Giai thoại về lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi

Nổi tiếng ham học, thanh liêm

Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi người xã Lũng Động, huyện Chí Linh, lộ Hải Đông (xứ Đông, tỉnh Hải Hưng, nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông thông minh từ nhỏ, rất chăm chỉ học hành, có tài ứng đối mau lẹ. Năm 1304, vua Trần Anh Tông mở khoa thi để kén người tài trong bốn cõi. Năm ấy, ông thi đỗ Trạng Nguyên với điểm loại ưu.

Ngày nhà vua ban cho mũ áo, rất ngạc nhiên thấy Mạc Đĩnh Chị chỉ là một chàng trai có vóc người nhỏ, thấp, tướng mạo xấu xí. Vua Anh Tông có ý không muốn dùng ông. Mạc Đĩnh Chỉ bực lắm, không nói gì cả, về nhà viết bài phú "Ngọc tỉnh liên hoa" (Cây sen trong giếng ngọc) ông tự ví mình như một thứ sen thần mọc trong giếng ngọc. Bài phú được đâng lên vua Anh Tông. Từng câu, từng chữ trong bài phú đã làm cho vua Anh Tông bừng tỉnh và thốt lên: "Mạc Trạng Nguyên quả là bậc thiên tài, có tiết tháo".

 

Mạc Đĩnh Chi là người rất liêm khiết, thẳng thắn, được tiền không lấy làm của riêng, giàu sang phú quý đối với ông không có ý nghĩa gì, cho nên được người đời ca tụng.

Giai thoại về lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi - Ảnh 1.

Cậu bé nghèo học bằng đèn đom đóm vẫn đỗ trạng nguyên. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Một lần, vào năm 1323, vua Trần Minh Tông cho gọi viên quan nội thị đến nói nhỏ: "Nghe nói các quan và dân chúng đều khen Mạc Đĩnh Chi là người liêm khiết, thẳng thắn lắm. Trẫm định thử xem có đúng như thế chăng?". Nói đoạn, vua Minh Tông lấy mười quan tiền đặt vào tay viên quan nội thị, rồi ghé sát tai thì thâm to nhỏ. Viên quan nội thị tâu: "Thần sẽ làm đúng như ý bệ hạ sai bảo".

Sáng ấy, Mạc Đĩnh Chi dậy sớm hơn thường lệ. Trời còn chưa sáng rõ, ông đã tập xong hai bài quyền. Ông vươn người hít thở không khí trong lành của buổi sớm ban mai. Xong công việc thường lệ, ông lững thững vào nhà. Vừa bước lên bậc cửa, bỗng ông kêu lên kinh ngạc: "Ô kìa! Tiền của ai đánh rơi mà nhiều thế kia?".

Ông nhặt lên đếm, vừa tròn mười quan. Ông thầm nghĩ: "Quái! Đêm qua không có ai lại chơi, sao có tiền rơi?" Ông vội vã khăn áo chỉnh tề, vào yết kiến nhà vua. "Tâu bệ hạ, thần sáng nay có bắt được mười quan tiền ở trước cửa nhà, hỏi khắp cả mà không ai nhận, thần xin trao lại để bệ hạ trả lại kẻ mất của".

Vua Minh Tông mỉm cười gật đầu: "Không ai nhận tiền ấy thì người cứ lấy mà dùng". Mạc Trạng Nguyên bèn tâu: "Thưa bệ hạ, tiền này không ít, người mất của chắc xót xa lắm, nên tìm người trả lại thì hơn". Vua mỉm cười: "Nhà ngươi yên tâm, cứ giữ lấy mà dùng. Tiền thưởng lòng chính trực, liêm khiết của nhà ngươi đấy".

Mạc Đĩnh Chi bấy giờ mới vỡ lẽ ra là nhà vua đã thử lòng ông. Ông chào tạ ơn trở về.

Câu đối ở quan ải

Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi nhận chiếu chỉ của vua Anh Tông đi sứ nhà Nguyên. Dạo ấy vào đầu mùa hạ, tuy trời ít mưa, nhưng đã mưa thì mưa như đổ nước từ trên trời xuống; đường sá, đồng ruộng, nước trắng băng một màu, việc đi lại gặp trở ngại lớn. Chính vì vậy mà đoàn sứ bộ đến quan ải chậm mất hai ngày. Quan coi ải một mực không cho qua. Mạc Đĩnh Chỉ bực lắm, toan quay trở về, nhưng nghĩ đến mệnh vua mà mình gánh vác chưa trọn nên nán lại xin đi.

Ngẫm nghĩ hồi lâu, viên quan coi ải nói: "Nghe nói ngài là người có tài văn chương, tài ấy sao không sử dụng lúc này? Bây giờ tôi ra một vế câu đối, nếu đối thông suốt, sẽ mở cửa ải. Bằng không, xin mời ngài quay lại".

Giai thoại về lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi - Ảnh 2.

Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở Nam Sách (Hải Dương). Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Yên lặng giây lát, viên quan nọ hí hứng ra đối: "Quá quan trì, quan quan bế, át quá khách quá quan. (Đến cửa ải chậm, người coi cửa đóng cửa không cho khách qua). Không cần suy nghĩ lâu, Mạc Đĩnh Chi bèn đối ngay: "Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối. (Ra đối thì dễ, đối lại thì khó, mời tiên sinh đối trước). Quan coi ải vái ông hai vái, tổ ý phục tài, rồi mở cửa mời đi qua.

