Bà Hồ Thị Chỉ sinh năm 1902 tại Thừa Thiên Huế. Theo tộc phả của dòng họ Hồ Đắc ở làng An Truyền (làng Chuồn) nay là xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế thì bà là cháu nội của Hầu tước Hồ Đắc Tuấn và Quận chúa Công nữ Thức Huấn (con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm – Hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng).
Không những xinh đẹp, phúc hậu, Hồ Thị Chỉ còn nức tiếng thông minh, học giỏi, đàn hay, thông thạo cả tiếng Pháp lẫn Hán Văn và Việt Ngữ. Có thể nói, xuất phát điểm của bà vô cùng quyền quý, đúng bậc trâm anh.
Bà gặp vua Duy Tân năm 12 tuổi còn đức vua mới 14 tuổi và đã lên ngôi được 6 năm. Trong khoảng thời gian này, 4 anh chị em nhà bà Hồ Thị Chỉ đã có vinh hạnh cùng cha là Thượng thư Hồ Đắc Trung tháp tùng đức vua ra bờ biển nghỉ ngơi. Ngay lần đầu gặp mặt, nhờ nét xuân thì, xinh xắn yểu điệu, bà đã lọt vào mắt xanh của vị vua trẻ.
Nhan sắc thời trẻ của Ân phi Hồ Thị Chỉ.
Theo hồi ký của Sư bà Diệu Không, tức Hồ Thị Hạnh, em ruột Hồ Thị Chỉ, vào mỗi sáng sớm, khi ánh dương vừa hé lộ, Vua Duy Tân đã đòi Hồ Đắc Trung cho đám trẻ trong nhà cùng vua đi ra biển nghịch nước. Hồ Đắc Trung căn dặn các con phải giữ lễ quân thần, không được cười nói thoải mái như với người thường, nhưng nhà vua lại rất bình dị và hòa đồng, xưng hô anh em gần gũi. Dù rất mến vua, nhưng anh em họ Hồ lại không dám cười đùa nhiều vì sợ cha trách mắng. Lúc tiết hè sắp qua, cũng đến thời điểm vua Duy Tân phải trở về hành cung, Hồ Thị Chỉ đã bật khóc. Thấy vậy, Duy Tân dặn bà Hạnh dỗ chị gái và hẹn sang năm gặp lại.
Sau này, khi vua Duy Tân đồng ý với Thái hậu chuyện nạp phi, triều đình đã sai người đến xin ảnh của cô Hồ Thị Chỉ dâng lên cho Thái hậu xem mặt. Một tuần sau có lệnh mời cụ ông cụ bà Hồ Đắc Trung vào chầu Thái hậu. Sau đó, nhàvua đưa cho ông bà Hồ Đắc Trungmột đôi bông tai và một đôi vòng vàng. Đó là lễ hỏi của nhà vua để chọn ngày lành tháng tốt sẽ làm lễ nạp phi. Cả gia đình cụ Hồ Đắc Trung đều vui mừng hân hoan, nhất là cô Hồ Thị Chỉ vốn đã có những ấn tượng tốt đẹp với vua Duy Tân sau những lần gặp gỡ trước đó.
Thế nhưng, ngày lành ấy lại vĩnh viễn không bao giờ tới. Tháng 12/1915, vị vua trẻ đột ngột triệu Hồ Đắc Trung vào triều bàn chuyện riêng và thoái hôn với Hồ Thị Chỉ mà không cho biết nguyên nhân, khuyên ông cố gắng an ủi con gái và gả ngay cho người khác, kẻo Hồ Thị Chỉ buồn mà tội nghiệp. Vua tỏ ra rất đau lòng khi buộc phải từ hôn với người mà ông “mến thương từ hai năm nay”. Sự kiện này khiến gia đình cụ Hồ Đắc Trung, nhất là Hồ Thị Chỉ buồn rầu. Bước sang năm 1916, Mai Thị Vàng, con gái Mai Khắc Đôn, sư phụ dạy chữ Hán của vua Duy Tân đã thế chân trong kiệu hoa để bước vào hậu cung.
Không ai hiểu nguyên nhân tại sao, mãi đến sau này, cho đến tận khi vua Duy Tân bị bắt vào tháng 5/1916, vì ông có kết nối với Việt Nam Quang phục hội để làm cuộc khởi nghĩa và xuống ngôi, mọi nguyên nhân mới được sáng tỏ. Thì ra, đức vua thay đổi ý định kết hôn với Hồ Thị Chỉ bởi lúc bấy giờ, ông đã nhận lời tham dự cuộc khởi nghĩa vũ trang do Quang Phục hội lãnh đạo nên không muốn người yêu và gia đình nàng bị liên lụy. Tiểu thư Hồ Thị Chỉ càng thêm cảm phục quý mến tình cảm của vua Duy Tân.
