Những trắc trở trong cuộc đời của hai vị hoàng hậu triều Nguyễn

Triều Nguyễn tồn tại 143 năm, qua 13 đời vua trị vì nhưng chỉ có hai vị hoàng hậu đầu tiên và cuối cùng được sắc phong khi còn sống. Đó là hoàng hậu Thừa Thiên Cao (Tống Thị Lan), vợ vua Gia Long và hoàng hậu Nam Phương (Nguyễn Hữu Thị Lan), vợ vua Bảo Đại. Cuộc đời của hai vị hoàng hậu này gặp nhiều trắc trở. Cho đến nay, sử sách cũng chưa lí giải được vì sao từ thời vua Minh Mạng trở đi đều để trống ngôi vị hoàng hậu, chỉ ban tước cao nhất là hoàng quý phi, giúp hoàng thái hậu trông coi lương thực, chỉnh tề công việc bên trong.

Người vợ đồng cam cộng khổ với vua Gia Long

Những trắc trở trong cuộc đời của hai vị hoàng hậu triều Nguyễn - Ảnh 1.

Hoàng hậu Thừa Thiên Cao sinh năm 1762 và mất năm 1814 tên thật của bà là Tống Thị Lan, là vợ đầu tiên của vua Gia Long, bôn ba khắp nơi theo ông gây dựng lại cơ đồ chúa Nguyễn. Vào năm 1778, bà theo cha là Quý quốc công Tống Phúc Khuông cùng gia quyến vào Gia Định. Năm bà 18 tuổi, Nguyễn Phúc Ánh đã đích than đem lễ vật đến hỏi cưới bà và lập làm nguyên phi. Bà là một người cẩn trọng, có phép tắc lễ độ nên được gia đình nhà chồng yêu quý.

Khi bị nhà Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Phúc Ánh cầu cứu quân Xiêm La, và đem con trai là hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh 3 tuổi giao cho giáo sĩ Bá Đa Lộc làm con tin, sang Pháp hòng cầu thêm ngoại viện. Chia ly chẳng biết ngày nào đoàn tụ, ông đã chặt đôi nén vàng, giữ lại một nửa còn một nửa đưa cho vợ và nói "Con chúng ta đi rồi, ta cũng sẽ đi đây, phi hãy phụng dưỡng quốc mẫu (mẹ chồng). Chưa biết sau này chúng ta sẽ gặp nhau ở nơi nào và ở ngày nào, đem vàng này để làm của tin". Bà nuốt nước mắt, nhận trọng trách phụng dưỡng mẹ chồng, chăm nom gia tộc trong suốt thời gian đó.

Nguyễn Phúc Ánh cầu cứu được 50 nghìn viện binh Xiêm La nhưng vẫn bị nhà Tây Sơn đè bẹp. Bà Tống Thị Lan cùng mẹ chồng ẩn mình ở đảo Phú Quốc, ngày ngày ngóng đợi tin. Khi Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được thành ở Gia Định liền cho người đến đón mẹ và vợ về. Từ đây, bà luôn đi theo ông để chăm lo mọi việc.

Vào năm 1793, Nguyễn Phúc Ánh đề nghị mẹ mình làm mẹ nuôi cho hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (vua Minh Mạng) dù mẹ đẻ của hoàng tử là bà Trần Thị Đang (hoàng hậu Thuận Thiên Cao) còn đang khoẻ mạnh. Bà bằng lòng chấp nhận với điều kiện của chồng là phải viết giao ước. Nguyễn Phúc Ánh đồng ý, từ đó hoàng tử Đảm về ở với bà.

Tới năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đã lật đổ nhà Tây Sơn, lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long. Một năm sau, Tống Thị Lan được lập làm vương hậu và năm 1806 thì bà được phong làm hoàng hậu. Nhà vua có hơn trăm phi tần những chỉ lập ngôi hậu duy nhất cho bà. Tiếc là chưa hưởng phúc được bao lâu thì bà qua đời vào năm 1814, hưởng thọ 53 tuổi. Vua Gia Long thương tiếc nên khóc lóc rất thảm thương, để tang bà một năm theo lễ.

