5. Ngô Quyền
Ngô Quyền sinh ra ở châu Đường Lâm. Ông còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương ,là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại, Ngô Quyền đem quân ra đánh. Công Tiễn sợ hãi, cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Năm 938, Ngô Quyền đem quân ra đánh chiếm thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn.
Một trong những chiến tích đáng nể nhất của Ngô Quyền chính là trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Lợi dụng thủy triều lên xuống, ông cho đóng cọc gỗ bịt sắt xuống lòng sông, chuẩn bị chờ giặc sa lưới. Kết quả trận đánh này thì ai cũng rõ, quân Nam Hán thất bại tan tát. Tướng Lưu Hoàng Tháo cùng với hơn nửa binh lính của mình đã bỏ mạng.
Sau khi đánh bại nhà Nam Hán, Ngô Quyền lên làm vua, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
4. Lý Thường Kiệt
Lý Thường Kiệt họ Ngô tên Tuấn, tự là Thường Kiệt, sinh năm Kỷ Mùi 1019, quê ở phủ Thái Hoà, thành Thăng Long (Hà Nội). Từ nhỏ, Ông đã có chí hướng, ham đọc sách, say sưa nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ. Ông có tài văn, võ. Năm 23 tuổi, ông được bổ nhiệm làm quan theo hầu vua Lý Thái Tông. Trải qua 3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông. Lý Thường Kiệt là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đem quân sang Bắc phạt.
Năm 1061, các tù trưởng ở miền Thanh Hoá, Nghệ An nổi lên quấy rối, chống lại triều đình. Vua Lý Thánh Tông cử Ông giữ chức Kinh phòng sứ, sau một thời gian Ông đã đem lại trật tự yên vui cho miền này. Vua rất quý Ông và ban cho Quốc tính. Từ đó, Ông mang họ Lý. Lịch sử cũng đã lưu lại tư tưởng quân sự vô cùng táo bạo và thần tốc của Ông: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Ông đã chỉ huy quân đội nhanh chóng đánh chiếm hai Châu Khâm, Liêm, rồi hạ thành Ung Châu của giặc Tống, phá tan các vị trí tập kết quân và lương thảo chuẩn bị xâm lược nước ta.
Tháng 4.1076 , Ông rút quân về lập phòng tuyến sông Cầu. Tại khúc sông Như Nguyệt thuộc phòng tuyến này, ở vào lúc gay go nhất, Ông đã làm một bài thơ “Nam Quốc sơn hà” bất hủ, cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Bài thơ khẳng định quyền độc lập dân tộc tự chủ thiêng liêng của Tổ quốc. Bài thơ đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất.
Năm Ất Dậu 1105, Lý Thường Kiệt mất, Ông thọ 86 tuổi, đựoc truy tặng Kiểm hiệu Thái Uý Việt Quốc Công.
3. Trần Hưng Đạo
Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh(nay thuộc tỉnh Nam Định). Năm sinh của ông không rõ ràng, có tài liệu cho là năm 1228, có tài liệu thì cho là năm 1230 hay 1232.
Ông có vốn tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên – Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc ra khỏi nước, được phong tước Hưng Đạo Vương.
Sau khi kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 3 thành công, ông về trí sĩ ở trang viên của mình tại Vạn Kiếp. Tuy nhiên, các vua Trần vẫn thường xuyên đến vấn kế sách.
Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300), thọ 74 tuổi. Nhân dân đương thời lập đền thờ ông gọi là Đền Kiếp Bạc.
2. Quang Trung
Nguyễn Huệ (1753 – 1792), còn được biết đến là Quang Trung Hoàng đế hay Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ 2 của nhà Tây Sơn, bên cạnh Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là một nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt củaXiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.
Năm 1788, vua Càng Long đem 20 vạn quân Mãn Thanh sang đánh nước ta. Quang Trung kéo 10 vạn quân thần tốc ra Bắc nhằm đón đánh quân xâm lược trước khi chúng tiến vào nước ta. Trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa, quân Thanh đại bại, xác chất cao hơn núi. Số còn lại bỏ chạy tán loạn, 20 vạn quân Thanh bị phục kích truy sát chết gần hết.
Lịch sử ghi nhận Quang Trung chưa từng thất bại trong bất kỳ lần cầm quân đánh giặc nào. Là một người hùng của dân tộc nhưng Quang Trung mất sớm bỏ lại bao dự định quy hoạch về tương lai đất nước.
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Không cần phải bàn cãi nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – huyền thoại trong lòng người dân Việt Nam. Lịch sử thế giới ghi nhận trong 10 danh tướng tài giỏi nhất nhân loại thì Việt Nam góp mặt 2 người gồm: Trần Hưng Đạo và người còn lại là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25.08.1911 tại làng An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là người lãnh đạo và thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22.12.1944.
Năm 1954, Ông lãnh đạo quân đội và nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Đại tướng cũng cùng quân và nhân dân Việt Nam đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất không trải qua bất kỳ trường hợp huấn luyện quân sự nào mà đánh bại được các vị tướng quân sự hàng đầu của 2 cường quốc quân sự mạnh nhất là Pháp và Mỹ. Ông vinh dự được hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh xếp hạng 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới.
Đại tướng mất vào lúc 18h09′ ngày 04.10.2013 tại Viện Quân y 108, Hà Nội, hưởng thọ 103 tuổi.
V.Đ (Võ Thuật)