Trong những ngày tháng tư lịch sử, sở chỉ huy Sư đoàn (Sư đoàn 3 Sao Vàng), đang theo dõi sát diễn biến chiến đấu trên toàn tỉnh. Các đơn vị liên tiếp báo cáo đã bắt được nhiều tên sĩ quan cấp tá và cấp úy, nhưng chưa thấy đơn vị nào báo cáo bắt được bọn chỉ huy Quân đoàn 3 (Ngụy) và những tên chỉ huy cao cấp khác.
Quân giải phóng nhận định, địch không thể rút bằng đường không, vì ngay từ đầu sân bay đã bị pháo binh ta khống chế. Còn đường biển thì bị mũi vu hồi của trung đoàn 141 và phân đội xe tăng chặn lại. Đám tàu chiến địch mon men vào bờ, đều bị quân ta đánh hất ngược ra ngoài biển.
Địch cũng không thể kịp rút chạy về phía nam, vì Đại đội 3, Tiểu đoàn 3 đã chốt chặn đường về hướng nam. Bộ tư lệnh Sư đoàn nhận định bọn chỉ huy quân đoàn, các lữ đoàn, trung đoàn địch vẫn còn trốn chạy đâu đó trong địa phận tỉnh Ninh Thuận và ra lệnh cho các đơn vị truy lùng ở Bưu Sơn, An Phước.
Trưa hôm đó địch ném bom Thuộc Chàm, một thị trấn lớn nằm ở khoảng giữa sân bay Thành Sơn và Phan Rang. Buổi chiều, một tốp trực thăng xuất hiện, chúng bay rất cao dọc theo bờ biển rồi mất hút. Quân ta phán đoán địch đang dò tìm tung tích bọn chỉ huy cao cấp để giải cứu.
Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 hành quân đến thôn Mỹ Đức, cách khu vực địch ném bom mười ki-lô-mét. Nhân dân cho biết có một toán địch rất đông từ Thành Sơn chạy về cụm lại ở đó. Phán đoán có thể đây là bọn chỉ huy mà Sư đoàn đang truy tìm, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Xích lệnh cho Đại đội 3 phải bao vây thật chặt, không cho chúng chạy thoát.
Trời tối, địa hình rộng, tổ chiến đấu của Phó trung đội trưởng Loan có Tiểu đội trưởng Mưu và xạ thủ B40 Quân được giao nhiệm vụ chốt chặn ở phía sau. 19 giờ, từ hướng đông bắc, tiếng Chính trị viên Long vang lên dõng dạc kêu gọi địch đầu hàng, nhưng vẫn không có động tĩnh.
Không chờ đợi được nữa, Đại đội trưởng Thắng ra lệnh nổ súng. Tiếng súng đại liên nổ giòn, khẩu cao xạ 37 bố trí ở một quả đồi gần đó cũng chúc nòng, xả một loạt đạn dài, trong bóng đêm mờ nhạt, những viên đạn 37 đỏ lừ bám đuôi nhau chụp xuống khu vườn mía.
Đội hình địch vỡ ra từng mảng, chúng kêu thét, xin ta dừng bắn để ra hàng. Các chiến sĩ dùng đèn pin làm tín hiệu chỉ hướng an toàn cho bọn giặc. Hàng trăm tên nối nhau bước đi run rẩy. Nhiều thằng sụt sịt khóc, súng, lựu đạn chúng bỏ lại từng đống trong vườn mía.
Khi những loạt đạn 37 ly nổ chát chúa ở khu vườn mía, bọn giặc ở hướng tổ của Loan định lợi dụng con mương cạn để thoát ra ngoài. Nghe tiếng chúng bước lép nhép trên bùn, Loan biết bọn này khá đông. Quay lại báo đơn vị thì không kịp mà với ba người thì bắt không xuể. Loan nhanh trí dùng mẹo.
Anh bất ngờ hô lớn: “Hàng sống, chống chết. Các anh bị bao vây rồi!”. Tiếng động dưới lòng máng im bặt. Loan hô tiếp, giọng gay gắt: “Các trung đội B.40, B.41 chuẩn bị !”. Bọn địch hoảng hốt bò lên khỏi mương xin hàng, gồm 15 tên lính Ngụy và một cố vấn Mỹ. Loan giao Quân và Mưu dẫn địch về đơn vị.
Loan biết dưới mương chưa hết địch, nhưng vì chỉ còn lại một mình nên chưa biết hành động ra sao. Giữa lúc Loan còn đang tính toán thì dưới lòng mương lại có tiếng động. Không do dự, Loan rút chốt lựu đạn thả xuống, bọn giặc hốt hoảng xin hàng, tất cả là tám tên.
Trong đó có Nguyễn Vĩnh Nghi, trung tướng, Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn III quân đội Sài Gòn, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, chỉ huy sư đoàn 6 không quân, một đại tá, còn lại hầu hết là trung tá của quân đội Sài Gòn. Mưu và Quân lúc đó cũng kịp dẫn các chiến sĩ trong đại đội quay lại, dẫn toàn bộ địch về báo cáo Sư đoàn.
Quân ta còn thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 40 máy bay và 37 khẩu pháo từ 105 đến 155 ly. Ngày 18/ 4, Sư đoàn nhận được bức điện của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã lập chiến công lớn, bắt sống tại trận các tên tướng chỉ huy của địch”.
Khi được hỏi cung, tên đại tá cố vấn Mỹ đã khai rằng, y được cử đến phòng tuyến Ninh Thuận từ tháng 4. Mỗi ngày, y phải báo cáo về Sài Gòn một lần về tình hình Quân khu 3. Y đã từng ở miền Nam, nhiều năm nên rất thông thạo tiếng Việt.
Hỏi về những khả năng của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn, hắn khẳng định mặc dù Mỹ lập cầu hàng không quân vận khẩn cấp Nhật Bản - Bangkok - Sài Gòn, với nửa tỷ đô la viện trợ, nhưng thực chất Mỹ đã thả nổi cuộc chiến tranh ở miền Nam. Mỹ cũng không còn hy vọng gì có thể cứu được chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam.
Và chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, các đơn vị quân ta đã thần tốc, tiến thẳng về sào huyệt cuối cùng của kẻ địch, đập tan những hi vọng cuối cùng của kẻ địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Nguồn ảnh: TL.
PV (Theo Kiến Thức)