Vua Lý Nam Đế (503-548) người mở đầu Triều Tiền Lý

Vào năm Ất Dậu (265), nhà Tấn đánh bại Ngụy, Thục, Ngô; đất Giao Châu thuộc về nhà Tấn.

Nhà Tấn phong cho con em họ hàng ra trị trấn các nơi, nhưng các thân vương cứ dấy binh chém giết lẫn nhau để tranh hùng tranh bá, làm cho nước Tấn nhanh chóng rơi vào thế suy yếu. Nhân cơ hội đó, các nước Tần, nước Yên, nước Lương, nước Hạ, Hán… nổi dậy chiếm cả vùng phía Bắc sông Trường Giang. Nhà Tấn chỉ còn vùng đất ở Đông Nam, phải dời đô về Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay) còn gọi là Đông Tấn. Đến năm 420 (năm Canh Thân) Lư Du cướp ngôi nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía Nam. Trung Quốc bấy giờ được phân ra làm Bắc Triều và Nam Triều. Bắc Triều có nhà Ngụy, nhà Tề, nhà Chu thay nhau trị vì. Nam Triều có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần trị vì. Năm 479, nhà Tống mất ngôi cho nhà Tề. Trị vì được 22 năm thì nhà Lương cướp ngôi của nhà Tề. Lên trị vì, nhà Lương cử Tiêu Tư sang làm Thứ sử Giao Châu. Các quan lại nhà Lương cai trị Giao Châu đã áp bức, bóc lột dân Giao Châu thậm tệ khiến cho đời sống lầm than, cực khổ; người người căm giận. Chính trong bối cảnh đó, Lý Bí – một con người thông minh tài giỏi đã lãnh đạo dân Giao Châu chống lại quân nhà Lương cai trị.

 

Lý Nam Đế chính là vị vua đầu tiên sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh nên nhà nước Vạn Xuân trong lịch sử Việt Nam. Ông còn được gọi là Lý Bí hay Lý Bôn.

Tranh vẽ chân dung vua Lý Nam Đế (503-548).

Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Theo sử sách ghi lại thì Lý Bí là người có tài văn võ song toàn. Từ nhỏ, đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, tư chất khác người. Ông được một vị Pháp tổ thiền sư nhận nuôi và cho học. Nhờ có văn võ song toàn, Lý Bí sớm được tôn lên làm thủ lĩnh một vùng. Có thời ông từng làm quan cho nhà Lương, nhưng rất bất bình với bọn quan lại đô hộ tàn ác bóc lột và đàn áp dân chúng, ông đã bỏ quan về quê chiêu binh, liên kết với nhiều hào kiệt, Tù trưởng giỏi khác khởi nghĩa chống lại quan, quân đô hộ nhà Lương tại Giao Châu.

Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống nhà Lương. Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của Lý Bí lớn mạnh. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục đã đem quân nhập với đạo quân của ông. Tinh Thiều, một người giỏi từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan, nhưng chỉ cho chức "gác cổng thành", nên bỏ về Giao Châu theo Lý Bí. Ngoài ra trong lực lượng của Lý Bí còn có các võ tướng là Phạm Tu, Trịnh Đô, Lý Công Tuấn. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư - Tướng nhà Lương khí đó, liệu thế không chống nổi quân Lý Bí, phải sai người mang của cải đến đút lót để được tha chạy thoát về Quảng châu. Quân của Lý Bí đánh chiếm lấy thành Long Biên.

Tháng 4 năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La châu là Ninh Cự, Thứ sử An châu là Úy Trí, Thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cũng hợp binh đánh Lý Bí. Lý Bí đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao châu. Cuối năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Giao châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân châu là Lư Tử Hùng sang đàn áp. Được tin quân Lương lại tiến sang, Lý Bí chủ động mang quân ra bán đảo Hợp Phố đón đánh. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng bị quân Lý Bí đánh bại, 10 phần chết đến 6, 7 phần.