Giải oan ở giếng nước

Một buổi chiều hè, trời nắng như đổ lửa, Mạc Đĩnh Chi và mọi người lúc ấy qua một quán nước ven đường. Mạc Trạng Nguyên cho mọi người nghỉ lại. Chủ quán là một bà cụ già tóc bạc phơ, đon đả chào khách. Cách đấy không xa có giếng khơi nước trong xanh. Trên thành giếng có viết năm chữ: "Ngân bình, kiên thượng tị". Thấy lạ, Mạc Trạng Nguyên hỏi duyên cớ. Bà cụ chậm rãi kể: "Xưa, có một cô gái bán hàng nước học hành giỏi, chữ nghĩa thông. Gần đấy, có một anh học trò muốn ngấp nghé, cứ ngày ngày đi học về, lại vào uống nước tìm lời trêu ghẹo.

Một hôm cô hàng nước nói thực với anh: "Thiếp là con nhà lương dân, có theo đòi bút nghiên, mà chàng cũng con nhà thi lễ, nếu như phải duyên trời, thực cũng xứng đôi vừa lứa. Nhưng mà thiếp chưa được biết tài học của chàng ra sao, vậy thiếp xin ra một câu đối, nếu chàng đối được, thiếp tình nguyện xin nâng khăn sửa túi. Bằng không, thì xin chàng chớ qua đây làm gì nữa".

Anh học trò bằng lòng. Cô hàng nhân trông thấy cái ấm tích bằng bạc, mới ra câu đối rằng: "Ngân bình, kiên thượng tị" (Bình ngọc, mũi trên vai. Ý nói cái vòi trên cổ ấm). Anh học trò nghĩ mãi mà không đối được, xấu hổ quá, đành đâm đầu xuống giếng đó chết. Ít lâu sau, người ta cho viết vế câu đối ấy lên thành giếng để thách thức cả thiên hạ. Nhưng xưa nay chưa ai đối được", bà cụ chậm rãi kể lại.

Nghe đến đây. Mạc Trạng Nguyên cười: "Câu ấy dễ thế sao không đối được mà phải ngậm oan nơi đáy giếng! Thôi, để ta đối giùm giải oan cho hồn kẻ thư sinh". Mạc Đĩnh Chi bèn đọc: "Kim tỏa, phúc trung tu" (Khóa vàng, râu trong bụng. Ý nói cái tua khóa ở trong ruột khóa).

Sau đó, Mạc bèn sai người viết câu ấy lên thành giếng, bên cạnh câu đối của cô hàng nước năm xưa. Mọi người đều chịu ông đối giỏi.

Tiếng sấm đất

Tin Mạc Đĩnh Chi, sứ giả An Nam rất hay chữ và đối đáp nhanh nhẹn, đã truyền đến triều đình nhà Nguyên. Cả triều đình xôn xao bàn tán, người thì bảo phải chơi cho y một vố thật đau, kẻ thì bảo phải làm cho y bẽ mặt trước công chúng. Cuối cùng, viên Thừa tướng bày mưu: "Thưa bệ hạ, thần nghĩa ra một kế, mấy hôm nữa khi hắn ta đến, cả triều đình mũ áo cân đai chỉnh tề ra đón, sai hết cả cung phi, thị tì ra để mua một trận cười".

Vua Nguyên sốt ruột hỏi: "Kế đó ra sao, hãy nói trẫm nghe đi đã". Viên Thừa tướng nói: "Thưa bệ hạ, trước cổng thành, ta cho đào một cái hố tròn, sâu, trên bịt da thật căng để làm thành một cái trống đất đặc biệt. Chờ khi hắn đến, sai người gõ thật to, tiếng trống sẽ như tiếng động đất, như vậy, hắn ta và tùy tòng phải khiếp đảm, nhớn nhác, ngựa xe kinh sợ chạy tán loạn". Vua Nguyên và quần thần hí hửng khen kế đó rất hay. Và trống đất được làm rất khẩn trương.

Đoàn sứ giả đi đã lâu ngày, dầm mưa, dãi gió, gội sương đã nhiều. Ai nấy đều mặt mỏi rã rời, nước da rám nắng đen sạm. Con ngựa của Mạc Đĩnh Chi cũng kiệt sức, bước đi khấp khổnh, quất roi vào nó vẫn cứ ỳ ra. Khi trông thấy thành trì nhà Nguyên sừng sững trước mắt, mọi người vui sướng reo lên, trong người nhẹ hẳn như trút được gánh nặng, nỗi mệt nhọc dần dần tan biến đi.

Họ hồ hởi bước tới cổng thành, lúc ấy vào buổi chiều tà. Cửa thành cờ xí rợp trời, người đông nghịt đứng giạt hai bên. Vua Nguyên mặc áo bào đỏ, ngồi chễm chệ trên đỉnh gác cổng thành. Mạc Đĩnh Chỉ và đoàn sứ bộ vừa đi tới, thì bỗng tiếng trống đất bục bục beng, bục bục beng dội vang dưới chân. Ai nấy đều ngơ ngác. Con ngựa của Mạc Đĩnh Chi không biết chạy chỗ nào, sợ quá ngã quỵ xuống đất. Cả triều đình nhà Nguyên reo hò ầm ĩ. Vua Nguyên khoái chí cười tít cả mắt lại, vẻ đắc chí lắm.

Lúc ấy Mạc Đĩnh Chí cũng bối rối, nhưng trấn tĩnh lại được ngay, không thèm đếm xỉa đến vua Nguyên đang ngồi trên cổng thành, cau mặt lại nói: "Có gì mà các ngài cười? Tôi biết lắm, mùa này làm gì có sấm đất. Có tiếng động lạ, tôi cho ngựa quỳ xuống lắng tai nghe xem có phải sấm đất chăng?.

Từ trên lầu cao vua Nguyên phải gật đầu khen: "An Nam trạng nguyên quả là nhanh trí".

Ngọc Trìu (Theo Pháp luật Việt Nam)