Thử so sánh M48 Patton với T54
Ra đời từ đầu những năm 50 thế kỷ XX, xe tăng M48 trở thành xe tăng phổ biến nhất của Mỹ trong mấy thập niên sau đó. Chúng cũng đã được cải tiến nhiều lần và có nhiều phiên bản khác nhau.
Ngày 9/3/1965, chiếc xe tăng M48A3 của Thuỷ quân lục chiến Mĩ, Tiểu đoàn tăng số 3 cập cảng Đà Nẵng. Đây là chiếc M48 đầu tiên có mặt tại chiến trường Việt Nam. Tiếp đó, một số lượng khá lớn M48 được đưa đến Việt Nam.
Từ năm 1971, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Thiết đoàn chiến xa đầu tiên trang bị M48 của Quân lực Việt Nam cộng hòa (QLVNCH) được thành lập mang phiên hiệu Thiết đoàn 20 thuộc biên chế của Lữ đoàn 1 Thiết kỵ.
Năm 1973, hai thiết đoàn chiến xa nữa được thành lập mang các phiên hiệu 21, 22 trực thuộc các Lữ đoàn Thiết kỵ 2 và 3. Cho đến cuối chiến tranh QLVNCH có 3 Thiết đoàn chiến xa trang bị M48 với tổng số 162 xe. Tất cả M48 ở Việt Nam đều là M48A3- mẫu xe hiện đại nhất thập kỷ 60.
Nhìn chung, về tính năng kỹ thuật của M48 thuộc loại tương đối hiện đại và tiện dụng. Vì vậy, nó thuộc loại xe tăng phổ biến nhất do Mỹ chế tạo. Đã có gần 12.000 xe tăng M48 được sản xuất và sử dụng trong quân đội của 11 quốc gia.
Còn T54 cũng là loại xe tăng phổ biến nhất do Liên Xô chế tạo trong các thập kỷ 50-60 thế kỷ XX. T-54 du nhập về Việt Nam đầu những năm 60 song thực tế đầu năm 1971 mới tham gia trận đánh đầu tiên trong chiến dịch phản công Đường Chín — Nam Lào.
Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, T-54 và M48A3 đã có dịp đọ sức với nhau trên chiến trường Quảng Trị. Tuy nhiên, phần thắng không nghiêng hẳn về bên nào. Ngày 09/4/1972, với chiến thuật “Trâu Rừng” M48 đã bắn hạ khá nhiều T-54.
Song đến 27/4/1972, đến lượt hàng chục M48 bị T-54 bắn hạ, trong đó riêng Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thái đã diệt được 5 chiếc ở Tây Đông Hà.
Nhìn chung, cả về trọng lượng, kích thước, công suất động cơ và công suất riêng… thì M48A3 hơn hẳn so với T-54. T-54 chỉ có một điểm trội hơn là cỡ pháo lớn hơn (100 mm so với 90 mm). Nói một cách hình tượng, khi xếp T-54 bên cạnh M48 thì nhìn cứ như một chú thiếu niên đứng cạnh một người trưởng thành, chỉ được mỗi cái nòng pháo to và dài hơn thôi!
Tuy nhiên, khi đối đầu trực tiếp với nhau thì không phải cứ to hơn, nặng hơn mà thắng!
Đừng cười “châu chấu đá xe…”
Dân gian có câu: “Đừng cười châu chấu đá xe; Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng” để nói về trường hợp đối đầu không cân sức. Thực ra, trong những trường hợp đó thắng bại không chỉ nghiêng về phía bên nào có thế lực mạnh hơn.
Sáng sớm 30/4/1975, Đại đội XT 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn xe tăng 273 cùng với bộ binh thực hành tiến công từ khu vực Ngã ba Bà Quẹo vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu. Trung đội XT 1 gồm 4 xe tăng T54 do đại đội trưởng Nguyễn Văn Tư trực tiếp chỉ huy dẫn đầu đội hình.
