“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”
(Tố Hữu)
Trong lịch sử mấy ngàn năm Phong kiến ở Trung Quốc và cả ở Việt Nam, người phụ nữ luôn bị các nguyên tắc “Tam tòng, Tứ đức” khống chế và qua đó hạn chế rất nhiều vai trò của họ trong các hoạt động cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là khi có các biến động về thời cuộc, thì bất cứ giai đoạn nào, các sử gia cũng tìm ra được một người Phụ nữ để gánh (chịu) trách nhiệm cho sự diệt vong hay biến cố của một triều đại. Nhà Thương có Đát Kỷ (hay ăn tim người), Nhà Chu có Bao Tự (nghìn vàng đổi lấy trận cười mà chơi), Nước Ngô mất vì Tây Thi (cá lặn) Nhà Hán có Điêu Thuyền (nguyệt thẹn) rồi Nhà Đường có Dương Quý Phi (cây liền cánh, chim liền cành – hoa nhường). Trừ hai mỹ nhân Đát Kỷ và Bao Tự thuộc thời thượng cổ ra thì 3 mỹ nhân còn lại công thêm Vương Chiêu Quân (cống hồ – chim sa) chính là “Tứ đại mỹ nhân” thời xưa của Trung Quốc (Chim sa, cá lặn và hoa nhường, nguyệt thẹn).
Nàng Mỵ Châu có phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Âu Lạc?
Những người phụ nữ này liệu có phải chịu trách nhiệm cho việc diệt vong hay các biến cố xung đột của các triều đại trước kia và tại sao họ lại bị các sử gia giao cho các trách nhiệm đó? Thứ nhất là Nho giáo thường quan niệm phụ nữ như là những người gây ra các rắc rối chứ không phải nạn nhân, và thứ hai đó là đàn ông ngày trước không dám chịu trách nhiệm cho các thất bại mình và hậu quả mình gây ra. Khi đó phụ nữ chính là đối tượng dễ dàng nhất để họ có thể đổ trách nhiệm cho và vì thường thì phụ nữ cam chịu mang tiếng xấu mà chẳng thèm giải thích. Thêm một lý do nữa là việc gán (đổ) tội cho một người phụ nữ đẹp thường dễ được xã hội (Cả nam và nữ) chấp nhận hơn do lòng đố kỵ với sắc đẹp của đại bộ phận dân chúng với những người đẹp (cũng tương tự như việc các cô gái tóc vàng ở Phương Tây thương bị quy kết là “dốt” – do lòng đố kỵ với sắc đẹp trời cho của họ).
Trong lịch sử nước ta, Mỵ Châu có thể xem là nạn nhân đầu tiên của vấn nạn quy trách nhiệm này. Không hiểu binh hùng tướng mạnh của An Dương Vương cùng tài lãnh đạo của Tướng Cao Lỗ như thế nào mà kết cục đau buồn của nước Âu Lạc lại quy hết trách nhiệm cho nàng và kết cục là tên nàng vẫn luôn được sử dụng để nói về bài học cảnh giác trong đấu tranh với kẻ thù.
