Lâm Giong có những mánh lới ít người tưởng tượng ra. Ông ta cho người bí mật theo dõi những tỷ phú từ nước ngoài đến Sài Gòn rồi tìm cách dụ họ vào Đại thế giới bằng những thiếu nữ trẻ đẹp. Ban đầu là những lời thuyết phục ngọt ngào rằng đến cho biết, để so sánh xem có bằng Las Vegas hay Monaco không. Tại đây, nếu các khách chơi thua hết tiền, họ sẽ được ô tô hạng sang của Lâm Giong chở miễn phí về tận nhà lấy tiền để quay lại chơi tiếp. Nhờ vậy, mỗi ngày, Lâm Giong thu được số tiền từ các con bạc lên đến vài kg giấy bạc chứ không tính bằng con số.
Khai thác Đại Thế Giới là một vụ làm ăn béo bở nên có rất nhiều thế lực muốn chen chân vào. Do vậy, mỗi năm chính quyền ở Sài Gòn tổ chức một cuộc gọi thầu để tìm người khai thác. Những người đấu thầu đưa ra số tiền đề nghị đóng cho Chính phủ trong những phong bì được dán kín và đóng dấu. Một tập ghi những điều kiện với những quy định chặt chẽ. Mức trung bình mà các nhà thầu thường ghi để đóng cho chính quyền hàng ngày thường là 500.000 đồng bạc (tiền dưới chính quyền Sài Gòn). Tuy nhiên, những cuộc đấu thầu chỉ là màn kịch. Vì Lâm Giong đã mạnh tay chi tiền cho các nhân vật đầu sỏ từ Bảo Đại (quốc trưởng), Trần Văn Hữu (Thủ hiến Nam Kỳ, sau là Thủ tướng trong nội các Bảo Đại) cho đến những nhân vật có trách nhiệm trong việc đấu thầu. Do vậy, trong 3 năm cuối thập niên 1940, Lâm Giong liên tục giành được quyền khai thác Đại Thế Giới.
Bảo Đại ra tay
Mặc dù Lâm Giong luôn ngoan ngoãn nộp tiền cho Bảo Đại kể từ khi ông này về nước làm Quốc Trưởng, thế lực Lâm Giong về cơ bản vẫn nằm dưới ảnh hưởng của Trần Văn Hữu. Bảo Đại muốn nó phải là sở hữu của mình. Do đó, từ khi về nước, mối quan tâm lớn của Bảo Đại là làm sao giành giật được Đại Thế Giới vào tay.
Thông qua tay chân thân tín Bảy Viễn, Bảo Đại bắt đầu ra tay. Đầu năm 1950, Bảy Viễn cho người ném một quả lựu đạn loại sát thương nặng vào “Quả chuông vàng” – một chi nhánh của Đại thế giới khiến khoảng 60 con bạc bị thương vong giữa lúc họ đang mải mê đánh bạc.
Trong khi vụ ném lựu đạn còn đang chưa rõ thủ phạm thì ít lâu sau, một Hoa Kiều già đang ngồi xích lô chạy trong Chợ Lớn bị 2 thanh niên có súng bắt cóc. Lâm Giong lo ngay ngáy vì người bị bắt cóc là một tay trùm cờ bạc Ma Cao và là một cố vấn của ông ta vừa mới đến Sài Gòn.
Cảnh sát Sài Gòn muốn mở một cuộc điều tra nhưng Ban giám đốc Đại Thế Giới cương quyết chống lại sự can thiệp của cảnh sát. Lâm Giong thừa biết ai là thủ phạm và đang tìm cách thương lượng với địch thủ. Một khoản tiền chuộc lớn được đưa ra nhưng đối thủ không cần tiền. Họ ra tối hậu thư buộc Lâm Giong và tập đoàn cờ bạc Ma Cao phải từ bỏ việc khai thác sòng bạc Đại Thế Giới và các chi nhánh.
Mãi sau này, dân Sài Gòn – Chợ Lớn mới biết kẻ đã ném lựu đạn và bắt cóc bố già cờ bạc Ma Cao kia là nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn. Được Bảo Đại che chở lại nắm trong tay lực lượng cảnh sát mật và đội tay chân hùng hậu được vũ trang mạnh, Bảy Viễn là một đối thủ mà Lâm Giong không thể đương đầu. Tập đoàn cờ bạc Ma Cao sau đó buộc phải rút lui để nhường chỗ cho Bảy Viễn trong cuộc gọi thầu Đại Thế Giới năm 1950. Đổi lại Lâm Giong được bảo toàn sinh mạng rút khỏi Sài Gòn.
Trong tay Bảy Viễn, bề ngoài Đại Thế Giới vẫn là một sòng nhưng bên trong nó bây giờ là tụ điểm bí mật của những vụ buôn lậu, là xưởng tinh chế á phiện vì Bảy Viễn kiêm thêm nghề buôn sỉ ma túy ở Sài Gòn. Đại Thế Giới trở thành một thành trì kiên cố, lãnh địa riêng của nhóm Bảo Đại – Bảy Viễn. Những người mang súng tiểu liên sẵn sàng xuất hiện khi chỉ một rắc rối nhỏ xảy ra. Không những cảnh sát không được lai vãng đến gần khu vực Đại Thế Giới mà ngay cả các nhà báo nếu chỉ ho he những tin tức liên quan cũng phải dè chừng.
Tường Hữu kể rằng có lần một ký giả trong bài báo có đề cập phớt qua một số hoạt động của Bảy Viễn. Ngay ngày hôm sau, anh ta cùng vợ bị bắt cóc và bị áp giải đến Tổng hành dinh của Bình Xuyên nằm bên kia cầu Chữ Y. Vợ chồng nhà báo này bị dẫn tới phòng tra tấn. Bảy Viễn chỉ cho họ thấy những dụng cụ tra tấn, giải thích cách sử dụng từng cái. Sau cùng ông ta bảo cặp vợ chồng ký giả: “Ta để cho hai người được quyền chọn lựa: được tự do thì phải giữ mồm, hay ngược lại”. Khi hai người quỳ lạy xin tha tội, Bảy Viễn thân mật vỗ vai họ và dịu giọng: “Lần này ta tha chết cho hai vợ chồng. Nhưng không được tái phạm nữa, nếu không ta sẽ không còn thương xót hai người nữa”.
Sự thống trị của Bảy Viễn ở Đại Thế Giới kết thúc vào năm 1954 khi Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại. Để tỏ ra chống các tệ nạn, ông ta ra lệnh đóng cả Đại Thế Giới cùng các tụ điểm cờ bạc, gái điếm khác nhưng không lâu sau Ngô Đình Nhu lại cho mở cửa lại nó để có nguồn thu sử dụng vào các hoạt động chính trị của anh em họ Ngô. Sự tồn tại của Đại Thế Giới chỉ kết thúc thật sự sau năm 1975 khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
TA (Theo Kiến Thức)