Trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt, người từng tham chiến tại Việt Nam, nói rằng: “Trước khi trở lại Việt Nam năm 1994, tôi đã có cùng ý kiến với nhiều người Mỹ rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị, thì người Mỹ đã chiến thắng”.
Tuy nhiên, sau chuyến thăm và tìm hiểu về các đối thủ cũ, viên cựu trung tá đã nhận ra rằng: “Người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào thống nhất đất nước mới thôi”.
Viên trung tá không phải chỉ là một quân nhân bình thường. Ông là con trai của Phó Đô đốc Elmo Russell Zumwalt Jr., Tư lệnh Hải quân Mỹ đặc trách lực lượng duyên hải và đường sông tại Việt Nam trong giai đoạn 1968-1970. Ông còn có người anh trai là Trung úy Hải quân Elmo R.Zumwalt, III, người từng chỉ huy một tàu tuần tra PCF-35 hoạt động trên các sông rạch miền Nam Việt Nam. Trung úy Elmo đã chịu ảnh hưởng của chất độc da cam mà quân Mỹ rải xuống dọc các kênh rạch, và qua đời năm 1988 vì ung thư ở tuổi 42.
“Phải học từ đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi”
James G.Zumwalt cho rằng, hai nơi thể hiện rõ nhất quyết tâm và thái độ của người Việt Nam là đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi. “Hiểu được quyết tâm duy trì đường mòn Hồ Chí Minh và cũng như bám trụ tại địa đạo Củ Chi chính là hiểu được “ý chí thép” của họ”, ông viết.
Sau những chuyến đến Việt Nam, gặp, phỏng vấn và trò chuyện thẳng thắn với những người từng đối đầu với mình, ông đã viết nên cuốn sách “Bare feet, Iron will” (Chân trần, ý chí thép), xuất bản tháng 4/2010 (NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản năm 2011 với bản dịch của Đỗ Hùng) và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Mỹ.
Nói về đường mòn Hồ Chí Minh, James G.Zumwalt khẳng định đây chính là chìa khóa thành công của miền Bắc trong cuộc đối đầu với quân đội Mỹ. Ông nhắc lại câu trả lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng nếu người Mỹ cắt đứt được đường mòn thì họ mới mong có một kết quả khác mà thôi.
Sau khi bày tỏ sự thán phục lần lượt qua những sáng kiến của các lực lượng vận tải, công binh, dân công, quân y, phòng không… của Việt Nam đã duy trì con đường huyết mạch này, James cho rằng đường mòn chính là minh chứng cho sức mạnh ý chí của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến vì lý tưởng, bất chấp cái giá phải trả và bất chấp cơ hội chiến thắng mong manh.
Ông cũng bày tỏ sự khâm phục với hàng trăm ngàn người Việt Nam đã chiến đấu để bảo vệ an toàn cho tuyến đường và đã hy sinh tính mạng của mình cho sứ mệnh cao cả ấy.
Trong khi đó, với Củ Chi, vùng đất thép nằm ngay sát cửa ngõ Sài Gòn, viên cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ đánh giá: Sự hình thành hệ thống địa đạo là bằng chứng về lòng kiên trì, quyết tâm cống hiến và kỹ năng của du kích Củ Chi trong suốt 30 năm.
Khi quân Mỹ quyết tâm khuất phục du kích địa đạo, liên tục thay đổi chiến thuật để đánh bật họ ra khỏi lòng đất, thì họ đã chứng tỏ một quyết tâm mãnh liệt hơn, luôn tìm ra cách để đối phó với những thay đổi chiến thuật đó. Trong cuộc đọ sức về ý chí dưới lòng đất, du kích địa đạo là những tường thành vững chãi, không bao giờ bị đánh bật.
Từ hai minh chứng nổi bật ở đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi, James Zumwalt khẳng định những người lính Việt Nam là những người tuy có đôi chân trần, nhưng có ý chí thép để giúp họ chiến thắng trước người Mỹ – những người không có một quyết tâm tương xứng.
Rút ra bài học về những sai lầm của người Mỹ
Neil Sheehan – nhà báo Mỹ, một trong những người phanh phui Tài liệu mật Lầu Năm Góc ra trước công luận năm 1971 đã nhận định rằng: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”.
Sheehan, cựu phóng viên tờ The New York Times, là tác giả hai cuốn sách giá trị về chiến tranh Việt Nam gồm “A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam” (Sự lừa dối hào nhoáng: John Paul Vann và người Mỹ tại Việt Nam), cuốn sách đã đem lại cho ông giải thưởng danh giá Pulitzer và “After The War Over: Hanoi and Saigon” (Sau chiến tranh: Hà Nội và Sài Gòn). Ông đã viết trong cuốn sách thứ hai nói trên rằng:
“Chúng ta, những người Mỹ, vốn tự cho mình là ngoại lệ của lịch sử, cũng có thể mắc sai lầm như phần còn lại của nhân loại; chúng ta có thể thủ ác dễ dàng như khi làm việc thiện. Tất cả chúng ta đã quá kiêu ngạo trong thời kỳ xấc xược ấy”.
“Chúng ta không thể hiểu được rằng chúng ta đã theo đuổi những điều không tưởng và đã gây ra bi kịch tột cùng cho chính chúng ta cũng như cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác tại Đông Dương”, tác giả này viết tiếp và đi đến kết luận đi ngược lại hoàn toàn những luận điệu của giới chức Mỹ trong suốt cuộc chiến, rằng Việt Nam chưa bao giờ là mối đe dọa đối với nước Mỹ.
“Họ đơn giản chỉ muốn chúng ta trở về nhà, và họ sẽ không bao giờ ngừng kháng cự, bất chấp họ và chúng ta phải trả giá thế nào cho tới lúc chúng ta rút đi. Tôi mất năm năm để nghiệm ra điều đó”, Sheehan viết trong cuốn sách xuất bản năm 1993.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara (1916-2009), trong cuốn Hồi ký “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995, cũng đã nêu ra 11 sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, trong đó ông đánh giá về đối thủ như sau:
“Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”.
McNamara cũng thẳng thắn nhận định: “Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ”.
Còn với James G.Zumwalt, ông rút ra bài học rằng: “Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam đã phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất – một Chí Thép – giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Nhờ đó, Chí Thép của họ đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”.
Ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối với nước Mỹ: “Đáng tiếc là chúng ta không hiểu được phẩm chất này của người Việt Nam. Chúng ta không nhận thấy, trong bản phân tích cuối cùng rằng chiến thắng không quyết định bởi công nghệ mà bởi quyết tâm của con người. Ý chí của những người Việt Nam không bao giờ sụt giảm dù họ phải chiến đấu với những đôi Chân Trần”.
Cuối cùng, sau khi tìm hiểu về người Việt Nam, viên trung tá sinh ra trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp nhiều đời mới thấm thía câu nói của viên tướng Mỹ nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ II George Patton: “Đánh nhau bằng vũ khí, chiến thắng bằng con người!”.
THEO DANVIET