Hoàng hậu được an táng ngay cạnh mộ vua Gia Long trong khuôn viên Thiên Thọ lăng. Đây là lăng tẩm duy nhất của nhà Nguyễn có mộ vua và hoàng hậu được đặt cạnh nhau.

Hoàng hậu Thừa Thiên Cao sinh được hai người con trai nhưng đều mất sớm, trước khi vua Gia Long đoạt được sơn hà. Cuộc đời hoàng hậu đầu tiên của triều Nguyễn gặp nhiều trắc trở, con cháu bà dù thuộc dòng đích (con cả) của vua Gia Long nhưng cũng chịu nhiều đắng cay, trầm luân trong cuộc củng cố vương quyền dưới thời vua Minh Mạng khi người chết, người bị giáng xuống làm thường dân.

Con trai đầu của bà là hoàng tử Cảnh năm lên 3 tuổi đã theo Bá Đa Lộc đi làm con tin, lênh đênh chân trời góc bể, sau này lên ngôi ở đông cung thái tử chưa được bao lâu thì mắc bệnh đậu mùa rồi qua đời khi mới 21 tuổi, để lại vợ và hai người con trai. Sau này, vua Gia Long không được chọn cháu đích tôn Nguyễn Phúc Mỹ Đường, con trai cả của hoàng tử Cảnh lên nối ngôi, mà truyền ngôi cho hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm.

Dưới thời vua Minh Mạng, con dâu, cháu nội của hoàng hậu Thừa Thiên Cao bị giáng cho tội thông dâm với nhau, người bị dìm dưới nước cho đến chết, người phải giao trả ấn tín, bị giáng xuống làm thứ dân, người bị bệnh mà chết. Sau chắt nội của bà được phong tước để lo việc thờ phụng hoàng thái tử Anh Duệ (tức hoảng tử Cảnh). Cuộc trầm luân vẫn chưa kết thúc, vào năm 1836, triều thần tiếp tục nghị tội buộc dòng dõi của hoàng tử Cảnh bị giáng xuống làm dân thường mới được tạm yên ổn.

Nói về cuộc đời của hoàng hậu Thừa Thiên Cao, tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thuần cho hay, việc bắt Nguyễn Phúc Ánh làm tờ giao ước khi nhận Nguyễn Phúc Đảm làm con nuôi là biểu hiện của sự cẩn trọng của bà đối với bản thân mình, cũng là cẩn trọng đối với chính người chồng. Tiếc là sự cẩn trọng đó vẫn chưa đủ. Theo TS Thuần, thời điểm ấy có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của hoàng tử Cảnh chẳng có biểu hiện gì, vua Minh Mạng muốn yên vị trên ngai vàng ắt phải ép Mỹ Đường vào tội thất đức là thông dâm với mẹ.

"Vua Minh Mạng… từ nhỏ đã được hoàng hậu Thừa Thiên Cao nuôi dưỡng, với hoàng tử Cảnh khác chi anh em cùng cha cùng mẹ, thế mà cam tâm giết hại chị dâu, đày đoạ các con của anh. Ai đó nói rằng, phàm là hoàng đế thì chẳng thể dung tha dòng trưởng tộc của tộc họ nhà mình. Mức độ đúng sai với ai thì cũng chưa rõ, nhưng với vua Minh Mạng thì chí lý thay", TS Thuần đánh giá.

Cuộc đời vui buồn của hoàng hậu Nam Phương

Những trắc trở trong cuộc đời của hai vị hoàng hậu triều Nguyễn - Ảnh 2.

Hoàng hậu Nam Phương sinh năm 1914 và mất năm 1963 tên thật của bà là Nguyễn Hữu Thị Lan. Bà là vợ của vua Bảo Đại, nổi tiếng bởi vẻ đẹp dịu dàng, đức hạnh và tài năng.

