Cậu học trò nghèo và âm mưu lật đổ... vua Tự Đức

Đoàn Hữu Trưng hay Đoàn Trưng (1844-1866) sinh ra trong gia đình nghèo ở làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhờ thông minh ham học mà được Tuy Lý Vương Miên Trinh cho vào học trong vương phủ. Về sau, ông được Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (anh ruột Tuy Lý Vương) vì quý tài mà gả con gái Thế Cúc cho.

Trước cuộc sống cùng cực của người dân, nguy cơ bị thực dân Pháp đô hộ, Đoàn Hữu Trưng muốn lật đổ Tự Đức để lập Đinh Đạo (tức Nguyễn Phúc Ưng Đạo - con trai trưởng của Nguyễn Phúc Hồng Bảo) lên ngôi.

Cậu học trò nghèo và âm mưu lật đổ... vua Tự Đức  - Ảnh 1.

Chân dung vua Tự Đức.

Để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, trước hết Đoàn Hữu Trưng xin ra khỏi Ký Thưởng viên của cha vợ, đồng thời trả vợ là Thế Cúc về gia đình với lý do “bất kính với mẹ chồng”. Đây có thể là một cái cớ để tránh cho gia đình vợ ít bị liên lụy nếu chẳng may cuộc nổi dậy không thành.

Sau đó, Đoàn Hữu Trưng kết giao với những người cùng chí hướng, lập Đông Sơn thi tửu hội với chủ trương “uống rượu, ngâm thơ, tiêu khiển phóng khoáng”. Nhưng thực tế hoạt động văn chương này chỉ là vỏ bọc để che giấu hoạt động chính trị nhằm lật đổ vua Tự Đức.

Đoàn Hữu Trưng cùng hai em ruột là Đoàn Tư Trực, Đoàn Hữu Ái và hai người bạn là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương móc nối một số quan viên hộ thành như Tôn Thất Cúc và ngầm vận động dân phu ở lăng Vạn Niên nổi dậy.

Đoàn Hữu Trưng lôi kéo một số quan lại cao cấp làm nội ứng; cử Đoàn Tư Trực khảo sát tình hình nội thành, cải trang thành người bán sách để bí mật gặp Đinh Đạo đang bị quản thúc trong cung. Đoàn Hữu Ái giả làm sư lôi kéo sư sãi và một số tín đồ Phật giáo vào tổ chức, mượn chùa Pháp Vân làm cơ sở bí mật để hội họp, chế tạo khí giới và là bản doanh khi khởi nghĩa nổ ra.

Chùa Pháp Vân gần Vạn Niên cơ, nơi có hàng nghìn quân lính, phu thợ đang xây lăng, được xác định chính là nơi cần tuyên truyền để trở thành lực lượng nòng cốt cho cuộc nổi dậy.

Đêm 16 rạng 17/9/1866, lực lượng từ đàn Pháp Vân kéo sang công sở Vạn Niên để bắt đốc công Nguyễn Văn Chất. Các binh phu đang cầm chày giã vôi thì được cho về nghỉ. Lực lượng khởi nghĩa dùng chày giã vôi của các binh phu tại công trường làm vũ khí nên cuộc khởi nghĩa này, về sau còn được gọi là “Loạn chày vôi”.

Sau đó, cả đoàn quân từ công trường Vạn Niên kéo vào thành. Khi Đoàn Hữu Trưng chiếm được điện Thái Hòa, Đoàn Tư Trực đánh vào cửa chính Duyệt Thị Đường đã gặp phải sự kháng cự của Hồ Oai. Không bắt được vua, Đoàn Hữu Trưng cho tập trung quân ở điện Thái Hòa, sai Đoàn Tư Trực đến khám đường rước Đinh Đạo về tấn phong, nhưng Hồ Oai đã kịp thời đến phản công. Đoàn Hữu Trưng bị bắt. Cuộc nổi dậy thất bại.

Đại Nam thực lục ghi lời vua phán: Trừ kẻ ác cốt phải kỳ hết nên quả quyết thì quả quyết, trẫm chịu tiếng hung ác tàn nhẫn mà trừ hết mầm ác, không để lo cho đời sau.

Sau đó, Đoàn Hữu Trưng, Trực, Hòa, Quý cùng 9 người khác bị vua xử lăng trì bêu đầu; gia đình 8 người nhà Đinh Đạo bị xử treo cổ; Nguyễn Cúc tự sát, sai đem băm thây thành từng mảnh, đem đầu bêu lên…

Sự tức giận của vua Tự Đức không chỉ có thế. Bố vợ Đoàn Hữu Trưng (chú của vua) là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm dù không liên quan và cũng đã chủ động trói con gái Thế Cúc và cháu của mình (tức con Đoàn Hữu Trưng) đến nhận tội nhưng vẫn bị truất bổng một năm, đóng cửa Ký Thưởng viên và không được tiếp xúc với ai ở bên ngoài. Thế Cúc, vợ Đoàn Hữu Trưng, dù trước đó đã bị “đuổi” về nhà bố mẹ ruột vẫn bị buộc phải cải sang họ mẹ và phải đi tu.

Theo Châu bản triều Nguyễn, phần lớn con em của những người bị coi là tội phạm trọng yếu như Đoàn Hữu Trưng, Nguyễn Cúc, Bùi Văn Liệu… khi đủ 16 tuổi đều bị xử trảm giam hậu.

Cuộc khởi nghĩa của Đoàn Hữu Trưng dù thất bại nhưng đã ghi dấu ấn trong giai đoạn lịch sử này. Ngày nay, tên ông được đặt cho những con đường ở Huế, Đà Nẵng, TP HCM…

THEO DANVIET