Bến Chương Dương là nơi diễn ra những trận quyết chiến giữa quân nhà Trần do Trần Quang Khải chỉ huy và quân Nguyên Mông năm 1285.
Sau chiến thắng Hàm Tử, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản cùng các tướng khác được lệnh đem quân đánh Chương Dương và kinh thành Thăng Long.
Bến Chương Dương phía làng Chương Dương, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Nơi này vào tháng 5 năm 1285 diễn ra các trận chiến ác liệt giữa quân nhà Trần do con trai vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) chỉ huy với quân Nguyên Mông.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, lực lượng tham gia gồm các đơn vị thủy bộ chủ lực do Trần Quang Khải chỉ huy. Các đơn vị dân binh địa phương lân cận do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền chỉ huy.
Sau các đòn đánh chia cắt, cô lập giành thắng lợi, theo kế của Trần Hưng Đạo, quân ta dùng một lực lượng lớn bất ngờ tập kích Chương Dương.
Bị đánh bất ngờ, quân giặc đạp lên nhau, chạy lên bờ trốn về Thăng Long. Quân Trần truy địch tới sát chân thành, Thoát Hoan đem đại quân ra tấn công. Quân ta vờ thua chạy, địch đuổi theo liền bị phục binh của Trần Quang Khải đổ ra đánh.
Sau trận thua ở Chương Dương, quân Nguyên bị đẩy vào thế đường cùng, buộc chúng phải tháo chạy về nước.
Theo sử liệu, đền Chương Dương ở làng Chương Dương, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội được xây dựng để thờ Dương Tam Kha, cách nay đã hơn nghìn năm.
Dương Tam Kha là con tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, em ruột Dương Hậu, vợ Ngô Quyền. Ngô Quyền là con rể nhưng lại được Dương Đình Nghệ giao trách nhiệm gìn giữ đất nước, Dương Tam Kha làm bộ tướng của Ngô Quyền.
Khi Ngô Quyền mất, ủy thác cho Dương Tam Kha trông coi mấy người con là Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập. Ngô Xương Văn sau này nối nghiệp cha lên làm vua giao cho Dương Tam Kha đi lấy dân lập ấp, xa chính quyền Trung ương.
Đền Chương Dương là nơi thờ Dương Tam Kha, con trai Dương Đình Nghệ, em vợ Ngô Quyền, người có công khai khẩn vùng đất Chương Dương, nay là xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
Thuở ấy, Chương Dương có tên là Chân Giang là vùng đất hoang vắng. Ở vùng này, nước sông dâng lên, đất đai bị lở, lộ ra lớp đất đai màu mỡ.
Dương Tam Kha đã hướng dẫn nhân dân cải tạo vùng đất hoang hóa, xua đuổi thú dữ thành đồng ruộng tốt tươi, sầm uất.
Ghi nhớ công lao của Dương Tam Kha, khi ông mất, nhân dân lập đền thờ. Trước kia, đền Chương Dương làm bằng tre, gỗ. Năm 1947, đền bị thực dân Pháp đốt cháy. Thế kỷ XX, đền Chương Dương được xây lại bằng gạch. Đền còn lưu giữ được thần tích và một số sắc phong.
Cách ngôi đền nhỏ vài trăm mét, xuống mép sông Cái (nay là sông Hồng) là Bến Chương Dương - nơi diễn ra trận đánh quân Nguyên năm 1285 của quân dân nhà Trần.
Thế kỷ XIII, nhà Nguyên dưới sự chỉ huy của Thoát Hoan ồ ạt sang xâm lược nước ta. Quân dân nhà Trần tổ chức kháng chiến chống ngoại xâm.
Đường ra bến đò Chương Dương trên bãi sông Hồng, thuộc làng Chương Dương, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
Năm 1285, Trần Hưng Đạo giao nhiệm vụ cho Trần Quang Khải bố trí lực lượng, chặn đánh chiến thuyền của quân Nguyên trên sông Cái (nay là sông Hồng). Quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đánh tan quân Nguyên trên Bến Chương Dương, tạo đà cho việc giải phóng Thăng Long.
Chiến thắng giặc Nguyên Mông, đất nước thanh bình, trên đường phò vua về Kinh đô, Trần Quang Khải viết:
“Đoạt giáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trợ lực
Vạn cổ thử giang san”
(Tụng giá hoàn kinh sư)
Dịch thơ:
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”
(Phó giá về kinh – bản dịch thơ của Trần Trọng Kim)
Ngày 14/4/2013, Đền Chương Dương và Bến Chương Dương được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
THEO DANVIET