Mượn danh nghĩa giải giáp quân Nhật đầu hàng phe Đồng minh, ngày 3/10/1945, Phillipe Leclerc cùng 10.000 quân Pháp đổ bộ vào Sài Gòn. Được mệnh danh là “con cáo sa mạc của nước Pháp”, Leclerc có biệt tài chỉ huy tác chiến tăng thiết giáp, nhiều lần đánh bại phát xít Đức tại Bắc Phi và châu Âu.
Leclerc chỉ huy quân Pháp cùng với quân Anh tấn công lực lượng Việt Minh, khi ấy mới chỉ có trong tay chủ yếu là tầm vông vạt nhọn. Ông ta thậm chí sử dụng cả quân Nhật, điều mà tướng Mỹ Douglas MacArthur cho là “sự phản bội kinh tởm nhất”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phillipe Leclerc tại Hà Nội, tháng 3-1946. Ảnh tư liệu.
Đến cuối năm 1945, chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của Leclerc thất bại vì không thể khuất phục được quân và dân Nam Bộ. Lực lượng Việt Minh rút lui thành công, dùng chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị" kháng chiến lâu dài. Lúc này, Leclerc nhận ra rằng giải pháp quân sự sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp cho nước Pháp.
Leclerc bị thay thế không lâu sau đó bởi tướng Jean Etienne Valluy. Ông này từng tham chiến và bị thương trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, chỉ huy Quân đoàn 1 danh giá của Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Quyết tâm “dạy cho Việt Minh một bài học”, Valluy tự tin sẽ đè bẹp lực lượng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong 24 giờ. Nhưng toan tính ấy kéo dài thành 60 ngày đêm bị giam chân ở Thủ đô Hà Nội, trong khi bộ phận đầu não cách mạng rút lui an toàn.
Nhưng những nhận định của Leclerc đã bị gạt đi. D’Angerlieu, Toàn quyền Đông Dương khi đó đã thẳng thừng nói rằng ông “ngỡ ngàng” khi người hùng giải phóng Paris lại lựa chọn đàm phán với một lực lượng còn trong “trứng nước” như Việt Minh.
Ngay sau đó, Valluy tổ chức Chiến dịch “Léa” tạo hai gọng kìm hòng phá tan căn cứ địa Việt Bắc, phối hợp cả bộ binh cơ giới và không quân giống như một chiến dịch ở châu Âu. Tới ngày 19/12/1947, quân Pháp rút chạy khỏi Việt Bắc sau khi chịu nhiều tổn thất. Không thể tiêu diệt đầu não kháng chiến của Việt Minh, sự nghiệp của Valluy ở Đông Dương kết thúc. Đánh bại một đại tướng Pháp, người chỉ huy Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội Việt Nam khi mới 37 tuổi.
Valluy vẫn là vị tướng trụ lại lâu nhất với hai năm cầm quân. Năm 1948, người thay thế Valluy, tướng Roger Blaizot chủ trương “da vàng hóa chiến tranh” để giảm thương vong cho Pháp. Tuy nhiên, do chính phủ người Việt bù nhìn quá yếu kém, nhân dân ủng hộ Việt Minh, nhiều vùng địch chiếm vẫn trở thành hậu phương cho bộ đội, du kích.
Đến năm 1950, Marcel Carpentier được bổ nhiệm thay Blaizot nhằm đưa quân đội Pháp thoát khỏi tình trạng sa lầy. Nhưng do không hiểu gì về Đông Dương, lại ngạo mạn phớt lờ lời của cấp dưới, Carpentier đã bị Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân đánh bại vào năm 1950 trong chiến dịch được mệnh danh “thảm họa Đường 4” của Pháp.
Thay thế Carpentier là tướng Jean de Lattre de Tassigny tài ba. Ban đầu, de Tassigny đạt được một số thành công nhất định. Từ tháng 11/1951 đến tháng 2/1952, de Tassigny chứng kiến Việt Minh đương đầu trực diện với quân Pháp, “đánh điểm diệt viện” ngay trong vùng quân của ông ta phòng thủ kiên cố. Ông ta mong muốn nắm thế chủ động, nhưng cuối cùng lại để quân đội Việt Minh kìm chân và đưa một bộ phận chủ lực đánh thẳng vào vùng đồng bằng sau lưng.
De Tassigny qua đời vì bệnh nặng khi đang đương chức, nhường lại vị trí cho phó tướng của mình là Raoul Salan, một trong những sĩ quan được tặng thưởng nhiều huân chương nhất quân đội Pháp. Trong các tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp, Salan được coi là người có nhiều kinh nghiệm nhất do đã ở Đông Dương từ năm 1945, đã gặp mặt cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 11/1952, Salan cho xây dựng căn cứ Nà Sản, sau này trở thành ý tưởng cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng không ngăn được việc để mất một vùng rộng lớn ở Tây Bắc.
Henri Navarre, tổng chỉ huy cuối cùng của quân viễn chinh Pháp lặp lại nước đi của người tiền nhiệm Salan, lập ra cụm cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuối cùng, lá cờ đỏ sao vàng bay trên nóc hầm chỉ huy Pháp sau 55 ngày đêm chiến đấu đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Navarre, đồng thời đánh đổ hệ thống thuộc địa Pháp những năm sau đó.
Sau này, tướng Marcel Bigeard, một trong những chỉ huy tại trận Điện Biên Phủ, đã nói: “Vâng, không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”. Đó là lời nhận xét đầy kính trọng của đối thủ dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một bậc thầy của chiến tranh cách mạng.
THEO DANVIET