Đại Công Thần Triều Nguyễn
Khái quát nhất, là đại công huân phò Chúa khai quốc, Lê Văn Duyệt là cái tên duy nhất được xếp trong cả hai “bảng phong thần” của các đời Chúa – Vua nhà Nguyễn. “Sinh vi công, thác vi thần”, khi mất, dẫu thế sự thăng trầm, ông vẫn nghiễm nhiên là Thành Hoàng “không thể bị luân chuyển hay hoán đổi” của đất Gia Định.
Bảng phong thần thứ nhất, “Ngũ hổ tướng các đời chúa Nguyễn”, xếp theo thứ tự thời gian, Lê Văn Duyệt xếp cuối cùng. Bởi lẽ, trước khi tạ thế, ông là người duy nhất trong ngũ hổ tướng được chứng kiến thành tựu công nghiệp Nguyễn triều, kết thúc 9 đời Chúa; nhất thống giang hà, Nguyễn Ánh lên ngôi Gia Long đế, khởi đầu triều đại 13 vua nhà Nguyễn. Lê Văn Duyệt là đại công thần phò chúa lập Vua, không bàn cãi.Bốn người xếp trước Lê Văn Duyệt cũng lẫy lừng, tên tuổi lưu truyền vạn đại. Thứ nhất là Đào Duy Từ (1572-1634), hiệu là Lộc Khê, quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hoa. Năm 1627, họ Đào trốn vào Đàng Trong, nhờ bạn tiến cử phò chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông đã đề xuất và giúp chúa Nguyễn xây dựng lũy Trường Dục và lũy Nhật Lệ (sau này quen goi là Lũy Thầy) cùng thành Đồng Hới, ngăn bước quân Trịnh. Ông cũng có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên bình định hai châu Bố Chánh, Ma Linh (Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay). Với nhà Nguyễn, Đào Duy Từ chỉ làm quan 8 năm (1627-1634) nhưng vẫn được xem là Đệ nhất khai quốc công thần, được Chúa Nguyển Phúc Nguyên ban sắc phong Thượng Đẳng thần.Trước khi mất, ông còn kịp tiến cử con rể Nguyễn Hữu Tiến cho chúa Nguyễn. Nguyễn Hữu Tiến (1602-1666) quê ở làng Văn Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hóa, sau di cư vào ở huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Sách “Nam triều công nghiệp diễn chí” của Nguyễn Khoa Chiêm xem Nguyễn Hữu Tiến “võ công bậc nhất” của quân Nguyễn trong suốt thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh. Ông từng được chúa Nguyễn phong Đô Đốc Thống Suất, chỉ huy binh mã chặn đánh và thắng lợi trong 2/7 trận giao tranh Trịnh – Nguyễn.Năm 1631, Nguyễn Hữu Tiến ra mắt Đào Duy Từ, lúc này đang giữ chức Nội Tán (giống như Tể Tướng) của Chúa Nguyễn, được Đào Duy Từ tiến cử với chúa Nguyễn Phúc Nguyên và gả con gái cho.
Nguyễn Hữu Tiến phò suốt 3 đời chúa Nguyễn. Khi quân Trịnh tiến công Đàng Trong lần thứ 4 (năm 1648), Nguyễn Hữu Tiến được chúa Nguyễn Phúc Lan sai làm Tiên phong và Tổng chỉ huy, trong khi Thế tử Nguyễn Phúc Tần chỉ được làm phó tướng, chỉ huy quân bộ hỗ trợ. Trận này, Nguyễn Hữu Tiến đánh tan quân Trịnh, bắt sống 30.000 quân tướng họ Trịnh.
Lần giao tranh thứ 5 dai dẳng nhất, kéo dài 5 năm (1655-1660), Nguyễn Hữu Tiến được chúa Nguyễn Phúc Tần phong tước Hầu, sai giữ chức Tiết chế (Tổng chỉ huy). Ông đã đánh thắng hàng chục trận lớn nhỏ, đẩy quân Trịnh bật ra bờ bắc sông Lam (Nghệ An), làm chủ 7 huyện phía Nam thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh sau này. Do sự đố kỵ và bất tuân của Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật, cũng là một mãnh tướng đầy tài thao lược, người được chúa Nguyễn yêu dùng hơn, năm 1660, Nguyễn Hữu Tiến bị quân Trịnh đẩy lui về phía Nam Đèo Ngang (nay là phần đất Quảng Trạch, Quảng Bình, vẫn còn những địa danh Ba Đồn, Ba Trại…). Ông đã cầm cự tại đó, không để quân Trịnh tiến thêm, bẻ gãy ý chí bình định Đàng Trong của chúa Trịnh. Dân Bắc Hà sợ nhưng phục, gọi ông là “Uy hổ đại tướng quân”.
Công lao giúp chúa Nguyễn mang gươm đi mở cõi, không ai hơn Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700). Ông quê ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1692, theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh được phong thống suất đã dẫn binh về phương Nam phạt Chiêm Thành, sáp nhập đất Ninh – Bình Thuận ngày nay thành trấn Thuận Thành.
Năm 1697, ông lãnh mệnh xuôi Nam mở cõi, lập nên Biên Hòa, Sài Gòn, đào kinh, lập ấp và chống giặc, vẽ thêm cả một vựa lúa miền Tây Nam Bộ vào diện mạo Việt Nam. Ông được chúa Nguyễn phong tước Lễ Thành Hầu. Khi ông mất, theo di nguyện, chúa Nguyễn đã cho đem thi hài ông về quê an táng. Trong khi đó, vùng Châu Đốc, An Giang, nhân dân xem ông là Thành Hoàng, được sắc phong bậc Thượng Đẳng thần. Đền thờ ông được lập ở nhiều nơi trên đất Nam Bộ, trong đó nổi tiếng nhất là đền thờ ở Cù lao Phố, Biên Hòa, Đồng Nai. Đây là trung tâm hành chính đầu tiên của Nông Nại Đại Phố – tiền thân của dinh Trấn Biên sau này
THEO KIẾN THỨC