Theo sử sách ghi chép, năm 1917, vua Khải Định đến dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây trường Đồng Khánh. Có một cô gái xinh xắn, dịu dàng, cẩn trọng dâng lên vua một chiếc kéo mới tinh đặt trên một cái khay phủ gấm điều đã để lại cho Khải Định ấn tượng khó phai - đó chính là Hồ Thị Chỉ. Khải Định sau đó đã gặp Thượng thư Hồ Đắc Trung ngỏ ý muốn kết duyên với Hồ Thị Chỉ, với lí do ông cần một người vợ nói tốt tiếng Pháp “để làm các việc cơ mật”. Khải Định hứa sẽ phong Hồ Thị Chỉ làm Hoàng Phi vợ chính. Ông cũng tâm sự đã có một con trai bốn tuổi với một cung nữ (là bà Hoàng Thị Cúc - Đức Từ Cung sau này) và cậu bé này sẽ là con của bà Hoàng Phi.
Muốn trọn tình với vua Duy Tân, nghe tin này, Hồ Thị Chỉ một mực phản đối thưa với cha mẹ rằng, bà nguyện ở cho đến hết đời, không muốn nhận lời ai nữa. Thế nhưng khước từ ý vua sẽ phạm tội phạm thượng, khác nào phản nghịch, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Nghe theo lời khuyên giải, hy sinh tình cảm riêng tư vì sự sống còn của gia đình, Hồ Thị Chỉ đã cắn răng chấp nhận.
Ngày 3/12/1917 lễ nạp phi đã diễn ra long trọng và Hồ Thị Chỉ được phong làm Nhất giai Ân Phi - tước hiệu cao quý nhất trong hàng “cửu giai” do triều Nguyễn quy định cho các phi tần.
Chân dung vua Khải Định và đệ nhất Ân phi Hồ Thị Chỉ.
Với tư cách mẫu nghi thiên hạ, am hiểu nhiều nền văn hóa, bà thường xuất hiện cùng Khải Định trong bao buổi tiếp đón quan khách trong và ngoài nước. Bà xinh đẹp, thông thái, am hiểu văn hóa, ứng xử phương Đông phương Tây, nói tiếng Pháp rất thông thạo, vẫn làm phiên dịch cho nhà vua. Thế nhưng giữa Ân phi và Khải Định lại không có giọt máu nối dõi, rồi đến năm 1925, Khải Định mất, sóng gió lại ập đến với Hồ Thị Chỉ.
Sau khi Khải Định băng hà, Đông cung Vĩnh Thụy đăng cơ với niên hiệu là Bảo Đại, phong cho mẹ ruột là bà Hoàng Thị Cúc chức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, tức bà Từ Cung có quyền thế bậc nhất trong nội cung, còn bà Ân phi Hồ Thị Chỉ do không có con nên không được sống trong nội cung mà phải về sống ở Cung An Định rồi chuyển về ngôi biệt thự 145 (79D cũ) nằm trên đường Phan Đình Phùng.
Đi qua những ngang trái tột cùng, Hồ Thị Chỉ đã mắc phải chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần. Có giai đoạn anh trai Hồ Đắc Ân đã đưa bà vào Sài Gòn chăm sóc chữa bệnh. Lúc tỉnh, bà viết một bức thư bằng tiếng Pháp gửi lên Liên hiệp quốc đòi độc lập cho Việt Nam, chống ngoại xâm. Cũng đã có lần em gái Hồ Thị Hạnh đưa bà lên ngôi chùa Khải Ân để nương nhờ chốn thiền môn. Bà sống lay lắt, đơn độc như một cái bóng. Ngày ngày bà mang một rổ bánh nậm, lọc ra bán ở chợ An Cựu. Mặc dù được người thân hết lòng cưu mang giúp đỡ nhưng bệnh tình bà ngày càng tệ đi.
Cuộc sống của bà cứ lầm lũi cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai người anh trai là Hồ Đắc Điềm và Hồ Đắc Di từ Hà Nội vào Huế mới gặp lại người em gái của mình sau bao năm li biệt. Từ đó tình trạng của bà trở nên tốt hơn, minh mẫn hơn, không đi lang bạt nữa. Cho đến năm 1985, vì căn bệnh tiêu chảy cấp, Ân phi rực rỡ ngày nào qua đời ở tuổi 83. Bà được an táng bên cạnh mộ của cha mẹ để được đoàn tụ với gia đình.
PV (Phụ Nữ Việt Nam)