Sau 10 năm bền bỉ chống lại quân xâm lược nhà Minh, năm 1427, cuộc khởi nghĩa của Nghĩa quân Lam Sơn đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng. Lúc này, với thế và lực vượt trội, Nghĩa quân hoàn toàn giữ quyền chủ động chiến lược, liên tiếp giành thắng lợi, tiêu diệt lớn lực lượng địch, buộc Tổng binh Vương Thông cùng toàn bộ số quân còn lại phải cố thủ trong thành Đông Quan và một số thành lũy khác, chờ quân cứu viện. Trước tình thế nguy cấp đó, nhà Minh đã huy động lớn lực lượng tiến vào nước ta, nhằm mưu đồ: trước là để cứu viện, sau là chuyển bại thành thắng để tiếp tục đô hộ nước ta.
Nghệ thuật '"vây thành, diệt viện" trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng, thế, lực giữa ta và địch, Bộ Chỉ huy Nghĩa quân chủ trương: bao vây chặt thành Đông Quan, buộc quân địch phải đến giải cứu, tiếp đó ta tập trung lực lượng tiêu diệt lực lượng viện binh chiến lược này của chúng. Diễn biến tình hình đúng như chủ trương, kế hoạch chiến lược đã vạch ra, chỉ sau gần 01 tháng chiến đấu, Nghĩa quân đã đánh tan hai đạo viện binh lớn của nhà Minh, buộc địch trong thành Đông Quan phải đầu hàng, rút quân về nước, chấm dứt 21 năm đô hộ hà khắc của nhà Minh đối với dân tộc ta. Thắng lợi đó thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật “vây thành, diệt viện”, được nghiên cứu vận dụng sáng tạo trong lịch sử giữ nước của dân tộc; trong đó bao hàm cả sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.
1. Vây ép, cô lập hoàn toàn địch trong thành, buộc chúng phải kéo viện binh chiến lược để giải cứu, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt lớn lực lượng địch, kết thúc chiến tranh. Sau khi giải phóng nhiều địa bàn chiến lược trọng yếu, Nghĩa quân Lam Sơn thừa thắng tiến đánh thành Đông Quan – lực lượng chủ yếu và là sào huyệt cuối cùng của quân Minh. Trước thế mạnh của quân ta, địch buộc phải dựa vào thành trì kiên cố để tổ chức cố thủ, chờ quân cứu viện. Lúc này, Nghĩa quân đứng trước hai lựa chọn; hoặc là tiến công thành, diệt địch, kết thúc chiến tranh; hoặc vây hãm quân địch trong thành, nhử viện quân của chúng vào trận địa chuẩn bị trước để tiêu diệt lớn, khiến địch trong thành không đánh mà tan.
Nghiên cứu kỹ tình hình, Bộ Chỉ huy Nghĩa quân lựa chọn phương thức tác chiến: “vây thành, diệt viện”. Đây là kế sách rất đúng đắn, sáng tạo, “sức dùng một nửa mà công được gấp đôi”. Bởi lẽ, địch trong thành Đông Quan lúc bấy giờ không nhiều (khoảng 03 – 04 vạn tên), nhưng có thành lũy kiên cố, nếu ta cố sức đánh sẽ mất nhiều thời gian, quân mỏi, chí nhụt, nếu chưa hạ được thành mà viện binh địch kéo đến thì cả phía trước và phía sau đều bị tấn công, ta từ thế chủ động rơi vào thế bị động.
Trường hợp đánh thành giành được thắng lợi, thì địch tất đem quân đánh báo thù, nạn binh đao tiếp tục xảy ra, nhân dân khổ cực, mà đất nước cũng khó được vẹn toàn. Nếu ta kiên trì vây thành, tất viện binh lớn của địch phải kéo sang, ta có điều kiện đánh địch ở nơi chuẩn bị trước để tiêu diệt lớn. Khi viện binh địch bị tiêu diệt, quân trong thành tất sẽ phải xin hàng.
Thực hiện chủ trương đó, Lê Lợi quyết định dời đại bản doanh lên khu vực Bồ Đề (thuộc Long Biên, Hà Nội ngày nay) đối diện với thành Đông Quan để trực tiếp chỉ huy vây ép địch. Theo đó, Nghĩa quân tổ chức đánh nhiều trận tiêu diệt các doanh trại bảo vệ vòng ngoài, siết chặt vòng vây, kiên quyết đánh bại các đợt phản kích của chúng. Đúng như dự đoán của ta, để giải vây cho quân đồn trú ở thành Đông Quan, đầu tháng 10-1427, nhà Minh huy động lực lượng dự bị chiến lược chia làm hai đạo tiến vào nước ta. Đạo quân chủ yếu do Liễu Thăng làm Tổng binh, gồm 10 vạn quân, từ Quảng Tây theo đường Lạng Sơn tiến xuống; đạo quân thứ yếu do Mộc Thạnh chỉ huy với 05 vạn quân theo đường Vân Nam tiến sang và đều rơi vào thế trận bày sẵn của ta nên đã nhanh chóng bị tiêu diệt.
