Để từ trong gian khó vững lòng hiếu trung, câu thơ của Đại tá Ngọc Châu, người chiến sĩ cảnh vệ đã theo Bác trong suốt những năm dài kháng chiến chống Pháp đã nói thay lời những người con được cận kề bên Bác: "Ngọn đèn nhỏ - rừng khuya gió lộng/ Sáng tự nơi đây sáng khắp muôn vùng/ Như những vì sao thức hoài không mỏi/ Ta gác cho Người - Người gác cả non sông".
Các chiến sĩ Cảnh vệ và phục vụ bảo vệ Bác Hồ trên đường công tác tại đèo Khế (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), Tháng 10/1947
Bảo vệ Bác giữa mùa thu độc lập
Đầu năm 1945, tổ cảnh vệ vũ trang – tiền thân của Trung đoàn 600, danh hiệu là Đoàn Tân Trào được thành lập tại Tân Trào, Tuyên Quang. Tháng 5/1945, giữa lúc khí thế cách mạng dâng cao, quần chúng nhân dân nức lòng mong ngóng vận hội mới của dân tộc, tổ cảnh vệ vũ trang được giao một nhiệm vụ hết sức đặc biệt là đi đón và bảo vệ Trung ương Đảng cùng Hồ Chủ tịch từ hang Pắc Pó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Các thành viên tổ cảnh vệ đều có tuổi đời rất trẻ, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, cướp kiếm của sĩ quan Nhật làm vũ khí phòng hộ. Dưới sự dẫn đầu của đồng chí Trung Hoa – tổ trưởng, tổ cảnh vệ đã vượt qua nhiều gian khó, nguy hiểm dọc đường, mưu trí, cảnh giác bảo vệ Bác cùng các đồng chí khác an toàn về đến Tân Trào. Sau đó, anh em trong tổ đã phối hợp với lớp quân chính kháng Nhật tiêu diệt gọn 22 tên phỉ Quốc dân đảng trà trộn hòng phá hoại cách mạng.
Cách mạng tháng 8 thành công trên cả nước, tổ cảnh vệ lúc này phối hợp với các lực lượng của quân đội bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng về Thủ đô. Thượng tướng Đàm Quang Trung (1921-1995), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lúc này là một trong những cán bộ chỉ huy kế hoạch bảo vệ từ Tân Trào về Hà Nội trong một lần đã kể lại: "Khi đó, chúng tôi đã cử cán bộ tiền trạm mở đường đi trước, chuẩn bị nơi ăn, nghỉ và các phương tiện vượt sông. Anh em bộ phận cảnh giới được trang bị lựu đạn, dao găm và luôn bám sát Bác cùng các đồng chí Trung ương trên hành trình về xuôi, không chút lơ là cảnh giác. Khẩu súng trường Nga cùng một ít đạn được giao cho đồng chí Việt Dũng, chiến sĩ cận vệ của Bác. Đó là niềm tự hào của tổ vì đây là "vũ khí hiện đại" đầu tiên được trang bị".
Ngày 2/9/1945, trời Hà Nội trong xanh, nắng gió Ba Đình đưa lời Hồ Chủ tịch ngân xa: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Lời Người vừa dứt, muôn người có mặt tại Quảng trường cùng hô vang lời thề Độc lập: "Xin thề, xin thề". Những thước phim của ngày Độc lập còn lưu lại rất rõ Tổ cảnh vệ đạp xe hộ tống bảo vệ xe ôtô chở Bác tiến vào lễ đài và đứng nghiêm trang bên lễ đài độc lập.
Bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các chiến sĩ bộ đội trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950
Ông Lê Đức Vân, 95 tuổi, nguyên Ủy viên ban Thanh vận Hà Nội, Trưởng ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại: "Đến 14h, không khí quảng trường bừng lên tiếng hoan hô khi một chiếc xe Citroen màu đen được hộ tống bởi hai mô tô và các chiến sĩ cảnh sát đi xe đạp từ từ qua Quảng trường rồi vòng ra sau lễ đài. Nghi lễ kéo cờ và cử Quốc ca bắt đầu thật linh thiêng và thành kính. Các đồng chí trong tổ cảnh vệ vũ trang chia đội hình. 4 đồng chí đứng trên lễ đài sau lưng Bác, số khác xuống phối hợp với các đồng chí thuộc Sở Công an Bắc Bộ đứng dưới chân lễ đài, trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời".