Đọc qua sử sách, chúng ta có thể thấy nước Nam Việt của Triệu Đà và nước Âu Lạc của An Dương Vương không giống như Trung Quốc với Việt Nam bây giờ. Hơn nữa, thời đó nước Nam Việt là của người Việt (Các bộ lạc Bách Việt) trong khi đó nước Âu Lạc nhỏ bé thực chất chỉ là một bộ tộc trong vùng vốn muốn có xu thế “hùng cứ một phương”. Việc các sử gia thời hiện đại đem chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy ra làm tấm gương hay bài học cảnh giác với người Láng giềng phương bắc chưa hẳn đã chính xác hay có phần khiên cưỡng. Vào cuối thời nhà Tần và đầu nhà Hán, trong Quận thuộc Bách Việt ở Phương Nam thì chỉ có vùng Lĩnh Nam của Triệu Đà là hùng mạnh nhất. Với chức phận khởi đầu là một huyện Lệnh dưới thời Tần Thủy Hoàng, Triệu Đà đã tận dụng cơ hội việc dân Hán bận bịu với các cuộc chiến (Hán Sở tranh hùng) để dựng nên một nước Nam Việt tương đối độc lập ở phía Nam Trung Quốc và tồn tại được 5 đời. Trong thực tế, các Sử gia của Việt Nam ngày xưa và kể cả Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô Đại cáo” vẫn xem Triệu Đà là vua đầu tiên của nước Việt (tức nước ta) và cụ thể là khi vua Gia Long lấy lại được chính quyền từ nhà Tây Sơn, ngài đã cử một sứ đoàn trong đó có Nguyễn Du sang Trung Quốc để xin lấy tên nước làm “Nam việt”. Do vua Càn Long lo ngại rằng cụm từ này có thể làm khơi dậy tinh thần người Việt ở phương nam nên đã đổi tên thành Việt Nam.
Qua việc này có thể thấy việc Trọng Thủy làm rể ở nhà An Dương Vương không giống như Trai Trung Quốc sang ở rể Việt Nam mà chỉ đơn giản như các bộ lạc gả con cái cho nhau để tỏ tình đoàn kết, hòa hiếu thôi và trong trường hợp này, vậy nên chúng ta có quyền nghi ngờ mục tiêu ban đầu của cuộc hôn nhân sắp đặt này có phải là bí kíp về “nỏ thần" hay không?
Rõ ràng rằng, khi cưới nhau và sống với nhau lâu ngày, Mị Châu và Trọng Thủy tất nhiên nảy sinh tình cảm vợ chồng, mà khi đã là vợ chồng thì chắc hẳn sẽ chẳng ai cảnh giác (nhất lại là một cô gái trẻ) xem chồng mình có ý định lợi dụng mình hay không. Có lẽ nàng cũng giống như bao cô gái con nhà thường dân, hay quý tộc, say sưa tận hưởng men tình ái và hình như chồng nàng cũng yêu vợ nhiều lắm (bằng chứng là sau này Trọng Thủy đã nhảy xuống giếng tự tử) và họ đã có thể cùng nhau đi hết những ngày tươi đẹp ấy nếu không có chiến tranh. Một khi chiến tranh xảy ra, thì trách nhiệm của người đàn ông được đề cao và dĩ nhiên khi đó Trọng Thủy đang là con cháu trong nhà của An Dương Vương, bỗng trở thành kẻ thù để rồi phụ nữ, trong đó có Mỵ Châu trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Khi đó ngươi ta nhìn nàng với con mắt căm hờn và khinh bỉ vì cho rằng nàng có chồng là “kẻ thù”, rằng nàng “tiếp tay cho giặc” hay “tiết lộ bí mật Quốc gia” và v.v..
Bây giờ nhìn lại câu chuyện này liệu chúng ta có thể tin được là vào thời đó, cái thời mà người phụ nữ có rất ít bình quyền thì liệu rằng “Bí kíp nỏ thần” của nước Âu Lạc có được nhà vua và các tướng (cụ thể là tướng Cao Lỗ) chia sẻ với Mỵ Châu hay không, và nếu như bí kíp này cốt lõi nằm ở cái “lẫy” thì liệu rằng có dễ dàng như thế cho Mỵ Châu có thể tìm thấy và đem cho Trọng Thủy xem để rồi bị đánh tráo hay không? Tôi dám chắc là không và thực tế nàng công chúa Mỵ Châu chỉ là một nạn nhân của lịch sử vốn dĩ có cái nhìn thiên lệch về Nam, Nữ trong con mắt các sử gia đời sau – những người chịu ảnh hượng nặng nề của Nho Giáo.
