Ai là kẻ phản bội khiến vua Duy Tân bị giặc Pháp bắt giữ?

Theo sách “Kể chuyện các đời vua Nguyễn”, vào lúc 11 giờ đêm ngày 2-5-1916, vua Duy Tân đầu chít khăn, mặc áo cụt đỏ sẫm, quần vải trắng, chân đi đất, bí mật rời hoàng cung đến bến Thương Bạc. Chiếc thuyền của Trần Cao Vân đã chờ sẵn ở bến Thương Bạc, chở nhà vua và đoàn tùy tùng về làng Hà Trung, ghé lên nhà một hội viên của Việt Nam Quang Phục Hội (VNQPH) để chờ giờ phát lệnh của súng thần công ở Huế. Nhưng chờ từ 1 giờ đến 3 giờ sáng mà vẫn bặt vô âm tín...Nguyên do là vì kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ do có kẻ phản bội tổ chức đã báo cho Tòa Khâm sứ biết tất cả.

Ai là kẻ phản bội khiến vua Duy Tân bị giặc Pháp bắt giữ? - Ảnh 1.

Duy Tân là một vị vua yên nước và có chính kiến. Ảnh tư liệu.

Viên Khâm sứ Charles truyền lệnh chặn ngay cuộc khởi nghĩa bằng giới nghiêm và cho lính Pháp tuần tiễu khắp các ngả đường của thành phố Huế và các tỉnh khác, nhưng triều đình vẫn không biết gì.

Khi biết chắc kế hoạch khởi nghĩa đã bị trục trặc, Trần Cao Vân và Thái Phiên quyết định đưa nhà vua ra khỏi làng Hà Trung theo đường mòn rừng núi đi tắt vào địa điểm đã dự định ở Quảng Nam, Quảng Ngãi để tùy cơ hành động... Nhưng chưa di chuyển được xa, còn đang tạm dừng chân tại nhà Võ Đình Cơ ở xóm Ngũ Tây, thôn An Cựu, xã Thủy An thì viên Đổng lý Tòa Khâm sứ là Le Folt, cùng tên chánh mật thám Trung kỳ Sogny, dẫn lính đến bắt vua Duy Tân và các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu...

Ban đầu viên Đổng lý Tòa Khâm sứ Le Folt năn nỉ, kính mời vua trở lại ngôi báu, nhưng vua Duy Tân kiên quyết chối từ. Lần thứ hai Le Folt tiếp tục, thì nhà vua trả lời: Nếu các người dùng bạo lực bắt ta thì cứ bắt, còn ta nhất định không về. Thế là Le Folt khoác tay nhà vua buộc ngài lên ôtô về Tòa Khâm sứ Huế. Ở đây, viên Khâm sứ Charles nở nụ cười đắc thắng, bắt tay vua Duy Tân và hỏi mỉa:

- Bệ hạ bằng lòng cuộc du ngoạn chứ!

Vua Duy Tân điềm nhiên trả lời bằng tiếng Pháp: Không, bởi vì nó không thành công!

Khâm sứ Pháp cũng không thuyết phục được vua Duy Tân trở lại ngai vàng nên phải điện ra Hà Nội xin ý kiến của Toàn quyền. Viên Toàn quyền liền bay vào Huế gặp nhà vua và dụ dỗ. Vua Duy Tân trả lời:

- Các ngài bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam thì hãy coi tôi như một ông vua trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là có quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với chính phủ Pháp.

Không thể thỏa mãn yêu cầu của vua Duy Tân, Toàn quyền ra lệnh Khâm sứ tạm giam giữ nhà vua ở đồn Mang Cá, lệnh cho Nam triều phải thuyết phục nhà vua trong một tuần. Nếu không được thì phải kết án cuộc khởi nghĩa.

Suốt một tuần, Hoàng mẫu, Hoàng Quý phi và các đình thần luân phiên thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng. Nhưng ngài khuyên ngược lại là các đình thần nên coi câu trả lời của nhà vua với viên Toàn quyền là ý kiến của cả triều đình. Nhưng các quan Nam triều lại theo lệnh của Pháp, làm một bản luận tội nhà vua và lãnh tụ VNQPH, trong đó có vài đoạn sau:

- Với vua Duy Tân: Nghe theo lời dua nịnh làm cho nền tảng quốc gia bị lung lay một cách nguy hiểm... Với 4 nhà chí sĩ bị bắt: Ban đầu buông câu ở Hậu hồ, tự viện viết chiếu văn, kế đến đậu thuyền ở Thương Bạc, đón rước nhà vua xuống thết vua cơm tẻ ở làng Hà Trung, cháo gà ở núi Ngự Phong, mình rồng phải dãi dầu gió bụi, tội nghiệt ấy đều bởi bọn kia gây ra...

THEO DANVIET