Ngô Đình Nhu từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn

Ngô Đình Nhu sinh năm 1911 tại Huế. Quê quán ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Thân phụ của ông là ông Ngô Đình Khả, một trong các vị đại thần của triều đình nhà Nguyễn và mẫu phụ là bà Anna Phạm Thị Thân. Gia đình có 9 người con, 6 con trai, ba con gái, theo thứ tự: Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thị Giao, Ngô Đình Thị Hiệp, Ngô Đình Thị Hoàng, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Luyện

Ngô Đình Nhu từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn - Ảnh 1.

Ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân.

Xuất thân từ một gia đình theo đạo Thiên chúa và có truyền thống nho học, Ngô Đình Nhu còn được du học tại Trường Cổ tự học quốc gia Pháp (Ecole nationale des chartes) và tốt nghiệp năm 1930. Ông về nước và được làm việc tại Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc. Sau đó ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Thư viện Bảo Đại, Quản thủ Kho lưu trữ và Thư viện Trung kỳ, Huế.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Chính phủ lâm thời nước Vịêt Nam dân chủ cộng hoà phải lo chống thù trong, giặc ngoài, giặc dốt, giặc đói, nhưng ngay từ những ngày đầu, Chính phủ đã chỉ đạo công tác lưu trữ. Biện pháp đầu tiên là tổ chức lại Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương thành Nha lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục và bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan lưu trữ. Với chính sách đoàn kết dân tộc, chủ trương của Chính phủ lâm thời là mời tất cả những nhân sỹ yêu nước có tài, có nhiệt huyết tham gia xây dựng đất nước. Ông Ngô Đình Nhu được nhận định là người thông minh. Từ nền tảng hán học trong một gia đình khoa bảng, lại được học chính quy về chuyên ngành văn bản giấy tờ tại Pháp. Trong thời gian làm việc tại Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, Ngô Đình Nhu được Giám đốc Paul Boudet đánh giá là một Lưu trữ viên – Cổ tự đầy triển vọng, có văn hoá rộng và khả năng nghề nghiệp hoàn hảo. Chính vì vậy nên chỉ sau 6 ngày, sau khi Việt Nam làm lễ tuyên bố độc lập, ngày 08 tháng 9 năm 1945, ông được Chính phủ bổ nhiệm làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện theo Sắc lệnh số 21 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký.

Tổ chức nhân sự của Nha Lưu trữ công văn và Thư viện được xác định là:

1. Giám đốc: Ngô Đình Nhu.

2. Văn phòng và Kế toán: 4 viên chức.

3. Quốc gia thư viện:

– Phòng đọc sách: 5 viên chức;

– Phòng mượn sách: 5 viên chức;

– Phòng đóng sách: 3 viên chức.

4. Lưu trữ văn hoá phẩm, báo chí: 3 viên chức.

5. Lưu trữ công văn:

– Lưu trữ công văn: 2 viên chức;

– Phòng pháp chế: 1 viên chức;

– Phòng biên mục: 1 viên chức.

Nhưng ông Ngô Đình Nhu, với toan tính cá nhân, bản vị hẹp hòi giống như ông anh Ngô Đình Diệm, nên đã không nhận nhiệm sở, bỏ việc trốn sang Lào, sau đó về sống ẩn dật tại Đà Lạt.

Từ thập niên 1950 Ngô Đình Nhu bắt đầu hoạt động chính trị chống Cộng một cách cực đoan. Ông thành lập “Liên đoàn Lao động Công giáo” và chủ xướng thành lập “Đảng Cần lao”, dựa vào thuyết “Nhân vị” (personalisme). Sau này Đảng Cần lao đổi tên thành “Đảng Cần Lao Nhân vị”.