Như vậy, từ việc vây thành Đông Quan để dẫn đến thắng lợi trận chiến lược Chi Lăng – Xương Giang – tiêu diệt 10 vạn quân cứu viện của Liễu Thăng là nét đặc sắc của nghệ thuật “vây thành, diệt viện”. Thắng lợi này không chỉ buộc địch đầu hàng, kết thúc chiến tranh, mà còn đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Sau chiến thắng to lớn này, nhà Minh không dám đưa quân xâm lược nước ta lần nữa.
2. Nhận định, đánh giá đúng tình hình, xác định chính xác mục tiêu tiến công chủ yếu để đánh trận quyết định, kết thúc chiến tranh. Sau khi viện binh lớn của địch xuất hiện, cùng với việc tiếp tục vây hãm địch ở thành Đông Quan và các thành khác, Bộ Chỉ huy Nghĩa quân đã tiến hành nghiên cứu kỹ tình hình địch, địa hình và khả năng của ta.
Theo đó, viện binh địch tiến vào nước ta trên hai hướng, nếu ta tổ chức đánh cả hai lực lượng cùng lúc thì rất khó thực hiện, bởi lực lượng của ta có hạn. Hơn nữa, Nghĩa quân vẫn phải sử dụng lực lượng đủ mạnh để vây chặt thành trì của địch; đồng thời, phải có lực lượng dự bị để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Như vậy, nếu tổ chức đón đánh cả hai cánh quân cứu viện, ta không những không đủ lực lượng để đánh tiêu diệt, mà còn không khóa chắc được thành trì địch, thậm chí có thể bị chúng đánh từ ba mặt, tình thế hiểm nguy, nếu tính “sai một li sẽ đi một dặm”.
Do đó, Nghĩa quân đã lựa chọn chính xác là, một mặt duy trì lực lượng vây thành; mặt khác, tổ chức tập trung lực lượng để tiêu diệt từng cánh quân cứu viện của địch.
Vấn đề đặt ra là lựa chọn đánh tiêu diệt đạo viện binh nào trước để thay đổi cục diện chiến trường, kết thúc chiến tranh. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, Lê Lợi và Bộ Chỉ huy Nghĩa quân nhận thấy, đạo viện binh của Mộc Thạnh tuy yếu hơn, dễ đánh, nhưng địa bàn tác chiến lại hiểm trở, nếu ta di chuyển hàng vạn quân lên miền Tuyên Quang, Hà Giang để đánh địch thì sẽ gặp khó khăn và khi tình huống thay đổi, khó có thể hội quân kịp thời. Không những thế, đạo quân này nếu có bị tiêu diệt thì cũng không tác động lớn đến đạo viện binh chủ yếu và toàn bộ cuộc chiến tranh. Ngoài ra, nếu thực hiện phương án này, ta sẽ không tập trung đủ lực lượng để ngăn chặn đạo quân chủ yếu. Nên chỉ cần lực lượng thích hợp, ngăn chặn đạo quân thứ yếu, tập trung lực lượng để tiêu diệt đạo quân chủ yếu, đó mới là “kế vẹn toàn”.
Với đạo quân của Liễu Thăng – lực lượng đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu, có quân đông, lực mạnh, quãng đường đến Đông Quan lại ngắn hơn đạo quân kia, nên sẽ rất nguy hiểm nếu ta không ngăn chặn, tiêu diệt được chúng. Từ đánh giá, kết luận tình hình nêu trên, cùng với tổ chức lực lượng nhỏ, gọn để chặn đánh đạo quân của Mộc Thạnh, Nghĩa quân đã chủ động xây dựng kế hoạch, quyết tâm và tập trung lực lượng chủ yếu, tinh nhuệ để đối phó với đạo binh chủ yếu của Liễu Thăng. Đây là nghệ thuật lựa chọn mục tiêu diệt viện có một không hai trong lịch sử; đó là quân ta dám đương đầu với lực lượng mạnh nhất của địch khi đã nhìn thấy những điểm yếu chí tử của chúng, như: kiêu căng, chủ quan, sơ hở, ở thế bị động, để tập trung lực lượng đánh trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi.
