Nguyễn Trãi chỉ mặt, điểm tên quan lại tham ô nào?

Muốn thấy được tệ nạn tham nhũng, lời của dân tình là đáng tin nhất. Bởi họ chính là đối tượng trực tiếp bị quan viên đục khoét phổ biến bên cạnh việc tơ hào của công nhà nước. Cùng với đó lời của quan liêm là một cứ liệu đáng tin cậy. Họ là người trực tiếp đứng trong hàng ngũ những kẻ đội mũ, đi hia nên hiểu rõ hơn ai hết những đồng liêu không trong sạch.

Nguyễn Trãi chỉ mặt, điểm tên quan lại tham ô - Ảnh 1.

Nguyễn Trãi đã phê phán Lê Cảnh Xước và Nguyễn Thúc Huệ là hạng người chỉ biết vơ vét đầy túi tham. Ảnh: Sách tranh Nhà Lê sơ của NXB Trẻ.

Vậy nên, khi Hành khiển Nguyễn Trãi soạn tờ biểu cầu phong cho vua Lê Thái Tông năm Giáp Dần (1434). Dù ông là một văn thần nức tiếng với những lệnh, chiếu, thư dụ hàng thay mặt Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn giao thiệp với quân Minh nhưng vẫn có một số nhân vật trong triều như Nội mật viện Nguyễn Thúc Huệ, Học sĩ Lê Cảnh Xước tài năng, đức hạnh kém cỏi lại muốn thay đổi câu chữ tờ biểu.

Vị đại quan họ Nguyễn phải bức xúc, xổ hết gan ruột rằng những kẻ ấy là hạng người chuyên vơ vét, bòn rút của dân mà được lên ngồi chức cao. Điều này hợp với phê phán trong Thiên Nam minh giám thời Lê Trung hưng về Lê Cảnh Xước:

"Kìa Cảnh Xước những bề luồn lọt,

Quen một chiều học Bụt nói dông.

Nào còn tiết nghĩa sĩ phong,

Nói lời nhân nghĩa làm lòng gian manh".

Và Nguyễn Thúc Huệ:

"Nước nào rửa sạch nhơ ngươi Huệ,

Nghĩ trong đời nhiều tệ ắt ghê.

Xấu danh nhục nước hổ thì,

Dân đà chung khổ còn gì hòa đau".

Sau này, sử còn chép việc Lê Cảnh Xước khi làm Nội mật viện sứ nhận hối lộ 20 lạng bạc năm Đinh Tỵ (1437); Nguyễn Thúc Huệ khi tham gia đi công cán biên giới cũng lấy tiền nhà nước như một minh chứng hùng hồn cho lời chê trách của Nguyễn Trãi.

Lại cũng vào năm ấy, ta được nghe lời của người thợ sơn thuộc cục Tả ban Tất tác là Cao Sư Đãng vì việc xây dựng chùa Báo Thiên vất vả, nặng nề mà ngầm chê trách vua quan nhà Lê là "Thiên tử thì kém đức để đến nỗi có nạn hạn hán; đại thần thì ăn hối lộ, cất dùng kẻ nọ kẻ kia chẳng làm được công trạng gì cả!".

Cao Sư Đãng phạm tội xúc phạm thánh thượng phải rơi đầu. Nhưng lời của người thợ này là một lương dân trực tiếp làm việc cho xưởng thủ công nhà nước, chắc chắn được tai nghe, mắt thấy nhiều sự nhiễu nhương của bề trên, nên phải có phần sự thật về việc tham nhũng của quan viên nhà Lê. Vậy là ngay từ những năm đầu trị nước của vua Lê Thái Tông, tệ tham nhũng đã xuất hiện trong hàng ngũ quan lại.

Đến thời Lê Nhân Tông, qua nhận xét của bài Quang Thuận trung hưng ký thời Lê Thánh Tông, cho thấy nạn hối lộ, tham nhũng đã lộ rõ bộ mặt của nó khỏi lớp phấn son che đậy ban đầu.

Theo đó do thời vua Lê Nhân Tông nối ngôi tuổi còn thơ ấu, phải nhờ Thái hậu tuổi trẻ buông rèm nhiếp chính, nên không tránh khỏi cái thói thường đàn bà là ưu tiên người trong họ mà bổ cho quan chức đến nỗi từ đó "bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp nơi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai"; "những kẻ quyền thần, hãnh thần làm việc, hối lộ công hành".

Các vị vua kế vị sau thời Lê Nhân Tông, cũng như những nhà chép sử thời Lê không đánh giá cao thời trị vì của vị vua thứ ba nhà Lê sơ, dù ông ở ngôi được 17 năm. Do đó hoặc là chê thời trị vì của ông như trường hợp vua Lê Thánh Tông đã nhiều lần đề cập; hoặc là các nhà chép sử thời Lê hay một số vua ở hậu kỳ thời Lê sơ thường nêu cao công nghiệp trị nước của vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông, nhưng tuyệt nhiên không ghi chép hay ngợi khen gì thời Lê Nhân Tông trị vì.

Đây cũng là một điều đáng suy ngẫm. Phải chăng do thời Lê Nhân Tông ở ngôi có ảnh hưởng lớn của Thái hậu là đàn bà buông rèm quyết việc nước không phù hợp với tư tưởng Nho gia nên sử sách không muốn đề cập, hay thời này nạn ngoại thích và tham nhũng làm lu mờ công lao của vua Nhân Tông? Điều đó hẳn không phải là vô lý khi nhóm dẹp loạn Lê Nghi Dân, trong Quang Thuận trung hưng ký đã nhìn nhận về thời Lê Nhân Tông là:

"Nhân Tông mới lên hai tuổi, sớm lên ngôi vua,

Thái hậu Nguyễn thị là hạng gà mái gáy sớm mai;

Đô đốc Lê Khuyển là phường thỏ khôn giữ lệnh.

Vua đàn bà mắt nhắm, buông rèm ngồi chốn thâm khuê;

Bọn họ ngoại lòng tham, giúp ngược ngay từ trong nước.

Dùng kẻ thân yêu giữ việc, lấy của đút lót công khai".

Thời Lê Thánh Tông là đỉnh cao của sự thịnh trị trong thời Lê sơ, nhưng hiện tượng hối lộ vẫn thường xảy ra, kéo theo đó là sự tham ô, nhũng lạm của quan viên. Điều này có thể thấy được qua đoạn ghi chép về tiểu sử, công tích của Tả thị lang bộ Hình Vũ Tụ trong Công dư tiệp ký. Theo đó thời Hồng Đức phổ biến việc quan viên ăn hối lộ lấy làm lệ thường: "Giữa lúc ấy cái tệ tham nhũng đương hoành hành".

Tiếp bước sang thời các vị vua sau, có lúc tham nhũng lên đến đỉnh điểm. Như thời Lê Uy Mục, bọn quan lại là ngoại thích của vua "đều cậy quyền cậy thế, vùi dập các quan, kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân, kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, mọi thứ súc vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ vào và đòi lấy".

Xét trong 100 năm tồn tại của nhà Lê sơ, đã thống kê được khoảng hơn 30 vụ việc lớn nhỏ liên quan tới tham nhũng, hối lộ của quan lại, tôn thất nhà Lê sơ.

THEO DANVIET