Năm 1959, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bắn hạ một máy bay trinh sát của đảo Đài Loan xâm phạm không phận Trung Quốc bằng tên lửa SAM-2. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tác chiến phòng không thế giới, tên lửa đất đối không được sử dụng để bắn hạ thành công máy bay địch.
Tiếp đến vào ngày 1/5/1960, Liên Xô đã sử dụng tên lửa không đối đất SAM-2 để bắn rơi một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ, đang bay ở độ cao 21.000 mét trên vùng trời Sverdlov. Phi công nhảy dù và bị Liên Xô bắt sống, gây nên cuộc khủng hoảng chính trị giữa hai siêu cường Xô-Mỹ.
Chưa hết choáng váng về tính năng của hệ thống tên lửa phòng không mới của Liên Xô, thì thông tin tình báo của Mỹ cho thấy, hệ thống phòng không SAM-2 đã được triển khai trên lãnh thổ Cuba, nơi được coi là “sân sau” của Mỹ và bắn hạ một máy bay trinh sát U-2 trên bầu trời Cuba vào ngày 27/10/1962.
Những thất bại liên tiếp với những máy bay trinh sát từng được coi là “bất khả xâm phạm”, khiến Mỹ cảm thấy bất an; và CIA bắt đầu lên kế hoạch đánh cắp tên lửa phòng không SAM-2 của Liên Xô, để lấy thông tin kỹ thuật của hệ thống tên lửa này.
Sự lo lắng của Mỹ là có cơ sở, thứ nhất là do tên lửa phòng không S-75 có hiệu suất tuyệt vời, nhưng người Mỹ không biết nhiều về sức mạnh chiến đấu của chúng; thứ hai là SAM-2 bất ngờ xuất hiện ở “sân sau” của Mỹ" và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng Caribe. Nhưng đây cũng có thể là cơ hội tốt để Mỹ có được SAM-2.
Vào nửa cuối năm 1962, các nhân viên của CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng bắt đầu luyện tập đánh cắp tên lửa SAM-2, tại một căn cứ ở Florida. Khi đó, họ chế một thiết bị tương tự như “cánh tay sắt” dưới trực thăng, cố gắng cẩu một đoạn ống sắt dài 10m vào khoang xe tải, để mô phỏng mang tên lửa.
Ngày 5/11/1962, người đứng đầu tổ tình báo KGB của Liên Xô tại Mỹ, đã gửi lại cho Moscow thông tin tuyệt mật số 856: “Các chuyên gia Mỹ rất quan tâm đến tên lửa phòng không Liên Xô tại Cuba, và đánh giá rất cao về tên lửa này”.
Hiệu suất chiến đấu cao, thiết kế rất hoàn chỉnh; nhất là sau vụ chiếc máy bay trinh sát U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Cuba, các chuyên gia Mỹ đã đưa ra kết luận này và cho rằng, hiện tại Mỹ không có vũ khí nào tương đương SAM-2 của Liên Xô.
Lúc này người Mỹ vẫn đang “mày mò” với hệ thống tên lửa phòng không Nike-Zeus. Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch khẩn cấp để đánh cắp các mẫu tên lửa phòng không của Liên Xô từ Cuba và vận chuyển chúng về Mỹ để nghiên cứu.
Mặc dù hệ thống tên lửa SAM-2 đã được cố tình đưa vào khoang dưới cùng của tàu vận tải khi vận chuyển đến Cuba, quá trình bốc dỡ hàng, đều tiến hành trong đêm để bảo đảm bí mật; đồng thời thực hiện các biện pháp ngụy trang, nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự theo dõi của Mỹ.
Năm 1992, CIA giải mật một báo cáo bí mật, gửi cho Tổng thống Kennedy, nội dung là Mỹ đang chuẩn bị đánh cắp tên lửa của Liên Xô với sự giúp đỡ của những người Cuba lưu vong. Nhưng kế hoạch này đã bị cơ quan phản gián Cuba và Liên Xô phá vỡ.
