Đại Việt phá thế "gọng kìm" Tống - Chiêm Thành – Khmer ra sao?

Phòng tuyến sông Như Nguyệt

Đầu năm 1077, nhà Tống đưa 30 vạn quân Tống (10 vạn quạn chủ lực và 20 vạn phu phen) do chủ tướng Quách Quỳ cùng phó tướng Triệu Tiết chỉ huy vượt biên giới tiến đánh Đại Việt.

Lý Thường Kiệt cho lập phòng tuyến vững chắc ở sông Như Nguyệt chặn đứng quân Tống. Quách Quỳ thì muốn cho quân vượt sông nhằm tiến đánh vào thành Thăng Long. Quân Tống có 2 lần tổ chức tổng tấn công nhưng đều bị chặn lại phải rút về.

Đại Việt phá thế "gọng kìm" Tống - Chiêm Thành – Khmer ra sao? - Ảnh 1.
 

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Đã có một lần, viên tướng Miêu Lý cùng 2.000 quân tinh nhuệ vượt qua được phòng tuyến cuối cùng của sông Như Nguyệt rồi tiến thẳng đến Thăng Long. Nhận thấy quân Tống phía sau đều bị chặn lại không thể hỗ trợ được mình, nhưng Miêu Lý vẫn quyết định đưa 2.000 quân thẳng tiến đến Thăng Long. Tới vùng Yên Phụ, Thụy Lôi thì cánh quân này bị quân Đại Việt kịp thời chặn đứng, Miêu Lý không vượt qua được phải cho quân rút về, nhưng chạy về đến sông Như Nguyệt thì cầu phao để vượt sông đã bị hủy, quân Đại Việt ở sông Như Nguyệt cũng tấn công, khiến số quân tinh nhuệ này của Tống bị diệt gần hết.

Quách Quỳ thất vọng vì quân của Miêu Lý không thể đến được Thăng Long nên tức giận xử tử viên tướng này. Nhận thấy không sao vượt sông được, Quách Quỳ quyết định không vượt sông nữa, mà cho quân phòng thủ, nhưng bề ngoài vẫn giả như chán chường, lơ là phòng bị để dụ quân Đại Việt tấn công.

Tuy nhiên Lý Thường Kiệt không rơi vào cái bẫy này mà cho các cánh quân nhỏ tập kích quấy nhiễu tiêu hao binh lực quân Tống rồi rút ngay nhằm bảo toàn lực lượng.

Thấy không dụ Đại Việt tấn công được, quân Tống cũng không vờ lơ là nữa mà bố phòng cẩn mật ngay từ phía bờ sông. Quân Tống hy vọng thủy quân đến để phối hợp cùng tiến, nhưng thủy quân Tống đã bị Lý Kế Nguyên xuất sắc đánh bại và phải rút lui.

Lúc này Phò mã Thân Cảnh Phúc cùng các quân địa phương nơi biên giới liên tục tập kích vào hậu phương quân Tống, chặn mất con đường tiếp tế nhu yếu phẩm, khiến quân Tống thiếu thốn lương thực và thuốc men, tinh thần và sức chiến đấu sa sút, quân Tống phải cho quân hỗ trợ dân phu vận chuyển nhu yếu phẩm từ bên Tống sang. Tình hình này kéo dài suốt gần 2 tháng.

Đại Việt 2 đầu thọ địch, tình thế như ngàn cân treo sợi tóc

Đúng lúc này ở phía nam Đại Việt, liên quân Chiêm Thành – Khmer do Vua Chiêm là Chế Củ 4 (Harivarman IV) tiến đánh Đại Việt, lần lượt chiếm các Châu là Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình. Vua Khmer là Harshavarman III hay tin quân Tống và Đại Việt đang tập trung ở sông Như Nguyệt, nên quyết định gửi thêm quân đến nhằm thừa cơ chiếm các vùng đất phía nam.