Chiến thắng này giúp Lý Bí kiểm soát toàn bộ Giao châu, tức là miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, cộng thêm quận Hợp Phố thuộc Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay.
Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và đánh lên quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai Phạm Tu cầm quân vào Nam đánh giặc. Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức khiến vua Lâm Ấp phải bỏ chạy.

Tháng giêng năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân. Đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội). Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Lấy Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.
Tháng 6 năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với Phiêu ở Giang Tây cùng đem quân xâm lấn nước Vạn Xuân.

Khi quân của Trần Bá Tiên đến Giao Châu; Lý Nam Đế đem 3 vạn quân ra đánh, bị thua ở Chu Diên và ở cửa sông Tô Lịch, tướng Tinh Thiều tử trận. Ông chạy về thành Gia Ninh (xã Gia Ninh nay thuộc xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Tháng giêng năm 546, Trần Bá Tiên chiếm thành Gia Ninh, tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Sau một thời gian tập hợp và củng cố lực lượng, ông đem 2 vạn quân từ đất Lạo sang đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Quân Lương dừng lại ở cửa hồ không dám tiến đánh ngay. Đến đêm, mưa lũ, nước sông lên mạnh, tràn ngập vào hồ. Trần Bá Tiên nhân đó đem quân theo dòng nước tiến vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ.

Lý Nam Đế phải lui về động Khuất Lão xã Văn Lương, huyện Tam Nông (ngày nay), giao binh quyền cho Triệu Quang Phục là con Thái phó Triệu Túc tiếp tục chống lại Trần Bá Tiên.

Ngày 20 tháng 3 (tức ngày 13-4 dương lịch), năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (544-548), thọ 46 tuổi. Thi hài của ông được an táng ngay trong động Khuất Lão. Trải qua hàng ngàn năm Lăng mộ của Vua Lý Nam Đế được nhân dân trong vùng chăm sóc thờ tự.

Đình thờ vua Lý Nam Đế ở xã Đạo Đức huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Theo sách "Việt Nam văn minh sử cương" của Lê Văn Siêu dẫn một số nguồn tài liệu cổ, Lý Nam Đế ở lâu ngày trong động, bị nhiễm lam chướng nên mù cả hai mắt, sau ốm chết. Vì vậy đời sau đến ngày giỗ, khi cúng, thường phải xướng rõ tên các đồ lễ để Vua nghe thấy.

Vương triều Tiền Lý tồn tại trong thời gian khoảng 60 năm (544-602), với 4 đời vua: Lý Nam Đế (544-548), Lý Đào Lang Vương (549-555), Triệu Việt Vương (549-570) và Hậu Lý Nam Đế (571-602).

Bìa sách viết về vua Lý Nam Đế của NXB Kim Đồng.

Các nhà sử học khẳng định trong thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, kéo dài hơn 1.000 năm; cuộc khởi nghĩa Lý Bí nói riêng và Vương triều Tiền Lý nói chung giữ một vị trí rất quan trọng, bởi cuộc khởi nghĩa Lý Bí đã thu được thắng lợi vang dội nhất và giành được quyền độc lập, tự chủ lâu dài nhất. Trong lịch sử nước nhà, Lý Nam Đế là người đầu tiên xưng hiệu Đế và cũng là người đầu tiên đặt niên hiệu "Thiên Đức". Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội xưa...

Di tích thờ Lý Nam Đế hiện nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…nhưng chỉ duy nhất ở Phú Thọ có đền thờ tại nơi Ngài mất và Lăng mộ của nhà Vua.

Chiếc giếng cổ trong Khu di tích thờ vua Lý Nam Đế ở huyện Bình Xuyên- Vĩnh Phúc.

Nhân kỷ niệm 1.470 năm (542 - 2012) ngày cuộc khởi nghĩa Lý Bí bùng nổ, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp UBND tỉnhThái Nguyên đã tổ chức Hội thảo khoa học "Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của vua Lý Nam Đế". Hội thảo đưa ra kết luận vua Lý Nam Đế có quê gốc ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (chứ không phải Sơn Tây - Hà Nội như trước đây từng hiểu).

Minh Vượng