Để phòng chống chiến dịch đánh cắp của tình báo Mỹ, Quân đội Liên Xô tại Cuba đã áp dụng một phương pháp đơn giản và thiết thực, đó là bó nhiều tên lửa lại với nhau, để những chiếc trực thăng không thể nâng được một vật nặng như vậy. Cuối cùng, kế hoạch đánh cắp SAM-2 của Mỹ ở Cuba đã không thành công.
Người Mỹ không bỏ cuộc, cuộc đối đầu giữa hai bên xung quanh hệ thống tên lửa SAM-2 tiếp tục cho đến Chiến tranh Việt Nam. Ngày 24/7/1965, lực lượng tên lửa SAM-2 của Việt Nam, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô đã bắn rơi 3 máy bay chiến đấu F-4 của Mỹ trên khu vực Tây Bắc Hà Nội.
Kể từ đó, chiến thuật vòng tròn phục kích SAM-2 đã trở nên phổ biến, và tổn thất của Không quân Mỹ không ngừng tăng lên. Vì lý do này, Không quân Mỹ đã thay đổi chiến thuật và trang bị tên lửa chống radar AGM-45 Shrike trên máy bay chiến đấu từ năm 1968; chỉ cần phi công bắt được tín hiệu radar, họ sẽ phóng Shrike, tên lửa bám theo tia radar và có thể tiến công thẳng vào đài radar.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc, Mỹ đã phóng hơn 5.000 tên lửa chống radar Shrike, nhưng các kíp tên lửa Việt Nam đã có cách đối phó, đó là quay ăng-ten và tắt sóng, khiến tên lửa chống radar Shrike mất nguồn dẫn, do vậy chệch hướng ra ngoài.
Đến năm 1967, Liên Xô phát hiện ra rằng, người Mỹ rõ ràng có thông tin nhạy cảm về hệ thống tên lửa phòng không SAM-2. Từ ngày 14-16/11/1967, phía Việt Nam phóng gần 90 tên lửa trong các trận chiến đấu, nhưng không quả nào trúng đích và tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu bằng 0. Như vậy rõ ràng người Mỹ đã can thiệp vào kênh ngắm của tên lửa.
Thuật ngữ “tác chiến điện tử” cũng ra đời trong cuộc chiến tranh phá hoại Việt Nam; khi đó các đài radar của chúng ta đã phát hiện và khóa được mục tiêu, nhưng tên lửa không thể bay đến mục tiêu, do đã bị Mỹ dùng thiết bị gây nhiễu rãnh đạn. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, phía ta cùng các chuyên gia Liên Xô đã tìm ra giải pháp khắc phục, bằng giải pháp thay đổi tần số của đài dẫn đường.
Tạo sao Không quân Mỹ biết tần số điều khiển tên lửa SAM-2; hóa ra một hệ thống tên lửa phòng không SAM-2 đã rơi vào tay Israel trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967; và người Israel đã nhanh chóng chia sẻ thông tin này cho người Mỹ và người Mỹ đã có được thứ họ muốn ở SAM-2.
Khi đó, Liên Xô viện trợ 2 trung đoàn tên lửa phòng không SAM-2 theo yêu cầu của Ai Cập, lúc đầu các chuyên gia quân sự Liên Xô chịu trách nhiệm bảo dưỡng và sử dụng các hệ thống tên lửa này, sau khi chiến tranh kết thúc thì bàn giao cho Ai Cập.
Như vậy hệ thống tên lửa phòng không SAM-2 của Liên Xô, mà người Mỹ mơ ước, cuối cùng họ cũng có, mà mà không cần nỗ lực nào. Do Mỹ đã nắm được những bí mật của SAM-2, buộc Liên Xô đã phải tiến hành nâng cấp và cải tiến lớn đối với hệ thống SAM-2, chủ yếu là về hệ thống điện tử.
Những cải tiến tên lửa SAM-2 của Liên Xô và chiến thuật thông minh của QĐND Việt Nam đã gây bất ngờ cho Không quân Mỹ trong cuộc tập kích chiến lược năm 1972; hệ thống lực lượng SAM-2 đã làm nòng cốt, bắn rơi 34 máy bay ném bom chiến lược B-52 và hàng trăm máy bay chiến thuật khác, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán. Nguồn ảnh: TheArchive.
PV (Theo Kiến Thức)