Tình thế đang thuận lợi bỗng nghịch chuyển, Đại Việt hai đầu thọ địch, quân Đại Việt phía nam chỉ toàn dân binh địa phương, không thể ngăn liên quân Chiêm – Khmer. Nếu Đại Việt chia quân ra, gửi ít quân xuống phía nam thì cũng không ngăn được liên quân Chiêm – Khmer, mà gửi nhiều quân xuống thì lại không thể chặn được quân Tống.

Tình thế vô vàn nguy hiểm, Lý Thường Kiệt quyết định không đưa quân về nam mà phải đánh quân Tống chỉ một trận là diệt, khiến quân Tống không còn sức tấn công nữa. Nhưng lúc này quân Tống bố trí phòng thủ rất nghiêm mật không có sơ hở.

Dù vậy, chủ tướng Quách Quỳ và phó tướng Triệu Tiết của quân Tống do mâu thuẫn không nhất trí với nhau nên lập trại cách xa nhau đến 60 dặm (30 cây số). Tuy nhiên quân Tống bố trí cụm quân trung gian nằm giữa 2 trại này, nên 2 trại của 2 chủ tướng có thể hỗ trợ nhau nếu bị tấn công. Quân Tống hầu hết đều tham gia chiến trường đánh Liêu quốc và Tây Hạ nên tinh nhuệ lại có nhiều kinh nghiệm, các tướng bố trí quân rất bài bản và cẩn mật.

Đội nghi binh của Hoằng Chân và Chiêu Văn

Trước tình thế đó, Lý Thường Kiệt quyết định phải có một trận đánh nghi binh trước nhằm xáo trộn đội hình phòng thủ của Tống. Mục tiêu của Đại Việt là nhắm vào trại của phó tướng Triệu Tiết, vì trại này dễ tấn công hơn so với trại quân của Quách Quỳ. Tuy nhiên Lý Thường Kiệt muốn nghi binh, giả tấn công trại chủ tướng quân Tống.

Cuộc tấn công nghi binh vô cùng quan trọng này được giao cho 2 Hoàng thân nhà Lý là Hoằng Chân và Chiêu Văn. Hai vị này đều là con trai của vua Lý Thái Tông, em trai của vua Lý Thánh Tông và là chú của vua Lý Nhân Tông.

Theo sách “Đàm Phố” của Tôn Thăng đời Tống thì Hoằng Chân có đội quân bản bộ của mình, được tập luyện trận pháp bài bản. Hoằng Chân và Chiêu Văn  ở Vạn Xuân, tức là ở khu vực cực đông của chiến tuyến sông Cầu, đối diện với trại quân của Quách Quỳ.

Từ Vạn Xuân, Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy 2 vạn quân cùng 400 thuyền tiến sang trại của Quách Quỳ tấn công. Dù cuộc tấn công này không có mục tiêu chiến thắng, nhưng quân Đại Việt cần đánh mạnh và đánh thật nhằm khiến quân Tống tập trung đối phó, xao lãng đội hình phòng thủ.

Quân Việt tiến đến khu vực nhúi Nham Điền đẩy lui 5.000 kỵ binh tinh nhuệ của quân Tống tại đây. Chiếm được núi Nham Điền, quân Việt từ trên cao đánh mạnh vào trại quân Quách Quỳ, vượt qua mấy lớp phòng thủ của quân Tống ở phía ngoài, tiến được vào khu trung tâm.

Trước sức đánh dũng mãnh của quân Việt, Quách Quỳ cùng quân Tống cho rằng lần này quân Việt đã cho quân chủ lực đánh thật, nên 7.000 kỵ binh còn lại cùng các binh tướng tập trung tiêu diệt quân Đại Việt.

Đại Việt phá thế "gọng kìm" Tống - Chiêm Thành – Khmer ra sao? - Ảnh 2.

Bản đồ Như Nguyệt. (Ảnh: Lưu Ly, Wikipedia, CC BY 3.0).