Từ năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền tối cao của Đệ nhất Việt Nam Cộng hoà thì Đảng Cần Lao Nhân vị trở thành chính đảng với học thuyết Cần lao – Nhân vị để hỗ trợ cho chính quyền của anh ông và ông đồng thời là Cố vấn chính trị tối cao cho chính thể đương thời. Dưới sự giúp đỡ của người Mỹ, Đảng Cần Lao Nhân vị phát triển rất nhanh, thâm nhập vào hàng ngũ quân đội, công chức, trí thức, doanh nhân và trở thành chính đảng lớn nhất trong thời kỳ này. Ngoài ra, Ngô Đình Nhu còn lập ra các tổ chức quần chúng, nhưng có cương lĩnh chính trị theo Đảng của ông là “Thanh niên Cộng hoà” do chính ông làm Tổng thủ lãnh và “Phụ nữ Liên đới” do vợ ông làm Chủ tịch. Ông còn là Chủ tịch Uỷ ban Liên bộ đặc trách “Ấp chiến lược”, tổ chức thực hiện kế hoạch quốc phòng ấp chiến lược.

Về danh nghĩa, Ngô Đình Nhu chỉ là cố vấn chính trị, nhưng hầu hết các tài liệu, báo chí đều chung một nhận định, ông là kiến trúc sư của chế độ, người khởi xướng mọi chủ trương chính sách của Đệ nhất Cộng hoà.

Khi ở đỉnh cao quyền lực, Ngô Đình Nhu vẫn làm việc cần mẫn. Ông có thói quen hút thuốc liên hồi, mỗi lần nửa điếu, trong một căn phòng không rộng, đầy ngập sách vở, tài liệu ở tầng dưới Dinh Độc lập có gắn máy lạnh và interphone với bên ngoài. Ông có thú vui săn bắn để tiêu khiển và để có cơ hội tìm nơi yên tĩnh suy nghĩ về sự nghiệp chính trị của mình.

Tướng Cao Văn Viên có nhận xét về Ngô Đình Nhu và so sánh với Ngô Đình Diệm như sau: “Ông Ngô Đình Diệm chỉ là một symbol, một biểu tượng mà thôi; ông không thể làm gì nếu không có cố vấn Nhu bên cạnh. Tất cả các bài diễn văn của Tổng thống Diệm đều do Nhu soạn thảo. Khổ lỗi, Hoa kỳ muốn tách ông Nhu khỏi ông Diệm. Ông Nhu là một trở ngại. Trở ngại lớn hơn cho Tổng thống Diệm. Vì ông Nhu có nhiều mưu lược. Ông Nhu chống Mỹ hơn chống Pháp. Tổng thống Diệm thì trái lại”.

Tuy nhiên, do tính chất độc tài và gia đình trị, cộng với những biện pháp tàn bạo đối với những người bất đồng chính kiến, đã dẫn đến việc ông Ngô Đình Nhu bị xem là có trách nhiệm cho sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hoà. Đặc biệt là những biện pháp đàn áp Phật giáo năm 1963 đã dẫn đến sự phản ứng dữ dội trong dân chúng và cả trong nội bộ chính quyền. Ngày 01 tháng 11 năm 1963, các tướng lĩnh của quân đội Việt Nam Cộng hoà đã thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Anh em Ngô đình Nhu và Ngô Đình Diệm phải chạy trốn vào nhà thờ Cha Tam. Tuy nhiên, vào ngày 02 tháng 11 năm 1963, người ta thấy một đoàn xe quân sự đến đón hai anh em ông về Bộ Tổng tham mưu. Nhưng khi chiếc xe thiết giáp M 113 chở hai anh em ông về đến nơi thì phát hiện thi thể hai anh em ông với nhiều vết dao và dấu đạn trên người.

Về phía gia đình, những người có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp của ông Ngô đình Nhu và ông Ngô Đình Diệm phải kể đến người anh ruột, Tổng Giám mục Ngô Đình Thục và bà vợ Trần Lệ Xuân. Với hạn chế nội dung như tên bài báo, trong bài này, chúng tôi viết về khía cạnh gia đình riêng của ông Ngô Đình Nhu là bà Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân.

Bà Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân là một trong gương mặt then chốt trong chính quyền Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hoà. Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Huế. Bà là cháu của vua Đồng Khánh, triều Nguyễn và là con của luật sư Trần Văn Chương, một thời kỳ là đại sứ của Việt Nam Cộng hoà tại Mỹ. Khi còn nhỏ, bà theo học tại trường Albert Sarraut ở Hà Nội, tốt nghiệp tú tài Pháp.

