Trịnh Tùng – Tào Tháo của Việt Nam
Mỗi khi xuất phủ, chúa Trịnh Tùng thường cưỡi voi. Hôm ấy cũng vậy, chúa cưỡi voi đi xem xét việc xây dựng cung điện đang tiến hành. Xong việc trở về, Chúa bỗng thấy trong lòng không yên, liền cho voi ngựa và thị vệ đi trước, còn mình ngồi kiệu đi sau.
Đến chỗ ngã ba, chợt có tiếng súng nổ, bắn gãy cây lọng trên lưng voi. Ngựa, voi và mọi người đều nhớn nhác. Qua phút hoảng loạn ban đầu, Chúa sai người truy tìm, thì bắt được Văn Đốc cùng đồ đảng. Đem về phủ tra hỏi, Đốc khai là nhà vua và Trịnh Xuân sai làm. Trịnh Xuân chính là con thứ của chúa Trịnh Tùng, được phong tước Vạn Quận công…
Chân dung Trịnh Tùng.
Ngày 12 tháng Năm năm Kỷ Mùi (1619), chúa Trịnh Tùng ngự ra phủ đường, tập hợp bách quan. Chúa cho mời vua Lê Kính Tông vào, khóc mà nói: "Thời kì họ Mạc, nhà vua đã không còn thiên hạ. Cha tôi thân khởi nghĩa binh, đón tiên đế từ trong hang núi trở về, sáng lập triều đình. Tôi tôn phò ba triều, thân trải trăm trận đánh, thu phục giang sơn, tổn phí bao tâm lực, tuổi đã 70. Nay nhà vua nghe đứa con phản nghịch, nhẫn tâm làm việc này".
Các triều thần văn võ ai cũng phẫn uất, nói: "Vua vô đạo thì phải phế". Vậy là, vua Lê Kính Tông, khi đó mới 32 tuổi, buộc phải thắt cổ chết.
Đó là những gì được viết trong Đại Việt sử kí toàn thư, và đó cũng là một nét chân dung khá điển hình của chúa Trịnh Tùng, người được ví là "Tào Tháo của Việt Nam". Điều đáng chú ý là lời ví này không phải do người Việt đặt, mà bắt đầu từ một người nước ngoài – nhà Việt Nam học người Nga, tiến sĩ sử học VladimirIvanovitch Antoshchenko…
Trịnh Tùng, con thứ của Trịnh Kiểm, sinh năm 1550 ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Mẹ là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, con gái Nguyễn Kim. Do đó, Chúa Trịnh Tùng gọi Nguyễn Kim bằng ông ngoại, gọi chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng) bằng cậu ruột. Ông được phong tước Phúc Lương hầu.
Khi Trịnh Kiểm mất, vua Lê Anh Tông trao binh quyền cho Trịnh Cối, con vợ cả của Trịnh Kiểm. Tuy nhiên, Trịnh Cối ham mê tửu sắc, ngày càng càn rỡ kiêu ngạo, không thương gì đến quân lính, vì thế các tướng không phục, theo về với Phúc Lương hầu Trịnh Tùng. Được các quan quân tôn phò, Tùng đem quân đến yết kiến vua Lê. Trước mặt vua Lê, Phúc Lương hầu rập đầu khóc mà tâu rằng:
– Anh thần là Trịnh Cối say đắm tửu sắc, mất lòng mọi người, sớm muộn thế nào cũng sinh loạn. Thần phải nửa đêm đến cửa khuyết tố cáo, xin thánh thượng thu nạp cho.
Rồi Trịnh Tùng mật tâu vua rời vào cửa kinh đô Vạn Lại lập hành cung, chia quân canh giữ đề phòng Trịnh Cối. Hôm sau Trịnh Cối đốc các tướng đem quân đuổi theo đến Vạn Lại, đóng quân bao vây ở ngoài. Hai bên cầm cự nhau đến bảy ngày trời, Trịnh Cối thấy đánh mãi không phá được thành, tự lui quân về.
Vua triều nhà Mạc biết tin hai anh em họ Trịnh tranh nhau quyền vị nên tháng 8 năm 1570, sai Mạc Kính Điển đem quân đánh vào Thanh Hóa. Trịnh Cối liền đầu hàng nhà Mạc. Mạc Kính Điển chấp thuận, phong Cối làm Trung Lương hầu, rồi rút quân về. Quân Bắc triều rút rồi, Trịnh Tùng nắm binh quyền ở Nam triều.