Thời An Dương Vương, việc sản xuất được nỏ thần (hay nỏ liên châu?) có thể là có thực. Nhờ công nghệ vũ khí tiên tiến này kết hợp với thành Cổ loa hình ốc mà quân Âu lạc đã nhiều lần ngăn chặn được quân của Nam Việt trong nỗ lực bình định miền nam của Triệu Đà. Qua thời gian và bằng nhiều cách tiếp cận, có thể công nghệ này đã bị Triệu Đà lấy được, ứng dụng và giành thắng lợi trước quân Âu lạc khiến nước này bị thôn tính. Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng liên quan đến sự diệt vọng của Âu lạc, đó là An Dương Vương và các quần thần của mình đã ngủ quên trong chiến thắng một thời gian khá dài, không lo củng cố đất nước và đánh giá đúng thực lực của kẻ thù cho nên khi quân giặc kéo đến thì tất cả bị động và nhanh chóng bị đánh bại.
Một chi tiết trong câu chuyện này là khi vua cha cùng Mỵ Châu chạy đến sát bờ biển (thuộc Nghệ An ngày nay) thì “Rùa Thần” còn phải nhắc nhà vua là “giặc ngồi sau lưng mà nhà vua không biết”. Câu này chắc chắn là của các sử gia sau này, chứ xét trên bối cảnh thời đó thì vua An Dương Vương không biết hoặc không có ý định đổ tội cho con gái mình trong việc mất nước. Việc chém Mỵ Châu chắc chỉ là một bước đi cùng quẫn của một ông vua mất nước mà thôi. Đành rằng nước mất, nhà tan thì cá nhân có thể phải hy sinh, nhưng việc gán cho Mỵ Châu cái trách nhiệm làm mất nước Âu Lạc thực sự quá sức đối với nàng. Sự hèn yếu của các Quân vương, say sưa chiến thắng, không chịu thay đổi của một vài triều đại và đánh giá sai đối thủ của những nhà cầm quân – Tất cả đều là nam giới đã từng gây là hậu quả rất to lớn và thậm chí mất nước ở nhiều nơi và nhiều thời điểm khác nhau trong quá khứ. Vấn đề là khi các biến cố này xảy ra, lại có một người phụ nữ bị đưa ra như là nguyên nhân chính gây ra cũng như chịu trách nhiệm thay cho nam giới, trong đó công chúa Mỵ châu là một ví dụ điển hình. Thế mới biết đàn ông xưa mà đặc biệt là các sử gia hèn đớn thật – họ đã không giám nhìn nhận và chịu trách nhiệm cho những thất bại do chính mình gây ra, mà chỉ chăm chăm đổ lên đôi vài “gầy bé nhỏ” của người phị nữ, để rồi hàng ngàn năm qua những Phụ nữ này vẫn liên tục oằn mình ra gánh đỡ thêm trách nhiệm vốn không phải của mình.
Đối với Mỵ Châu, trái tim nàng không hề lệch chỗ, nó vẫn đập đúng nhịp đập của tình yêu tuổi trẻ cùng mong ước hòa bình giữa các dân tộc. Dù nàng có thực sự trao nỏ thần cho giặc đi nữa thì việc này có thể cũng chỉ là “sự cố” do tình yêu và sự tin tưởng của nàng đối với người mình yêu. Và dù rằng, kết cục tình yêu của nàng mang đầy máu và nước mắt, thì những viên ngọc trai kia vốn là hóa thân từ tâm hồn trong sáng của nàng vẫn luôn ánh lên niềm hạnh phúc (sáng hơn) khi được rửa bằng nước giếng nơi chồng nàng chết. Việc chịu trách nhiệm cho sự diệt vong của nước Âu Lạc chắc hẳn quá bất công đối với nàng. Có chăng đó là hệ quả của sự hèn đớn mà đàn ông nước Nam ta luôn mắc phải qua mấy nghìn năm lịch sử.
Trần Văn Tuấn (Theo Nghiên Cứu Lịch Sử)