Tọa lạc ở địa phận thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử Công an Nhân dân là địa điểm đặt trụ sở của Nha Công an Trung ương (cơ quan tiền thân của Bộ Công an ngày nay) từ tháng 4/1947 đến tháng 9/1950.
Theo tư liệu lưu trữ của ngành Công an, đầu năm 1947, Nha Công an chuyển từ Hà Nội lên Phú Thọ, tháng 4/1947 thỉ chuyển đến thôn Đồng Đon ở tỉnh Tuyên Quang. Để đảm bảo bí mật, Nha Công an Trung ương mang mật danh là “Nhà ông cả Nhã”.
Tổ chức của Nha bao gồm các Ty và bộ phận: Ty Chính trị, Tình báo, Tuyên Nghiên Huấn, Trật tự-Tư pháp; bộ phận điện đài, thông tin; bộ phận làm thẻ căn cước; nhà in nội san Rèn luyện; khu hậu cần, Văn phòng nha, nhà làm việc của Giám đốc...
Với các hoạt động lập đội trừ gian, đội công an xung phong, xây dựng mạng lưới giao thông liên lạc, Nha Công an đã làm tốt việc giữ gìn trật tự xã hội vùng hậu phương, chống các hoạt động do thám, bảo vệ lãnh đạo, các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ.
Nhiều sự kiện quan trọng của ngành công an đã diễn ra tại nơi đây, như Hội nghị Điều tra toàn quốc tháng 6/1949, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V tháng 1/1950. Đến tháng 9/1950, Nha Công an Trung ương cuyển đến xã Yên Nguyên, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
Trong hơn 3 năm ở và làm việc tại Đồng Đon, Nha Công an Trung ương đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan đầu não Trung ương, góp phần to lớn vào sự nghiệp vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhằm tri ân những cống hiến các thế hệ cha anh và giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, từ đầu những năm 1990, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã quyết định đầu tư phục hồi, tôn tạo di tích Nha Công an Trung ương.
Công trình khánh thành ngày 15/8/2000, trước thềm kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam. Các điểm di tích gốc gắn liền với Nha Công an Trung ương 1947-1950 đã được phục hồi, như Hội trường; Văn phòng; Ty Chính trị; Ty Tuyên - Nghiên - Huấn; Ty Trật tự - Tư pháp; Ty Tình báo; Nhà in báo; Nhà hậu cần...
Những năm sau đó, Khu di tích tiếp tục được mở rộng và xây thêm nhiều hạng mục mới, như Quảng trường 19/8; Bảo tàng Công an Nhân dân; Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc; Phù điêu “65 năm Công an Nhân dân chiến đấu, xây dựng và trưởng thành”; Bia ghi danh các tập thể, cá nhân Anh hùng lực lượng Công an Nhân dân...
Ngày nay, Khu di tích lịch sử Công an Nhân dân đã trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của các thế hệ Công an Nhân dân Việt Nam, đồng thời là địa điểm du lịch về nguồn giàu ý nghĩa, thu hút nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền đến ghé thăm vào những dịp kỷ niệm trọng đại của dân tộc...
PV (Theo Kiến Thức)