Cuộc đời của Lê Chất, cũng giống như người bạn thân của ông là Lê Văn Duyệt, đều lập nhiều chiến công hiển hách, sau khi giúp vua Gia Long thành công mỗi người được cử trấn giữ một đầu đất nước (Lê Chất làm Tổng trấn Bắc Thành gồm toàn bộ các tỉnh miền Bắc, Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định gồm toàn bộ các tỉnh miền Nam), nhưng sau khi đã chết, đều bị vua xử tội, mãi nhiều năm sau mới được giải oan.
Trong thời vua Minh Mạng, nhà Nguyễn xảy ra 3 vụ đại án, đó là các vụ xử Hoàng tôn Mỹ Đường (con Hoàng thái tử Cảnh), Lê Văn Duyệt, Lê Chất. Các sử quan sau này đều cho rằng đây là ba vụ án oan.
1. Lê Chất
Lê Chất sinh năm 1769 (kém Lê Văn Duyệt 5 tuổi), mất năm 1826, quê ấp Bình Trị, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, được gọi là Hậu quân Chất, nguyên là danh tướng của triều Tây Sơn, từng được phong tới chức Đô đốc.
Bàn thờ Lê Chất tại Lăng Ông, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Sau khi Quy Nhơn thuộc về vua Cảnh Thịnh, Lê Chất được toàn quyền nắm giữ thủy binh với chức vụ Thủy sư Đô đốc.
Năm sau, khi quân chúa Nguyễn đánh nhau với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng tại Bình Định, theo lời khuyên của Võ Tánh, Nguyễn Phúc Ánh kéo quân đánh ra Phú Xuân. Đến ngày 2 tháng 5 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân.
Trong chiến dịch đánh ra Bắc năm 1802, Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân, Bình Tây tướng quân, lần lượt đánh lấy các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, rồi kéo quân vào Thăng Long, bắt được vua quan nhà Tây Sơn, lập được công to, được phong tước Quận công. Khi đó, Đặng Trần Thường có lòng ghen ghét, bàn với các tướng rằng: “Chất mà được quận công thì lũ ta phải mười lần quận công”.