Năm 1943, Trần Lệ Xuân kết hôn cùng Ngô Đình Nhu và bỏ đạo Phật, theo đạo Thiên chúa của gia đình chồng. Trong dòng họ Ngô Đình, Trần Lệ Xuân là một con dâu đặc biệt, không giống ai. Tuy chỉ là vợ của một ông cố vấn Đệ nhất Cộng hoà, nhưng bà đã rất lộng quyền. Bà có nhiều hành động trắng trợn, gây nhiều điều tiếng không hay trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu tới gia đình chồng mà vốn tự nó đã bị nhiều người căm ghét.

Về vị trí chính trị, Trần Lệ Xuân được làm dân biểu, sau khi được bầu vào Quốc hội Sài Gòn. Bà được giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới. Các chính khách đều xưng hô với Trần Lệ Xuân là “Bà Cố vấn” và vẫn coi bà là Đệ nhất phu nhân từ năm 1955, vì Tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ. Trong quan hệ chính trường, bà thường lộng quyền. Bản thân ông anh Ngô Đình Diệm cũng nể cô em dâu sắc sảo, bạo nói. Còn Ngô Đình Nhu thì tuy ở vị trí thượng phong, vẫn nhũn nhường trước mặt vợ, vì rất sợ chuyện to tiếng riêng tư. Việc ông Diệm để cho bà, các ông Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện và người em út Ngô Đình Cẩn tham gia sâu vào bộ máy nhà nước ở cấp cao đã tạo ra hình ảnh gia đình trị độc đoán theo kiểu phong kiến. Dư luận đánh giá chung là, chính Trần lệ Xuân và giám mục Ngô Đình Thục đã trực tiếp “đổ thêm dầu vào lửa” làm cho chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm ở miền Nam sớm bị xoá sổ.

Đỉnh cao của sự oán thù chế độ Việt Nam Công hoà phải kể đến sự kiện Phật Đản năm 1963, trước thềm của cuộc đảo chính quân sự cuối năm. Trong buổi nói chuyện với phụ nữ bán quân sự, Trần Lệ Xuân đã phát ngôn xúc phạm đến tôn giáo. Bà lên tiếng rằng “…hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội, xấu xa…”. Việc tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức bà đã công khai nói: “Vỗ tay hoan nghênh các vụ tự thiêu, nếu ai có thiếu xăng dầu thì tôi sẽ cho” và gọi vụ tự thiêu là “nướng thịt sư”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân nói: “Tôi còn thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt tỉnh, không cần biết tới”. Cách nói thiếu cân nhắc của bà như vậy trong ứng xử các vấn đề chính trị hệ trọng đã là một trong các nguyên nhân nhanh chóng dẫn tới cuộc đảo chính quân sự ngày 01 tháng11 năm 1963.

Trong cuộc sống đời thường, Trần Lệ Xuân luôn thể hiện là người sành điệu. Kiểu áo dài cổ thuyền Sài Gòn cũng do Trần Thị Xuân khởi xướng mà dân chúng gọi là “áo dài Trần Lệ Xuân”. Bà còn cho xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng mà Trưng Trắc giống hệ bà và Trưng Nhị giống hệt con gái Lệ Thuỷ của bà. Sau ba năm bà đi lưu vong, tượng đài bị đập bỏ.

Tháng 10 năm 1963, khi đánh hơi thấy sự thất thế của gia đình họ Ngô, Trần Lệ Xuân và con gái của bà là Ngô Đình Lệ Thuỷ đi Hoa kỳ và Rome, mà dư luận coi là cuộc đi “giải hạn”. Mục đích chuyến đi là để lên tiếng tố cáo trước công chúng Mỹ một âm mưu đảo chính có thể xẩy ra mà Tổng thống Kennedy và CIA đang đứng đằng sau. Ngày 01 tháng 11 năm 1963, khi Trần Lệ Xuân và con gái đang ở khách sạn sang trọng Wilshire Hotel tại khu Beverly Hill ở California thì ở Sài Gòn đã xẩy ra đảo chính và ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và cả Ngô Đình Cẩn đều bị giết.

