Văn hóa người Việt gắn bó với nước, với sông biển từ rất lâu đời và trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình dân tộc ta đã sử dụng sở trường giỏi thủy chiến để làm lên những chiến thắng vang dội, như trận Bạch Đằng lần thứ nhất thời Ngô, trận Bạch Đằng lần thứ hai thời Tiền Lê, trận Vân Đồn và trận Bạch Đằng lần thứ ba thời Trần…
Người Trung Quốc có câu: “Nam di chu, Bắc di mã” (Nghĩa là: Người phường Nam di chuyển bằng thuyền, người phương Bắc đi lại bằng ngựa) phần nào nói lên sở trường của từng vùng, từng dân tộc. Với lợi thế ấy, trong biên chế quân đội của các triều đại phong kiến Việt Nam, thủy quân có vai trò cực kỳ quan trọng.
Đục chìm thuyền giặc. (Hình minh họa – Nguồn: truyentranhvn).
Bên cạnh đầu tư phát triển cho thuỷ quân nói chung, các vương triều còn quan tâm đào tạo, huấn luyện, phát triển một lực lượng đặc biệt. Sử sách không ghi chép nhiều về lực lượng này, không rõ lực lượng ấy xuất hiện từ thời nào, nhưng muộn nhất cũng là vào thời nhà Lý. Có thể nói thủy quân triều Lý hùng mạnh một phần cũng nhờ họ biết phát huy nghệ thuật “đặc công nước”. Đây là hình thức có từ lâu đời và được kế thừa, phát triển lên tầm cao mới.
Nghệ thuật “đặc công nước” ở đây là việc sử dụng những người lính thuỷ giỏi nghề bơi lặn, dùng dùi sắt nhọn đục thủng thuyền đối phương, hoặc dùng thuyền đặc chủng bí mật bất ngờ đánh hoả công. Trong sách “Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý”, tác giả Hoàng Xuân Hãn dẫn nội dung một tấu sớ của viên quan tên là Triệu Bổ Chi dâng lên vua Tống có viết: “Vả lại người Giao Chỉ giỏi thuỷ chiến. Từ xưa người Việt lặn xuống nước đội thuyền địch để lập úp. Đỗ Mục nói chúng có kẻ đi chìm dưới đáy bể 50 dặm mà không thở. Vả nay, thuyền buôn thường gặp giặc bể, bị chúng lặn dưới nước đục thuyền”.
Nội dung bản tấu đó phản ánh tâm trạng lo sợ của nhà Tống trước thủy quân của nước ta trong cuộc chiến tranh giữa Đại Việt với Tống triều năm Ất Mão (1075) - Bính Thìn (1076).
Một nhân vật nổi tiếng trong quân đội thời Trần về tài “lặn xuống nước đục chìm thuyền giặc” đó là Yết Kiêu, một gia nô của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Nhiều tư liệu ghi chép về Yết Kiêu, như trong sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện gọi ông là dị nhân và có viết về chiến công ấy như sau:
“Khi ấy giặc Bắc cưỡi mấy trăm chiếc thuyền vượt biển tới cửa Vạn Ninh, người trong nước rất sợ hãi, tìm kẻ có thể đánh lui giặc Bắc ở khắp trong ngoài để phong thưởng. Dị nhân bèn lặn vào trong biển, đến dưới thuyền dùng sắt nhọn mà đục, thuyền vỡ bị nước đánh chìm. Giặc Bắc sợ hãi không hiểu tại sao bèn lấy thủy tinh soi, từ cao nhìn xuống đáy biển thấy có người ngắm đục ở bên cạnh thuyền vội bủa lưới thép để bắt. Dị nhân bèn bị bắt sống. Giặc cởi trói rồi hỏi: Nước Nam có bao nhiêu đứa giỏi như mày? Đáp: Kẻ giỏi như ta rất nhiều, hiện nay đang ở dưới bể đục thuyền. Ta chẳng may bị bắt, Thượng quốc nếu dùng đến ta, ta sẽ dẫn đến chỗ bọn họ, thả sức mà bắt. Giặc Bắc tin lời sai đem thuyền nhẹ để đi. Dị nhân thừa cơ lúc sơ hở nhảy xuống nước trốn mất. Bọn giặc trong thuyền nhìn nhau không biết làm thế nào.
