Nhận xét về danh tướng Nguyễn Hữu Dật, sách “Địa chí huyện Hà Trung” dẫn theo “Đại Nam thực lục tiền biên” đã viết: “Hữu Dật là người sáng suốt, có tài thao lược, đầu do tư cách văn chức được dùng làm giám chiến chức danh vốn đã rõ ràng, đến khi làm tướng thì nhiều lần dựng bày mưu lớn, đương thời lấy làm ỷ trọng, từng ví với Khổng Minh, Bá Ôn. Sau khi chết, dân Quảng Bình nhớ tiếc, gọi là Bồ tát, lập đền thờ ở Thạch Xá”.
Danh tướng Nguyễn Hữu Dật quê ở Gia Miêu, là dòng dõi của công thần nhà Lê Sơ Nguyễn Công Duẩn (Duẫn).
Danh tướng Nguyễn Hữu Dật quê đất quý hương Gia Miêu xã Hà Long (Hà Trung). Nếu như cha ông - Nguyễn Triều Văn là một trong những người đầu tiên rời Thăng Long theo chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, thì Nguyễn Hữu Dật lại là bậc đại công thần có công phò tá nhiều đời chúa Nguyễn; giúp chúa Nguyễn giữ vững “Đàng Trong”, đánh lui nhiều cuộc “Nam tiến” của quân Lê - Trịnh trong cuộc nội chiến Nam - Bắc triều.
Theo sử liệu, Nguyễn Hữu Dật sinh năm 1603, từ nhỏ đã giỏi văn thơ, chữ nghĩa hơn người, lại được cha nghiêm khắc dạy dỗ, rèn luyện trận mạc nên lớn lên ông được Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên yêu quý, coi trọng, cho làm văn chức dưới trướng. Ông lớn lên khi cuộc nội chiến Nam - Bắc triều bước vào giai đoạn căng thẳng.
Năm 1627, triều đình Lê - Trịnh “mượn cớ” đi xem xét đời sống người dân đã dẫn quân vào đất Thuận - Quảng. Trước tình thế đó, chúa Nguyễn buộc phải sai quân đi chống cự và chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Dật được tin tưởng giao làm “giám chiến” (được hiểu là giám sát chiến trường). Do quân Lê - Trịnh tiến vào “Đàng Trong” với thế chủ động nên khí thế quân sĩ rất mạnh, quân Nguyễn liệu đánh không lợi. Bởi vậy, Nguyễn Hữu Dật đã sai quân phản gián tung tin ngoài Thăng Long một số kẻ đang âm mưu nổi loạn. Tin đồn đến tai chúa Trịnh Tráng khiến ông e ngại và quyết định rút quân về Bắc. Ở trận này, quân Nguyễn không tốn sức mà vẫn bảo toàn được binh lực, tránh việc đổ máu không có lợi. Và Nguyễn Hữu Dật cũng từ đó mà được chúa Nguyễn thêm quý trọng.
Năm Tân Mùi (1631), sau khi đắp xong lũy Trường Dục, chúa Nguyễn lại sai Đào Duy Từ cùng Nguyễn Hữu Dật đắp thêm lũy Nhật Lệ kéo dài từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu. Với tài năng chỉ đạo của hai ông, lũy Nhật Lệ vững chắc và hiểm yếu đã được đắp thành công. Đến cuối năm Quý Dậu (1633) chúa Trịnh Tráng lại dẫn quân tiến thẳng tới cửa biển Nhật Lệ. Trong trận đối đầu này, Nguyễn Hữu Dật được chúa Nguyễn cử làm đốc chiến. Không chỉ cho quân đóng cọc ở cửa biển, Nguyễn Hữu Dật còn đắp thêm lũy Trường Sa bảo vệ lũy chính khiến quân Lê - Trịnh sau nhiều ngày giao chiến cũng không thể phá nổi thành lũy của quân Nguyễn, đành phải rút quân về, chỉ để lại tướng Nguyễn Khắc Liệt ở lại giữ châu Bắc Bố Chính (tức phía Bắc tỉnh Quảng Bình, lấy sông Gianh làm giới hạn). Lúc này, Nguyễn Hữu Dật lại dùng kế phản gián tung tin khiến chúa Trịnh Tráng ngoài Bắc nghi kỵ bề tôi, liền cho người bắt giải Nguyễn Khắc Liệt về kinh đô. Quân Nguyễn nhân cơ hội này chiếm luôn Bắc Bố Chính.
Theo sách “Địa chí huyện Hà Trung”, về sau chúa Trịnh Tráng viết thư yêu cầu quân Nguyễn ở Đàng Trong trả lại Bắc Bố Chính. Khi được chúa Nguyễn hỏi về việc nên giữ hay trả lại, Nguyễn Hữu Dật đã nói: “Châu Bắc Bố Chính nước xiết, sông sâu, đò giang cách trở, lấy dễ, giữ khó. Vả chăng, đó là phần đất của Bắc triều, nên giao trả lại. Họ Trịnh chắc chắn phải sợ và phục. Sợ vì nó như món đồ vật trong túi, chúa thượng muốn lấy lúc nào cũng được; phục vì chúa thượng là bậc anh hào, trọng tình nghĩa, một lòng trung với nhà Lê”. Cho rằng Nguyễn Hữu Dật nói phải, chúa Nguyễn đã đem Bắc Bố Chính trả lại cho “Đàng Ngoài”.