Đến trung tuần tháng 11 năm đó, Trần Lệ Xuân và Lệ Thuỷ rời khỏi Los Angeles để đi Rome sinh sống và tức tối tuyên bố: “Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ , vì lý do đơn giản, chính phủ của họ đã đâm sau lưng tôi”. Năm tháng tiếp theo, tấm bi kịch lại xẩy ra đối với Trần Lệ Xuân. Chỉ mấy tháng sau, ngày 02 tháng 01 năm 1964, bà nhận được tin mẹ chồng qua đời tại Huế. Bốn năm sau, con gái đầu của bà là Ngô Đình Lệ Thuỷ cũng bị chết trong một tai nạn giao thông ở Pháp.

Từ sau năm 1963 và những người con còn lại của bà về sống tại Rome trong nhiều năm, nơi giám mục Ngô Đình Thục đang ở đó. Ngô Đình Thục cũng ở Italia một thời gian rồi sang Mỹ. Ngày 13 tháng 12 năm 1984 ông qua đời trong một Viện dưỡng lão vì khủng hoảng tinh thần. Tiếp theo cái tang của Ngô đình Thục, Trần Lệ Xuân còn phải sống qua một bi kịch lớn hơn là cha mẹ mình- ông bà Trần Văn Chương bị chính người con của mình, em ruột của bà giết chết tại Mỹ ngay tại nhà riêng do bị bệnh tâm thần. Đầu năm 1990, người em út của gia đình họ Ngô Đình là Ngô Đình Luyện cũng qua đời tại Paris. Như vậy, trong thời gian không dài của một cuộc đời, bà Trần Lệ Xuân đã phải chứng kiến 10 cái tang của những người họ hàng ruột thịt.

Từ năm 1990, Trần Lệ Xuân rời Italia sang Paris cư trú. Có những câu hỏi rằng, không biết Trần Lệ Xuân ở vậy hay đi bước nữa, hoặc bà còn sống hay đã qua đời vì cho đến nay, bà đã ở tuổi ngoài 80. Được biết, bà từ chối tiếp xúc với những người làm chính trị và các cơ quan báo chí và sống rất ẩn tích. Thậm chí, nhiều người Việt ở Pháp lâu năm vẫn tưởng bà còn đang sống ở Italia. Năm 2002 một luật sư người Việt từ Mỹ sang chơi Paris đã có dịp trực tiếp gặp Trần Lệ Xuân và đã ghi nhận được những điều tai nghe mắt thấy. Được biết bà ở một mình trong một căn hộ của một toà nhà gần tháp Eiffel. Tại đây,Trần Lệ Xuân sở hữu hai căn hộ liền kề nhau. Bà kể rằng, tiền mua hai căn hộ này là do giám mục Ngô Đình Thục cho, nhưng thực ra không phải như vậy. Tiền đó là do một người nữ ẩn danh ở Italia tặng. Bà sở hữu một căn hộ và căn hộ khác cho một nhà ngoại giao Nhật thuê. Số tiền cho thuê nhà cũng đủ cho nhu cầu sinh hoạt của bà để không phải nhờ vào sự giúp đỡ của con cái.

Trần Lệ Xuân đang viết hồi ký bằng tiếng Pháp, rồi tự dịch ra tiếng Italia, tiếng Anh và tiếng Việt. Theo lời bà thì cuốn hồi ký đó chỉ được công bố sau khi bà qua đời.

Điều mà mọi người nhận định là chưa hẳn mọi điều trong cuốn hồi ký đều là sự thật. Những gì mà Trần Lệ Xuân định nói, không hẳn là để sám hối, mà có thể là để thanh minh cho một dòng họ đã gây ra quá nhiều ân oán, giang hồ trong một giai đoạn lịch sử. Nhưng lịch sử là khách quan, không thể một cá nhân nào có thể bóp méo được.

THEO DANVIET