Một cuộc chiến vô cùng ác liệt diễn ra khiến 2 bên thiệt hại nhiều, quân Đại Việt dù ít hơn nhưng chiến đấu ngoan cường khiến Quách Quỳ phải cho cả đội quân trung gian đóng giữa hai trại quân Tống đến, và cả một phần quân từ trại của Triệu Tiết cũng đến yểm trợ.

Nhận thấy quân Tống đã tập trung tại đây, nhiệm vụ đã hoàn thành, quân Đại Việt liền rút lui. Quân Tống đuổi theo. Quân Đại Việt xuống thuyền, quân Tống dùng máy bắn đá bắn vào chiến thuyền khiến quân Đại Việt bị thiệt hại nhiều.

Soái thuyền của Hoằng Chân và Chiêu Văn bị trúng đá, lại bị quân Tống tập trung tấn công nên không thoát được.

Gần một nửa số quân Đại Việt tham chiến đã mất trong trận này, còn lại hơn 1 vạn quân rút lui an toàn. Sử nhà Tống cho rằng đây là trận đại thắng.

Đòn đánh quyết định

Mục tiêu của Đại Việt đã hoàn thành, trại quân của Triệu Tiết bị cô lập. Vừa khi trời tối, Lý Thường Kiệt chỉ huy đội quân 4 vạn tiến thẳng vào trại của Triệu Tiết. Cuộc tấn công khiến quân Tống bị bất ngờ trở tay không kịp. Quân trung gian giữa hai trại của Tống đã được điều đi nên quân Tống không kịp ứng phó, 3 vạn quân trong trại Triệu Tiết bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn đám tàn quân chạy thoát được về trại của Quách Quỳ.

Đến lúc này quân Tống lúc này chỉ còn lại hơn 2,3 vạn quân, trong khi đó Đại Việt còn hơn 5 vạn quân. Mặt khác quân Đại Việt có ưu thế lương thực, trong khi đó quân Tống cạn lương, binh sĩ ốm yếu.

Trong tình cảnh quân Tống khốn cùng, Lý Thường Kiệt nhanh chóng gửi thư hòa hoãn, quân Tống như chết đuối vớ được cọc liền đồng ý ngay, và rút về nước, không biết rằng liên quân Chiêm Thành – Khmer đang hăm hở tiến đến Thăng Long. Trong cuốn “Nhị Trình di thư” của nhà Tống có ghi chép rằng: “May được lời giặc nói nhũn, liền nhân đó giảng hòa. Nếu không có lời quy thuận của giặc thì làm thế nào?”

Từ phía nam, liên quân Chiêm Thành – Khmer bất ngờ nhận được tin quân Tống đã thảm bại và rút lui. Vốn định hưởng lợi từ cuộc chiến giữa Đại Việt và nhà Tống, liên quân này có tinh thần chiến đấu kém hơn, và ngay lập tức sợ hãi rút lui, đóng quân tại các Châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình đã chiếm được.

Trong tình thế đó, Lý Thường Kiệt không lập tức tiến quân chiếm lại các vùng đất ở phương nam, mà nhanh chóng để quân binh hồi phục. Cuối năm đấy (1077), ông mở cuộc tiến quân, không chỉ chiếm lại các vùng đất đã mất mà còn vượt biên giới đánh thẳng vào Chiêm Thành, chiếm được Kinh thành Phật Thệ.

Phúc tinh của nước nam

Chiến thắng của Đại Việt không chỉ nhờ vào kế hoạch tài tình của Lý Thường Kiệt trong tình thế ngàn cân treo sợ tóc, mà còn có cả sự hy sinh quả cảm Hoằng Chân và Chiêu Văn cùng đội thân binh của mình.

Nếu xưa kia Ngô Quyền có trận đánh trên sông Bạch Đằng đánh bại quân Nam Hán, chấm dứt thời kỳ bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ lâu dài cho dân tộc, thì cháu 6 đời của ông là Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) chỉ một trận đánh trên sông Như Nguyệt đã đập tan dã tâm xâm lược của phương bắc, kéo dài thời kỳ tự chủ cho dân tộc.

Trần Hưng (Theo Tri Thức)