Năm Mậu Tý (1648), tướng Trịnh Đào vâng lệnh vua Lê - chúa Trịnh thống lĩnh quân thủy bộ kéo vào cửa biển Nhật Lệ. Với thế và lực mạnh, quân đội “Đàng Ngoài” tiến sát lũy Trường Dục khiến trấn thủ Nam Bố Chính lúc bấy giờ phải liều mình cố giữ. Trước tình thế nguy cấp ấy, chúa Nguyễn Phúc Lan sai Phúc Tần làm Tiết chế các dinh; Phúc Lộc, Tống Hữu Đại và giám chiến Hữu Dật lĩnh bộ binh; Tham tướng Nguyễn Triều Văn (tức cha Nguyễn Hữu Dật) lĩnh thủy binh. Bản thân chúa Nguyễn Phúc Lan cũng lãnh đại binh tiếp ứng. Tương truyền, trước khi bước vào trận giao chiến, giám chiến Nguyễn Hữu Dật đã nói: “Phương Nam có một đám mây đỏ hình cái lọng che, ánh sáng rực rỡ, phương Bắc có một đám mây trắng lớn, tản mát như tuyết đang tan, điều này cho thấy quân ta sẽ đại thắng, quân Trịnh thua to”. Rồi ông lại nói thêm: “Quân Trịnh cậy nhiều nhưng không biết rõ địa hình phải men theo đường núi mà đi. Nay ta chọn đội quân khỏe mạnh, dũng cảm làm xung kích, chặn đánh bọn chúng, nhất định thắng” (theo sách “Địa chí huyện Hà Trung”).
Nghe theo kế của giám chiến Nguyễn Hữu Dật, quân Nguyễn chỉnh đốn đội ngũ, chia đường nghênh chiến quân Trịnh, đồng thời cho quân thiện chiến chặn giữ phía núi không cho đánh sâu vào trong lũy. Không vượt được lũy Trường Dục, quân đội “Đàng Ngoài” từ thế chủ động chắc thắng rơi vào bị động, cuối cùng thua to. Thắng lợi năm Mậu Tý 1648 có công lớn của cha con Nguyễn Hữu Dật. Vì thế, sau khi mở tiệc ăn mừng, giám chiến Nguyễn Hữu Dật được chúa Nguyễn thăng tước Chiêu Vũ hầu.
Cuộc đời Nguyễn Hữu Dật tài năng, trí dũng hơn người, vinh hiển không ít. Trên con đường binh nghiệp, dẫu dốc sức cho sự nghiệp nhà Nguyễn ở Đàng Trong song cũng không ít lần tránh khỏi những oan khiên, nguy hiểm. Ông từng bị chúa Nguyễn giam vào ngục tối vì nghi ngờ có mưu đồ đầu hàng quân Trịnh. Về sau, với sự thông minh tuyệt đỉnh, ông đã tự minh oan cho chính mình, được chúa Nguyễn phục chức; hay như năm Canh Tý (1660) quân Trịnh chia 3 đạo quân tiến sang Nam sông Lam đánh lớn. Quân Nguyễn bị quân Lê - Trịnh đại phá khiến tướng sĩ mất hết nhuệ khí chiến đấu. Tướng Nguyễn Hữu Tiến quyết định rút quân về Nam Bố Chính. Tuy nhiên vì hiềm khích riêng nên ông không bàn với Nguyễn Hữu Dật. Đến khi Nguyễn Hữu Dật phát hiện ra thì đã bị quân Trịnh bao vây, rơi vào thế hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc. Nhanh trí học theo binh pháp người xưa, Nguyễn Hữu Dật một mặt cho người giả vờ bày trò đàn ca sáo nhị vui vẻ khiến quân “Đàng Ngoài” lo sợ có mai phục nên e ngại không dám tiến vào, mặt khác cho quân sĩ bí mật nhanh chóng rút lui, vì thế mới bảo toàn được tính mạng và lực lượng.
Năm Giáp Thìn (1664) Chưởng dinh Tiết chế đạo Lưu Đồn Nguyễn Hữu Tiến ốm nặng, xin về quê dưỡng bệnh, tướng Nguyễn Hữu Dật được chúa Nguyễn tin tưởng giao giữ trọng trách thay thế. Không chỉ thống lĩnh quân sĩ, ông nhiều lần vạch kế hiến mưu cho chúa Nguyễn đánh đâu được đó, ngăn cản thành công nhiều cuộc tiến công của quân Lê - Trịnh, giúp các chúa Nguyễn giữ vững đất “Đàng Trong”.
Dành trọn cuộc đời cống hiến sự nghiệp mở cõi về phương Nam của các đời chúa Nguyễn, năm Tân Dậu (1681) Chưởng dinh Tiết chế đạo Lưu Đồn Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật qua đời ở tuổi 78. Ông được chúa Nguyễn truy tặng chức Tán trị Tỵ (Tĩnh) nạn công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Tả quân đô đốc phủ Chưởng Phủ sự, tước Chiêu Quận công. Đến thời vua Gia Long, Chiêu Quận công Nguyễn Hữu Dật được thờ phụng ở Thái miếu; đến thời vua Minh Mệnh, ông lại được phong Tĩnh Quốc công, vinh hiển cũng được xem như tột đỉnh.
Về Gia Miêu, ghé thăm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhà thờ Nguyễn Hữu, ông Nguyễn Hữu Thoại - Chủ tịch Hội đồng dòng tộc Nguyễn Công Duẩn ở Gia Miêu (Hà Trung) cho biết: “Tiền nhân Nguyễn Hữu Dật là cháu đời thứ 7 của công thần nhà Lê Sơ Nguyễn Công Duẩn. Chiêu Quận công Nguyễn Hữu Dật với tài năng xuất chúng được ngợi ca là “trí tướng” hiếm có, đến nay ông vẫn được sử sách lưu danh, hậu thế tự hào”.
THEO DANVIET