Vua Bảo Đại về nước vào năm 1932, sau 10 năm đi học ở Pháp. Vị vua trẻ đẹp trai, thích chơi thể thao, săn bắn trở thành người chồng lý tưởng của biết bao cô gái nhà quyền quý. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì người đầu tiên được chọn làm vợ vua Bảo Đại không phải là bà Nam Phương mà là cô Bạch Yến, con gái của ông Phó bảng Nguyễn Đình Tiến quê ở Phong Điền (nay là Thừa Thiên Huế). Cô Yến được dạy chơi đàn ca, nghi lễ chuẩn bị tiến cung nhưng đến cuối cùng không được chọn.

Dưới sự sắp xếp của vợ chồng Charles (nguyên Khâm sứ Trung Kỳ), vua Bảo Đại gặp gỡ cô Lan tại một buổi tiệc ở Đà Lạt. Không chỉ có ngoại hình xinh đẹp, cô Lan còn từng 3 lần đoạt giải hoa hậu Đông Dương, cháu ngoại ông Huyện Sỹ giàu nhất miền Nam thời bấy giờ. Hoàng đế trẻ bị người con gái mặc dài lụa đen, gương mặt thanh thoát không trang điểm cuốn hút. Họ thường gặp lại nhau một cách "bất ngờ" sau lần hội ngộ đầu tiên ấy.

Khi Bảo Đại ngỏ lời cầu hôn, cô Lan liền đồng ý lấy ông với 3 điều kiện: Được tấn phong làm hoàng hậu ngay trong lễ cưới; Được giữ lại nguyên đạo thiên chúa, các con sau khi được sinh ra đều được rửa tội, được giữ đạo; Cuộc hôn nhân này phải được Toà thánh La Mã cho phép, hai người giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai bắt buộc ai về tôn giáo.

Cuộc hôn nhân gặp nhiều bàn tán, vấp phải nhiều lễ giáo mấy trăm năm của tiền triều. Nhưng với sự quyết tâm của ông vua được ăn học bên Tây, hôn lễ vẫn được tổ chức vào ngày 20/03/1934 tại điện Cần Chánh (nơi vua thiết triều). Lần đầu tiên trong lịch sử nhà Nguyễn, có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình, được mặc phẩm phục màu vàng cam (màu sắc chỉ dành riêng cho hoàng đế). Ngay sau lễ cưới, Bảo Đại đã tấn phong cho bà Nguyễn Hữu Thị Lan làm hoàng hậu. Tên hiệu của bà là Nam Phương có nghĩa là "hương thơm của phương Nam".

Vua Bảo Đại còn sửa lại nội thất điện Kiến Trung cổ kính thành nơi tân tiến với nhiều tiện nghi như có nhiều phòng ngủ, phòng ăn và phòng làm việc. Là người theo học ở nước ngoài nhiều năm, hoàng hậu Nam Phương giúp chồng ngoại giao, đón tiếp quốc khách, giao thiệp với người Pháp, trong nước làm khuyến học, giúp đỡ người nghèo. Bà sinh cho vua Bảo Đại 5 người con gồm có hoàng thái tử Bảo Long, công chúa Phương Mai, Phương Dung, Phương Liên và hoàng tử Bảo Thăng.

Hoàng hậu Nam Phương có một tuổi thanh xuân êm đềm, bược vào cuộc hôn nhân tưởng chừng viên mãn rồi rạn nứt, bà sống thiếu hạnh phúc vào những năm cuối đời và chết trong sự cô đơn ở nơi đất khách. Vào tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị rồi ra làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà theo lời của Chủ tịch Hồ Chính Minh. Bà Nam Phương cùng các con dọn ra cung An Định, bên bờ sông An Cựu sống.

