Trận đánh nổi tiếng nhất trong việc áp dụng chiến thuật này là trận đánh thành Tức Mạc giữa nước Tề và nước Yên ở Trung Hoa thời Chiến Quốc. Để bảo vệ thành trước sự bao vây của quân nước Yên, tướng Điền Đan của nước Tề khi ấy đã tập trung 1.000 con trâu của dân trong thành, dùng gươm đao buộc vào sừng trâu, lấy cỏ khô tẩm dầu buộc vào đuôi trâu.
Đến đêm khuya quân Tề mở cửa thành, châm lửa đốt đuôi trâu. Đàn trâu gầm rống, lao thẳng vào trại quân Yên, phía sau là đại quân Tề chạy theo, hò hét vang trời. Quân Yên rối loạn và thiệt hại nặng nề bởi đàn trâu, bị quân Tề hủy diệt trong đêm ấy…
Người Việt đã tiếp thu Hỏa ngưu trận vào binh pháp của mình. Sách Binh Thư Yếu Lược viết về chiến thuật này như sau: “Dùng con trâu già bỏ đi, buộc dao sắc vào sừng, hai bên mình cặp tre sát vào chân cho không thể quay được, trên lưng đội một ống pháo sắt lớn chứa một đấu thuốc, thuốc để quanh co ở trong pháo; pháo chứa những thuốc liệt hỏa, thần sa, thần hỏa. Phàm khi quân giặc rất nhiều quân ta rất ít, dùng trâu ấy xông vào người ngựa gặp phải tức thì tan nát. Khi xông vào trận giặc thì lửa phát pháo nổ, thế như sấm động, ầm một tiếng không kịp bịt tai. Dù khó nhọc mấy ở trong mấy trùng vây của giặc cũng phá tan được”.
Một trận đánh điển hình của chiến thuật Hỏa ngưu trận ở nước Việt đã được sử sách ghi nhận là trận Nguyễn Hữu Cầu phá vòng vây của quân chúa Trịnh ở Đồ Sơn (Hải Phòng).
Nguyễn Hữu Cầu (?–1751) xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Thanh Hà, Hải Dương. Ông có tài cả văn lẫn võ, lại bơi lội rất giỏi nên còn được gọi là quận He (He là tên một loài cá biển). Khi tập hợp nông dân khởi nghĩa chống tập đoàn Lê – Trịnh, ông đã lấy vùng Đồ Sơn làm căn cứ từ năm 1741 – 1751. Nghĩa quân có lúc đông tới hàng vạn người, chúa Trịnh nhiều lần cử quân đến đánh dẹp nhưng đều bị quân Nguyễn Hữu Cầu đánh cho tan tác.
Tuy vậy, những nỗ lực của chúa Trịnh cũng đạt được thành quả nhất định. Trong một trận đánh không cân sức, nghĩa quân đã bị bao vây bốn phía, gần như không còn đường thoát. Quận Trịnh tin chắc sẽ bắt được Nguyễn Hữu Cầu nên đã bắc loa dụ hàng nghĩa quân. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Hữu Cầu đã huy động toàn bộ số trâu của nông dân trong vùng để thực hiện Hỏa ngưu trận. Ông cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu. Sau đó, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông và châm lửa đốt đồng loạt. Đàn “trâu lửa” điên cuồng vì nóng lao thẳng vào nơi tợp hợp của quân Trịnh, húc và dẫm đạp dữ dội làm đội quân này rối loạn. Nhân đó, Nguyễn Hữu Cầu tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh tan vỡ…
Cũng theo một giai thoại dân gian của Đồ Sơn, hội chọi trâu nổi tiếng ở vùng đất này bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu. Tương truyền, khi ông mang quân về, dân trong vùng đã mang 3 con trâu ra khao. Khi nghĩa quân đang định làm thịt thì bất ngờ chúng lao vào húc nhau khiến rất đông quân lính và người dân kéo tới xem. Từ đó người Đồ Sơn thường mở hội chọi trâu để tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cầu.
PV (Đất Việt)