Nguyễn Công Trứ là nhà quân sự, nhà kinh tế và nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại.
Năm 1820, khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên ở trường thi hương trấn Nghệ An. Từ đây bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của ông. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế tới thi ca. Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú... Thế nhưng, Nguyễn Công Trứ vô tư, vẫn cứ ngông nghênh, ngạo nghễ với đời cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay. Và hai giai thoại dưới đây về Nguyễn Công Trứ là một minh chứng.
Tranh vẽ cụ Nguyễn Công Trứ.
Sau khi cáo lão, được nhà vua cho về quê dưỡng già, cụ Nguyễn Công Trứ đã đến ở bên chân núi Nài và suốt ngày hát xướng, rồi đi ngao du cùng bạn bè. Khi đã ngoại thất tuần - ngoài 70 tuổi, cụ Nguyễn Công Trứ đã gặp một cô gái mười bảy tuổi. Và như có duyên trời định, hai người - một ông lão già tóc bạc và một thiếu nữ má hồng - đã đem lòng yêu nhau rồi họ gắn bó với nhau. Sau đó, cụ Thượng Trứ đã hỏi nàng làm thiếp và nàng đã đồng ý làm lễ cưới. Trong đêm hợp hôn, cụ cùng nàng bày rượu, rồi đập trống hát ca trù và sáng tác một bài hát nói.Bài hát này ngay lập tức được truyền tụng khắp vùng. Cho đến tận hôm nay, những đại gia có máu mặt lại thích ăn chơi thì không ai là không biết hai câu thơ cuối của bài thơ này:
Tân nhân nhược vấn lang niên kỷ; Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!
Nghĩa của hai câu thơ như sau: Nếu thiếp mới hỏi chàng bao tuổi? Và chàng trả lời rằng: Năm mươi năm trước hai mươi ba! Cuối cùng, cụ Nguyễn Công Trứ đã kết thúc khúc hát bằng một tuyên bố... xanh rờn: Xưa nay mấy kẻ đa tình; Lão Trần là một với mình là hai; Càng già càng dẻo càng dai!
Cưới nàng ca kỹ làm thiếp xong, Nguyễn Công Trứ đã nhờ nhân dân trong làng giúp đỡ để dựng một ngôi nhà lá nhỏ cạnh chùa Cảm Sơn, dưới chân núi Đại Nài, cách lị sở tỉnh Hà Tĩnh chừng vài dặm. Thường ngày, cụ vẫn cưỡi bò vàng đạc ngựa cùng cô vợ trẻ vừa mới cưới đi ngao du và ca hát khắp vùng. Có lần ông gọi cả gánh ca trù đến hát ngay giữa sân chùa. Vị sư trụ trì tại đây thấy vậy sợ quá, bèn tìm đến nhờ quan Bố chính Hà Tĩnh ngăn cản giúp. Quan Bố chính Hà Tĩnh lúc đó là Hoàng Nho Nhã. Được sư trụ trì nhờ, Hoàng Nho Nhã bèn đích thân đến xem và từ xa, quan đã nghe lời ca trong tiếng đàn réo rắt:
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi,
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi gì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!
Nghe tiếng hát, quan Bố chính cũng say sưa với thơ hay, đào đẹp, giọng hát lại ngọt ngào, tiếng đàn êm, rồi quay lại bảo với nhà sư trụ trì rằng: Thôi, lúc này tốt nhất là tôi với nhà sư đừng can thiệp vào thú vui của cụ nữa, mà có muốn ta cũng không can thiệp được đâu!
Sau buổi hát ấy, quan Bố chính Hà Tĩnh Hoàng Nho Nhã đã làm tặng cụ Nguyễn Công Trứ đôi câu đối rất hay như sau: Sự nghiệp kinh nhân thiên hạ hữu; Phong lưu đáo lão thế gian vô! Nghĩa là kẻ làm nên sự nghiệp khiến người đời khiếp sợ trong thiên hạ vẫn còn, chứ người đến già vẫn phong lưu như cụ thì thế gian không có!