Thời gian đầu, quan hệ giữa vua Lê Anh Tông và Trịnh Tùng khá hòa thuận. Nhà vua vẫn can dự việc triều chính, kể cả việc quân. Mặc dù giao quyền hành cao nhất cho Trịnh Tùng, ban tước Trưởng Quận công nắm giữ binh quyền, nhà vua vẫn nhiều lần đích thân thống lĩnh đại quân cùng Trịnh Tùng ra Bắc đánh Mạc. Các tướng họ Lê như Lê Cập Đệ, một viên tướng giỏi của Trịnh Kiểm khi xưa vẫn tiếp tục "phục vụ" đắc lực cả hai họ. Nhưng rồi đến năm 1572, nội bộ Nam triều bắt đầu lục đục. Lê Cập Đệ mưu giết Trịnh Tùng để giành quyền lại cho vua Lê. Âm mưu bị bại lộ. Lê Cập Đệ bị Trịnh Tùng giết chết. Vua Lê Anh Tông biết tin sợ hãi, đang đêm phải đem bốn hoàng tử chạy vào thành Nghệ An. Trịnh Tùng cho người hạ sát vua Lê Anh Tông, đón hoàng tử thứ năm là Lê Duy Đàm lập làm vua, tức là vua Lê Thế Tông.
Trịnh Tùng trở thành chúa Trịnh đầu tiền bắt đầu thời kỳ Vua Lê chúa Trịnh
Tân vương phong Trịnh Tùng làm Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chủ dinh kiêm quản Bình chương Quân quốc Trọng sự. Từ đây, chúa Trịnh Tùng nắm trọn quyền trong triều, ngoài trấn, vua không có chút thực quyền gì. Sau khi Lê Thế Tông qua đời, Trịnh Tùng cùng với triều thần lập vua Lê Kính Tông lên ngôi.
Mùa xuân năm 1593, sau khi chiếm được Thăng Long, Trịnh Tùng cho khôi phục lại kinh thành bị tàn phá, xây dựng cung điện, lập hành cung ở phía tây nam thành Thăng Long, công việc gấp rút ngày đêm, độ một tháng thì xong.
Rồi Trịnh Tùng sai các đại thần và các quan văn võ sắm bày cờ xí, chỉnh đốn binh tượng để chuẩn bị đón thánh giá và thân đem các quan đến Thanh Oai đón rước, vua tôi cùng về kinh.
Ngày 16 tháng 4 năm 1593, trong lời chiếu ban từ chính điện, vua Lê Kính Tông viết: "Việc dực phù nhật nguyệt, chỉnh đốn càn khôn thì nhờ ở công đức của Minh khang Thái vương [Trịnh Kiểm] cùng Tổng quốc chính Thượng phụ Trịnh Tùng". Đi đôi với lời khen "có cánh" đó là những tước vị vào hàng cao nhất: Vua phong Trịnh Tùng làm Đô Nguyên suý Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương.
Từ đây, Trịnh Tùng bắt đầu tổ chức bộ máy cai trị quy mô của vị chúa nắm thực quyền. Ông cho lập phủ liêu riêng gồm đủ cả lục phiên, tương đương với lục bộ của triều đình. Phủ chúa toàn quyền đặt các chức quan, thu thuế, bắt lính. Con chúa cũng được quyền thế tập, gọi là Thế tử. Vua Lê chỉ có mặt trong những dịp lễ lạt hoặc khi tiếp sứ Trung Quốc.
Đó bắt đầu thời kì mà sử gọi là thời "Vua Lê chúa Trịnh". Xét theo thế thứ, Trịnh Tùng là đời thứ hai của họ Trịnh kế tục việc "phù Lê" giúp nhà Lê Trung hưng. Tuy nhiên, Trịnh Kiểm khi tại vị mới được phong tước công, còn tên thụy Thái Vương của chúa tiên khởi là do đời sau đặt. Phải từ Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh mới nhận tước vương khi còn tại vị, được gọi là chúa. Vì vậy, Trịnh Tùng được xem là vị chúa Trịnh chính thức đầu tiên.
Việc làm của Trịnh Tùng sau khi nắm quyền chúa Trịnh
Cầm quyền trong thời loạn với vị trí "dưới một người trên vạn người", Trịnh Tùng luôn phải quyết đoán, hành động quyết liệt. Cũng chính điều này đôi khi đẩy ông vào vị trí của kẻ "tiếm quyền". Thực tế, trước sự lộng quyền của chúa, vua Lê Kính Tông đã cùng với con Trịnh Tùng là Trịnh Xuân lập mưu giết ông.
