Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Chân là một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng và được tấn phong là Thánh Chân công chúa. Bà còn được xem là người có công khai khẩn lập nên vùng đất mà ngày nay là thành phố Hải Phòng.
Theo bản thần tích hiện còn lưu giữ ở Đền Nghè (thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), Lê Chân xuất thân trong một gia đình nề nếp, quê ở vùng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay thuộc xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha của bà là ông Lê Đạo, một thầy lang chuyên chữa bệnh cứu người và cũng là thầy dạy học; mẹ là bà Trần Thị Châu.
Tượng nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng.
Thuở con gái, bà được tiếng là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ, lại có tài thơ phú. Thái thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp. Bị khước từ, Tô Định căm giận, bức hại gia đình bà. Thù nhà, nợ nước, Lê Chân ngầm đem một số người nhà, người làng đến vùng biển An Dương lập trại phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú.
Để vơi đi nỗi nhớ cội nguồn, bà đã đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với việc chăm lo phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận.
Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân cùng nghĩa quân ở căn cứ An Biên đã gia nhập khởi nghĩa và đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thành công, Lê Chân được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, tức là người chuyên lo việc tổ chức luyện tập quân sĩ và tăng gia sản xuất.
Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang phục thù, do tình thế bất lợi vì căn cứ bị vỡ, sau đó là Hai Bà Trưng tử trận, Lê Chân buộc phải đem quân về lập căn cứ địa ở Lạt Sơn, thuộc Hà Nam ngày nay nhằm khôi phục cơ đồ. Nhưng lần này Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng Nữ tướng Lê Chân đã trầm mình xuống sông để bảo toàn danh tiết.
Sau khi bà tuẫn tiết, nhân dân vùng An Biên (phường An Biên, quận Lê Chân ngày nay) dựng đền thờ ở xứ Đồng Mạ (khu vực đền Nghè bây giờ). Đến đời vua Trần Anh Tông, bà được phong là Thành Hoàng xã An Biên, huyện An Dương. Hàng năm, cứ đến ngày sinh của bà là mồng 8 tháng 2, ngày hóa 25 tháng Chạp, ngày khánh hạ 15 tháng 8, nhân dân An Biên nô nức đến đền Nghè cùng dâng lễ tưởng niệm vị nữ tướng.
Hiện nay, ở thành phố Hải Phòng có một quận nội thành mang tên bà: Quận Lê Chân. Không những thế, để ghi nhớ công lao to lớn của bà, ngày 30-11-1999, thành phố Hải Phòng đã khởi công xây dựng tượng Nữ tướng Lê Chân. Tượng được đúc bằng đồng, cao 7,5m, tọa lạc tại vườn hoa trung tâm thành phố. Ngày nay, tượng nữ tướng Lê Chân là một biểu tượng của thành phố Hải Phòng.
THEO DANVIET