Đường phố vắng lặng một cách bí ẩn. Với những kinh nghiệm chiến đấu phong phú thu lượm được từ trận đánh Buôn Mê Thuột ngày 10.3 về đến đây, đại đội trưởng Tư cho các xe đi theo đội hình zic- zắc, xe cách xe chừng 50 mét thận trọng tiến lên.
Lúc 6h30, đội hình chiến đấu đã đến Ngã tư Bảy Hiền. Quan sát không thấy có dấu hiệu gì nguy hiểm, đại đội trưởng Tư cho xe rẽ trái về hướng Lăng Cha Cả. Đột nhiên, từ ngách phố bên kia 2 chiếc M48 bất ngờ xuất hiện và bắn vào sườn xe của anh. Sau khi bắn xong chúng lại lui về mất dạng.
Như vậy, lợi dụng địa hình và các khối nhà ở xung quanh ngã tư làm vật che khuất, phía Việt Nam cộng hòa đã sử dụng xe tăng phục kích ở đây và tất cả những phương tiện qua lại ngã tư sẽ trở thành miếng mồi ngon cho chúng.
Tình thế bây giờ thật nguy hiểm! Nếu không diệt được 2 chiếc M48 này thì khó mà vượt qua được ngã tư. Tuy nhiên, có cái khó là chúng nấp kín trong các ngõ ngách bên kia ngã tư nên các xe tăng của Quân giải phóng không quan sát được.
Quan sát đánh giá tình hình, Mai Văn Hoạt — Trưởng xe 985 xác định xe địch phục kích ở hướng bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất). Vì vậy, anh lên đài vô tuyến điện đề nghị 2 xe sau yểm hộ, còn anh sẽ lợi dụng khối nhà bên phải làm vậtche khuất, đến ngã tư sẽ bất ngờ rẽ phải để diệt địch.
Theo lệnh của trưởng xe, lái xe Phùng Văn Tính cho xe bám sát khối nhà bên phải thận trọng tiến về ngã tư. Vừa chớm đến ngã tư, Tính kéo cần lái sang phải. Đúng lúc đó, một phát đạn đã bắn trúng đầu xe 985 làm hỏng pháo. Một chiếc M48 nữa nhô ra như muốn nuốt sống chiếc T-54 nhỏ bé này.
Vẫn không thấy pháo xe mình bắn (sau này mới biết pháo đã bị hỏng), trưởng xe Hoạt hét lên trong bộ đàm: “Tăng tốc độ, lao thẳng vào nó!”. Ngay lập tức, lái xe Phùng Văn Tính kéo lên số và tăng chân dầu. Xe 985 vọt lên nhằm thẳng đầu chiếc M48 lao tới.
Có lẽ không thể ngờ được tình huống này, chiếc M48 giật mình lùi lại. Cả khối thép đồ sộ của nó lùi vào mặt tiền một ngôi nhà. Căn nhà đổ ụp xuống, cả đống gạch vữa trùm lên xe. Mấy tên lính trong xe chui qua cửa an toàn chạy mất.
Chiếc thứ hai thấy vậy cũng quay đầu tăng tốc độ chạy về hướng nội thành. Các xe phía sau ào lên chiếm được ngã tư, mở đường cho đại quân tiến về sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa.
Sau trận đối đầu này, có người hỏi Tính: “Tại sao lúc ấy anh lại làm như thế?”. Tính chỉ cười hiền lành: “Pháo đã hỏng rồi. Mình mà không húc nó thì nó bắn mình thôi!”.
Cùng với những chiến công từ trận đánh Ban Mê Thuột, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh xe 985 được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Trong những trận đánh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, xe 985 lại lập công xuất sắc và được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Phùng Văn Tính và các thành viên kíp xe dũng cảm đó cũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng các loại.
Thế mới biết, trong những cuộc đối đầu như vậy- dẫu có to khỏe nhưng chưa chắc đã giành phần thắng
Nguyễn Khắc Nguyệt (Theo Thời Đại)