Chúa Trịnh Tùng đưa thái tử Lê Duy Kì, con trưởng của Lê Kính Tông lên ngôi, tức vua Lê Thần Tông. Còn con của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân thì bị giam vào nội phủ, nhưng sau vài tháng lại được thả ra.
Năm 1623, Bình An Vương Trịnh Tùng bị cảm, sai các quan bàn việc chọn thế tử. Triều thần đều tâu lấy thế tử Trịnh Tráng giữ binh quyền, còn con thứ là Trịnh Xuân giữ chức phó. Nghe tin, Trịnh Xuân lại nổi loạn, phóng hỏa đốt phủ chúa, lửa lan khắp kinh kì.
Trịnh Tráng đem vua chạy ra ngoài thành, họp các quan văn võ ở chợ Nhân Mục huyện Thanh Trì bàn việc đối phó với Trịnh Xuân. Trịnh Tùng khi đó đã quá ốm yếu, nhưng một lần nữa ông lại chứng tỏ sự cứng rắn, quyết liệt của mình. Ông sai người dụ Trịnh Xuân đến Quán Bạc (nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội) để trao cho binh quyền. Khi Trịnh Xuân đến, Trịnh Tùng liền ra lệnh bắt giết đi!
Ngày 20 tháng 6 năm 1623, Bình An Vương Trịnh Tùng qua đời, thọ 73 tuổi. Có thể nói, ông là một quyền thần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Chịu trách nhiệm chính trước dòng họ và quốc gia, lại luôn phải đối phó với nhiều lực lượng, cho nên, để giữ vững ngôi vị, Trịnh Tùng buộc phải trở thành con người cứng rắn, quyết đoán, thậm chí đôi khi tàn nhẫn. Sử sách còn ghi lại, ngày 17 tháng 8 năm 1586, dinh Trường Yên bị hỏa hoạn, mẹ chúa bị chết cháy. Khi ấy Trịnh Tùng đang đi đánh trận, song ông vẫn tiếp tục lo việc quân, không về chịu tang tránh làm xao động lòng quân. Về sau, nhiều người cho là ông vô cảm, nhưng cũng không ít người coi đó là phẩm chất mà một vị tướng cần phải có.
Là người sẵn sàng tiêu diệt những kẻ chống đối, Trịnh Tùng không hiếm khi thể hiện lòng nhân của người chiến thắng. Năm 1581, trong trận đại thắng quân Mạc ở Quảng Xương, ông ra lệnh:
"Tù binh được cấp lương ăn cho về quê cũ". Mọi người đều thầm cảm ơn lớn; từ đấy quân Mạc không dám nhòm ngó nữa, cư dân Thanh Hóa, Nghệ An được yên ổn làm ăn. Hay trong trận đánh tháng 12 năm 1589, ông "sai cởi trói cho 600 tù binh, vỗ về yên ủi cấp cho cơm áo rồi thả hết về quê quán". Trong lịch sử các cuộc nội chiến ở nước ta, không phải bao giờ bên thắng cuộc cũng đối xử với quân địch bị bắt như vậy.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết về Bình An Vương Trịnh Tùng như sau:
"Ông tính khoan hòa, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, dùng binh như thần. Ông thực sự làm chúa, cầm quyền chính, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy…".
Không chỉ là người xác lập vị thế vững chắc cho cơ nghiệp hơn hai trăm năm của họ Trịnh ở Đàng Ngoài, ông còn xứng đáng được ghi nhận là đã "bày mưu đặt kế giữ yên xã tắc công lao tỏ sáng giữa trời", như sách xưa từng viết. Không tiếm ngôi vua Lê, giữ ổn định thế "vua Lê chúa Trịnh" khiến trăm họ an tâm, triều đình, phủ liêu cùng lo việc nước, gương ấy của Trịnh Tùng đã truyền mãi về sau cho các đời chúa Trịnh noi theo.
Có thể, so với Tào Tháo ông không bằng về "tài" khuynh đảo thiên hạ, về "mưu kế" gian hùng, song riêng về phẩm chất của người đứng mũi chịu sào trước quốc gia, dân tộc, chúa Trịnh Tùng đáng được người sau kính nể, hay ít nhất cũng phải nghĩ lại về những định kiến suốt một thời áp đặt cho ông cũng như nhiều chúa Trịnh về sau…
THEO DANVIET