Nữ anh hùng 3 lần được truy điệu sống

Trong ngôi nhà nhỏ tại ngõ  đường Hồng Bàng, phường Lê Mao, TP.Vinh (Nghệ An) tôi gặp chị Hồ Thị Thu Hiền – nữ TNXP được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Chị Hiền gia nhập TNXP từ lúc 18 tuổi và phục vụ tại địa phương. Ba  năm sau, chị chính thức tham gia vào Đại đội 202 - N241, P31 lực lượng TNXP Nghệ An, giữ chức vụ Đại đội trưởng.

Quyết tâm khi 3 lần được truy điệu sống

 

Nữ TNXP Hồ Thị Thu Hiền (đội mũ) trong một lần gặp gỡ và giao lưu với thanh niên Trung Quốc. Ảnh: NVCC

Chị Hiền nhớ lại, năm 1969, đại đội 202 (gồm 150 thanh niên của 11 huyện trong tỉnh Nghệ An) nhận lệnh hành quân vào chiến trường Bình-Trị-Thiên để vận chuyển lương thực, thuốc men, súng đạn cho chiến trường và tải thương binh về hậu phương.

 Chị nhớ lại 3 lần được đồng đội làm lễ truy điệu sống. Đó là vào tháng 3.1971, sau khi kết thúc chiến dịch ở Quảng Trị, đơn vị được điều ra Đồng Hới để mở tuyến đường từ Quảng Bình lên Cộn dài chừng 10km, tạo thêm đường nhánh răng lược cho bộ đội hành quân. Đây là tuyến đường quan trọng, địch ngày đêm bắn phá nhằm ngăn cản lực lượng của ta mở đường. Rất nhiều đồng đội  TNXP của chị HIền ngã xuống trên cung đường này, nhiệm vụ ngày càng khó khăn. Nữ đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền đã xung phong nhận nhiệm vụ rà bom mìn. Nhiều đồng đội can ngăn, anh em xin đi thay nhưng chị cương quyết từ chối.

Trước quyết tâm không lay chuyển ấy, toàn bộ đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho chị. 1 quả, 2 quả, rồi 3 quả bom tấn được phá thành công, anh em đồng đội chạy ào đến ôm người đại đội trưởng mà khóc. Tuyến đường được thông, những chuyến xe hàng lại bon bon ra mặt trận...

Trước yêu cầu của chiến trường, Đại đội 202 của chị Hiền được lệnh rời Quảng Bình vào Đường 9-Nam Lào (Quảng Trị) làm nhiệm vụ chuyển thương binh về hậu phương. Với quyết tâm “Không để thương binh bị thương lần 2”, “Bảo vệ thương binh như bảo vệ chính bản thân mình”, cả đại đội viết đơn tình nguyện bằng máu để được đi. Quyết tâm làm bằng được, đơn vị quyết định mở một con đường khác để tải thương binh ra. Chị Hiền kể, đường vào trận địa đâu có sẵn, đầy rẫy những bom từ trường, bom bi chưa phát nổ thì việc mò mẫm trong rừng không ai bảo đảm rằng có khả năng trở về. Thế nên, chị thành lập tổ cảm tử gồm 8 đồng chí, do chị chỉ huy đi mở đường. Lần thứ hai đơn vị lại làm lễ truy điệu sống người đại đội trưởng can trường và các TNXP cảm tử. Lần đó, chị cùng đồng đội trở về bình an.

Năm 1972, chiến dịch Nam Lào thắng lợi, đơn vị 202 lại nhận được nhiệm vụ mới là làm đường chiến lược và lấp hố bom từ Quán Hàu ngược lên Hướng Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình). Tuyến đường này ngày đêm bị địch rải bom, bắn phá ác liệt, và còn đó các quả bom từ trường, bom bi… chưa phát nổ đe dọa những chuyến xe của bộ đội ta. Hôm đó, người nữ đại đội trưởng mặc chiếc áo trắng làm hoa tiêu cho xe chở hàng đi qua thì phát hiện 3 quả bom do máy bay B52 thả xuống nhưng chưa nổ, nằm chắn ngang đường. Chị Hiền cùng 5 đồng đội tìm cách vô hiệu hóa bom. “Lần này đồng đội tiếp tục tổ chức làm lễ chào cờ và truy điệu sống cho mình và 4 đồng đội”- chị Hiền nói về lần thứ 3 chị được làm lễ truy điệu sống. Và, rồi tổ cảm tử đã mưu trí dùng những đoạn cây nhỏ, nhẹ nhàng lăn 3 quả bom xuống vực sâu, phát nổ. Tuyến đường lại được thông suốt cho xe qua.

Ngày đêm nhớ đồng đội...

Bà Hồ Thị Thu Hiền. C.T

Đất nước thống nhất, nữ TNXP Hồ Thị Thu Hiền ra quân với thương tật 3/4, khi đó chị mới 28 tuổi. Chị được lãnh đạo phân công về công tác tại Sở GTVT tỉnh Quảng Bình. Năm 1976, chị xin chuyển công tác về quê hương Nghệ An, và được bổ nhiệm làm Bí thư đoàn Công ty Xây dựng công trình kỹ thuật TP.Vinh. Những ngày đầu trở về địa phương công tác, chị bất ngờ gặp lại chàng trai Hoàng Văn Cự (trú cùng xã), cũng trở về từ chiến trường. Họ từng gặp nhau trong những ngày lửa đạn ở Trường Sơn. Khi nhận ra nhau, tình yêu nảy nở và họ quyết định gắn bó cuộc đời với nhau. Vì nghĩa vụ, sau ngày cưới không được bao lâu, anh Hoàng Văn Cự lại phải khoác ba lô vào đơn vị làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam. Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng một mình chị vẫn tần tảo việc nước, thu vén việc nhà, nuôi 3 đưa con khôn lớn trưởng thành. Đến năm 1983, vết thương tái phát, chị phải về hưu sớm để có điều kiện chữa bệnh.

Chiến tranh kết thúc, cả Đại đội 202 của Đại đội trưởng Hồ Thị Thu Hiền có 10 đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Điều làm chị đau xót nhất là trong số ấy chỉ có 3 người chết thi thể còn nguyên vẹn và tìm thấy phần mộ. Còn lại 7 người trúng bom hy sinh, người được nhiều thì còn khúc xương, người ít thì còn khúc ruột... 

THEO DANVIET