Thanh xuân của hoàng hậu Nam Phương trôi qua êm đềm. Tưởng chừng như bà sẽ có một cuộc hôn nhân viên mãn nhưng rồi lại rạn nứt, sống thiếu hạnh phúc những năm cuối đời và chết trong cô đơn nơi đất khách. Tháng 8/1945, sau khi thoái vị, vua Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Nam Phương cùng các con dọn ra cung An Định, bên bờ sông An Cựu sống.

Rời bỏ cuộc sống giàu sang của một bà hoàng, bà dốc sức để nuôi dạy con cái của mình. Không chỉ vậy, bà còn tích cực tham gia vào các hoạt động góp vàng bạc và vận động người dân Huế để quyên góp tiền cho chính quyền mới. Sử dụng nhân danh cựu hoàng hậu của nước Việt Nam, bà đã thay mặt cho 13 triệu phụ nữ Việt Nam để gửi thông điệp đến phụ nữ trên toàn thế giới, tố cáo âm mưu lăm le quay lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.

Mặc dù đã công khai chống lại tục đa thê của vua chúa Việt Nam, nhưng cựu hoàng Bảo Đại vẫn có vô số nhân tình bên ngoài. Chuyện gia đình và chuyện nước không vui khiến cựu hoàng hậu và các con phải qua Pháp sinh sống còn Bảo Đại ở lại Việt Nam. Ông đã quay lại cộng tác với Pháp năm 1949 sau khi không chịu được sức ép và khó khan của hoàn cảnh. Vào năm 1955, khi Ngô Đình Diệm lên thay thế, ông bị tịch thu tài sản ở Sài Gòn và cả ở Pháp. Bảo Đại uất ức, bỏ nhà đi săn và theo đổi nhân tình. Gia đình tan tác khiến bà Nam Phương phải chịu nhiều đau khổ.

Cựu hoàng hậu sống lặng lẽ tại ngôi làng Chabrignac, một khu vực nông thôn yên bình của Pháp. Bảo Đại ít khi về thăm bà, chỉ vài lần và thường rất ngắn ngủi. Hoàng hậu Nam Phương qua đời vào ngày 14/09/1963. Hôm đó bà thấy người mệt mỏi, được bác sĩ chẩn đoán viêm họng nhẹ và uống thuốc trong vài hôm. Tuy nhiên, bà thấy khó thở rồi qua đời ngay trong đêm đó, khi mới 49 tuổi. Những năm cuối đời vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn sống cô đơn, không có người thân bên cạnh ngoài các nàng hầu. Khi đó, các con bà đều đang học tập và làm việc ở Paris.

Đám tang của hoàng hậu Nam Phương được tổ chức tại nhà thờ Chabrignac, có đầy đủ dân làng yêu mến bà. Các con của bà, cả con trai lẫn con gái, đã trở về để tiễn đưa mẹ cuối cùng, riêng người chồng Bảo Đại thì không có mặt tại đám tang. Bà được an táng ngay tại khu mộ thuộc gia đình bá tước De La Besse. Bà bá tước cũng chính là công chúa Như Lý, con gái của vua Hàm Nghi. Bá tước cảm thấy đau xót khi biết tin và nói "Chúng ta đã sống cạnh nhau trong năm năm mà không biết nhau. Thật đáng tiếc khi chỉ sau khi cháu Nam Phương qua đời, chúng ta mới được gặp nhau."

Với người dân tại Chabrignac, mộ hoàng hậu Nam Phương trở thành một trong ba di sản quý giá của làng. Trên bia đá đơn sơ, ghi dòng chữ Hán "Đại Nam Nam Phương hoàng hậu chi lăng", mặt sau là dòng chữ Pháp "Đây là nơi an nghỉ của hoàng hậu An Nam, nhũ danh Maria Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan". Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, người ta đã chôn cất bà cùng với những đồ trang sức quý giá để bày tỏ tình thương mến đối với bà. Tuy nhiên, việc đó để lại hậu quả không tốt khi bọn trộm đã nhiều lần đào bới để tìm vàng.

THEO DANVIET