Thực tiễn đã chứng minh, đạo quân Mộc Thạnh do quân ít, đường xa nên tiến quân dè dặt. Trái lại, đạo quân Liễu Thăng cậy đông nên tiến quân ào ạt, không có phòng bị, đã nhanh chóng lọt vào trận địa phục kích của ta và bị tiêu diệt hoàn toàn. Nét đặc sắc của nghệ thuật lựa chọn hướng tiến công chủ yếu còn được thể hiện, khi đạo quân Liễu Thăng bị đánh tan, quân Mộc Thạnh đã vô cùng khiếp sợ, tự tan rã, tháo chạy về nước và đạo binh Vương Thông phải quy hàng và nhà Minh thừa nhận nền độc lập của Đại Việt.
3. Vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình để tiêu diệt lớn viện binh địch. Trước tình thế hai đạo viện binh chiến lược của địch tạo hai gọng kìm tiến vào nước ta, Bộ Chỉ huy Nghĩa quân nhanh chóng tổ chức lực lượng tiêu diệt toàn bộ các thành trì nằm trên đường cơ động của hai đạo quân cứu viện. Đây là bước tạo thế quan trọng cho ta, đồng thời làm viện binh địch mất chỗ dựa quan trọng trong quá trình tiến công. Vì vậy, khi ta đánh quân viện, ngoài Đông Quan, quân Minh chỉ còn thành Tây Đô và Cổ Lộng, ta chỉ cần một lực lượng vừa đủ để vây các thành này.
Để đánh viện binh địch có hiệu quả, Bộ Chỉ huy Nghĩa quân đã nghiên cứu nắm chắc lợi thế về địa hình cùng những điểm mạnh, điểm yếu của từng cánh quân địch. Đối với đạo quân của Mộc Thạnh, địa hình tiến quân tương đối hiểm trở, phải qua nhiều núi cao, rừng rậm, sông, suối cách trở nên rất khó cơ động. Vì vậy, Nghĩa quân sử dụng lực lượng thích hợp, chủ yếu là quân địa phương, lợi dụng địa hình hiểm yếu để ngăn chặn bước tiến của chúng.
Với đạo quân Liễu Thăng, có quân đông, tướng giỏi, lực mạnh, Nghĩa quân chủ trương “lấy đoản binh chế trường trận”, thực hiện bám sát, nắm chắc địch ngay từ khi chúng đặt chân sang nước ta, tận dụng thế hiểm yếu của địa hình để tạo lập thế trận và sử dụng lực lượng tiêu diệt địch. Theo đó, cùng với việc đánh cắt lương thảo, ta sử dụng từng đội quân nhỏ, thiện chiến để đánh chia cắt địch ra từng mảng, đồng thời vận dụng các biện pháp tác chiến, nhử chúng vào trận địa phục kích để tiêu diệt. Nhờ đó, ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khiến tư tưởng binh lính địch hoang mang, sức lực cạn kiệt dần, dẫn đến bị động đối phó; từ đó, buộc phải triển khai ở thế bất lợi.
Tận dụng thời cơ, Nghĩa quân đã tập trung lực lượng với ưu thế vượt trội, tiêu diệt lớn quân địch. Thực tiễn trận đánh cho thấy, Liễu Thăng cùng với đội quân tiên phong đã bị ta khéo léo dẫn dắt vào trận địa mai phục hiểm trở ở ải Chi Lăng, nên chỉ với 01 vạn quân, Nghĩa quân đã tiêu diệt hơn 01 vạn quân Minh cùng chủ soái. Tiếp đó, hơn 01 vạn quân địch bị phơi xác ở Cần Trạm, 02 vạn tên bị tiêu diệt tại Phố Cát, v.v.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, địch vội vàng dồn quân xuống cánh đồng Xương Giang để tìm cách đối phó. Nắm chắc thời cơ, Lê Lợi quyết định tập trung lực lượng vượt trội, bao vây chặt quân địch, hình thành nhiều mũi, hướng, đồng loạt tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ đạo viện binh chủ yếu của địch. Như vậy, với cách đánh linh hoạt, sáng tạo, khoét sâu những điểm yếu chí tử của địch, quân và dân ta đã đánh tan 15 vạn quân thiện chiến của nhà Minh, giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi đó không chỉ xua đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, kết thúc chiến tranh mà còn đánh bại ý chí xâm lược của chúng, đem lại nền thái bình cho đất nước.
Nghệ thuật “vây thành, diệt viện” của Nghĩa quân Lam Sơn đã phát triển đến trình độ cao, với nhiều nét đặc sắc. Bài học quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
THEO DANVIET