Con đường kháng chiến theo chân Người
Toàn quốc kháng chiến, trong những ngày đầu khói lửa ở Thủ đô, đến ngày 19/12/1946, các chiến sĩ cảnh vệ lúc này thuộc đội Bảo vệ Bắc Bộ phủ đã phối hợp với Lực lượng tự vệ Thành chiến đấu cực kỳ anh dũng để bảo vệ cơ quan đầu não cách mạng. Với những khẩu súng trường, lựu đạn, chai cháy, mã tấu, dao găm, Đội bảo vệ Bắc Bộ phủ đã nêu cao tinh thần "quyết tử" chống lại hai đại đội của địch gồm 300 tên có 8 xe tăng, hai đại bác 75, hai súng cối 81 ly. Các đồng chí đã anh dũng đánh bật hàng chục đợt tấn công của địch, không cho địch lọt vào Bắc Bộ phủ, tiêu diệt 150 tên cùng 4 xe tăng, giằng co với địch cho đến khi các cơ quan đầu não của ta chuyển đi hoàn toàn mới rút lui, tiếp tục bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng lên chiến khu, bắt đầu hành trình kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thị sát chiến dịch Biên giới năm 1950
Tại thủ đô kháng chiến – thủ đô gió ngàn Việt Bắc, giữa lúc "thù trong giặc ngoài", các tổ chức phản động, các ổ nhóm gián điệp âm mưu ám sát các yếu nhân nhằm gây rối loạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, những chiến sĩ cảnh vệ đã thấm nhuần lời dạy của Bác: "Tuyệt đối trung thành với Đảng, Chính phủ", sẵn sàng chịu đựng khó khăn, gian khổ hy sinh cho lý tưởng cách mạng, luôn luôn coi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước là mệnh lệnh thiêng liêng trong trái tim mỗi người. Năm 1947, lực lượng bảo vệ được biên chế thành hai tiểu đội gồm tiểu đội A.D. làm nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu đội A.T. làm nhiệm vụ bảo vệ kho tài chính và nơi in bạc.
Suốt những năm kháng chiến, đội A.D. đã theo chân Bác đến nhiều nơi, bảo vệ Bác đi thị sát nhiều chiến dịch quan trọng của quân đội ta như Chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Cao Bắc Lạng hay tham gia Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Thời gian này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hết sức ác liệt, ở căn cứ địa, các cơ quan nói chung và nơi ở, nơi làm việc của Bác phải thường xuyên di chuyển. Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Chủ nhiệm Chính trị Công an nhân dân vũ trang từng kể lại: "Mỗi lần di chuyển, Bác gọi anh em tới căn dặn cụ thể cách chọn địa hình, địa vật vừa đảm bảo bí mật vừa đảm bảo giao thông, vừa có nơi làm việc vừa có chỗ giải trí. Theo lời dạy của Bác, chúng tôi càng có nhiều kinh nghiệm. Đối với anh em chúng tôi, những năm tháng bảo vệ Bác là niềm hạnh phúc nhất trên đời nên ai có nỗi niềm riêng tư cũng hạn chế không để Bác biết, sợ Bác phiền lòng. Nhưng trái lại, dù Bác trăm công nghìn việc nhưng vẫn luôn quan tâm đến anh em, nhiều lần động viên, tìm hướng hỗ trợ anh em ổn định tâm tư, gia đình".
Tổ cảnh vệ vũ trang phối hợp với cán bộ Sở công an Bắc Bộ bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng trong Lễ Tuyên ngôn Độc Lập 2/9/1945
Tại ngôi nhà số 3, khu tập thể Yersin, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Thiếu tướng Tạ Đình Hiểu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 600 bảo vệ An toàn khu của Trung ương trên chiến khu Việt Bắc xúc động kể cho tôi nghe những tháng năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ: "Tháng 5/1953, Trung ương chỉ thị thành lập một tiểu đoàn vũ trang đặc biệt để tăng cường công tác bảo vệ An toàn khu (gọi tắt là ATK) lấy cơ sở là đại đội 32 và tuyển chọn thêm cán bộ, chiến sĩ từ các Sư đoàn 312, 308 và 304. Trong khi các cán bộ tổ chức lúng túng chưa tìm được tên cho tiểu đoàn thì Bác bảo, "Chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người. Vậy là 600 người. Bác đặt là Tiểu đoàn 600, các chú có đồng ý không?". Mọi người cùng vỗ tay ủng hộ".
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bác cùng các cơ quan Trung ương, Chính phủ chuyển về tiếp quản Thủ đô, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiểu đoàn 600 được phát triển thành Trung đoàn 600. Đồng chí Tạ Đình Hiểu được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Châu đảm nhiệm vai trò Chính ủy. Từ đó, cái tên Trung đoàn 600 đã trở thành tên gọi thiêng liêng gắn với truyền thống của những người lính cảnh vệ hôm nay.
Mùa thu 2022, đất nước bước sang một giai đoạn mới đầy tự hào với tiềm lực, cơ đồ chưa bao giờ có được. Quảng trường Ba Đình vẫn xanh và hình dáng những người lính trẻ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ làm nhiệm vụ "canh giấc ngủ cho Người" có lẽ vẫn là nhiệm vụ thiêng liêng chứa đựng nhiều xúc cảm. Bởi các anh đứng đây đâu chỉ canh một bóng hình, một con người cụ thể, mà là canh cho "tinh thần Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh" luôn tỏa sáng, soi rọi cho cách mạng Việt Nam vững bước tới tương lai. Các anh đang tiếp tục gánh trên vai mình trọng trách mà Trung đoàn 600 anh hùng - đơn vị được Bác Hồ tặng cho danh hiệu "Thanh kiếm báu" của Đảng đã hoàn thành xuất sắc. Để chúng ta mãi mãi không quên một mùa thu Cách mạng, cả nước vùng lên đạp đổ xiềng xích nô lệ, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu.
THEO DANVIET