Kém 36 tuổi, vì sao Nghè Tân lại trở thành tri kỷ của Nguyễn Công Trứ?

Nguyễn Công Trứ có người bạn vong niên tri âm tri kỷ kém mình đến ba giáp (36 năm). Đó là Nguyễn Quý Tân, được người đương thời gọi là Nghè Tân. Ông nghè này cũng là một “hào kiệt” thuộc loại ngang tàng, ngất ngưởng, thích sống với bầu rượu túi thơ, không ưa chốn quan trường bó buộc. Ông thi đỗ rồi ra làm quan nhưng chưa được bao lâu thì xin từ chức để ngao du sơn thủy. Cuộc đời ông đã để lại rất nhiều giai thoại trong sự ngưỡng mộ của dân gian đương thời cũng như hậu thế hôm nay.

Kém 36 tuổi, vì sao Nghè Tân lại trở thành tri kỷ của Uy viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ? - Ảnh 1.

Tranh vẽ Uy viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ.

Nguyễn Quý Tân xuất thân trong một gia đình thuộc dòng dõi Nho gia ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương và thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là “thần đồng”. Khi mới bảy tuổi, Nguyễn Quý Tân đã làm thơ, nhưng ương bướng nhất định không cho cha chữa thơ mình. Lúc 22 tuổi, ông đỗ cử nhân, 29 tuổi đỗ tiến sĩ. Ông thường làm thơ văn châm biếm, chế diễu đám quan trường bất tài, xu nịnh và tham lam, luồn cúi.

Khi Nguyễn Công Trứ về lĩnh chức Tổng đốc vùng Hải An, thường được gọi là Tổng đốc Đông, thì Nguyễn Quý Tân mới ngoài hai mươi tuổi và vừa mới thi đậu tú tài. Nghe tiếng quan Tổng đốc là bậc tài hoa, Nguyễn Quý Tân đã muốn gặp, nhất là khi ông nghe kể chuyện rằng trong một buổi đàm đạo về thơ ca, cụ Trứ đã gọi đùa thơ văn tỉnh Đông là “Thơ văn phó cối”, tú tài Tân lại càng muốn tìm cách gặp mặt để “Làm cho rõ mặt anh tài”.

Ngày đó, triều đình có lệ các quan lĩnh lương bằng thóc, cụ Trứ cũng vừa lĩnh thóc về đang cho gọi người đến đóng cối xay. Nguyễn Quý Tân nghĩ ra một kế và ra ngồi nơi Cổng Cầu trên đường vào dinh Tổng đốc để chờ. Một lúc sau thì ông phó cối mà quan Tổng đốc cho người đi thuê đến. Thấy vậy, tú tài Tân đón gặp và nằn nì xin được theo làm phó nhỏ, để giúp đỡ và “học hỏi không công”. Vào dinh nhận việc, hai người làm đến trưa thì ông phó cả ra phố ăn cơm, Nguyễn Quý Tân nhân cơ hội liền đi lên công đường. Lúc đó vắng người, thấy một cái sập gụ liền nằm lên đánh giấc. Được một lúc, lính hầu đi ra thấy vậy bèn vào trình quan lớn. Cụ Trứ cho gọi dậy và tra hỏi, cậu phó nhỏ lễ phép thưa:

- Bẩm quan, con là học trò, vì thiếu ăn nên theo ông phó đến đây hầu cụ lớn. Đói và mệt, lại thấy nhà mát quá, nên nằm ngủ quên, xin cụ lớn lượng thứ.

Quan Tổng đốc nhìn kỹ người thanh niên tuấn tú, rồi chỉ con chim cu nuôi trong lồng son treo bên cửa sổ, nói:

- Nếu anh đúng là học trò thì thử làm bài thơ vịnh con chim kia. Không làm được, ta sẽ phạt 30 trượng.

Vừa nhìn sang chiếc lồng, anh học trò đã cất giọng đọc ngay:

Cu hời cu hỡi, bảo cu hay:

Cu ở đâu mà cu đến đây?

Đừng cậy lồng son và ống sứ

Có ngày thớt nghiến với dao phay!

Nguyễn Công Trứ vốn là người giỏi thơ, thấy bài thơ tuy có ý hỗn xược và trêu cợt nhưng lại tỏ rõ tác giả là một thanh niên có tài và cá tính ngang tàng rất hợp ý mình, nên chẳng những không tức giận, mà còn khen ngợi. Và cũng từ đó hai người kết bạn thân thiết với nhau.

THEO DANVIET