Khi ấy giặc Bắc thấy thuyền chìm rất nhiều, lại nghe nói nước ta nhiều người giỏi lặn nước bèn không dám ở lại, đưa toàn quân trở về phương Bắc”.
Yết Kiêu mưu trí thoát khỏi tay giặ. (Hình minh họa – Nguồn: vscso.org).
Nhiều người thường nghĩ chỉ có mỗi Yết Kiêu là có tài năng khác thường như vậy, tuy nhiên qua câu trả lời quân giặc của ông mà một số thư tịch đã ghi lại thì người đục thuyền giặc không chỉ có mình Yết Kiêu. Thực tế thì điều này hoàn toàn có cơ sở, mặc dù chính sử không chép nhưng giai thoại, thần tích tại đình, đền thờ phụng một số nhân vật thời Trần đã cho biết điều đó.
Tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình có ngôi đền thờ Trương Long quê ở đây, nơi mà xưa kia gọi là phường thủy cơ Bố Hải Khẩu, phủ Kiến Xương, xứ Sơn Nam Hạ. Truyền rằng ông là người có sức khỏe, bơi lội giỏi, được sung vào thủy quân của triều đình; ông từng lập một đội chuyên đục thuyền giặc và có đóng góp trong trận Bạch Đằng lịch sử diễn ra vào tháng 3 năm Mậu Tý (1288), nhờ đó Trương Long được triều đình phong làm Hiển Hựu hầu.
Hay như nhân vật Hoàng Tá Thốn quê ở Văn Tràng, (nay thuộc xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết ông là Nội thư gia đời Trần, có công đánh giặc Nguyên Mông nên được phong tước Minh Tự, khi mất được ban vị hiệu là Sát Hải đại tướng quân Hoàng Minh Tự đại liêu, được nhiều nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lập đền thờ. Ông là người rất giỏi bơi lặn, thường lặn xuống nước đục thuyền giặc với cách rất đặc biệt, đục xong lỗ nào lại lấy dẻ nút lại, được bốn năm lỗ rồi mới cùng lúc kéo các nút dẻ ra làm nước ộc nhanh vào thuyền, quân giặc không thể bịt lại được, thuyền đắm rất nhanh.
Đội kình ngư tung hoành dưới mặt nước. (Hình minh họa – Nguồn: truyentranhvn).
Một số người khác cũng tài giỏi không kém, đó là Đỗ Hành, quê ở hương Cổ Hoằng, lộ Thanh Hoa (nay là thôn Nhân Mỹ, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), người bắt sống hai tướng lĩnh cao cấp của của Nguyên Mông là Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc. Hay như Hoàng Minh, quê ở trang Vạn Phấn, huyện Thụy Anh, phủ Long Hưng (nay là thôn Phấn Vũ, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, Thái Bình) chỉ huy một đội chuyên làm nhiệm vụ thám thính và đục thuyền giặc. Ông đã lập công trong trận Đại Bàng (cửa biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình ngày nay) vào ngày mồng 8 tháng giêng năm Mậu Tý (1288)…
Do thiếu thốn về nguồn tư liệu và ít được nhắc đến trong sử sách nên hậu thế khó mà biết rõ từ triều Hồ trở về sau việc tổ chức cũng như hoạt động của lực lượng “đặc công nước” diễn ra như thế nào. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng, chiến công của thủy quân nước Việt trong các cuộc chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, có phần đóng góp không nhỏ của những “kình ngư” dũng cảm, họ là những anh hùng ẩn danh trong lịch sử.
Lê Hùng Phong (Kiến Thức)